Sau động đất: Nỗi đau Nhật Bản

Thứ Ba, 29/03/2011, 13:24
Sáng sớm 16/3, Nhật Bản một lần nữa lại chấn động sau khi thông tin về vụ cháy ở lò phản ứng số 4 tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi làm gia tăng nồng độ phóng xạ. Trước đó vài tiếng, người dân xứ sở mặt trời mọc đã "oằn mình" chịu thêm trận động đất có cường độ 6,8 độ richter ở miền Đông tỉnh Shizouka và trận động đất 5 độ richter ở phía Đông Yamanashi Prefecture với tâm chấn sâu khoảng 10km cùng hàng loạt dư chấn khác.

Theo cảnh báo của Cơ quan khí tượng Nhật Bản, động đất và dư chấn có thể sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới, thậm chí là vài tháng tới. Những cơn thịnh nộ của thiên nhiên cùng những sự cố liên tiếp tại các nhà máy điện hạt nhân đang đẩy quốc gia có nền kinh tế lớn vào bậc nhất thế giới này lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới lần II.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Nỗi lo sợ rò rỉ phóng xạ vẫn tiếp tục ám ảnh nước Nhật khi lửa lại bùng lên ở lò phản ứng số 4 tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi sáng sớm 16/3. Ba tiếng sau đó, lò phản ứng số 3 tiếp tục lại bốc cháy. Theo Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) hai lò phản ứng còn lại là lò số 5 và lò số 6 cũng có dấu hiệu bị hỏng bộ phận làm lạnh. Mặc dù Ban lãnh đạo nhà máy đã cắt cử công nhân bơm nước biển vào những lò này, song nhiệt độ của các lò vẫn tiếp tục tăng cao.

TEPCO cũng đang chuẩn bị máy bay trực thăng để phục vụ cho kế hoạch tiếp nước vào các lò phản ứng ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi từ trên không. Một mặt bằng, mọi giá khắc phục mọi sự cố, tránh để gia tăng sự rò rỉ phóng xạ, mặt khác, Chính phủ Nhật Bản cũng đã lệnh sơ tán hàng ngàn công nhân tại Nhà máy Fukushima Dai-i-chi và cả công nhân của Nhà máy Fukushima Daini ở gần đó.

Cho đến 9h sáng 16/3, chỉ còn khoảng 50 công nhân đang cần mẫn làm việc tại Nhà máy Fukushima Dai-i-chi. Phần lớn những người này đã tự nguyện ở lại để bảo vệ lò phản ứng và đưa ra những quyết sách thích hợp nhằm giảm thiểu mọi thiệt hại phát sinh từ sự cố hạt nhân. Họ được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, thực phẩm và nước uống sạch trong nhiều ngày.

Nhưng chỉ 1 tiếng sau đó, khói trắng bốc lên từ lò phản ứng số 3 khiến tất cả các công nhân này buộc phải sơ tán khẩn cấp, nhà máy dừng hoạt động. Các kỹ sư của TEPCO cũng cảnh báo rằng, mức độ phóng xạ của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daini đang tăng dần lên. TEPCO đã phải cử một số đoàn chuyên gia tới kiểm tra các lò phản ứng ở những nhà máy điện hạt nhân khác gần khu vực Fukushima và Sendai. Mọi phương án dự phòng cho trường hợp xấu cũng được tính đến, kể cả việc đổ a xít vào nhà máy.

Trong khi đó, công tác cứu hộ và tìm kiếm người mất tích vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Tại thị trấn Miyagi, nơi đã bị sóng thần quét sạch chỉ trong vài phút giờ còn lại đống hoang tàn. Thị trấn này có khoảng 10.000 dân nhưng nay chỉ còn chưa đầy 900 người. Số người may mắn sống sót đã được lực lượng cứu hộ đưa tới sơ tán tại một số trung tâm cứu nạn khẩn cấp.

Tính đến 9h sáng 16/3, người ta mới tìm thấy được 3.676 thi thể được cho là người dân thị trấn Miyagi (trong đó có 2.000 thi thể bị sóng biển đánh dạt vào bờ), hơn 5.000 người khác vẫn biệt vô âm tín. Chính phủ Nhật Bản đã cử 80.000 cảnh sát và quân nhân thuộc Lực lượng phòng vệ tới Miyagi và Iwate thực hiện công tác cứu hộ.

