Những tỷ phú đá bóng & kỹ nghệ làm tiền thời hiện đại

Thứ Tư, 21/09/2011, 16:29
Cơn mưa tiền không rơi vào túi các cầu thủ một cách tự nhiên, tất yếu, mà trong rất nhiều trường hợp, nó chỉ rơi xuống nhờ những "kỹ nghệ làm tiền" siêu hạng. Cái kỹ nghệ mà giới Cat Walk khi nhìn vào giới cầu thủ có lẽ cũng phải mắt tròn mặt dẹt mà thán phục.

Đã xa lắm rồi cái thời cầu thủ Việt Nam vừa ra sân vừa bấm bụng vì đói ăn. Cũng xa lắm rồi cái thời cầu thủ cố theo nghiệp bóng đá chỉ để sau này được "vào ngành", được sống những năm tháng cuối đời ổn định. Nghề cầu thủ bây giờ khiến người ta có thể đổi đời nhanh tới mức chỉ sau 10 - 15 năm, một người vốn chỉ quen ngồi trên lưng con trâu hoàn toàn có thể ngồi sau vô lăng một chiếc Audi bóng loáng.

Thế nhưng cơn mưa tiền không rơi vào túi các cầu thủ một cách tự nhiên, tất yếu, mà trong rất nhiều trường hợp, nó chỉ rơi xuống nhờ những "kỹ nghệ làm tiền" siêu hạng. Cái kỹ nghệ mà giới Cat Walk khi nhìn vào giới cầu thủ có lẽ cũng phải mắt tròn mặt dẹt mà thán phục. 

Nghịch lý đồng tiền trên sân bóng Việt

Hôm ĐTVN hội quân chuẩn bị cho các trận đấu ở vòng loại World Cup 2014, ở bãi đỗ xe của trung tâm Thành Long (TP HCM) người ta thấy xuất hiện rất nhiều chiếc xế hộp đời mới. Và các cầu thủ - chủ nhân của những chiếc xế hộp đời mới ấy hầu hết đều mặc quần áo hiệu, đeo đồng hồ hiệu, sử dụng nước hoa hàng hiệu. Tất cả cho người ta cái cảm giác, thế giới cầu thủ bây giờ sang trọng, xa hoa tới mức không tưởng.

Nhưng bình tâm suy xét mới thấy sự sang trọng, xa hoa ấy là dễ hiểu, bởi thu nhập trung bình của giới cầu thủ bây giờ ước tính cao gấp chục lần so với thu nhập bình quân trong xã hội. Vũ Như Thành - một trung vệ cứng cựa của CLB The Vissai Ninh Bình nhận mức lương 80 triệu đồng/tháng. Cứ sau mỗi trận thắng của Ninh Bình, Như Thành nhận thêm khoảng 20 triệu đồng tiền thưởng nữa.

Và trước đó, khi chuyển từ Bình Dương về Ninh Bình, Như Thành cũng nhận một khoản lót tay không dưới 8 tỷ đồng. Như vậy, tính sơ sơ, một tháng Như Thành hoàn toàn có thể gặt được khoảng trên dưới 150 triệu đồng. Tất nhiên, trong giới bóng đá hiện nay, không phải ai cũng có thu nhập thời thượng như Như Thành, nhưng những cầu thủ hàng sao như Công Vinh, Tài Em, Minh Phương, Việt Thắng, Quang Hải cũng phải có  tổng thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Còn những cầu thủ "trình" thấp hơn cũng phải có thu nhập bình quân từ 30 - 50 triệu đồng/tháng.

Lâu nay người ta thường nhìn vào khoảng chênh lệch khủng khiếp giữa thu nhập bình quân của cầu thủ so với thu nhập bình quân đầu người trong xã hội để khẳng định đấy là một nghịch lý ghê gớm của BĐVN. Nhưng thực tế chẳng riêng BĐVN, ở châu Âu cũng  đã có những phân tích cho thấy thu nhập của một ngôi sao bóng đá cỡ Ronaldo của Real Madrid cũng cao hơn rất nhiều so với thu nhập của một giáo sư, tiến sĩ đầu ngành.

Vấn đề là ở châu Âu, cầu thủ được trang bị một nền tảng văn hóa đủ dày để biết "nhận thức chuẩn xác" về đồng tiền, từ đó biết tiêu tiền có ích, còn cầu thủ ở ta thì gần như không. Và ở châu Âu, các trận đấu của các cầu thủ hàng sao luôn diễn ra trong tình trạng chật cứng khán giả, còn ở ta, thống kê của VFF cho thấy lượng khán giả qua mỗi mùa V.League đang giảm sút trầm trọng. Riêng ở mùa bóng vừa rồi, có quá nửa các trận đấu diễn ra trong tình cảnh "vắng như chùa Bà Đanh". Sự nghịch lý trong thu nhập của các "tỷ phú bóng đá" Việt Nam, nếu có nằm chính ở chỗ này.

