Nỗi đau quá khứ của kẻ lĩnh án chung thân

Chủ Nhật, 23/01/2011, 16:12
Không còn vẻ lạnh lùng như hồi sáu năm về trước tại phiên tòa xét xử tội giết vợ rồi đốt xác phi tang, Phạm Văn Trường giờ đây nếu phải đối diện với bất kỳ người nào cũng chỉ biết cúi mặt. Sự khổ đau và hối hận tột cùng đã không thể giấu giếm trên khuôn mặt người đàn ông xấp xỉ tuổi sáu mươi này.

Thời gian năm năm ngồi bóc lịch trong nhà đá vừa qua cũng đủ dài để Trường suy ngẫm về tội ác tày trời mà mình gây ra với chính người phụ nữ đầu gối tay ấp với anh ta.

Có lẽ đến giờ này người dân xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vẫn chưa hết bàng hoàng và kinh hãi khi có ai đó nhắc lại vụ án giết vợ và đốt xác phi tang của Phạm Văn Trường. Vụ việc ấy quả là một sự kiện chấn động với những con người thật thà, chất phác ở miền quê ấy. Nó còn bất ngờ hơn bởi lẽ từ trước tới thời điểm xảy ra vụ án làm rúng động người dân nơi đây thì vợ chồng Trường sống với nhau rất hòa thuận. Giữa họ hầu như chưa từng xảy ra to tiếng. Hơn nữa, vợ của Trường là chị Phạm Thị Phượng lại là Phó Bí thư Đảng ủy xã Trọng Quan, thế nên gia đình họ càng phải sống gương mẫu để người ta nhìn vào.

Trường nói rằng, anh ta yêu vợ. Duy chỉ có một điều anh ta không đồng tình với vợ đó là cô ấy quá nuông chiều con. Đôi khi sự nuông chiều thái quá đó trở nên mù quáng. Nó khiến cho đứa con trai đầu của họ trở nên dựa dẫm và lười biếng. Và sự việc giết vợ rồi đốt xác phi tang của Trường cũng xuất phát từ nguyên nhân bất hòa giữa hai vợ chồng trong việc giáo dục con cái.

Đêm đó, khi đã lên giường đi ngủ, Trường bàn với vợ rằng: "Con trai đã lớn và cần phải để nó đi làm để nó bớt lêu lổng". Nhưng quan điểm của vợ Trường là cứ để kệ nó, khi nào nó thích thì nó đi, bắt cũng chẳng được. Nghe vậy Trường thấy bất lực và không nói gì thêm nữa, quay mặt vào tường đi ngủ. Nói là ngủ chứ thực ra trong lòng Trường vẫn dâng lên một nỗi ấm ức trước cách chiều con vô lối của vợ.

Đêm đó mãi mà Trường vẫn không thể chợp mắt. Cứ nghĩ rằng với cái đà chỉ thích ăn và chơi thế này thì con trai mình sẽ sớm thành người hư hỏng càng khiến Trường thấy đau lòng. Khoảng ba giờ sáng hôm sau, thấy vợ thức dậy và rón rén tiến đến phía chiếc áo của mình treo trên mắc để lấy tiền. Biết ngay là vợ lại lén lút lấy tiền để dúi cho thằng con trai lớn ăn tiêu khiến Trường rất tức giận. Anh ta hỏi vợ "Cô lại lấy tiền của tôi làm gì?". Vợ anh ta trả lời: "Em chỉ lấy ít thôi. Hôm qua con nó bảo hết tiền tiêu nên hỏi em". Ức quá Trường sẵng giọng: "Cô là cán bộ mà đi lấy trộm tiền của người khác à?". Có vẻ như quá ngỡ ngàng trước câu nói của chồng nên vợ Trường đã không giữ được bình tĩnh và nói rằng: "Anh nhìn lại xem mình đang đứng ở đâu?". Vì tự ái, nghĩ rằng hóa ra từ trước đến nay vợ luôn coi mình là kẻ "ăn nhờ ở đậu" (Trường cưới vợ và ở nhà vợ luôn) nên đã không kiểm soát được hành vi của mình.

Vớ được cái vỏ chai bia trước mặt, Trường đã đánh nhiều nhát vào đầu và vào mặt vợ làm chị Phượng bị vỡ nát vùng xương mặt, gẫy xương hàm trên và hàm dưới. Vỡ xương thái dương trái gây tụ máu và dập não trái dẫn đến tử vong. Biết chắc vợ mình đã chết, Trường dùng chăn cuốn xác chị Phượng rồi dùng cánh cửa đè lên trên sau đó châm lửa đốt. Xong xuôi mọi việc Trường thay quần áo, khóa trái cửa đi xe máy lên Hà Nội. Trước khi đi Trường đã gọi điện cho con gái nói mẹ ốm về nhà gấp và điện thông báo cũng với nội dung ấy cho cả em trai của mình. Đến khi mọi người phát hiện thì xác chị Phượng đã bị cháy than hóa vùng mặt, ngực và tay chân.

