Phúc lợi - không phải xin cho

Thứ Hai, 07/03/2011, 14:26
Chính sách điều chỉnh giá bán điện và các chính sách kinh tế - xã hội thể hiện tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ tái khẳng định quan điểm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Nhưng để chính sách nhân văn thực sự phát huy đúng nghĩa, tư duy "xin - cho" ở không ít cán bộ cơ sở phải được thay đổi.

Muốn nghèo phải xung phong?

Một chủ tịch UBND xã ở miền Trung khi gặp mặt các nhà báo đầu xuân 2011 đã khẩn khoản: báo chí viết ôn nghèo kể khổ thì không sao nhưng không nên viết khen thành tựu xã nhà, không nên trưng ảnh đường sá đổ bê tông sạch đẹp, nhà cửa khang trang đầu làng cuối xóm.

Ai nghĩ nghịch lý thì tuỳ, nhưng với vị chủ tịch và người dân trong xã thì đây là "nghị quyết" để tiếp tục đưa xã vào diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011 - 2015 nhằm nhận thêm các khoản ưu đãi, phúc lợi từ Chính phủ, đặc biệt nguồn hỗ trợ từ Chương trình 135. Chính quyền xã lo lắng "đưa chuyện xã giàu mạnh lên báo, trên họ cắt ưu đãi thì chẳng những xã mất nguồn lợi mà đến con em đang theo học ở Hà Nội cũng mất đi tháng mấy trăm nghìn học bổng và hỗ trợ học phí".

Cách cho quà cũng thể hiện sự trân trọng với người nghèo.

Chuyện "xin được làm xã nghèo" ngỡ đã qua lâu rồi nhưng thực tế vẫn còn nóng hổi. Ngẫm ra, cơ chế xin - cho như một biến tướng của câu chuyện an sinh và phúc lợi xã hội còn có điều kiện ăn mầm bám rễ ở nhiều địa phương và chính việc thực hiện thiếu khách quan, minh bạch ở một số nơi đã làm ảnh hưởng tính chất, ý nghĩa mang tính nhân văn xã hội.

Biến tướng xin - cho sự nghèo

Trong cơ cấu điều chỉnh giá bán điện vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hộ nghèo tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt. Có thể thấy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và chịu sức ép lớn từ lạm phát, khi mà giá điện bình quân đều tăng thì việc trích ngân sách 1.230 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 3,2 triệu hộ nghèo trên toàn quốc (bình quân hỗ trợ mỗi hộ 30 nghìn đồng/tháng) là sự cố gắng lớn của Chính phủ. Tiết kiệm 30 nghìn đồng mỗi tháng với một hộ, hơn 1 nghìn tỷ đồng mỗi năm với một quốc gia, con số ấy rất khiêm tốn về giá trị tiền mặt, nhưng rất lớn về ý nghĩa.

Nhưng, cũng như nhiều chính sách an sinh và phúc lợi xã hội khác, việc thực hiện khách quan, minh bạch để người nghèo thực sự được hưởng thụ cả về giá trị tiền bạc và giá trị tinh thần, nó còn cần sự đổi mới ngay trong tư duy của một số cán bộ cơ sở. Chủ trương của Chính phủ là rất rõ ràng, luôn xác định sự ưu tiên đặc biệt với người nghèo, nhưng việc thực hiện tại cơ sở còn lắm chuyện mâu thuẫn. Với sự hỗ trợ toàn phần hay một phần từ nguồn phúc lợi xã hội, nhiều người không tự nhận mình giàu, thoát nghèo, trái lại tìm cách "xung phong được nghèo".

Người nghèo có quyền được hưởng phúc lợi.

Trong khi đó, việc xác định nghèo hay không nghèo, chỉ có chính quyền cơ sở là người nắm rõ nhất và cũng chỉ có họ mới có đủ điều kiện để kiểm tra, xác lập văn bản, thực hiện chính sách phúc lợi xã hội. Việc đối chiếu, xác lập và thực hiện đó, hiểu đúng nghĩa là trách nhiệm của chính quyền cơ sở và họ có nghĩa vụ thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích.

Người nghèo, họ có quyền được hưởng thụ phúc lợi xã hội theo chủ trương của Chính phủ và cái quyền đó là bất di bất dịch, họ hiển nhiên được nhận mà không phải ràng buộc bất cứ điều kiện nào. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, tư duy này đang bị nhận thức sai lệch. Người nghèo muốn được hỗ trợ phải tìm đủ cách để chứng minh mình nghèo, thậm chí để được vào danh sách nghèo do xã lập, họ phải "chạy".

Một số cán bộ địa phương tự cho mình cái quyền được lựa chọn ai nghèo, ai không. Quy định chuẩn nghèo của Chính phủ cũng chỉ tương đối, chính sự vận dụng theo cảm tính và các cách nhìn tiêu cực ở một số nơi nên điều này đã bị biến dạng. Việc vận dụng sai lệch đối tượng ở nhiều xã trong thực hiện chính sách hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho người nghèo đón Tết Nguyên đán năm 2009 tới nay còn là bài học thời sự, nhiều nơi người giàu cũng nhận hỗ trợ, trong khi nơi khác lại chia kiểu cào bằng.

