Nước Mỹ và quê hương của trùm khủng bố

Thứ Hai, 24/01/2011, 11:22
Sau vụ phát hiện "bom bưu kiện" gửi đi từ Yemen đang trên đường đến Mỹ ngày 29/10 vừa qua, quốc gia Arab nghèo nàn và lạc hậu này có nguy cơ trở thành tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ và phương Tây phát động.

Quê hương của trùm khủng bố al-Qa'eda

Yemen - quốc gia nằm ở tây - nam bán đảo Arab, có một vị trí địa lý chiến lược bởi án ngữ đoạn bờ phía đông - nam của Hồng Hải, cửa ngõ ra vào yết hầu kênh Suez thông thương giữa Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải. Bờ biển phía nam nước này đồng thời tiếp giáp với Ấn Độ Dương và là đoạn thủy lộ quốc tế nối Hồng Hải với Biển Arab, có eo Hormuz dẫn vào Vịnh Persic để tiếp cận với những kho dầu lửa khổng lồ thuộc các quốc gia Arab và Iran trên đôi bờ vịnh này.

Yemen còn là một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu nhất của khối Arab, cũng thuộc vào loại nghèo khó nhất của cả thế giới. Điều kiện khí hậu và địa hình ở đây khá tương đồng với Afghanistan: không phù hợp với nông nghiệp, cũng chẳng dồi dào tài nguyên dầu lửa như các quốc gia khác trên cùng bán đảo Arab, nhưng lại là môi trường lý tưởng để duy trì những tư tưởng, tập tục cố hữu từ ngàn xưa của đạo Hồi. Bởi thế, trong đạo quân al-Qa'eda của Osama Bin Laden từng tham gia Thánh chiến (Jihad) có không ít người Yemen. Bản thân trùm khủng bố này cũng cất tiếng khóc chào đời từ quê hương đất cằn, núi trọc với nhiều hang hốc này.

Sau khi Mỹ chiếm Afghanistan cuối năm 2001, al-Qa'eda bị đánh tan tác và rất nhiều chiến binh bị tiêu diệt hoặc bị bắt nhốt tại nhà tù nổi tiếng ở Guantanamo (trên đất Cuba). Đến cuối năm 2009, khi Tổng thống Barack Obama chủ trương xoá bỏ nhà tù đầy tai tiếng này, người ta kiểm kê thấy trong số tù nhân nguy hiểm vẫn còn bị giam giữ ở đây có gần một nửa là người Yemen, cụ thể là khoảng 200 tên.

Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5/2009, ít nhất có một thủ lĩnh al-Qa'eda ở Yemen hiện nay từng là tù nhân Guantanamo được phóng thích. Tên này là Sa'ead Ali Shahri, được phóng thích năm 2007 về Saudi. Sau đó trở lại Yemen và tham gia vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Sanaa vào năm 2008.

Vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Sanaa không phải là hoạt động khởi đầu của al-Qa'eda ở Yemen. Sự kiện đáng kể đầu tiên xảy ra trước cả cuộc tấn công kinh dị vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Đó là cuộc tấn công phá hoại tuần dương hạm USS Kole của hải quân Mỹ vào năm 2000, khi chiến hạm khổng lồ này đang neo đậu ngoài khơi vịnh Aden.

Al-Qa'eda tại bán đảo Arab và thánh địa Yemen

Với vị trí địa lý chiến lược, điều kiện địa hình nhiều vùng hoang vu lắm hang hốc và môi trường xã hội thủ cựu tương tự như Afghanistan, Yemen trở thành một trong những nơi hội tụ của đám tàn binh Thánh chiến al-Qa'eda sau khi bị Mỹ đánh tan tác ở Nam Á cuối năm 2001.

