Ông chủ tịch “ăn mày” và những phận người hủi

Thứ Tư, 21/09/2011, 16:21
Ở nơi gửi phận của những con người từng bị xã hội xa lánh, ghê sợ, gọi bằng biệt danh "người hủi", chúng tôi gặp anh. Dáng gầy ốm, vầng trán cao, nét mặc hao hao Hàn Mặc Tử, anh cũng mắc "bệnh phong cùi" như "thi sĩ bán trăng" nhưng khác ở chỗ, Hàn thi sĩ ngày trước giấu chuyện mình mắc bệnh, sống khu trú, xa lánh với mọi người. Còn anh thì đối mặt với chứng bệnh cụt cùi, không ngừng nỗ lực vươn lên và siêng "ăn mày" vì… những cuộc đời… hủi!

Tại Làng phong Quy Hòa, nghe anh Trần Công Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng tự quản làng phong, kể chuyện đời của Hàn Mặc Tử, ai nấy đều rơi nước mắt. Còn gì xúc động, tha thiết hơn lời kể của một người mắc bệnh phong nói về thi sĩ chết vì biến chứng của căn bệnh từng một thời ai nghe cũng sợ.

Giọng Nghĩa trầm trầm, chứa chan tâm sự, nỗi niềm đồng cảm của người đồng cảnh ngộ đã lấy nước mắt của nhiều người trong đoàn. Giơ đôi bàn tay gầy guộc, co quắp vì di chứng của căn bệnh quái ác một thời, sau những phút giây trầm lặng thoáng qua, ông "chủ tịch" làng phong chép miệng, bày tỏ sự xót xa: "Tuy bị bệnh tật để lại nhiều biến chứng nhưng dẫu sao tôi và rất nhiều người ở làng may mắn vượt qua được cái chết, chứ không bạc mệnh như Hàn Mặc Tử".

40 năm sau cái chết đầy đau đớn của Hàn Mặc Tử, cậu bé người xứ biển Trần Công Nghĩa, con thứ 9 trong gia đình có 10 anh chị em ở thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) phát hiện mình có những biểu hiện của căn bệnh phong quái ác.

"Năm 1980, khi ở tuổi 15, một sáng mai ngủ dậy, tôi phát hiện trên tay có những vết đỏ, lúc đầu thì vùng da xung quanh những vết đỏ ấy rất ngứa, nhưng sau đó chai dần, mất cảm giác" - Nghĩa nhớ lại: "Khi ấy tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu biết mình đang mang trong người chứng bệnh từng lấy đi mạng sống của thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử. Tôi cũng chẳng kể chuyện này với ai, không phải bởi tôi sợ bị xa lánh, kỳ thị mà chỉ đơn giản vì tôi không ý thức được sự hiểm nguy của căn bệnh quái gở ấy".

Sau những giờ phút "ăn mày", Nghĩa nuôi thân và nuôi gia đình bằng nghề sửa xe đạp.

Năm 17 tuổi, Nghĩa dần ý thức được tình trạng bệnh tật của mình. "Thời điểm ấy những biến chứng của căn bệnh phong cùi lớn dần trong tôi, gây nên những biến chứng nhưng nhiều vùng da không có cảm giác với nóng, lạnh và đau. Mặt tôi trở nên sần sùi, chân tay dần co quắp, khô cứng" - những tháng ngày kinh hoàng, bất chợt ùa về với ông Chủ tịch hội đồng làng phong Trần Công Nghĩa: "Gắng gượng đến khi tốt nghiệp lớp 12 thì tôi đổ bệnh nghiêm trọng, các ngón tay, ngón chân đau đớn tột cùng, rút ngắn lại. Qua tìm hiểu, nghe người ta đồn nếu không được chữa trị thì mắt sẽ mờ dần rồi mù hẳn, các ngón tay ngón chân tự rơi rụng rồi chết đau đớn như Hàn Mặc Tử… nên gia đình hoảng sợ, cấp tốc đưa tôi đến Bệnh viện phong Quy Hòa. Lúc nhập viện cơ thể tôi suy kiệt, tàn tạ, tứ chi biến dạng, chân không còn cảm giác".

Nhờ tập thể y, bác sĩ ở Bệnh viện phong Quy Hòa tận tình phẫu thuật chữa trị mà sau đó, chàng trai Trần Công Nghĩa tìm lại cảm giác ở chân, những đau đớn, biến dạng của căn bệnh phong dần được khống chế: "Lúc bệnh tình dần ổn định, tuy mối nguy mù mắt, rụng chân tay không còn là nỗi ám ảnh thường trực nhưng những di chứng teo cơ, ngón tay ngón chân co quắp và sự sa sút về thể trạng cũng đủ sức quật ngã sức sống trong tôi. Khi ấy tôi bi quan chán nản, tuyệt vọng lắm. Nhưng nhờ được các bác sỹ cùng nhiều cô chú, anh chị bệnh nhân ở làng động viên, khích lệ mà tôi biết chấp nhận số phận, dần tìm thấy sự tin yêu trong cuộc sống".

Sau những trải bày, Trần Công Nghĩa chia vui: "Năm 1990, tôi lập được "chiến công" mà những người thân quen không ai nghĩ tới là… cưới vợ. Bà xã tôi khỏe mạnh, không phải là bệnh nhân hay con em ở làng như nhiều người lầm tưởng. Thường xuyên vào làng buôn bán, cô ấy gặp tôi, qua những lần chuyện trò, dần dà giữa chúng tôi nảy sinh tình cảm và đi đến đám cưới".

Rỗi lúc nào là anh vào trạm xá an ủi, thăm hỏi những bệnh nhân già neo đơn.

