“Siêu” công nghệ làm "ông ba mươi" giả

Thứ Bảy, 01/01/2011, 15:28
Những động vật được coi là "cá thể hổ đông lạnh", xương hổ, hay sừng tê giác… khi mục sở thị tưởng là "hàng xịn". Ngờ đâu, da hổ được vẽ bằng thuốc nhuộm tóc, xương hổ làm từ xương gấu, nanh hổ, vuốt hổ làm bằng... nhựa composit.

Hổ, tê giác là loài động vật hoang dã được đưa vào danh sách có nguy cơ bị tuyệt chủng hàng đầu. Không cần nhắc thì ai cũng biết việc buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã là bất hợp pháp. Thế nhưng, có một thế giới ngầm vẫn kinh doanh sôi động mặt hàng này vì lợi nhuận khổng lồ. Và, khi cơ quan chức năng của Việt Nam ráo riết đấu tranh để bảo vệ những loài động vật hoang dã thì một bí mật trong ngành nghề kinh doanh này bị bại lộ.

Hổ "ba trong một": Da báo, đầu hổ, xương gấu

Trong kho lưu trữ của Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam có một tủ bảo ôn đựng hai cá thể hổ đông lạnh. Đây là tang vật trong một vụ án vận chuyển động vật hoang dã mà lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) khám phá tháng 10/2009. Hai cá thể hổ được giữ trong tủ bảo ôn với nhiệt độ sâu, một lớp băng tuyết phủ trên bề mặt da hổ. Thịt, xương hổ bên trong cũng đã hóa đá. Ngay từ khi cơ quan Công an thu giữ hai cá thể hổ này, các chuyên gia giám định tại chỗ đã nghi ngờ đây là hai con hổ giả.

Ông Đặng Huy Phương, Chuyên gia nghiên cứu về động vật, Phòng Động vật có xương sống của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là một trong những chuyên gia giám định hai con hổ này cho biết: "Hai cá thể hổ này đều là hổ giả. Một con là beo lửa được vẽ lông cho giống hổ. Một con là da hổ thật, nhưng xương bên trong là xương báo". Có lẽ, nhiều người tiêu dùng sẽ rất bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy con hổ được kết luận là giả kia.

 

Hai con hổ đông lạnh giả đang được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản.

Bản thân người viết bài này khi được anh cán bộ Trần Thanh Tú mở chiếc tủ bảo ôn cho xem con hổ giả thì cũng tưởng nó là thật. Bởi nhìn bên ngoài, màu lông của nó chẳng khác gì hổ thật, cũng vằn vện, cũng có màu vàng, màu nâu sẫm trên lông, rồi còn bộ răng, móng, vuốt… Đối với người dân bình thường thì không thể nghi ngờ đó là hổ giả. Sự xuất hiện của những con hổ giả cho thấy, các đối tượng kinh doanh mặt hàng này vì món lợi béo bở mà không tiếc sự công phu để lừa đảo khách hàng. Bởi thực tế, từ 3 năm trở lại đây, trong số các vụ bắt giữ hổ đông lạnh của lực lượng Công an, kiểm lâm, quản lý thị trường thì số vụ là hàng giả ngày càng nhiều.

Tiến sỹ Đặng Tất Thế, Trưởng phòng Hệ thống học Phân tử và Di truyền Bảo tồn, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là người đã có 10 năm chuyên làm công tác giám định các loài động vật, đặc biệt là hổ. Quá trình giám định, ông đã phát hiện được khoảng trên 10 cá thể hổ được làm giả. Tiến sỹ Thế nhận xét: "Những năm gần đây, hiện tượng làm giả hổ đông lạnh xuất hiện nhiều dần. Đó chỉ là số hổ bị thu giữ, phát hiện và mang đi giám định. Chưa kể số lượng hổ đã tiêu thụ trót lọt trên thị trường. Rất nhiều người tiêu dùng đã bị lừa dùng hổ theo kiểu "3 trong 1"".

Hổ "3 trong 1" theo Tiến sỹ Thế ví dụ cụ thể là con hổ được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An bắt giữ cách đây 5 tháng. Con hổ này khá to, trọng lượng khoảng 80-90kg. Sau khi giám định, các chuyên gia đã khẳng định đó là con hổ được làm từ 3 cá thể khác nhau là: da báo, đầu hổ, xương gấu. Con hổ này được làm giả bằng xương gấu và da báo nên kích thước của nó lớn, tương đương với con hổ thật nên dễ đánh lừa người khác. Nhìn cái đầu đích xác là của "ông" hổ, chắc có lẽ chẳng ai mảy may nghi ngờ về nó. Trong khi đó, hổ được giữ đông lạnh, nguyên con nên càng dễ tiêu thụ với giá của hổ thật.