Đi xe máy lên Hà Nội mà toàn thân Trường run rẩy. Khi phần “con vật” đã hết phần người trở lại đã khiến Trường trở nên sợ hãi. Nghĩ rằng trước sau gì mình cũng bị bắt nên Trường đã đi đầu thú. Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử có lẽ do sợ hãi nếu phải chịu hình phạt cao nhất nên Trường đã luôn chối tội. Anh ta chỉ nhận rằng trong lúc nóng giận, không kiểm soát được hành vi của mình nên đã giết vợ chứ không công nhận mình đốt xác vợ để phi tang.

Trường đã lý giải hành động gây ra cháy là do khi giết vợ xong, lúc đó nhà lại mất điện, vì quá sợ hãi nên đã đốt một cây nến để cạnh xác vợ cho không khí bớt hoang lạnh. Có thể do ngọn nến để cách chị Phượng chưa đầy 20cm nên đã cháy lan sang xác của chị Phượng. Nhưng kết quả khám nghiệm hiện trường thì đã phản bác lại hoàn toàn cách lý giải của Trường rằng, hướng cháy từ nạn nhân lan ra hai bên. Dù không thành thật khai báo nhưng Trường đã được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như trước đó từng đi bộ đội và bị thương tật 4/4 và tự giác đầu thú nên anh ta đã thoát khỏi án tử hình.

Được tha tội chết có lẽ là một ân huệ lớn cho cuộc đời Trường nhưng chứng kiến thái độ kiên quyết trả lời không đồng ý giảm nhẹ tội cho bố của hai đứa con khiến anh ta đau đớn. Đau đớn không phải vì câu trả lời của hai con sẽ khiến Trường không có cơ hội được giảm nhẹ tội mà bởi vì anh ta hiểu chúng sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho cha chúng. Cũng đúng thôi bởi chính Trường đã cướp đi mạng sống của mẹ chúng.

Năm năm đã trôi qua nhưng nỗi đau giết vợ dường như mới vừa đây thôi. Cùng với thời gian nỗi đau ấy cứ nhân rộng thêm ra. Trong lúc nóng giận Trường đã không kiểm soát được hành vi của mình nhưng giờ đây khi mọi việc đã qua đi, thời gian lắng lại Trường cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tội ác ghê tởm mà mình đã gây ra. Giết người đã là một cái tội không thể tha thứ nhưng giết chính người mà hằng đêm vẫn đầu gối má kề với mình thì lại càng khó có thể dung tha. Cứ nghĩ đến những tháng ngày vợ chồng sống với nhau êm đềm, hạnh phúc trái tim Trường lại như nghẹt lại. Giờ những hồi ức ấy chỉ trở về trong những giấc mơ. Chỉ có trong mơ Trường mới thấy lại được mái ấm ngọt ngào của mình. Bởi trong thực tế mái ấm ấy đã bị chính Trường phá tan tành. Mẹ chết, bố đi tù, hai con sống bơ vơ. Trường cũng không biết giờ này chúng sống thế nào. Nếu không có chuyện xảy ra có lẽ giờ này vợ chồng Trường cũng đã được lên chức ông bà rồi.

Người đàn ông xấp xỉ sáu mươi tuổi này chưa một ngày nguôi ngoai về tội lỗi mà mình gây nên. Hình ảnh người vợ nằm bất động trong ngọn lửa ngùn ngụt cháy luôn hiện về trong cơn mộng mị của anh ta. Có lúc Trường lại thấy vợ gào khóc đau đớn. Tỉnh giấc sau mỗi cơn mơ bao giờ Trường cũng ngồi chòng chọc cho tới sáng và mồ hôi túa ra ướt áo bất kể mùa đông hay mùa hè. Có lẽ vì thường xuyên mất ngủ cộng với sự ám ảnh khôn nguôi về tội lỗi của mình nên sức khỏe của Trường giảm sút rất nhiều. Anh ta thường xuyên bị những cơn đau đầu hành hạ và đôi mắt đang mờ đi mỗi ngày.

Giờ đây Trường đang cố gắng cải tạo thật tốt với hy vọng một ngày nào đó hai con sẽ tha thứ cho mình. Và mong một lần được nghe lại tiếng gọi "bố ơi" - điều bình thường của tất cả những người làm cha - nhưng sao đối với Trường giờ nó trở nên thiêng liêng và xa xỉ quá. Vẫn biết rằng tội lỗi mà mình gây ra thật khó mong nhận được sự tha thứ của người đời. Vẫn biết rằng vết thương mà mình cứa vào lòng hai con thật khó liền sẹo nhưng Trường vẫn mong lắm một ngày được trở về để quỳ gối trước vong linh của người bạn đời, trước hai con mà tạ lỗi…

Ngọc Anh - CSTC tuần số 42
.
.
.