Báo cáo gửi lên Chính phủ Nhật Bản còn cho hay, 3 thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn gồm thành phố Minamisanriku thuộc tỉnh Miyagi, thành phố Kesennuma và thành phố Rikuzentakata. Số thi thể người chết được tìm thấy ngày càng nhiều và các lò hỏa thiêu ở Nhật Bản đã phải hoạt động hết công suất để hoả táng những thi thể này nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh lan tràn sau động đất.

Những cuộc kiếm tìm trong nước mắt 

Tin từ Đài NHK cho hay, nhiều người Nhật Bản sau khi được đưa về các trung tâm sơ tán, lại quay trở về địa phương với hy vọng mong manh là tìm thấy người thân. Như anh Tatsuya chẳng hạn. 4 ngày qua, ngày nào anh cũng đi bộ dọc thị trấn, dùng những vật dụng có được, thậm chí là bằng tay để đào bới, tìm kiếm người vợ và cậu con trai mất tích. Nhà bị cuốn trôi, Tatsuya như người mất hồn khi nhận thấy chỉ còn mình anh giữa đống đổ nát của tổ ấm mà hai vợ chồng mới gây dựng.

Cơn ác mộng hôm 11/3 cứ ám ảnh anh mỗi khi chợp mắt. Vì thế, dù đã được sơ tán tới nơi an toàn, song chỉ 2 tiếng sau đó, anh đã tìm cách trở về Miyagi. Niềm hy vọng tìm được vợ và con trai dần tắt khi anh chứng kiến cảnh hoang tàn nơi quê hương. Nhưng nỗi thất vọng không đánh gục được Tatsuya. Anh hòa mình cùng lưc lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm người mất tích và lo hỏa táng cho những thi thể bị sóng biển đánh dạt vào bờ…

Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi gò má Tatsuya, anh oà khóc nức nở khi tiếng reo hòa lẫn trong dòng nước mắt hạnh phúc của thành viên đội cứu hộ mà anh tham gia, bởi họ vừa tìm thấy một bé gái mới 4 tháng tuổi còn sống trong đống đổ nát sau 3 ngày mất tích.

Mẹ bé kể rằng, cô bé đã bị cuốn trôi khỏi vòng tay của cha khi sóng thần hung dữ quét qua nhà em ở làng Ishinomaki. Bế đứa bé trong tay, Tatsuya những tưởng đó là con trai mình. Và một lần nữa anh lại khóc ngất khi được mọi người thông tin đã tìm thấy thi thể người vợ đang ôm chặt con trai bị mắc kẹt trong đống đổ nát của một tòa nhà cao tầng.

Câu chuyện của Tomomi Braund đang làm việc ở Thủ đô Tokyo cũng khiến nhiều người phải rơi nước mắt. Tomomi kể rằng, sau khi hứng chịu những dư chấn của động đất, chị đã lấy ngay xe ôtô và lao như bay về Miyagi nơi có bố mẹ và con chị ở đó. Vừa đi Tomomi vừa khóc bởi nhà của chị chỉ cách bờ biển có 800m. Sóng thần ập vào, khả năng ngôi nhà bị cuốn trôi là chắc chắn. Tomomi chỉ cầu mong sao mọi người được bình yên.

Và diệu kỳ thay, bằng mọi nỗ lực, cùng với sự trợ giúp của bạn bè, 3 ngày sau, tức vào ngày 14/3, chị đã tìm thấy mẹ, dì, cháu ruột và đứa con mới một tháng tuổi. Cả 4 người đều bị kẹt trên một chiếc ôtô và cứ lênh đênh trên biển nước mênh mông trong nhiều tiếng đồng hồ. Cực nhất là lúc con nhỏ của Tomomi khóc vì đói. Chỗ sữa có trong xe chỉ đủ cho bé bú vài lần. Mọi người đành quyết định nhịn ăn và chỉ uống nước theo từng giọt nhỏ để dành cho đứa bé. Thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, gia đình Tomomi đã đưa nhau tới trung tâm sơ tán rồi sau đó trở về Tokyo.

Hiện Tomomi đang tích cực thành lập các trang web và lên những trang mạng xã hội để kêu gọi mọi người quyên góp, ủng hộ Nhật Bản vượt qua khó khăn. Và còn nhiều câu chuyện khác như chuyện của 3 người phụ nữ ở độ tuổi 60 bị cuốn trôi theo dòng nước trong một chiếc ôtô để rồi sau vài tiếng lênh đênh giữa biển nước, chiếc ôtô của họ bị mắc kẹt trong một tòa nhà đổ nát và bị bẹp rúm. Không có đồ ăn thức uống, trơ trọi giữa mênh mông biển nước, họ đã được lực lượng cứu hộ cứu sống.

