Ông già bắt cướp và bí quyết khắc chế tội phạm hung hãn

Thứ Tư, 11/05/2011, 15:26
Những năm tháng chiến đấu ngoài chiến trường đã rèn luyện cho ông một ý chí không chịu chùn bước. Ông đã có một thời gian được huấn luyện cùng đơn vị đặc công, những kỹ năng đó bây giờ vẫn còn nguyên tác dụng.

Tài sản thu từ bọn cướp trị giá bằng nhiều ngôi nhà

Rất khó để tưởng tượng ông già đã gần 70 tuổi với vóc người nhỏ thó này bắt cướp như thế nào. Thế nhưng khi bước vào nhà ông, nhìn tấm ảnh chụp ông với bộ quân phục bạc màu, ngực trĩu nặng những huân, huy chương, tôi phần nào cảm nhận được sức mạnh tiềm ẩn trong con người nhỏ bé này.

Về hưu và tham gia bắt cướp từ năm 1994, nhưng ông Đỗ Văn Yên ở phường Kim Liên, Hà Nội đã hơn 150 lần lập chiến công, thu hồi 3 chiếc xe máy, nhiều dây chuyền vàng, túi xách, 67 chiếc xe đạp trong đó có 57 chiếc mini Nhật. Vào những năm 1990, xe máy, xe đạp là tài sản rất có giá trị. Khi đó mỗi chiếc xe Dream có giá tương đương với một ngôi nhà 40m2 ở khu vực ven Hà Nội. Và mỗi ngôi nhà như vậy chỉ tương tương với 10-15 chiếc xe mini Nhật. Số tài sản mà ông Yên giành lại từ bọn tội phạm không hề nhỏ.

Ông Yên không bao giờ nghĩ mình sẽ thành người nổi tiếng, mà lại nổi tiếng về cái công việc mang danh hiệp sĩ này. Khi về hưu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông xin được trông giữ xe ở khu phố. Ngày ấy, bọn trộm cắp hoành hành ngang ngược. Nhiều người nhìn rõ trộm lấy tài sản của mình, hô hào nhưng không ai dám ra tay ngăn cản chúng. Không chịu được cảnh đó, ông Yên vận động thêm chục người nữa lập thành tổ săn bắt cướp. Ngay sau hôm thành lập, ông cùng đồng đội đã bắt được một tên cướp hung hãn, trả lại người bị hại chiếc dây chuyền 1 lượng vàng.

Ông Đỗ Văn Yên và “đồng nghiệp”.

Khi được hỏi cảm nhận về lần đầu tiên lập chiến công, ông Yên cho biết: "Việc thu lại tài sản cho người dân, đó chỉ là mục đích rất nhỏ trong hành động bắt cướp. Điều mà tôi thực sự mong muốn, đó chính là tạo được lòng tin nơi nhân dân. Họ cần phải tin tưởng còn có những người dám ra tay chống lại cái ác, một niềm tin rằng xung quanh mình còn rất nhiều người tốt. Còn bọn tội phạm phải biết là hành động của chúng luôn có người ngăn chặn. Nếu có người phát hiện một tên ăn trộm, họ hô hào mọi người mà không có ai hưởng ứng. Lúc đó người dân sẽ mất niềm tin vào xã hội. Một tên ăn cắp bản thân họ cũng biết hành động của mình là xấu xa, thế nhưng nếu họ cứ làm điều xấu mà không ai dám phản đối thì cái hành động xấu đó như được tiếp sức, nó sẽ ngày càng phát triển".

Ông Yên tâm sự, có những người điều kiện kinh tế khá giả nên họ thường chủ quan, để hớ hênh những tài sản như xe máy, xe đạp… chính điều này đã tạo điều kiện cho tội phạm phát triển. Một tên trộm lần đầu lấy chiếc xe đạp thành công, lần sau nó sẽ ăn trộm chiếc xe máy, rồi cướp tiệm vàng, cướp ngân hàng… hành động phạm pháp đó sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Ông Yên đã giúp không ít những tội phạm biết nhận ra lỗi lầm khi bàn tay còn mới nhuốm chàm. Khi đó, con đường trở lại với cuộc sống lương thiện của họ rất dễ dàng.