Ở nơi từng lưu dấu bước chân, dáng hình và những giọt nước mắt khổ đau của thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh Hàn Mặc Tử năm nào, đan xen những tâm tình về chuyện đời mình, Trần Công Nghĩa nhiều lần trĩu giọng khi đề cập đến những nỗi niềm tủi thân tủi phận cũng như bao khó khăn, vất vả của bà con làng phong.

"Làng ẩn mình giữa núi và biển, có 350 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu" - Nghĩa trải lòng - "Người ở xa đến, nhìn bề ngoài cứ tưởng cuộc sống của cư dân làng phong khá yên bình nhưng có ở lâu bám sâu mới biết trong nó chất chứa nhiều nỗi ưu tư, chủ yếu cũng là sự mặc cảm và cái nghèo. Ở làng bệnh nhân đều mất sức lao động, đất đai cằn cỗi, nguồn nước chỉ đủ dùng trong sinh hoạt nên chẳng thể trồng trọt được gì. Việc ăn uống chỉ có thể trông đợi vào hỗ trợ ít ỏi của nhà nước, tính bình quân mỗi người chưa đến 200.000 đồng mỗi tháng nên rất bĩ cực".

Cuộc sống bần cùng và sự tủi thân của cộng đồng làng phong là điều khiến Trần Công Nghĩa luôn quay quắt.

Nghĩa nói người làng phong phần lớn mù chữ, lại sống khu trú, ít giao tiếp nên chẳng biết giãi bày, chia sẻ những u uất, khốn khó của mình với ai. Bà con mong ước có được bữa ăn ngon, phụ huynh khát khao có tuyến xe buýt để tiện việc cho con em đến trường, học sinh mong được hỗ trợ học phí, tặng sách vở, xe đạp, dụng cụ học tập, có chế độ bồi dưỡng thể chất…, những trăn trở, mong ước ấy của cư dân làng phong, Trần Công Nghĩa lẳng lặng ghi nhận rồi từ những mối quan hệ bè bạn, anh mạnh dạn chia sẻ với họ, những mong ngày càng nhiều tấm lòng san sẻ yêu thương với bà con làng phong: "Dù đã có những cải thiện nhưng nhiều phận người  hủi ở làng vẫn sống trong sự khốn cùng, mặc cảm. Ngay cả các con tôi, dù được bố mẹ nhen lửa cho sự tự tin nhưng trong sâu thẳm, các cháu vẫn tự ti, ngại nói về nguồn gốc, về nơi sinh sống của mình với các bạn… Từ những nỗi buồn ấy, ý định, quyết tâm níu dần khoảng cách giữa người làng phong với cộng đồng xã hội cứ thế lớn dần trong tôi" - Nghĩa thổ lộ.

Lặng lẽ lắng nghe, ghi nhận những tâm tư của cư dân làng phong và lặng lẽ chia sẻ những nốt trầm ấy với bạn bè và nhiều tấm lòng hiệp nghĩa, cứ thế mong ước thu hẹp khoảng cách giữa thế giới của những phận người hủi với cuộc sống bên ngoài Ghềnh Ráng của Trần Công Nghĩa được nhiều người sẻ chia. Cũng từ đây, năm 2000, anh được cộng đồng làng phong bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng làng phong đến nay.

Ở "cương vị" này, Nghĩa càng xông pha, càng gắng cố làm điều có ích, thiết thực cho bà con ở làng. Anh "kéo" về làng những tấm lòng hiệp nghĩa, những tấm lòng sẵn sàng san sẻ từ vật chất đến tinh thần cho người làng phong: "Một lời thăm hỏi, vài cân gạo, dăm tập sách vở, quần áo… đến với bà con đều là của quý” - Nghĩa bộc bạch - "Quý không chỉ ở giá trị vật chất mà còn ở tấm lòng san sẻ, cưu mang, tấm lòng của người mạnh giúp kẻ yếu, của lá lành đùm lá rách… Càng như thế, người làng phong càng thêm ấm lòng, vững tin, xóa dần trong họ mặc cảm bị bỏ rơi, xa lánh".

Biết chuyện của Nghĩa, bạn bè gần xa và người đất Qui Nhơn trân trọng, yêu mến, đặt cho anh biệt danh "kẻ ăn mày làng phong". Anh "ăn mày" không cho riêng mình, không để lấy lòng thương hại của người khác: "Tôi kết nối, chia sẻ chuyện làng phong với khắp xa gần chỉ với suy nghĩ đơn giản, người bị bệnh phong cũng là con người nên cần được quan tâm, đối xử như một con người". 

Rời làng phong Quy Hòa, chúng tôi mang theo bóng dáng nhỏ nhoi của ông Chủ tịch làng phong với đôi tay co quắp bên chiếc xe lăn, tuy "nghèo" sức khỏe, nghèo cả tiền bạc nhưng giàu tâm huyết "ăn mày" vì hơn 1.000 con người đồng cảnh. Chúng tôi cũng mang theo ánh mắt trĩu nặng của Nghĩa trước bữa ăn chỉ có cơm với canh lõng bõng.

Cùng đó là tâm tình của Nghĩa về tình cảnh của nhiều con em làng phong, nhiều cháu học rất giỏi nhưng hoặc không thể đến trường, hoặc rồi sẽ phải dứt ngang việc học vì cha mẹ không đủ sức… lo. Mong rằng bài viết này sẽ góp phần giúp "sự nghiệp ăn mày" của ông Chủ tịch làng phong  được nở hoa. Điều ấy thành hiện thực hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tấm lòng của bạn đọc xa gần!

Thành Dũng – CSTC tuần số 75
.
.
.