Nơi neo giữ nỗi nhớ của người lính Trường Sa

Thứ Sáu, 11/02/2011, 09:34
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, nơi cách đất liền vài ngày đường lênh đênh, những người lính vẫn thay phiên nhau làm phận sự của mình, không lăn tăn phút giây nào cho sự đắn đo, hay mọi toan tính lợi lộc. Đóng quân ở những vùng xa tít tắp, những người lính Trường Sa luôn bình yên, vì đã có nơi neo giữ muôn vàn nỗi nhớ.

Từ Song Tử Tây, Thịnh điện thoại về, líu ríu. Nghe có cả tiếng gió, tiếng sóng biển, và tiếng những chú bò lông vàng ruộm uể oải gặm cỏ, dúi dúi cái miệng ngầu bọt xuống nền đất khô ran, nóng rực: "Vợ em nhận được ảnh rồi, vui lắm. Rối rít khen chồng đẹp trai, oai oách".

Rồi Thịnh kể, vẫn bằng vẻ nhiệt tình xen lẫn chút ngượng ngập, bịn rịn của người lâu lâu chưa về đất liền: "Song Tử Tây bắt đầu mùa mưa bão. Hệ thống điện mặt trời đã xong. Trường Sa giờ chả kém nơi đâu, điện bừng sáng 24/24h. Tắt ánh mặt trời mà ngồi trên tầu nhìn về phía đảo, sẽ thấy như những lâu đài cổ tích lộng lẫy, lấp lánh trên mặt biển đêm".

1. Trung úy Hoàng Văn Thịnh thì đẹp trai thật. Cao lớn, rắn rỏi như hầu hết những người lính Hải quân, Thịnh tốt nghiệp Trường Lục quân, trước khi nhận lệnh ra đảo. Lính biển, cả các sỹ quan trên con tàu HQ 936 (thuộc vùng D - Quân chủng Hải quân) rẽ sóng biển Đông ra Trường Sa trong những ngày đẹp trời tháng 4 năm 2010, đến lính nhà giàn DK 1, hay mấy chàng tân binh trẻ măng ở các hòn đảo nổi đảo chìm đều chung đặc điểm: Nước da đỏ au, mái tóc li ti cái vị trắng mặn mòi của muối và một dáng dấp vững chãi, khỏe khoắn.

Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cứ tủm tỉm cười mà bật mí rằng: Lính Hải quân còn có nét riêng nữa. Người nào khi đứng, cũng hơi choãi chân sang hai bên, để tạo thế chắc chắn, đặng kiên gan đối đầu với sóng to gió lớn, vượt qua những thử thách ngặt nghèo của thiên nhiên nghiệt ngã và điều kiện sống.

Tháng 4, Trường Sa nắng như đổ lửa. Nắng từ trên bầu trời cao vòi vọi dội xuống, nóng từ dưới mặt đường bê tông hắt lên, hầm hập. Đảo Song Tử Tây lung linh sắc cờ, tươi rói những gương mặt trẻ con đang tận hưởng niềm vui ngập tràn của ngày mít tinh kỷ niệm 35 năm giải phóng Trường Sa. Trẻ con, người lớn, ai cũng xúng xính một màu áo mới.

Ở Trường Sa, dù lính Hải quân hay Phòng không, không quân, Bộ binh, và cả dân chúng, bất chấp sự khan hiếm nước ngọt tuyệt đối, mỗi khi có khách ra thăm đảo, tất cả lại trang phục chỉnh tề, thẳng thớm. Bộ quân phục áo trắng quần xanh của Trung úy Thịnh, phẳng phiu, lấp lóa trong cái nắng rẫy bừng chói chang của tháng 4. Thịnh tự nguyện làm hướng dẫn viên, hào hứng khoe khu âu tầu mới tinh ở Song Tử Tây, chốn trú ẩn an toàn và tiện lợi cho đồng bào mình ra khơi đánh bắt thủy sản, lỡ gặp tai ách hay rủi ro giữa sóng nước.

Song Tử Tây đã xây dựng được ngôi chùa tuyệt đẹp, hướng ra biển Đông, một nơi để người dân qua lại trên vùng quanh năm nắng gió giữa Thái Bình dương, gửi gắm những nguyện ước trong lành, sâu kín. Lấn bấn ở âu tầu Song Tử Tây một hồi, Thịnh mới rụt rè đề nghị, nhờ chụp giúp vài tấm ảnh gửi về cho vợ.