Ban đầu, không ít trong số al-Qa'eda trở về khu vực này hoạt động tại Saudi Arabia, âm mưu phá hoại Vương quốc này. Nhưng vương triều Saud không thuộc loại nghèo khó và yếu kém, nên chẳng bao lâu, hầu như toàn bộ các tiểu tổ al-Qa'eda bí mật tại Saudi Arabia đều bị đánh đuổi khỏi đất nước này. Chúng dạt về phía nam - lãnh thổ Yemen. "Al-Qa'eda tại Bán đảo Arab" ra đời, nhưng thực chất đóng đại bản doanh tại Yemen và hoạt động chủ yếu ở nước này, với mục tiêu thường trực nhắm tới Saudi Arabia. Bởi thế, người ta thường gọi là "al-Qa'eda Yemen".

Al-Qa'eda Yemen vốn không chủ yếu chống phá chính quyền nước sở tại. Nhóm này được khá yên ổn nơi đây nhờ có điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hoà". Môi trường xã hội lạc hậu. Giáo luật Shariyah ngự trị khắp các vùng nông thôn rộng lớn. Các tộc trưởng đầy quyền lực làm chủ khu vực của họ như những lãnh chúa. Al-Qa'eda Yemen lại gồm chủ yếu là người bản xứ, nên có mối quan hệ thuận hoà với các tộc trưởng và dễ dàng pha trộn trong dân chúng.

Al-Qa'eda ra đời và hoạt động ở Yemen trong hoàn cảnh chính phủ nước này, do Tổng thống Ali Abdullah Saleh đứng đầu rất yếu kém và tham nhũng, lại phải đối phó cùng lúc với hai cuộc khủng hoảng nội bộ rất nghiêm trọng thách thức sự tồn tại của chính quyền. Đó là cuộc chống đối vũ trang, mang tính chất nội chiến, của dòng tộc al-Hauthi ở tỉnh Saada- miền tây- bắc đất nước.

Dòng tộc này theo dòng Hồi giáo Shi'a thiểu số trong một xã hội do người Suna cầm quyền. Họ phát động đấu tranh vũ trang chống chính phủ trung ương từ năm 2006 và chiến sự nóng quy mô lớn diễn ra liên tiếp tập trung từ năm 2008 đến nay. Lực lượng al-Hauthi lại được "bên ngoài" (Chính phủ Yemen công khai tố cáo Iran) cung cấp vũ khí và tiền bạc. Bởi thế, về mặt thực lực, họ chẳng khác nào một Taliban tại Yemen.

Không biết đến khi nào thì chính quyền Sanaa hoà giải được với al-Hauthi; chứ không có chuyện tiêu diệt lực lượng này! Cuộc khủng hoảng thứ hai không kém phần nan giải là Phong trào li khai của người miền nam. Phong trào này, cho đến nay chủ yếu chưa phát triển lực lượng vũ trang, nhưng phát động đông đảo dân chúng miền nam đấu tranh quyết liệt đòi khôi phục tình trạng hai nước Yemen như hồi thập niên 1980.

Trong một môi trường như thế, al-Qa'eda Yemen có nhiều thuận lợi, thậm chí còn hơn cả al-Qa'eda trước đây ở Afghanistan và al-Qa'eda ở Iraq.

Thủ lĩnh trên mạng Internet

Trong khi Osama Bin Laden còn mất dạng đâu đó ở khu vực biên giới Afghanistan- Pakistan, thì tại Yemen nổi lên một nhân vật được coi là thủ lĩnh của al-Qa'eda tại bán đảo Arab, nhưng thực thi vai trò lãnh đạo thông qua mạng internet. Đó là giáo sĩ Anwa'r al-Aulaqi. Người này đang bị truy nã gắt gao nên phải lẩn trốn và được dòng họ che chở tại khu vực bộ tộc al-Aulaqi ở miền nam Yemen.

Gia tộc này có nhiều quan hệ với chính phủ, kể cả với Tổng thống Ali Saleh. Cha của Anwa'r- ông Nase'r al-Aulaqi từng làm Bộ trưởng Nông nghiệp Yemen. Năm 1960, ông này sang Mỹ du học và sinh Anwa'r năm 1971 tại bang New Mexico. Anwa'r về Yemen thời thơ ấu, rồi trở lại Mỹ năm 1991 để học tại bang Colorado. Sau đó, Anwa'r trở thành Imam của một giáo đường tại San Diego (bang California), rồi chủ trì thánh đường "Da'r al-Hera" lớn nhất nước Mỹ vào thời kỳ 2001- 2002. Theo tài liệu của Mỹ, 3 trong số 19 kẻ đánh bom tự sát vụ 11/9/2001 đã tá túc tại giáo đường này, với sự che chở của Anwa'r, trước khi chúng "tử vì đạo".