Đã nhiều lần ông Yên lấy lại được những tài sản có giá trị và nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ người dân. Thế nhưng điều làm ông xúc động nhất lại từ một lần ông giành được chiếc xe đạp cà tàng từ tay bọn cướp. Chiếc xe đạp đó là vật dụng rất quý giá của một cô công nhân nghèo. Hôm ấy là chủ nhật, cô được nghỉ, bố cô mượn xe đạp đi mua báo. Cụ dựng chiếc xe đó ngay cạnh người rồi quay vào lúi húi chọn báo. Chỉ trong tích tắc, chiếc xe đạp lọt vào tầm mắt của kẻ gian. Một tên trộm lượn sát bên cụ già, nhẹ nhàng dắt chiếc xe phóng mất mà mọi người không hề hay biết. Khi ông cụ quay lại không thấy chiếc xe đạp đâu, cụ hốt hoảng không nói được thành lời. Đó là phương tiện đi lại duy nhất của con gái cụ, mất xe có nghĩa là con cụ ngày mai không thể đi làm. Cụ chỉ lắp bắp nói: Mất xe! Mất xe...

Thế nhưng mọi hành động của tên trộm đó không qua được mắt ông Yên. Khi tiếng hô hoán của mọi người cất lên, ông Yên đã đuổi được một quãng đường. Khoảng cách của ông với tên trộm lúc ấy khá xa, chừng 300m. Hình ảnh hoảng hốt của cụ già hiện lên trong tâm trí khiến ông Yên quyết tâm bắt tên trộm bằng được. Gắng hết sức rút ngắn khoảng cách xuống 200m, 100m và khi đuổi ngang hàng với tên trộm, ông tung một cú đạp rất mạnh khiến hắn và chiếc xe đổ kềnh ra đường. Mọi người lúc ấy ào vào hỗ trợ ông bắt tên trộm, thu lại chiếc xe đạp cho cụ già. Khi nhận lại chiếc xe đạp, cụ già hết sức biết ơn và tỏ ra vô cùng hối hận. Chỉ vì một chút chủ quan của mình mà người khác phải rất vất vả mới lấy lại được chiếc xe.

Những lần để trộm chạy thoát là những lần ông Yên cảm thấy day dứt. Tài sản có thể lấy được, nhưng nếu tội phạm chạy mất có nghĩa là chúng sẽ tiếp tục gây ra những vụ trộm khác. Có lần, có một thanh niên đi chiếc xe máy đắt tiền, anh ta mải ăn sáng đến nỗi trộm lấy xe, nổ máy phóng đi thì anh mới phát hiện ra và hô hoán. Đúng lúc ấy, ông Yên đang đuổi theo một tên trộm xe đạp chạy cùng chiều. Ông hô hoán khiến tên trộm xe máy hoảng loạn rẽ vào một khu tập thể rồi biến mất.

Sau khi bắt xong tên trộm xe đạp, ông Yên vội vã vào khu tập thể dò hỏi người dân xem có ai khả nghi phóng xe máy vào đây gửi không? Ông được biết có một trường hợp vội vã gửi chiếc xe máy rất đắt tiền mà không kịp lấy vé xe. Ông Yên quyết định rình cả ngày hôm đó chờ đối tượng quay lại sẽ bắt giữ. Thế nhưng đợi đến tận 11h đêm mà đối tượng không quay lại, ông xin chủ nhà khóa chiếc xe đó lại. Sáng hôm sau, ông ra phường báo Công an. Đúng lúc ấy, Công an đưa ra thông báo của người mất xe đúng biển số với chiếc xe mà ông Yên nghi vấn. Chiếc xe được trao trả lại người bị hại nhưng ông Yên luyến tiếc vì không bắt được tên trộm.

Ông già cao 1m6 hạ cướp cao 1m8 chỉ bằng một cú đá

Khi được hỏi với tầm vóc nhỏ bé, lại tuổi cao sao ông có thể bắt được những tên trộm, cướp to cao, hung hãn và có cả vũ khí? Ông Yên cho biết bí quyết chính là đòn tâm lý. Tên trộm dù có hung hãn đến đâu, khi làm điều sai trái, tâm lý của nó là sợ. Còn ông nhỏ con nhưng đang làm điều chính nghĩa nên chắc chắn nó phải sợ ông. Khi biết được đối phương đang run sợ thì chiến thắng nó là điều chắc chắn, chỉ có điều mình phải hành động thận trọng và quyết đoán. Đã nhiều lần ông hạ đo ván những thanh niên to hơn ông rất nhiều. Ông Yên cho biết, đối với tội phạm manh động không thể không dùng vũ lực.