Với chính sách phúc lợi xã hội trong hỗ trợ giá điện cho người nghèo, việc thực hiện được giao cho ngành điện lực. Theo quy định, các hộ thu nhập thấp muốn được mua điện theo giá của bậc thang đầu tiên (50kw/tháng) phải đăng ký theo hướng dẫn của bên bán điện. Nếu trong 3 tháng liên tiếp, tổng lượng điện sử dụng của hộ đã đăng ký vượt quá 150kw thì bên bán điện sẽ tự động chuyển sang mức giá điện của bậc thang thứ hai và các bậc tiếp theo. Như vậy, "gậy" điều chỉnh do cán bộ ngành điện nắm giữ.

Ở đây, chính sách hỗ trợ không xác định hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập mà theo tiêu chí tiêu thụ điện. Dẫu rằng, tiêu thụ ở mức nào đã có công tơ điện nhưng thiết bị do con người điều khiển và thực tế đã xảy ra những chuyện gian lận như cán bộ ngành điện chia nhỏ công tơ để hưởng chênh lệch trong công tơ tổng.

Một hộ thực nghèo, nếu chẳng may 3 tháng tiêu thụ "lỡ tay" hơn chỉ một con số, đạt 151kw thì lập tức họ rời khỏi danh sách hộ nghèo của ngành điện mà không thể giải thích và ngành điện cũng không cần phải giải thích (quy định bên bán điện tự động chuyển sang mức giá điện khác cao hơn). Còn hộ không thực nghèo, một viễn cảnh khác hoàn toàn có thể xảy ra nếu sử dụng mức cao hơn nhưng lại "người nhà" ngành điện.

Quyền và trách nhiệm đặt ngược chỗ!

Mâu thuẫn ở chỗ: người nghèo được hưởng chính sách phúc lợi nhưng ở thế bị động, nghèo thật đấy nhưng có được coi là nghèo không lại do người khác quyết, còn ngành điện vẫn trên tư cách ban phát. Chừng nào, ngành điện còn ở thế cửa trên, trong vai trò người nắm "cần câu" thì chừng đó biểu hiện của quan liêu, hách dịch, tiêu cực còn tồn tại.

Sai lệch tư duy nhưng nhiều người lại hiểu một cách hiển nhiên như một lô gích ngược bởi thực tế, ngành điện phải là người chịu trách nhiệm thực hiện chủ trương phúc lợi, còn người tiêu dùng, người nghèo, họ có quyền được hưởng phúc lợi. Quyền và trách nhiệm đặt ngược chỗ chính là mấu chốt dẫn tới các tiêu cực. Phúc lợi xã hội đến với người nghèo, họ có quyền được hưởng mà không phải có bất kỳ sự cầu cạnh, xin xỏ nào khác và ngược lại, cán bộ được giao nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện việc cấp phát phúc lợi chứ không phải sự ban ơn, bố thí. Cán bộ không xác định đúng đối tượng, tiêu chuẩn người nghèo, người được hưởng thì chính họ phải chịu trách nhiệm về việc làm sai trái, bất luận nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, tiêu cực hay không tiêu cực.

"Cách cho hơn của cho" - câu ngạn ngữ luôn nóng tính thời sự. Người nghèo - dĩ nhiên đã nghèo thì ở vào thế khó, nghèo thì lấy đâu điều kiện để xoay xở theo nghĩa tiêu cực như người không nghèo. Hơn bao giờ hết, họ ngoài được hỗ trợ về vật chất thì việc hỗ trợ đó, giá trị tinh thần phải được tôn trọng, để của cho đúng ý nghĩa nhân văn đích thực. Muốn vậy, những vi phạm, tiêu cực phải được nắn chỉnh ngay từ quan điểm, tư duy cán bộ cơ sở.

Thế nào là hộ nghèo?

Theo Quyết định số 09/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống; hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống; hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng; hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Nếu tính theo chuẩn nghèo mới, từ năm 2011, nước ta có khoảng 15-17% hộ nghèo, tương đương 3,3 triệu hộ nghèo, trong đó 90% tập trung ở nông thôn.

Nghèo nông thôn thiếu ăn, nghèo thành thị thiếu nhà

Chương trình phát triển Liên hợp quốc về kết quả nghiên cứu khảo sát nghèo đô thị tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 2 thành phố này áp chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung do Chính phủ ban hành. Hiện tại TP.HCM đang áp dụng mức nghèo là dưới 12 triệu đồng/người/năm (1 triệu đồng/người/tháng, trong khi chuẩn chung là 500.000 đồng/người/tháng), không phân biệt nội hay ngoại thành. Chuẩn này liên quan tới mức sống, bởi tiêu chí được 2 thành phố này áp dụng là xét xem người dân có được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ nhà ở phù hợp và tiếp cận nhà ở có chất lượng và diện tích phù hợp hay không. Như vậy, mức nghèo ở thành phố và nông thôn đã có sự khác biệt: trong khi người dân nông thôn nghèo là thiếu ăn, thiếu mặc thì tiêu chí nghèo ở thành thị là thiếu nhà ở và các dịch vụ xã hội.

"Nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp; chưa hình thành được hệ thống an sinh xã hội rộng khắp với những cơ chế chủ động tích cực, bền vững, làm chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo; chưa huy động được mạnh mẽ sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo đảm an sinh xã hội..." (TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội)

Phan Đăng - CSTC tuần số 48
.
.
.