Kỹ nghệ giả chết để kiếm tiền thưởng

Như đã nói, sở dĩ cầu thủ lắm tiền là vì họ được trả lương cao, được nhận thưởng đều, và được "gặt" những khoản lót tay kỷ lúc mỗi khi chuyển CLB. Tuy nhiên họ không ngồi yên để nhận tất cả những thứ đó một cách thụ động. Trái lại, họ biết sử dụng các kỹ nghệ để nhân cái khoản lương/thưởng ấy cao hơn rất nhiều so với mức xuất phát điểm ban đầu, mà một trong những kỹ nghệ dễ thực hiện nhất là "kỹ nghệ giả chết".

V.League cách đây vài năm có một đội bóng lực lượng rất đồng đều, nếu cứ thả sức đá, đội bóng ấy hoàn toàn có thể nằm trong top 5 đội mạnh nhất giải. Thế nhưng rất lạ là phong độ của các cầu thủ luôn lên - xuống thất thường, khiến cho đến giai đoạn cuối mùa, họ luôn nằm ở nhóm cuối bảng. Khi đội bóng chưa ở nhóm cuối bảng, mức thưởng cho một trận thắng là 200 triệu đồng. Nhưng khi đội bóng đã ở nhóm cuối, nghĩa là đứng trong cảnh một sống hai chết thì các ông bầu buộc phải nâng mức thưởng để mong cầu thủ đá hết mình. Thế là cái khoản 200 triệu đồng cho một chiến thắng kia phút chốc được hô biến thành 600 triệu đồng.

Nhưng đến đây vẫn chưa hết, khi mùa giải kết thúc, đội bóng này không trụ hạng, cũng không xuống hạng ngay mà lại nằm ở vị trí "vừa đủ" để đi đá Play Off - nghĩa là đá thêm một trận sinh tử nữa với một đội bóng ở hạng Nhất để quyết định số phận của mình. Đứng trước trận đấu sinh tử này thì tiền thưởng cho đội dĩ nhiên không phải 200 triệu, cũng chẳng phải 600 triệu, mà được bơm lên trên dưới 1 tỷ đồng.

Đấy là còn chưa nói một vài sao cỡ bự  còn gặp riêng ông bầu đòi phải được thưởng một khoản riêng thì mới ra sân và mới đá hết sức. Đến nước này thì ông bầu biết là mình đã "bị chơi", nhưng trước một trận đấu định mệnh, ảnh hưởng đến cả một tiền đồ chẳng nhẽ lại lên án các cầu thủ? Vậy nên dù rất đau, ông bầu ấy vẫn phải ngon ngọt với cầu thủ, và vẫn phải bấm bụng rút ra những khoản thưởng, đúng  theo đề xuất của cầu thủ.

V.League năm vừa rồi không có trận đấu Play Off, nhưng cũng đã có những nghi vấn về việc có những nhóm cầu thủ đã đưa đội bóng của mình vào "điểm chết", để rồi sau đó lại đưa đội bóng thoát chết nhằm gặt những khoản thưởng kỷ lục. Nó kỷ lục tới mức, cầu thủ Hòa Phát.Hà Nội sau chỉ một trận "chung kết ngược" với ĐT.LA cũng nhận được 2 tỷ đồng, còn cầu thủ Hải Phòng sau bốn trận sinh tử cuối mùa cũng nhận cả thảy 10 tỷ đồng. Ở đây, không ai chứng minh được có phải cầu thủ Hải Phòng và Hòa Phát cố tình đưa đội bóng của mình vào "điểm chết" hay không, bởi bóng đá có một tính chất muôn thủa của nó: Một đội bóng rất mạnh hoàn toàn có thể thua một đội bóng rất yếu và mọi bất ngờ đều có thể xảy ra.

Chính bởi cái tính chất muôn thủa này mà người ta sợ rằng các cầu thủ sẽ còn lách vào đó để "giả chết" và để biện hộ cho cái sự "giả chết" của mình thêm nhiều lần nữa (?).

Kỹ nghệ tung tin ảo để lấy giá thật

Bao giờ cũng vậy, khi hợp đồng của một cầu thủ với một CLB chuẩn bị kết thúc là y như rằng cái tên của cầu thủ ấy lại xuất hiện chi chít trên nhiều trang báo theo kiểu "Anh ấy sắp về CLB này, CLB kia với giá này, giá kia…". Có thể cầu thủ quả đúng là được nhiều CLB mời gọi, nhưng có thể đấy chỉ là một chiêu… làm giá. BĐVN thời chuyên nghiệp sơ khai, các cầu thủ làm giá theo kiểu điện thoại cho một "nhóm phóng viên ruột" để nhờ tung tin, viết bài.

Nhưng càng ngày, cái kiểu nhờ vả trực tiếp như thế càng lòi ra sự lợi bất cập hại, bởi nhiều phóng viên bên cạnh việc chơi với cầu thủ cũng chơi rất thân với các ông bầu. Thế nên đã có trường hợp một phóng viên "ăn hai mang" theo kiểu vừa giúp cầu thủ tung tin ảo, lại vừa điểm huyệt cái ảo ấy với những ông bầu thân thiết với mình.

