Nỗi túng quẫn của một kế toán

Thứ Hai, 12/10/2009, 11:39
Đêm nào X. cũng sống trong mộng mị. Em mơ thấy mình xúng xính trong bộ váy hoa ngày Tết. Em nhảy điệu xòe hoa dưới ánh lửa đêm xuân đỏ nồng, bao nhiêu ánh mắt của trai bản đổ dồn về phía em đầy ngưỡng mộ. Nhưng khi giật mình choàng tỉnh, chỉ còn lại sự xót xa của thân phận, của kiếp người.

Lò Thị X. không ân hận khi dấn thân làm nghề buôn phấn bán hương. Em nói rằng, em đã đủ 18 tuổi và em phải tự chịu trách nhiệm về mình. Không thể bắt bố mẹ, người thân phải gánh chịu hậu quả thay mình. X. bảo: "Em thà làm một vài năm để trả nợ, chứ không làm khổ bố mẹ. Bố mẹ em già rồi, khổ vì chúng em nhiều rồi".

Ngồi đối diện tôi trong căn phòng thuộc Trung tâm Giáo dục lao động số II - Yên Bài - Ba Vì - Hà Nội là một nhan sắc của rừng của núi. Em bảo, em là con gái Thái chính cống đấy, em biết dệt vải, biết thêu thùa, biết múa điệu xòe hoa. Nhưng bông hoa rừng ấy, lại không tỏa hương ven rừng, ven suối mà trôi dạt về Sơn Tây làm hoa cho người ta hái. Rồi một ngày, khi Công an đột nhập vào ổ hoa độc, Lò Thị X. có mặt tại nơi đây.

Dù không có váy hoa, không có núi rừng, X. vẫn đẹp. Vẻ đẹp mặn mà của một nhan sắc đang vào độ chín với làn da trắng mịn, đôi mắt đen tròn lúng liếng. X. nhớ rất chính xác: Em vào đây được 4 tháng 3 ngày rồi.

Tất cả mọi dữ kiện về cuộc đời mình, X. đều nhớ chính xác đến từng chi tiết. Khi được hỏi, thời gian của mình ở Trung tâm, X. đáp không cần suy nghĩ: "Em bị bắt từ ngày 14 tháng 1 sau gần 4 tháng "hoạt động". Vào đây được 6 tháng 3 ngày rồi".

Đó phải chăng là trí nhớ bẩm sinh của một cô gái thông minh, xinh xắn hay bông hoa rừng ấy đang tự cảm thấy héo hon khi không được tự do nơi núi rừng cô đã sinh ra, nên cô đếm từng ngày ở tại Trung tâm vui ít, buồn nhiều này?. Bởi nếu không phải vào đây, nếu không đi làm gái bán hoa, X. đã là một kế toán giỏi - nghề của X. trước khi dấn thân vào con đường tội lỗi này. Cuộc đời, bao giờ cũng bắt đầu bằng hai chữ: Giá như.

Lò Thị X. là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em ở thành phố Điện Biên - tỉnh Điện Biên. Nhà X. ở ngay gần hầm Đờ Cát. Bố mẹ là người Thái nên từ thủa nhỏ, X. đã được mẹ dạy múa xòe, dạy dệt vải may áo. Mẹ bảo: "Con gái Thái đến khi về nhà chồng phải biết tự may cái váy cho mình, thế mới đáng là con gái Thái".

Nhà ở gần trung tâm thị xã Điện Biên cũ nên kinh tế của gia đình tuy không giàu có nhưng vẫn đủ để nuôi bảy anh chị em X. học hành đầy đủ, đàng hoàng. Học hết phổ thông, X. thi vào Trường Trung cấp Tài chính kế toán của tỉnh. Hai năm sau khi ra trường, X. được nhận vào làm kế toán cho một trường mầm non có tiếng ở thành phố Điện Biên lịch sử.

Vốn khéo tay, nấu ăn giỏi lại tháo vát nên X. quyết định hùn vốn cùng một người bạn mở nhà hàng ăn uống tại Điện Biên bên cạnh công việc làm kế toán ở trường học. Bố mẹ, anh chị em trong gia đình cùng bạn bè mỗi người giúp đỡ một khoản nho nhỏ để giúp X. làm vốn ban đầu. Mọi sự thuận buồm xuôi gió, nhà hàng của X. đi vào hoạt động và thu lời tương đối nhanh.