Anwa'r al-Aulaqi dùng mạng internet để truyền bá tư tưởng Hồi giáo nguyên gốc, khuyến khích người Hồi giáo chống lại "kẻ thù" là Mỹ và phương Tây, trong đó công khai coi việc giết hại "kẻ thù" là "hợp với giáo luật Hồi giáo".

Từ đầu năm 2009, tình báo Mỹ đã theo dõi sát sao hoạt động của Anwa'r al-Aulaqi trên mạng, thấy rõ nhân vật này còn dùng internet để tuyển mộ người tại các quốc gia Âu - Mỹ cho al-Qa'eda. Một số thủ phạm đã gây ra những vụ bị Mỹ coi là "khủng bố" gần đây đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của Anwa'r al-Aulaqi.

Cụ thể: Abdu al-Matlab- kẻ đánh bom (bất thành) máy bay Mỹ ngày 25/12/2009 đã gặp Anwa'r al-Awlaqi tại Yemen khi tên này đến đây tập huấn sử dụng chất nổ. Viên thiếu tá bác sĩ quân đội Mỹ- Nidhal Malik Hassan xả súng giết chết 13 đồng ngũ và 30 bị thương tại một căn cứ quân sự ở bang Texas ngày 5/11/2009 cũng đã có liên hệ với Nidhal bằng đường e.mail trước khi người này gây án. Trong một tuyên bố với báo giới sau vụ này, Anwa'r công nhận có trao đổi thư điện tử với Nidhal. Trong những thư ấy, Anwa'r đã thuyết phục Nadhal về "tính hợp luật đạo của việc giết binh sĩ Mỹ"…

Năm 2006, chính quyền Yemen bắt giam Anwa'r theo yêu cầu của Mỹ, nhưng sau đó đã phóng thích ông này. Mỹ coi Anwa'r al-Aulaqi là nhân vật cực kỳ nguy hiểm, bởi có tầm ảnh hưởng rộng lớn qua mạng internet. Phương thức hoạt động của Anwa'r là một vũ khí rất hữu hiệu để tuyển mộ nhiều cá nhân Hồi giáo mang các quốc tịch Âu- Mỹ tham gia tổ chức al-Qa'eda Yemen.

Sau vụ "bom bưu kiện" bị phát hiện cuối tháng 10 vừa qua, ngày 2/11 mới đây, Toà án đặc biệt của Yemen xử tội khủng bố đã lần đầu tiên chính thức truy tố (vắng mặt) Anwa'r al-Aulaqi tội "thành lập băng đảng vũ trang dưới danh xưng al-Qa'eda để gây tội ác nhắm vào người nước ngoài, nhân viên an ninh" và tội "xúi giục giết người nước ngoài và nhân viên an ninh Yemen".

Al-Qa'eda Yemen thách thức Saudi Arabia và trong nước

Mục tiêu trọng yếu ban đầu của al-Qa'eda Yemen là nhắm vào Vương quốc Saudi Arabia ở phía bắc. Đã có nhiều âm mưu nghiêm trọng bị an ninh của Vương triều Saud phát hiện và vô hiệu hoá. Đó là những kế hoạch nhắm vào các cơ sở của nước ngoài và các trung tâm công nghiệp dầu lửa khổng lồ mà nếu bị phá hoại sẽ có tầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc tế.

Nhưng kinh hoàng nhất có lẽ là vụ âm mưu ám sát (bất thành) nhắm vào Hoàng thân Nay'ief - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, xảy ra hồi tháng 8/2009. Một thành viên al-Qa'eda Yemen là người Saudi Arabia đã trá hàng với điều kiện được gặp trực tiếp vị Hoàng thân thứ trưởng để "báo cáo tin tuyệt mật". Khi được Hoàng thân Nay'ief tiếp, tên này đã kich hoạt chất nổ nhét trong hậu môn, khiến hắn tan xác! Có lẽ nhờ Thánh Allah che chở mà vị Hoàng thân chỉ bị thương nhẹ khi đứng gần như đối diện với kẻ "tử vì đạo"!