Chính vì vậy bây giờ số lượng cầu thủ làm việc trực tiếp với các phóng viên ngày một ít đi, thay vào đó họ làm việc với "cò cầu thủ", và giao phó hẳn mọi việc cho "cò". Thế nên mới có chuyện một ông "cò" nổi đình nổi đám trong giới bóng đá hiện nay có mối quan hệ khăng khít với rất nhiều mặt báo, và thông qua nguồn tin của tay "cò" này nhiều mặt báo thi nhau đưa tin về việc cầu thủ này, cầu thủ kia đang được CLB này, CLB kia sẵn sàng vung tiền tỷ mua về.

Ca sỹ Thủy Tiên và Công Vinh.

Mới đây, làng bóng bỗng xôn xao với việc ca sĩ Thủy Tiên - người yêu của Công Vinh lên báo nói về việc muốn "sống thử", và muốn cuộc sống ấy diễn ra ở Sài Gòn. Thời điểm bài báo này xuất hiện cũng là thời điểm hợp đồng giữa Công Vinh với HN.T&T sắp kết thúc, nên ngay lập tức đã có dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng đây cũng chính là một chiêu "làm giá"?

Khi bị dư luận tấn công dữ dội quá, Thủy Tiên mới đây đã lên báo đính chính rằng mình không hề đề cập đến chuyện "sống thử", và rằng những gì bài báo tung tin là sai sự thật. Ở đây, có thể quả đúng là Thủy Tiên bị "oan", nhưng những ai sống với giới show biz cũng không lạ gì việc một ngôi sao vừa nói điều A rồi sẵn sàng phủ nhận lại cái điều A ấy. Do vậy, người ta chỉ có thể tin tuyệt đối khi ngôi sao ấy không chỉ dừng lại ở việc kêu "oan", mà dám kiện ngược trở lại đối tượng đã làm mình "oan ức"(?).

Vẫn liên quan đến Công Vinh, những ngày này lại xuất hiện thông tin CLB Slavia Prague của Cộng hòa Czech mời anh thi đấu. Tuy nhiên, khi truy cập website của CLB này người ta không tìm kiếm dù chỉ một dòng xác tín nào quanh việc họ đã liên lạc với Công Vinh.

Tìm hiểu cặn kẽ mới biết, hóa ra cái tin Công Vinh được mời sang Czech xuất hiện ở Wikipedia - một trang mà bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể đưa tin lên đó. Và mới đây, chính những fan hâm mộ của CLB Slavia Prague, trong đó có cả người quản lý website của CLB này khẳng định trên website của mình rằng đấy chỉ là một trò đùa không hơn không kém.

Ai là chủ nhân thật sự của trò đùa này? Thật khó trả lời chính xác, nhưng rõ ràng với thông tin Công Vinh được Slavia "đặt vấn đề" thì bây giờ mọi đội bóng muốn có chữ ký với Công Vinh chắc chắn phải trả anh một khoản lót tay kỷ lục.

Hòa Phát.Hà Nội bỏ bóng đá vì chán VFF hay vì… làm ăn thua lỗ?

Hôm qua, Chủ tịch CLB Hòa Phát. Hà Nội Nguyễn Mạnh Tuấn đột ngột cho biết Tập đoàn Hòa Phát quyết định không đầu tư vào bóng đá nữa. Do đó CLB  Hòa Phát. Hà Nội sẽ được sáp nhập lại với một CLB khác cũng nằm trên địa bàn Hà Nội là HN.ACB để chơi ở V.League 2012. Ông Nguyễn Thành Vinh - HLV trưởng Hòa Phát. Hà Nội nói rằng các ông chủ Hòa Phát bỏ bóng đá vì họ quá chán ngán với V.League, với VFF và với thực tiễn BĐVN nói chung.

Ông Vinh bảo: "Trong nhiều trận đấu, cầu thủ của chúng tôi bị trọng tài đè ngửa ra mà ép, khiến chúng tôi thua rất đau. Sau những sự vụ như thế, VFF  không thể giải quyết vấn đề một cách công bằng, khiến chúng tôi mất hết niềm tin vào bóng đá. Nếu bạn là chúng tôi, bạn không mệt mỏi, chán nản với bóng đá mới là chuyện lạ".

Tuy nhiên cũng trong ngày hôm qua đã có những thông tin chưa được kiểm chứng nói rằng Hòa Phát bỏ bóng đá không hẳn chỉ vì chán nản, mà còn vì tập đoàn này đang gặp khó trong vấn đề kinh doanh. Theo ước tính, một năm Hòa Phát đổ vào bóng đá không dưới 50 tỷ đồng, do đó với quyết định rút khỏi bóng đá, họ sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ.

Hoàng Anh - Việt Tú – CSTC tuần số 75
.
.
.