Quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam: Trắng trợn vi phạm

Thứ Bảy, 28/05/2011, 16:00
LaVie và TaVie, OMO và TOMOT... những tên gọi na ná nhau, và càng dễ tung hỏa mù nếu những chữ thừa được cố tình làm mờ. Smartdoor kiện Austdoor ròng rã suốt hai năm, Vincom kiện Vincon, hay như gần đây, việc nhái kiểu dáng xe máy Honda, cửa cuốn Eurowindow... bị phát giác và xử lí, đã cho thấy các thương hiệu lớn đang bị đánh cắp một cách trắng trợn.

Phạt nhiều nhưng chẳng ai sợ, vi phạm vẫn tăng, với thủ đoạn tinh vi hơn. Các cơ quan quản lí thì vẫn chỉ khuyến cáo: Doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu của mình.      

Thủ thuật ăn theo các thương hiệu lớn

Trên thị trường, nhiều khách hàng từng bị nhầm lẫn giữa nhãn hiệu LaVie với nhãn hiệu TaVie, bột giặt OMO và TOMOT do tên gọi na ná như nhau, lại được làm mờ những chữ "thừa" để nhìn thoáng qua sẽ tưởng đó là cùng một thương hiệu. Hay việc sử dụng tên thương mại trong lĩnh vực ngân hàng, thường là tên các vùng lãnh thổ như Âu, Á, Đông Nam Á… trong khi ngân hàng lại nằm ở Việt Nam.

Điều này đã khiến cho khách hàng lúng túng khi lựa chọn sản phẩm bởi họ không hiểu những tên gọi ấy muốn nói lên điều gì, có phải do nguồn gốc xuất thân của doanh nghiệp hay chỉ đơn thuần là gọi cho "kêu" mà thôi. Không chỉ vậy, việc những nhãn hiệu ra đời sau luôn bắt chước gần giống với thương hiệu có uy tín từ trước đã cố ý tạo ra sự nhầm lẫn cho khách hàng.

Tâm lí sính ngoại của người Việt đang khiến cho nhiều thương hiệu lớn bị làm nhái. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Vụ kiện dân sự của Công ty cổ phần Vincom đối với Cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon vào cuối năm 2010 vì hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, tên thương mại là một ví dụ điển hình. Vincon đã sử dụng dấu hiệu "Vincon" trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo và trên tên công ty, tên chi nhánh của công ty này tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Vincom" đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hay như mới đây, ngày 30/3/2011, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Nam Việt Phát (có địa chỉ tại phường Phúc Xá - Ba Đình - Hà Nội) đã bị xử phạt 12 triệu đồng vì hành vi nhái kiểu dáng xe máy đang được bảo hộ của Công ty Honda (Nhật Bản). Ngoài ra, Công ty Nam Việt Phát còn buộc phải loại bỏ, tiêu hủy 11 chi tiết gắn trên 68 chiếc xe vi phạm.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng đã xảy ra không ít trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tương tự. Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu (Eurowindow) đã xây dựng thương hiệu của mình trong suốt thời gian dài. Sau đó, hàng loạt công ty khác cũng chuyên cung cấp cửa ra đời và nhái theo thương hiệu này với những cái tên nhãn hiệu có đuôi là "window", đã bị Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ xử lí.

Điển hình như, ngày 20/1/2011, Công ty cổ phần Cửa châu Âu (276 Lý Thường Kiệt - Tân Bình – TP HCM) đã bị xử phạt 20 triệu đồng vì hành vi gắn dấu hiệu "Euwindows, hình" trên biển hiệu, tài liệu giao dịch, website, bảng báo giá, các phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo... xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Euwindow, hình" của Công ty cổ phần cửa sổ nhựa châu Âu.

Ngoài việc xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu "Euwindow, hình", Công ty cổ phần Cửa Châu Âu còn sử dụng tên thương mại gần giống với tên thương mại của Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa Châu Âu, thậm chí không đi đăng ký nhãn hiệu nhưng vẫn sử dụng dấu hiệu trên nhãn hiệu "Euwindow", và khi được hỏi đến, doanh nghiệp này vẫn hồn nhiên trả lời là do... thiếu hiểu biết.

Lô hàng bị Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ xử phạt vì vi phạm sở hữu công nghiệp.