X. mơ màng nhớ lại nhà hàng của mình, giống như nó vẫn đang ở trước mắt: "Vì diện tích rộng nên nhà hàng nhỏ của em có vườn cây, ao cá, có cả khu vui chơi thể thao nho nhỏ cho khách trong lúc chờ đợi. Em chia nó thành hai phần: Những khách dưới xuôi lên thì thích khu nhà sàn, còn khách ở Điện Biên thì thích ngồi ở khu phòng hiện đại hơn".

Nhà hàng đẹp, cô chủ xinh xắn, khéo léo, đầu bếp có tay nghề, giá cả phải chăng nên nhà hàng đông khách rất nhanh. Mọi thứ đến giống như một giấc mơ. Có ai ngờ, một cô gái trẻ lại có thể làm chủ một nhà hàng ở nơi phố núi với sức phục vụ 60 mâm khách cùng trong một lúc.

Khi số lượng khách tăng lên đột biến, số tiền vốn đầu tư cũng tăng lên. Không thể nhờ cậy người thân trong gia đình và bạn bè được nữa, X. quyết định đi vay ngân hàng để có tiền quay vòng vốn kinh doanh.

Đúng lúc chuẩn bị làm thủ tục, thì có một con đường khác để vẫn có vốn làm ăn mà không phải trả lãi: Ngôi trường nơi X. làm kế toán cho công nhân viên chức vay vốn để làm kinh tế, cải thiện cuộc sống và anh chị em mỗi tháng trả cho cơ quan một ít cả gốc lẫn lãi. X. đi đến một quyết định liều lĩnh là tạm "vay" số tiền đó để đầu tư vào nhà hàng trong lúc cơ quan chưa cần dùng đến dù biết hành động đó là phạm pháp. Nhưng cuộc đời, không ai có thể biết hết chữ ngờ…

X. phải đi công tác ở huyện gần 1 tháng. Công việc cơ quan giao nên không thể từ chối. Toàn bộ công việc điều hành nhà hàng, X. giao lại cho cô bạn gái thân cùng hùn vốn. Lúc này, X. không hề biết rằng, cô ta đã là đệ tử trung thành của nàng tiên ma túy. Đi huyện, điện thoại di động mất sóng nên cô không gọi về nhà hàng để kiểm tra thường xuyên. Phần nữa, cô đặt hoàn toàn niềm tin nơi người bạn gái nhiều năm thân thiết.

Cho đến một hôm, chuông điện thoại nhà khách nơi X. ở đổ vang. Khi bắc máy, phía đầu dây bên kia, một nhân viên trong nhà hàng thông báo tin động trời: Cô bạn gái kia đã ôm toàn bộ tiền và bỏ trốn. Cô nhân viên cảnh báo: "Chị về ngay để giải quyết, nhân viên nghỉ mấy ngày hôm nay rồi vì không có nguyên liệu để chế biến thức ăn, nhà hàng không ai quản lý nên phải từ chối rất nhiều khách".

Tin xấu đến bất ngờ khiến X. choáng váng nhưng cô nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Cô hoàn thành sớm công việc của chuyến công tác và quay trở lại thành phố. Về đến nhà hàng, X. xót xa khi nhìn thấy tấm bảng thông báo nghỉ hàng treo ngay trước cửa ra vào. Bên trong nhà hàng, mấy hôm trước còn nhộn nhịp người ra kẻ vào, lúc nào cũng đầy ắp tiếng người, vui như ngày hội thì giờ vắng vẻ đìu hiu một cách thảm hại.

Đến nhà cô bạn gái kia tìm thì không thấy tung tích. X. chỉ nhận được những lời xin lỗi từ bố mẹ bạn kèm theo lời hứa, sẽ giúp con trả nợ dần. Nhìn hai người đầu bạc bằng tuổi cha tuổi mẹ mình, X. biết rằng khó có thể yêu cầu trách nhiệm gì từ phía họ, khi họ cũng chẳng hề biết thông tin gì về con gái của mình. Một thời gian không lâu sau đó, khi tìm ra nơi ẩn náu của cô bạn, tìm đến nơi thì cô ta đã mất vì sốc thuốc. X. phải một mình chèo chống con thuyền vượt bão.

Muộn phiền này chưa qua thì nỗi lo khác ập đến khiến X. không kịp trở tay. Thông tin về nhà hàng đóng cửa lan đi với tốc độ chóng mặt. Một số người đồng nghiệp cho cô vay vốn trước đây quay lại đòi tiền. Cơ quan nơi cô làm việc cũng phát hiện ra và gọi tên hành động của cô là "thụt két".

