Phận đời nhọc nhằn kiếm sống bên dòng kênh đen

Thứ Tư, 27/07/2011, 08:14
Buổi trưa hè nắng gắt, những cơn gió như thổi mùi hôi thối hắt vào mặt hơn chục phận người đang lội bì bõm dưới dòng kênh Ba Bò. Mùi xú uế từng chập xông lên. Hơn chục phận người rải đều đoạn kênh để miệt mài nhặt rác. Phận đời nhặt rác như "mối lương duyên" tiền kiếp đeo bám lấy họ.

Tủi phận nghề nhặt rác

Tiết trời tháng sáu, những tia nắng bắt đầu phủ lấy xóm nghèo ven kênh Ba Bò đen đặc. Vài thập niên về trước, con kênh này trong vắt, người ta vẫn thường sử dụng nguồn nước ở đây trong sinh hoạt. Từ khi các khu công nghiệp mọc lên, một số nhà máy xả nước thải xuống dòng kênh đã hủy hoại môi trường nơi đây nghiêm trọng.

Ngày đêm, dòng kênh Ba Bò oằn mình cõng khối nước thải chứa đầy hóa chất để hòa vào dòng sông Sài Gòn chảy xiết. Từ xa, những gian nhà tạm lợp tôn chen đặc cứng. Ấp Đồng An, xã Đình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương được biết đến với khu trọ đông đúc của những công nhân xa quê tá túc qua ngày. Người dân sinh sống dọc theo mé kênh được dịp vứt thẳng rác xuống nơi đây. Rác ở đây cũng là "nguồn" nuôi sống những người dân hành nghề nhặt rác chuyên nghiệp.

Từ sớm tinh mơ, hàng ngàn lao động hối hả túa ra đường để kịp giờ làm. Lọt thỏm trong dòng nam thanh nữ tú đang trên đường đến các khu công nghiệp, những mảnh đời đang len lỏi vào đám đông và khuất dần sau con hẻm. Họ không đến nhà máy hay những công trường mà tiến thẳng về phía dòng kênh Ba Bò đặc quánh bốc mùi hôi.

Trên vai khoác bao nilon, những phận đời ngày đêm chăm chỉ nhặt những mẫu rác dưới dòng kênh tìm kế mưu sinh. Không lập thành tổ đội, mạnh ai nấy nhặt cốt để bán lấy tiền sống lay lất qua ngày. Lội bì bõm giữa dòng kênh đen ngòm đặc quánh, trên vai khoác bao nilon, mắt quan sát xung quanh, chân rảo bước trên dòng kênh bốc mùi hôi thối. Thoáng chốc họ cúi quặp người, nhặt nhanh những mảnh nhựa, đôi dép đứt.... cho vào bao khoát trên vai.

Chúng tôi len lỏi men theo lối đi bên hông của một dãy nhà trọ, bám gót những người nhặt rác để đặt chân xuống kênh Ba Bò. Nhìn dòng kênh hằng ngày vẫn cứ chảy róc rách mang nặng mùi xú uế đủ để đôi chân có cảm giác chùn lại và không muốn bước xuống dòng nước đen ngòm. Vậy mà, gần chục phận người đã bắt đầu cho công việc của một ngày mới.

Công việc thường ngày của người phụ nữ mưu sinh bằng nghề nhặt rác.

Chân mang ủng, đầu đội mũ rộng vành, người thì nón lá, mặt bịt kín và bước xuống dòng kênh. Trên tay mỗi người đều sắm những cù móc để bươi từng mảng rác lớn, cố sao tìm nhặt được thật nhiều rác và chất chật căng bao tải 50 ký vác sau lưng. Họ rảo từng bước một, thật chậm rãi trên dòng kênh. Từng phận người vẫn luôn bám lấy dòng kênh, cố tìm những thứ rác thải có thể đổi lấy tiền.