Với các mục tiêu nước ngoài tại Yemen, có lẽ vụ nghiêm trọng đầu tiên do Al-Qa'eda tại bán đảo Arab gây ra là tấn công cảm tử vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sanaa tháng 9/2008, khiến 16 người thiệt mạng, trong đó có toàn bộ 6 kẻ tấn công. Từ đó đến nay, một vài đại sứ quán nước ngoài khác, trong đó có của Anh, tại Sanaa cũng bị tấn công hoặc đe dọa; mặc dù không gây thiệt hại đáng kể, nhưng cũng nhiều lần buộc các cơ quan ngoại giao này phải đóng cửa tạm thời.

Sau vụ Đại sứ quán Mỹ tại Sanaa bị tấn công cảm tử và một loạt cơ quan ngoại giao phương Tây ở đây bị đe dọa, chính quyền Mỹ và phương Tây đã gia tăng áp lực buộc chính phủ của Tổng thống Ali Saleh phải "xử lý" al-Qa'eda Yemen. Nhưng chính quyền Sanaa chưa tích cực hành động. Một mặt, al-Qa'eda Yemen chưa thực sự nhắm vào chính phủ và lực lượng an ninh nước này. Mặt khác, al-Qa'eda Yemen vốn có quan hệ ràng buộc với người bản xứ và được sự che chở, đùm bọc của các tộc trưởng uy quyền. Các tộc trưởng này lại có quan hệ đa chiều với nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền, khiến lực lượng chính phủ khó bề nặng tay trừng phạt.

Năm ngoái, Mỹ đã phải tiết lộ cho Tổng thống Ali Saleh những thông tin tình báo cho rằng al-Qa'eda đang tâp trung "o bế" bản thân Tổng thống và người thân trong gia đình ông này, mà nhiều người có vị trí rất cao trong chính phủ. Sau đó, Tổng thống Ali Saleh đã buộc phải tăng cường hoạt động chống khủng bố, thậm chí đồng ý để Mỹ tiến hành một số vụ không kích nhắm các căn cứ của al-Qa'eda trên lãnh thổ Yemen.

Đây có lẽ là diễn biến khiến cho tình trạng "hoà hoãn" giữa al-Qa'eda với chính quyền Sanaa phải đến hồi kết. Al-Qa'eda buộc phải đánh trả các cuộc càn quét của quân đội và an ninh của chính phủ. Lực lượng của chúng khống chế nhiều khu vực khá rộng lớn ở phía nam thủ đô, nhất là thuộc tỉnh Abeen. Trong đụng độ, nhiều tay súng al-Qa'eda đã bị giết, bị bắt, nhưng lực lượng chính phủ cũng chịu không ít thiệt hại. Đầu tháng 11 này, chính Tổng thống Ali Saleh nói hơn 70 sĩ quan và quân nhân chính phủ đã thiệt mạng chỉ trong vài tuần qua, khi tham gia các chiến dịch truy quét al-Qa'eda.

Tham vọng đánh thẳng vào "đất địch"

Al-Qa'eda Yemen đã thu hút sự chú ý của Mỹ và phương Tây bằng những hoạt động thể hiện tham vọng nhắm thẳng vào "kẻ thù ngoại đạo" ngay tại lãnh thổ của họ. Cho đến thời gian này, ngoài al-Qa'eda tại Afghanistan, chỉ al-Qa'eda Yemen có tham vọng đánh vào các mục tiêu ngoài địa bàn hoạt động chính của các nhóm khu vực. (Còn có al-Qa'eda Iraq chỉ hoạt động tại Iraq. Al-Qa'eda Magref hoạt động tại khu vực tây- bắc châu Phi). Đây chính là đặc điểm nổi trội thể hiện tính chất nguy hiểm tầm quốc tế của al-Qa'eda Yemen.