Một vụ phát hiện hổ đông lạnh giả gần đây nhất do nhóm của Tiến sỹ Thế giám định ngày 13/12 vừa qua là con hổ do Chi cục Kiểm lâm TP HCM bắt giữ. Cũng trong vụ này, một số sừng tê giác được thu giữ cũng có kết quả giám định là sừng giả. Trước đó, các chuyên gia giám định đã phát hiện hàng chục vụ vận chuyển sừng tê giác được làm giả bằng sừng trâu, sừng bò. Trong đó có vụ được lực lượng Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ khi đang vận chuyển ra nước ngoài. Các cán bộ ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, đường đi của những chiếc sừng tê giác cũng khá ly kỳ. Đã có trường hợp người Việt Nam mua sừng tê giác về làm quà, nhưng không ngờ nó là sừng bò, do chính người Việt Nam làm giả đưa ra nước ngoài tiêu thụ.

"Siêu" công nghệ làm giả

Số lượng hổ giả, sừng tê giác giả ngày càng xuất hiện nhiều. Vậy, người ta làm hổ giả bằng cách nào? Đối tượng nào tiêu thụ nó?

Bộ lông của con beo lửa giống với lông hổ nhất nên trước đây dân làm giả thường dùng beo lửa căng da rồi bơm nước cho nó to ra, làm vài thủ thuật khác cho nó giống hổ. Nhưng gần đây người ta không dùng beo lửa nữa mà dùng báo hoa mai. Vì con beo lửa có bơm nước, căng da thì cũng chỉ được trọng lượng tối đa 50kg. Báo hoa mai to hơn, giống hổ hơn. Chỉ còn bộ da là phải dùng công nghệ làm giả. Cụ thể, người ta dùng thuốc nhuộm vàng toàn thân (có thể dùng thuốc nhuộm tóc) rồi sau đó vẽ các đường vằn vện (cũng dùng công nghệ nhuộm tóc). Loại thuốc nhuộm này bám rất chắc, không bị phai. Cán bộ giám định cho biết, thuốc nhuộm bám rất chắc, dùng dao cạo cũng không ra khỏi bộ lông thú được.

"Sừng tê giác" được biến hóa từ sừng bò.

Ngoài ra, người ta còn dùng gel và keo dính để làm dính chặt xương, thịt của con khác với da con hổ. Nếu một con hổ thật bị triệt hạ thì có thể nó sẽ được nhân bản ra thành 3 con khác bằng công nghệ biến hóa trên. Phần đầu thành một con, phần xương làm một con và bộ da làm được một con khác. PGS.TS Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam nhận định: "Do con hổ giả được làm lạnh sâu nên người không có chuyên môn không phân biệt được".

Trước đây, khi chưa xuất hiện hổ đông lạnh giả thì người ta đã làm giả xương hổ rất nhiều. Qua tìm hiểu thị trường ngầm của loại hàng hóa này, chúng tôi đã biết được khá nhiều mánh khóe của dân làm nghề. Một người chuyên nấu cao hổ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bật mí: "Xương gấu giống xương hổ nhất, lại rẻ hơn nên được dùng để chế biến thành xương hổ. Có cả một công nghệ làm xương giả từ gọt giũa, đánh bóng. Quan trọng nhất là phải khoan một lỗ "mắt phượng" bằng kích cỡ, vị trí như xương hổ thật. Xương bánh chè được coi là giá trị nhất của con hổ cũng có thể được làm từ xương lợn trông rất giống. Ngoài ra, có thể thêm một lỗ khoan giống như vết đạn của phường thợ săn…".

Anh này cũng cho biết, nếu là xương gấu thì còn tốt, chứ nhiều tay làm nghề nấu cao còn sử dụng cả xương trâu, xương lợn để nấu thành cao hổ. Xương hổ khô đã có giá 12 triệu đồng/kg cách đây vài năm. Thế nên, dù là xương thật thì người ta cũng cố biến hóa cho nó nặng cân để kiếm thêm tiền. Tiến sỹ Thế cho biết, xương hổ thường được luộc lên với dầu ăn hoặc mỡ thật lâu để dầu, mỡ ngấm vào, tăng thêm cân, giống kiểu các bà buôn "nhồi gà, nhồi vịt". Một bộ xương hổ nếu được sử dụng công nghệ này cũng tăng trọng lượng lên khoảng 15%.