Phía đằng xa, dáng người phụ nữ gầy gò, thấp bé đang lầm lũi rảo từng bước. Mắt dán chặt xuống dòng kênh, chiếc nón lá che ngang tầm mắt lặng lẽ bước đi bàng quan với những ánh mắt xung quanh. Trên đường đi ngang qua những dãy phòng trọ để tiến xuống dòng kênh, các cô cậu công nhân nhác thấy bóng những người hành nghề nhặt rác vội đưa tay lên che mũi hay ném lại sau lưng họ những lời xì xầm và lắm lúc là những ánh mắt mỉa mai.

Cứu cánh nơi dòng kênh Ba Bò

Bắt chuyện với người phụ nữ tên Trần Thị Lan đang cặm cụi nhặt những gì có thể mang ra bán được ở vựa ve chai, chị cho biết, rời miền quê nghèo ở xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) để Nam tiến lập nghiệp. Ở cái tuổi ngoài 40, chị Lan cùng chồng và 2 đứa con thầm cầu mong tha hương để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau 1 năm đặt chân đến miền đất lạ, những dự tính ban đầu của chị Lan gần như tan biến. Ấp ủ ước mơ, đến với tỉnh Bình Dương đang phát triển và có nhiều cơ hội để "bon chen" đổi đời.

Phận đời trôi nổi trên dòng kênh như đẩy đưa gia đình chị Lan đến với dòng kênh Ba Bò. Những ngày đầu, vợ chồng chị Lan chí thú làm công nhân cho một công ty tại Khu công nghiệp Bình Dương. Người phụ nữ có thân hình gầy gò thường xuyên đau ốm, chị Trần Thị Lan phải thường xuyên nghỉ việc để điều trị bệnh. Hết vợ đến chồng, anh Lê Công Túy (43 tuổi, chồng chị Lan) lại bị cơn bạo bệnh hành hạ. Tiền nong mang theo để phòng thân từ quê vào sau vài tháng sạch nhẵn. Mỗi lần trở trời, anh Túy lại mắc bệnh, toàn thân đau nhức.

Những lần chồng lâm bệnh, chị Lan phải thường xuyên túc trực chăm sóc chồng. Các công ty ở khu công nghiệp lần lượt từ chối chị và người chồng vào làm do sức khỏe, thời gian không đảm bảo được công việc. Hai vợ chồng lại dắt díu nhau đến các công trình để xin phụ hồ. Công việc phụ hồ nặng nhọc, anh Túy thường hay đau ốm, chị Lan ít có thời gian để chăm sóc chồng con. Thấy trong khu trọ, phía sau là dòng kênh, người dân thường hay vứt rác xuống bên dưới. Vậy là, nghiệp nhặt rác đã gọi tên chị. Như một định mệnh của cuộc sống, chị Lan cũng đành chấp nhận đến với dòng kênh Ba Bò như số… trời đã định.

Thương vợ vất vả, những lúc khỏe, anh Lê Công Túy lại lao ra các công trường để xin phụ hồ kiếm tiền phụ giúp gia đình. Từng đồng tiền công chắt chiu dành dụm, đến hồi ngã bệnh, cả 2 vợ chồng lại nhẵn túi. Rít ống điếu thuốc lào, phả khói qua cánh cửa, đôi mắt anh Túy như đăm chiêu nhìn về nơi xa xăm. Cơn bệnh tật cứ từng ngày từng tháng hành hạ. Từ một người mập mạp, rắn rỏi, anh Lê Công Túy đã trở nên gầy nhom. Cứ dăm ba tuần, căn bệnh lại tái phát, vậy là chị Lan phải nghỉ làm để chăm sóc cho chồng. Tiền nong túng quẫn, đứa con trai lớn ở tuổi ăn học cũng đành rời xa mái trường để phụ giúp cha mẹ.