Sự kiện đầu tiên khiến Mỹ và phương Tây phải giật mình với al-Qa'eda Yemen là vụ một thanh niên Nigeria đã định kích hoạt chất nổ giấu trong đế giày khi đang trên một chuyến bay sắp hạ cánh xuống thành phố Deteroit (Mỹ) ngày 25/12/2009. Một thảm hoạ hàng không chỉ may mắn không xảy ra nhờ hành khách và nhân viên an ninh trên máy bay kịp thời phát hiện và khống chế kẻ đánh bom tự sát trước khi mồi lửa hộp quẹt của y kịp bén vào chất nổ. Trong quá trình điều tra sau đó, người ta biết rằng nhân vật này đã đến Yemen để được al-Qa'eda dạy cho cách sử dụng thiết bị nổ gọn nhẹ mới được phát minh này.

Vụ "bom bưu kiện" bị phát hiện ngày 29/10 vừa qua chứng minh cho tính chất nguy hiểm có thực của al-Qa'eda Yemen. Nếu vụ này không được cơ quan an ninh Saudi Arabia bám sát, phát hiện và thông báo hết sức kịp thời, chính xác cho tình báo Mỹ và phương Tây, thì ít nhất hai vụ nổ đã xảy ra trên hai chuyến bay của các hãng phát chuyển nhanh của Mỹ là UPS và FidEx vào ngày định mệnh ấy. Hai "quả bom bưu kiện" đã bị phát hiện tại sân bay Dubai và sân bay East Midlands (Anh) cho thấy thiết bị nổ được ngụy trang dưới dạng ống lô mực của máy in. Bộ trưởng Nội vụ Pháp sau đó đưa tin là khối thuốc nổ 400gr P.E.T.N (loại cực mạnh) bị phát hiện và vô hiệu hoá tại sân bay East Midlands khi chỉ còn 17 phút nữa là kích hoạt!

Vụ ám sát hụt Hoàng thân Nay'ief cùng hai vụ âm mưu gây nổ trên máy bay kể trên cho thấy al-Qa'eda Yemen là nhóm có khả năng chế tạo các thiết bị nổ mới, đa dạng, gọn nhẹ, phù hợp với chủ đích "tàng hình" trước mọi biện pháp khám xét và thiết bị phát hiện. Mặc dù chưa có vụ nào các thiết bị nổ mới mẻ này phá huỷ được mục tiêu định sẵn, nhưng có lẽ đây là những cuộc thí nghiêm đắt giá giúp cho al-Qa'eda Yemen rút kinh nghiệm cho các kế hoạch sắp tới.

Nói thế, nhưng đã xảy ra một vụ máy bay của hãng UPS bị cháy ở khoang chở hàng, phải đáp xuống khẩn cấp rồi nổ tung khi tiếp đất tại một sân bay quân sự ở Dubai ngày 3/9 vừa qua. Cuộc điều tra sau đó kết luận máy bay này nổ tung vì va chạm mạnh khi tiếp đất. Nguyên nhân va chạm mạnh được cho là vì cháy ở khoang chở các bưu kiện phát chuyển nhanh, khiến khói đen đặc tràn vào buồng lái và phi công đã không thể điều khiển được máy bay tiếp đất an toàn.

Trong khi việc điều tra nguyên nhân cháy ở khoang chứa hàng của chuyến bay gặp nạn nói trên còn đang tiếp tục, thì ngày 5/11, al-Qa'eda Yemen đã ra tuyên bố coi vụ này là thành công đầu tiên của họ trong "chiến thuật bom bưu kiện". Nghĩa là thiết bị nổ nguỵ trang dạng bưu kiện do al-Qa'eda "gửi" trong khoang hành lý của chuyến bay này đã phát nổ, gây cháy, tạo khói khiến phi công không thể điều khiển được máy bay khi tiếp đất.

Với việc nổi lên đáng lo ngại của al-Qa'eda tại bán đảo Arab, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động chưa thể biết đến bao giờ có thể lạc quan!

Trần Thanh
.
.
.