Lạ lùng thay, cả 3 vẫn tỉnh táo sau hơn 48 tiếng đồng hồ vật lộn với "sức mạnh của thiên nhiên". Liều thuốc an thần duy nhất của họ chính là những bài hát dân ca Nhật Bản. Một phụ nữ được tìm thấy khi may mắn bám vào những mảnh gỗ trôi qua rồi trèo lên những cành cây, phía dưới là dòng nước chảy xiết…

Hiện, tại 3 tỉnh hứng chịu cường độ mạnh nhất của động đất và sóng thần là Iwate, Miyagi và Fukushima, Chính phủ Nhật Bản đã cho lập 2.600 trung tâm cứu nạn để đưa 530.000 người tạm thời đến cư trú. Sau khi công tác cứu hộ được hoàn tất, Nhật Bản dự định sẽ xây tạm 32.800 ngôi nhà cung cấp cho người dân. Trong thời gian này, mọi nhu cầu sinh hoạt của cư dân 3 tỉnh này đều do Nhà nước và các doanh nghiệp hảo tâm chu cấp.

"Thiên đường" ở nơi hoang tàn

Đó là cách mà một nhóm lưu học sinh Anh đang nghiên cứu tại Đại học Cơ đốc quốc tế ở Thủ đô Tokyo nói về những gì họ đã trải qua sau trận động đất và sóng thần hôm 11/3. Ấn tượng không bao giờ quên về lòng mến khách và tinh thần yêu thương đồng loại của người Nhật đã khiến họ phải tự nhận rằng mình là những người may mắn vì đã trải qua những giờ khắc kinh khủng nhất trong sự yêu thương và đùm bọc của mọi người.

Trong khi đó, một phóng viên của tạp chí Times (Mỹ) đang thường trú ở Nhật Bản đã có bài ca ngợi tinh thần người Nhật với những lời lẽ trân trọng nhất. Theo phóng viên này, các dân tộc khác nhau trải nghiệm thảm họa theo những cách khác nhau.

Sự sẻ chia và tinh thần đoàn kết của người Nhật trong gian khó.

Ông viết: "Ở Nam Á, sau trận sóng thần năm 2004, không khí đầy mùi tang tóc. Nhưng phản ứng của Nhật Bản và cách người dân Nhật thể hiện sự đau thương sau thảm họa mới đây không như thế. Nước mắt đã rơi, nhưng không chút ồn ào. Bất chấp việc các nguồn cung cấp cạn kiệt, những hàng dài trước các trạm xăng và cửa hàng nhu yếu phẩm vẫn duy trì được trật tự tuyệt đối, như thường nhật. Không có vụ hôi của hay cướp bóc nào. Sự thiếu thốn những hàng hóa thiết yếu nhất cho đời sống đã được người dân chấp nhận một cách lặng lẽ, không một lời than phiền, không có ai lớn giọng. Ý tưởng rất rõ ràng: Mọi người đều đau đớn như nhau. Các trung tâm sơ tán, sân vận động, trường học, bệnh viện, nơi hơn 450.000 người đang chen chúc nhau, được tổ chức tuyệt đối ngăn nắp. Mất điện và không có máy tính, những thông báo được ghi trên các tấm bảng trắng lớn và mọi người tuân thủ kỷ luật đến mức khó tin". Phóng viên của tạp chí Times phải thốt lên rằng: "Người ta nói con người bất lực trước thiên nhiên, nhưng với riêng người Nhật, họ khiến người ta cảm thấy điều ngược lại. Trận động đất, và cả cơn sóng thần, đã gây ra hủy hoại khủng khiếp, nhưng nó đã không thể quật ngã tinh thần Nhật. Sự cam chịu trước thảm họa được đẩy lên đến cùng cực đã trở thành lòng can đảm không gì sánh được". 

Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, trận động đất và sóng thần hôm 11/3 đã xoá sổ 3 thành phố và cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người. Đó là chưa kể đến những tác động xấu đến các nhà máy điện hạt nhân nằm rải rác ở khắp các tỉnh trên đất nước này. Thiệt hại về vật chất ở Nhật Bản ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã gọi đây là "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất" từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ông Naoto Kan khẳng định: "Nhật Bản đã vươn lên từ đống tro tàn 70 năm trước để trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới". Và nay, người Nhật không có lý do gì để không tin rằng, họ sẽ lại đứng lên từ thảm họa này, không chút sợ hãi để xây dựng đất nước ngày một phát triển hơn

Sông Thương (tổng hợp) – CSTC tuần số 50
.
.
.