Những năm tháng chiến đấu ngoài chiến trường đã rèn luyện cho ông một ý chí không chịu chùn bước. Ông đã có một thời gian được huấn luyện cùng đơn vị đặc công, những kỹ năng đó bây giờ vẫn còn nguyên tác dụng. Có lần phát hiện một tên trộm cao đến 1m8, nặng tầm 70kg đang trộm xe đạp của một phụ nữ, ông lập tức tiến đến, tên trộm không bỏ chạy mà đứng lại, một tay nâng bổng chiếc xe mini Nhật nhằm người ông quật tới. Ông Yên chỉ kịp nghiêng người, một mảng áo trước ngực bị chiếc xe đạp làm rách toạc. Khi tay tên trộm còn đang văng theo đà quật, ông lách người áp sát tung một cú đá trúng vào chỗ hiểm. Nó sững người, buông chiếc xe đạp đứng như trời trồng. Ông Yên nhảy lên, khum bàn tay vỗ mạnh vào hai tai tên trộm. Choáng váng do bị đánh vào tai cộng với đòn hiểm bây giờ mới… ngấm, tên tội phạm từ từ gục xuống.

Ông Yên cho rằng hôm đó ông đã may mắn. May mắn không phải chuyện chút nữa bị chiếc xe đạp phang trúng mà ông cảm thấy may mắn là mình đã… già. Ông thú nhận, nếu hôm đó mà ông còn đủ sức trai tráng thì tên trộm đó vỡ… "hàng" rồi. Lúc ấy thì mình lại trở thành người có tội. Khi bị bắt vào đồn, tên trộm khai hắn vừa mới ra tù, hôm ấy hắn tròn 28 tuổi nên hắn cố "kiếm chác" để tối cùng “chiến hữu” đập phá. Không ngờ hắn được ông Yên tặng cho "món quà" sinh nhật đặc biệt này.

Cướp hung hãn ư? Chỉ cần một cái còi

Mặc dù hết sức cẩn trọng, thế nhưng trong một lần đuổi bắt tên cướp giật dây chuyền, ông Yên bị tên tội phạm hung hãn đâm thủng bụng. Lúc đó ông cùng một số người đuổi sát tên cướp, bất ngờ, tên cướp quay ngoắt lại đâm thẳng vào một người đuổi theo. Anh này né người, mũi dao sượt qua nách và đâm trúng ông Yên ở phía sau. Do khoảng cách gần, bất ngờ lại bị khuất tầm nhìn nên ông không thể tránh kịp. Vết thương chỉ cách tim 2cm, nó khiến ông phải nằm viện mất một tháng.

Sau lần đó, mọi người khuyên ông thôi không bắt cướp nữa nhưng ông Yên kiên quyết phản đối. Ông bảo nếu bị đâm mà bỏ cuộc thì bọn tội phạm sẽ được nước lấn tới. Chúng sẽ phạm tội nhiều hơn, hung hãn hơn… Mình tiếp tục bắt cướp thì bọn chúng mới sợ mà không dám phạm tội nữa.

Sau lần bị thương, ông Yên rút ra nhiều bí quyết để khắc chế những tên cướp manh động, có vũ khí. Ông tiết lộ, với những tên như thế, ta nên giữ một khoảng cách hợp lý, không quá xa để tội phạm chạy mất, cũng không quá gần. Người bắt cướp chủ động kéo dài thời gian để chờ người khác cùng hỗ trợ vây bắt. Theo ông, người bắt cướp nên chuẩn bị một cái còi. Tiếng còi sẽ làm cho những tên cướp liều lĩnh nhất cũng phải hoảng loạn, tiếng còi lôi kéo được rất nhiều người cùng mình tham gia trấn áp tên cướp. Có những tên tội phạm khi thấy quá nhiều người vây bắt đã hoang mang buông vũ khí đầu hàng.

Những lần nghe thông tin những hiệp sĩ săn bắt cướp ở phía Nam bị thương, hy sinh… lòng ông Yên đau như cắt. Ông Yên muốn khuyên những đồng nghiệp trẻ này hãy cẩn trọng vì muốn bắt được cướp một cách lâu dài thì tính mạng của mình là quan trọng nhất. Nếu mình hy sinh hay bị thương mất hết sức lực thì có muốn cũng không thể tiếp tục bắt cướp được. Ông hy vọng những kinh nghiệm của mình được truyền đạt đến mọi người. Khi đó ai ai cũng có thể tham gia bắt cướp mà không sợ nguy hại đến tính mạng

Hoàng Nguyễn
.
.
.