Ngày 19/4/2011, Công ty TNHH Cửa nhựa châu Âu, có địa chỉ tại số 120 Giảng Võ (Hà Nội) cũng bị xử phạt 10 triệu đồng vì hành vi sử dụng dấu hiệu "Cửa nhựa châu Âu" trên giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, quảng cáo... gây nhầm lẫn với tên thương mại của "Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu" đang được bảo hộ.

Chỉ tính từ năm 2010 tới nay, Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ đã xử phạt trên 30 vụ vi phạm sở hữu công nghiệp, thu nộp ngân sách gần 600 triệu đồng.

Thành lập tòa án sở hữu trí tuệ: Cần thiết nhưng khó...

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn rất mới mẻ ở Việt Nam, trong khi thế giới đã đi trước cả trăm năm. Dẫu vậy, Việt Nam cũng đã đạt được những thành công nhất định, như năm 2010, số đơn xin cấp bằng sáng chế của Việt Nam là 310 đơn, tăng hơn so với năm 2009. Tuy nhiên, số vụ vi phạm sở hữu trí tuệ  đang tăng lên theo hướng ngày càng tinh vi hơn. Các doanh nghiệp ngày càng có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.

Năm 2010 đã có 183 đơn gửi về Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu cho ý kiến chuyên môn trong các tranh chấp, chủ yếu liên quan đến sáng chế, giải pháp hữu ích. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu áp dụng xử phạt hành chính đối với các vi phạm về SHTT. Mức phạt đã được điều chỉnh, cao nhất là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này vẫn bị coi là chưa đủ sức răn đe. Nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt, vì xét về lợi ích từ việc vi phạm, doanh nghiệp vẫn có lời.

Năm 2006, lần đầu tiên vụ kiện vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được đưa ra tòa. Vụ việc bắt đầu từ năm 1999, Công ty cổ phần Hải Bình kí hợp đồng với Công ty Korea EnE (Hàn Quốc) để trở thành nhà phân phối sản phẩm bơm xăng điện tử mang nhãn hiệu Korea EnE trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Đến tháng 1/2002, Công ty Hải Bình đã có đơn gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ xin bảo hộ nhãn hiệu EnE và logo hình oval. Tuy nhiên, ngay sau đó, Korea EnE đã lên tiếng cho rằng, nhãn hiệu, logo mà Công ty Hải Bình đăng kí trùng khớp với mẫu nhãn hiệu, logo của Korea EnE đã thiết kế từ trước nên đã có công văn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ hủy mẫu logo của Công ty Hải Bình.

Cục đã đưa ra Quyết định số 24 về việc hủy Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu hàng hóa của Công ty Hải Bình. Cho rằng Cục đã làm sai nên Công ty Hải Bình quyết đưa vụ việc ra Tòa Hành chính Hà Nội. Hội đồng xét xử đã kết luận, mẫu logo của Công ty Hải Bình gần như trùng khớp với mẫu logo của Korea EnE, khiến người tiêu dùng có thể nhầm lẫn. Hơn thế, Công ty Hải Bình lại không đưa ra được bằng chứng để chứng minh quyền sở hữu chính đáng đối với sản phẩm của mình. Kết cục, Công ty Hải Bình thua, Quyết định 24 vẫn được giữ nguyên.

Vi phạm SHTT là quan hệ dân sự nên cần đưa ra tòa án giải quyết thay vì áp dụng biện pháp hành chính. Tòa án sẽ có phán quyết và đưa ra mức đền bù cho bị hại. SHTT là lĩnh vực chuyên sâu, có tính đặc thù riêng, tòa án các địa phương đôi khi cũng lúng túng, vì hạn chế chuyên môn nên có thể dẫn đến oan sai.

Vì vậy Việt Nam nên thành lập tòa án chuyên trách, đào tạo các thẩm phán có đủ năng lực về lĩnh vực SHTT, thay vì đầu tư cho tất cả 64 tòa án ở 64 tỉnh, thành, sẽ rất tốn kém và thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giải quyết vi phạm SHTT qua tòa án còn ít, do người dân còn quan niệm cái gì dính dáng đến tòa án thường rất ghê gớm, mất thời gian, mất án phí,… Trong khi đó, nếu chỉ giải quyết bằng xử phạt vi phạm hành chính, tiền xử phạt nộp vào ngân sách Nhà nước thì phía bị xâm phạm SHTT không được bồi thường gì.