Mới lấy chồng đã phải xa chồng, vợ Thịnh ở nhà chỉ biết lâu lâu, lôi ảnh cưới ra ngắm cho đỡ chạnh lòng. Thịnh tiếc mãi, giá như trước khi ra đảo, anh kịp có một đứa con, thì bà xã ở nhà cũng bớt phần nào cảnh lủi thủi một mình sớm hôm. Thịnh ngập ngừng nói, cái miệng vẫn rất tươi nhưng đôi mắt đã buồn diệu vợi, lúc nào về đất liền, phải lo cho vợ nhiều, thật nhiều hơn nữa, để nếu có lệnh lên đường, tiếp tục hành quân, tiếp tục tới Song Tử Tây hay bất cứ một điểm đảo nào, anh mới yên tâm mà thư thái, thanh thản cất bước.

Biết làm sao được, vợ bộ đội mà, Trung tá Ngô Duy Đỗ, đảo trưởng đảo Song Tử Tây cười xa vắng. Đâu phải thời chống Pháp, chống Mỹ, giữa những năm 2010, giữa những khoảng thời gian cuối cùng của thập niên đầu tiên thiên niên kỷ thứ 3, sự xa cách vẫn là chuyện thường tình trong gia đình những người lính Trường Sa.

Thời gian Trung tá Ngô Duy Đỗ ở đảo, phải tính bằng nhiệm kỳ, tính bằng muôn vàn những cái thở dài héo hắt và những giọt nước mắt không còn sức để rơi của vợ anh. Không biết làm sao, cũng không thể lúc nào cũng nói những lời sách vở, thông cảm cho anh, làm vợ lính Trường Sa thì phải thiệt thòi hơn những người đàn bà khác hay gì gì nữa,

Trung tá Ngô Duy Đỗ chỉ đinh ninh đến dịp được về nhà, lo được gì cho vợ con thì phải ráng mà lo cho đỡ áy náy. Được cái, đảo trưởng Song Tử Tây tự hào bảo, vợ anh cũng không hay càu nhàu oán thán gì, không hờn giận khiến chồng ngẫm ngợi, chỉ đôi lúc, nhắn cho chồng những cái tin làm con tim dẫu dạn dầy chai sạn cũng nhói đau, nhức buốt: "Thời gian em được sống gần anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Em không trách gì anh đâu, chỉ buồn nỗi số mình đen đủi". Trung tá Ngô Duy Đỗ xoay xoay cái điện thoại trên lòng bàn tay, rồi bất chợt, anh cất tiếng hát, tiếng hát như được rút ra từ sâu thẳm cõi lòng đang bồn chồn, day dứt và trĩu nặng ưu tư: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai".

2. Trường Sa năm 2010, điện rực rỡ trên toàn bộ các đảo và điểm đảo. Tất cả các nhà giàn DK 1 rải rác ven thềm lục địa phía Nam cũng được trang bị hệ pin hệ thống năng lượng mặt trời, biến những đảo chìm đảo nổi thành những quầng sáng nhiệm mầu, huyền ảo giữa màn đêm mênh mang, hun hút. Điện thoại, sóng truyền hình và internet của nhà mạng Viettel khiến vùng đất đai của Tổ quốc trên biển Đông ngày một xích gần hơn với đất liền.

Dạo trước, muốn trò chuyện xuyên đại dương về với gia đình, lính đảo chìm chỉ có cách treo điện thoại lúc lỉu lên vị trí nào cảm giác đón được nhiều sóng nhất, rồi cứ thế kê ghế mà nhón chân bi bô cùng cái cục gạch đang đung đưa lúc lỉu.

Bây giờ, đặt chân lên đảo là đã thấy rào rào những tiếng a lô, những giọng cười và những gương mặt dần tươi tắn, lan tỏa niềm vui. Cái thiếu nhất ở Trường Sa, chỉ còn là nước ngọt và rau xanh. Lính Trường Sa tận dụng từng giọt nước ít ỏi để trồng rau. Những vườn rau cải, rau thơm được trồng trong đủ loại hộp xốp, xanh um bên lan can của nhà giàn DK 1-14, thách thức cái khô hạn của đất trời.

Toàn bộ mọi thứ nước thừa đều được tận dụng để tưới rau. Lính nhà giàn có cách tắm cực kỳ tỉ mỉ, chi tiết, một công đoạn hoàn hảo để những giọt nước rơi xuống, sẽ thành dưỡng chất tốt tươi của rau xanh. Thiếu úy Lê Văn Thường ở DK 1 - 14 làm mẫu, "diễn" cách tắm cho các phóng viên truyền hình ghi hình, cứ phải nhờ đồng đội canh, xua không cho các phóng viên khác chụp ảnh. Hỏi Thường, lên ti vi thì được, sao chụp ảnh lại không, chàng Thiếu úy bảnh bao chỉ biết đỏ nhừ mặt mà lúng búng không ra lời.