Hồi còn ở quê, Lê Công Tùng (18 tuổi), là một trong những học sinh xuất sắc nhất làng. Trong 11 năm cắp sách đến trường, năm nào Tùng cũng được nhận giấy khen và là học sinh khá giỏi của lớp. Hay tin Tùng không đi học nữa, thầy cô Trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiên Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến nhà để động viên cho cháu được tiếp tục đến lớp. Nhưng biết gia đình quá nghèo, Tùng đành chấp nhận gác việc học sang một bên để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Cuộc sống ở quê, gia đình chị Lan chỉ có một sào ruộng, lúa làm mỗi năm 2 vụ, mùa được mùa mất. Kể đến đây, đôi mắt chị Lan bỗng đỏ hoe. Chị thương cho thằng con trai lớn phải nghỉ học giữa chừng bởi cái cảnh nghèo túng luôn vây lấy gia đình.

Gạt đôi dòng nước mắt, chị Lan tiếp câu chuyện: Trong nhà lúc nào cũng thiếu thốn thì lấy đâu ra tiền để nuôi con ăn học. Thấy dân làng lần lượt vào Nam mở đường mưu sinh, nghe nói dễ có điều kiện kiếm tiền hơn nên cả gia đình quyết tâm đi lập nghiệp". Từ khi nghỉ học để theo mẹ vào Bình Dương, bản chất hiền lành của cậu bé nơi vùng quê nghèo khó, Tùng được một ông chủ shop vải tạo điều kiện phụ giúp việc buôn bán. Mỗi tháng, người ta trả công Tùng được gần 2 triệu đồng. Số tiền trên, em mang về hết cho cha mẹ. Nghe cha mẹ kể chuyện, người con gái út (4 tuổi) ngồi sát bên, đôi mắt ngơ ngác nhìn.

Thấy chị Lan sụt sùi, bỗng dưng cô bé đặt câu hỏi: "Sao mẹ lại khóc?". Nói về đứa con trai lớn, chị Lan khóc: "Cũng vì nghèo nên thằng con trai duy nhất là Lê Công Tùng, phải bỏ học giữa chừng". Nhớ lại cái ngày cho con thôi học, đôi mắt của chị Lan bỗng dưng đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn: "Phận làm cha làm mẹ chưa làm tròn trách nhiệm cho cháu có được con chữ để thoát nghèo".

 Trong căn phòng rộng hơn 8 mét vuông, phía bên trên là căn gác lửng để đêm về 2 vợ chồng ngả lưng. Cả 4 người trong gia đình bấu víu lấy nhau bên căn nhà trọ. Cứ mỗi ngày, khi bắt đầu đi làm, đứa con gái miệng bi bô gọi mẹ và quấn lấy chị Lan. Lòng chị như quặn thắt và thôi thúc kiếm thêm tiền lo cho con cuộc sống đầy đủ, tươm tất hơn.

Vốn dĩ, anh Túy không phải là người mê những phụ nữ son phấn, sực nức mùi nước hoa. Bản thân anh như "nghiện" người vợ ở đức tính hiền lành, tần tảo sớm hơn vì chồng con. Cuộc sống tình nghĩa vợ chồng gắn bó với nhau càng keo sơn bền chặt. Từng miếng ăn, giấc ngủ, chị Lan đều chăm chút, hết lòng yêu thương con và chồng. Anh mê luôn cả những giọt mồ hôi thấm đẫm trên lưng áo vợ mỗi khi chị đi làm về. Mùi hôi thối của dòng kênh chị mang về căn nhà trọ như niềm tin nuôi sống cả gia đình. Những đêm trái gió trở trời, lên cơn bạo bệnh, anh Túy chỉ biết cố nén lời than thở để chị Lan và các con bớt đi những lo lắng.

Trời dần về trưa, bóng những người nhặt rác như nhỏ bé hơn dưới đôi bàn chân bước đi trên dòng kênh Ba Bò. Họ vẫn cứ lầm lũi bước tới, bỏ lại sau lưng những ánh mắt kỳ thị của người đời. Cuộc đời nghèo khó đã không thể cản bước được những người nhặt rác. Họ vẫn phải kiếm sống, vẫn luôn đặt một niềm tin ở sự đổi đời cho tương lai. Bởi, trên vai của dân tỉnh lẻ là cả gánh nặng về tương lai của những đứa con, niềm hy vọng duy nhất của gia đình những người nhặt rác

Cây Khế
.
.
.