Một số chủ nợ, thậm chí còn đến thẳng nhà để đòi bố mẹ cô phải trả nợ, tất cả đến cùng một lúc, làm cho mọi chuyện rối tung lên như tơ vò. Cô gầy rộc đi, hốc hác vì lo lắng. Thương nhất là những lúc bố mẹ, phải chung nỗi lo với mình mà thêm phần sầu não. Hình ảnh cha mẹ cô, cũng khổ tâm giống hệt như bố mẹ cô bạn khi cô tới nhà - hình ảnh mà cô không bao giờ quên khi nhớ về những tháng ngày sóng gió ấy.

Lại thêm một lần nữa, mái ấm trở thành nơi dành cho cô niềm động viên an ủi lớn khi những người thân trong gia đình gom góp tiền của để cô trả lại cho cơ quan. Sau khi trả gần hết nợ, dù cơ quan không đuổi việc nhưng X. cũng tự động xin nghỉ bởi khi đã có tì vết, khó có thể tiếp tục làm việc giống như thời gian trước đó.

Hơn nữa, X. còn một số tiền lớn phải trả nợ cho bạn bè của mình. Cả số tiền mà các anh chị em trong nhà đã giúp đỡ, cô không thể không trả bởi dù không ai đòi nhưng cô biết, ai cũng có cuộc sống gia đình riêng phải lo toan. Không muốn mang nợ ai, kể cả người chồng sắp cưới của mình, X. chủ động chia tay để xuống Hà Nội kiếm tiền trả nợ.

Không khó khăn để tìm một công việc mới cho mình, X. vào làm kế toán cho một công ty trong khu công nghiệp với mức lương 3 triệu đồng mỗi tháng. Trừ đi tiền thuê nhà, tiền ăn, X. dành dụm được 1 triệu đồng từ số tiền lương ít ỏi ấy. Số tiền trả nợ thì lớn, mình tích cóp đến bao giờ, còn ốm đau, còn bệnh tật ai lo? Câu hỏi ấy vang lên trong đầu X. mỗi đêm, nhất là khi cô nghĩ đến hình ảnh những người chủ nợ đến nhà, chửi mắng bố mẹ khiến cô ứa nước mắt.

Rồi có người bạn cùng quê gợi ý, với nhan sắc của X., có thể kiếm ra tiền triệu mỗi ngày, X. nhắm mắt đưa chân, bước vào nghề làm gái mại dâm ở Sơn Tây "giống như được lập trình sẵn, đương nhiên phải thế". Mỗi tháng, trừ đi tiền ăn, tiền mua sắm quần áo, trang điểm, X. "bỏ ống" được ngót nghét 3 chục triệu. X. "tính": "Chỉ 1 năm thôi, khi đủ tiền trả nợ, em sẽ từ bỏ nghề này".

Chưa hết thời hạn 1 năm của X., thì nhà hàng trá hình nơi X. làm việc bị Công an phát hiện. Giờ, bông hoa rừng mệt mỏi đang ngồi trước mặt tôi tại Trung tâm Giáo dục lao động số II, đang kể về cuộc đời mình giống như một thước phim thực tế mà cô không hề biết trước kết quả, trước khi có mặt ở nơi này.

X. đếm từng ngày ở Trung tâm bởi X. nhớ mẹ, nhớ gia đình. Mọi người trên nhà vẫn nghĩ X. đi làm ăn xa chứ không ai biết chuyện. Chỉ có người chị gái thân thiết nhất, vẫn giấu bí mật này cho X. X. bảo: "Chị hứa rồi, khi em được về nhà, em sẽ gây dựng lại nhà hàng của mình, chị sẽ đầu tư vốn".

Đôi mắt em long lanh khi mơ về một viễn cảnh tương lai tốt đẹp. Ai cũng có quyền mơ một hạnh phúc cho mình, mong rằng giấc mơ đó của em sớm thành hiện thực. Biết đâu, một ngày nào đấy, tôi sẽ gặp em xúng xính trong điệu xòe hoa giữa núi rừng Tây Bắc. Chỉ mong, em đủ dũng cảm để thoát khỏi mãnh lực của những đồng tiền, đủ sự nhạy cảm để hiểu rằng, em vẫn còn rất nhiều chứ không phải "mình còn gì nữa đâu" như em vẫn nghĩ

Tiểu Phi - CSTC số 5
.
.
.