Xa nhà, lính biển luôn có cách riêng mình để làm dịu nỗi nhớ, Thiếu úy Vũ Văn Tiền cười bẽn lẽn giữa lan can phòng ở dập duyền sóng và gió ở đảo Đá Tây. Đảo chìm Đá Tây nằm lọt giữa bãi cạn san hô thăm thẳm, nước quanh năm trong leo lẻo, nhìn thấy được đáy. Những vỉa san hô đã tạo cho sóng nước Trường Sa một màu xanh phiêu diêu, cực kỳ sinh động, biến đổi không ngừng.

Ngồi từ giường cá nhân của Thiếu úy Vũ Văn Tiền, nhìn ra ngoài, có thể ôm trọn màu xanh ngan ngát của nước biển vào tầm mắt. Tiền khoe, mới điện thoại về "buôn" với vợ, con vẫn khỏe và bà xã vẫn vui, thế là quá đỗi yên tâm. Lênh đênh giữa biển, nhưng lúc nào hình ảnh vợ con cũng hiển hiện trước mắt Tiền mỗi lúc anh lên giường nằm.

Tiền hãnh diện chỉ tay lên cái trần của giường tầng hai. Đấy là một góc gia đình thu nhỏ của Thiếu úy Vũ Văn Tiền, được anh nâng niu chăm bẵm mỗi phút giây rảnh rỗi. Ngay từ ngày đầu đặt chân tới Đá Tây, Thiếu úy Tiền đã hì hục cắt cắt dán dán, và trưng bày ngay ở trần giường bộ sưu tập ảnh vợ con cùng những người thân. Tiền khoe, đây là ảnh cưới, đây là cô công chúa nhỏ trong khoảnh khắc biết lẫy, và đây nữa…, niềm hạnh phúc lâng lâng trong đôi mắt trẻ trung của Tiền.

Quê Hoa Lư, lấy vợ người Thanh Hóa, nhưng lại đang dạy học tận Lai Châu, quãng cách ngăn địa lý vô cùng tận của những thành viên trong gia đình Thiếu úy Vũ Văn Tiền đã gần thêm lại, vì nỗi nhớ đã có nơi khu trú. Tiền thủ thỉ, giây phút nào, anh cũng linh tính như có vợ con ở bên cạnh, rất gần, rất thật, cảm giác cả nhà quây quần bên nhau, ngay giữa tiếng sóng biển Đông khôn nguôi ì oạp vỗ bờ luôn hiện hữu trong mỗi thường ngày của Tiền. Từ sáng kiến của Tiền, nhiều đồng đội anh đã làm theo. Và những cái trần giường ấm nồng hạnh phúc, ở bất cứ ngóc ngách nào của Trường Sa, cũng dễ dàng bắt gặp.

Sóng, gió, khoảng không gian nghìn trùng mây nước, chưa bao giờ là trở ngại, khiến những người lính nao núng, suy bì khi mặc nhiên rời bỏ những tiện nghi, những sum vầy đầm ấm ở quê hương mình, tới với Trường Sa. Ra đảo, để được đặt bàn chân tới một miền đất đai xa ngái của Tổ quốc, được ngắm bầu trời khoáng đạt, được hít thở trong bầu không gian ăm ắp, mà cha ông đã gìn giữ, truyền lại tự bao đời.

Giữa đảo Đá Tây, Tiền và các đồng đội chiu chắt từng giọt nước, ươm mầm bàng vuông, nhân cái giống cây chịu thương chịu khó lên khắp mọi điểm đảo, để tận hưởng chút dịu mát lạ lùng ngay tâm điểm của sự gắt gao, bỏng rát. Cái khẩu hiệu "Vì lợi ích 10 năm trồng cây" trở nên thân thương kỳ lạ giữa đất trời Đá Tây. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, nơi cách đất liền vài ngày đường lênh đênh, những người lính vẫn thay phiên nhau làm phận sự của mình, không lăn tăn phút giây nào cho sự đắn đo, hay mọi toan tính lợi lộc. Đóng quân ở những vùng xa tít tắp, những người lính Trường Sa luôn bình yên, vì đã có nơi neo giữ muôn vàn nỗi nhớ

Ngô Hương Sen
.
.
.