Còn đối với sừng tê giác, ban đầu người ta làm giả bằng sừng trâu nước. Sau đó sừng trâu nước cũng hiếm nên bất luận là sừng nào cũng được chế tác thành sừng tê giác. Nghe nói sừng tê giác có lông, họ cũng cắm lông vào sừng. Có cái sừng được họ tiện thành hình thù cổ quái, hoặc làm sừng bóng, u lồi, xoáy… để giống với sừng tê giác. Nanh, vuốt hổ có giá khoảng 10 triệu đồng/chiếc dùng để làm đồ trang sức. Bởi vậy nó cũng là đối tượng bị làm giả. Quá trình giám định, các chuyên gia về động vật xương phát hiện nhiều vụ nanh vuốt hổ bị làm giả từ nhựa composit. 

Nếu một vụ buôn bán, vận chuyển hổ giả thực hiện trót lọt, người ta sẽ giới thiệu cho bất kỳ ai có nhu cầu cần sản phẩm từ hổ để chữa bệnh. Một chiêu maketting mới được tung ra. Họ lén lút cho một số người xem con hổ nguyên con trong tủ bảo ôn. Những người này sẽ rủ thêm người khác, chung tiền mua một con hổ để nấu cao. Với con mắt không phải nhà nghề, những người dân thường này dễ dàng bị đánh lừa, mua hổ giả bằng giá hổ thật, 500-700 triệu đồng/con hổ giả. Thậm chí mức giá hiện nay có thể lên tới cả tiền tỷ.

Làm gì để chống lại nguy cơ tuyệt chủng loài hổ?

Trở lại với hai con hổ giả hiện đang nằm trong kho Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam. PGS.TS Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam cứ băn khoăn mãi về cách giải quyết hai con hổ này. Ban đầu, cơ quan Công an làm công văn gửi tang vật thuộc loại động vật hoang dã này tại Bảo tàng, sau đó có ý là để làm mẫu vật nghiên cứu hoặc trưng bày. Nhưng sau mấy lần giám định, các chuyên gia khẳng định đó không phải là hổ thật thì phương án giải quyết với hai con hổ đã thay đổi.

Hai con hổ giả này không thể dùng để nghiên cứu khoa học hay làm mẫu vật trưng bày mà cần phải tiêu hủy. Bảo tàng Thiên nhiên thì đề nghị với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (nơi giám định) giải quyết. Nhưng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thì chỉ có cách giải quyết là gửi văn bản đến cơ quan Công an, thông báo chi tiết về hai con hổ giả này và đề nghị giải quyết. Nhưng suốt cả năm nay, Công an Hà Nội vẫn im ắng, để hai con hổ tại Bảo tàng Thiên nhiên. Hàng ngày, chiếc tủ bảo ôn kia phải tiêu tốn một lượng điện lớn để bảo quản. Theo quan điểm của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), cách tốt nhất để bảo tồn loài hổ chính là phải đưa đi tiêu hủy toàn bộ tang vật đã bắt giữ. Còn đối với những động vật hoang dã thật, bị bắt giữ thì sẽ chuyển cho Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam làm mẫu vật nghiên cứu, trưng bày.

Nói về cách phòng tránh bị lừa các sản phẩm hoặc động vật hoang dã làm giả, ông Trần Việt Hưng, Trưởng phòng Tuyên truyền và Nâng cao nhận thức, ENV cho rằng, tác dụng của sản phẩm hổ thật, sừng tê giác thật mới chỉ là qua truyền miệng dân gian chứ chưa có nghiên cứu chính thức để khẳng định. Còn đối với hổ giả, sừng tê giác giả thì không ai dám kết luận nó sẽ ảnh hưởng thế nào với sức khỏe. Nếu người tiêu dùng không cẩn thận thì sẽ bị tiền mất tật mang. Cách tốt nhất để bảo tồn các loài động vật hoang dã và bảo vệ sức khỏe là dùng thuốc thay thế và không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã

Việt Hà - CSTC tuần số 39
.
.
.