Ông Hoàng Văn Tân - Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu của mình

Ở Đức, khi chiếc xe BMW X5 bị phát hiện có nguồn gốc từ Trung Quốc, đơn vị chức năng lập tức nghiền nát nó. Ở ta, sản phẩm bị làm nhái chỉ bị yêu cầu loại bỏ các yếu tố xâm hại mà không triệt tiêu tận gốc.Việt Nam còn nghèo, nếu tiêu hủy sẽ gây thiệt hại tài sản rất lớn.

Cũng phải thừa nhận, đôi khi, bản thân các doanh nghiệp tự đánh mất thương hiệu khi quan tâm chưa đúng mức tới vấn đề SHTT. Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, chủ sở hữu đã cần phải quan tâm tới việc đặt tên doanh nghiệp là gì để tránh xâm hại tới tên thương mại đã được bảo hộ; kinh doanh sản phẩm gì, đưa ra thị trường như thế nào...Việc cốt yếu nhất vẫn là phải đăng kí thương hiệu. Doanh nghiệp thường ngại đi đăng kí SHTT vì sợ mất thời gian.

Ông Hoàng Văn Tân đang trao đổi với PV CSTC về tình trạng vi phạm SHTT ở Việt Nam.

Theo qui trình, khi nhận được hồ sơ đăng kí của doanh nghiệp, sau một tháng, Cục phải có ý kiến trả lời hồ sơ có hợp lệ hay không (thẩm định về mặt hình thức).

Sau đó, đối với đăng kí nhãn hiệu phải mất 9 tháng, với kiểu dáng là 7 tháng, với sáng chế là 12 tháng, để tiến hành thẩm định nội dung. Cục sẽ công bố hồ sơ của doanh nghiệp lên công báo Sở hữu công nghiệp (địa chỉ). Tới thời điểm này, nếu Cục nhận được bất cứ ý kiến phản đối nào hợp lí từ bên ngoài, việc cấp bảo hộ sẽ dừng lại để thẩm định tiếp. Nếu không có ý kiến phản đối, Cục sẽ cấp văn bằng bảo hộ.

Doanh nghiệp kêu mất thời gian, thậm chí kêu bị "làm khó" song đó là qui trình tất yếu, bởi việc thẩm định phải kĩ lưỡng, dựa trên kết quả đối sánh với các hồ sơ lưu trữ để tránh trùng lặp. Đối với nước tiên tiến bậc nhất thế giới ở lĩnh vực SHTT như Nhật Bản, việc đăng kí nhãn hiệu cũng mất trung bình 6,2 tháng, kiểu dáng mất 7,1 tháng, sáng chế mất 29,1 tháng.

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang rất thiếu số lượng thẩm định viên. Số thẩm định viên nhãn hiệu mới có 52 người, kiểu dáng có 11 người, sáng chế có 50 người. Trong khi đó, Nhật Bản có 2.291 thẩm định viên nhãn hiệu, 1.703 thẩm định viên sáng chế và 52 thẩm định viên kiểu dáng.

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ: Xử phạt cũng khó...

Không giống như các vi phạm thông thường, việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện nếu có yêu cầu từ phía chủ thể bị xâm hại quyền. Thanh tra Bộ không thể ngẫu nhiên đi thanh tra, xử lí, bởi quá trình thẩm định phải trả lời hai cầu hỏi: Xâm hại của ai? Xâm hại như thế nào? Rất nhiều doanh nghiệp bị làm nhái thương hiệu nhưng không nhờ đến Thanh tra, mà tự đàm phán với nhau, tới khi không có kết quả mới làm cho vụ việc rùm beng rồi mời Thanh tra vào cuộc.

Việc xử phạt những đơn vị sai phạm cũng không dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc, một số gây áp lực. Theo lẽ thường, nếu các đơn vị không chịu nộp phạt, sẽ tiến hành truy thu qua tài khoản giao dịch ngân hàng của công ty.

Tuy nhiên, không hiếm khi, các công ty lập "tài khoản rỗng", toàn bộ tài sản đã được chuyển vào tài khoản cá nhân, khiến việc truy thu không thực hiện được. Mức xử phạt hiện nay vẫn rất nhẹ, không đủ sức răn đe. Xử lí 30 vụ vi phạm, số tiền thu nộp ngân sách mới được 600 triệu thì chẳng khác gì muối bỏ bể

Lâm Khánh Vy – CSTC tuần số 59
.
.
.