Số phận của kẻ 16 năm trốn truy nã

Thứ Tư, 04/05/2011, 12:25
Đang có cuộc sống ổn định và mối tình đẹp với cô gái Hà thành, thế nhưng Dũng không biết trân trọng điều đó mà chỉ một phút nổi máu anh hùng, Dũng đã tự hủy hoại thời trai trẻ của mình để đến nỗi vừa mất mối tình đẹp, vừa phải sống cuộc sống vật vờ nơi đất khách, quê người suốt 16 năm trời...

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa kết thúc phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1969, trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng bị truy tố về tội giết người khi cùng đồng bọn sử dụng trái phép vũ khí quân dụng sát hại kẻ cầm đầu nhóm "anh hùng" đến nhà bạn gái Dũng. Tại phiên tòa, vụ trọng án xảy ra trong đêm ở khu vực bến xe Lương Yên, Hà Nội được lật lại và câu chuyện 16 năm sống chui lủi, trốn truy nã của Dũng dần sáng tỏ với nhiều tình tiết không có trong hồ sơ vụ án.

Không một lời biện minh cho hành vi phạm tội của mình, không đổ lỗi cho đồng phạm, Dũng nhận hết tội về mình và xác định, đó là sai lầm nghiêm trọng trong đời đã khiến anh ta đánh mất mọi thứ. Dũng khai trước tòa rằng, cuộc sống của anh ta trong những ngày xa xứ thật buồn và tủi. "Trong lúc đi làm thuê để lấy tiền sinh nhai thì thôi, chứ cứ về đến nơi ở trọ là bị cáo lại bị ám ảnh và toàn thân nổi gai. Chính bị cáo cũng không hiểu nổi sao mình lại có thể làm cái điều ghê sợ đến thế".

Năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng người mẹ của nạn nhân Đàm Đức Bình vẫn cố gắng tới dự phiên tòa với tư cách là đại diện cho bị hại. Khi vị Chủ tọa phiên tòa hỏi: "Bà có đề nghị gì với Tòa?", không giống như nhiều người phụ nữ khác, bà không nói đến việc bồi thường bằng vật chất mà dành thời gian để nói lên nỗi niềm của người mẹ mất con. "Thưa tòa, nỗi đau này đâu chỉ mình tôi gánh chịu mà còn là nỗi đau của vợ và hai con nó. Con dâu và cháu nội tôi cũng đã phải chịu sự mất mát quá lớn khi điểm tựa tinh thần và cũng là nguồn lao động chính cho cả gia đình mất đi…", người mẹ của bị hại nói.

Ngồi đối diện với gia đình bị hại, ông bố của bị cáo gầy yếu và mệt mỏi. Là người cha nên ông hiểu, dù những người cha khác có suy nghĩ và cách hành xử với người khác tệ đến đâu thì vai trò quan trọng của họ trong gia đình cũng không thể phủ nhận. Ông bảo, ngay khi con trai bị bắt, ông có vài lần đến nhà bị hại để thay mặt đứa con tội lỗi của ông thắp hương tạ tội với vong hồn nạn nhân, đồng thời sẻ chia mất mát với gia đình họ dù là muộn mằn…

Mặc dù không phải là người trực tiếp dùng súng bắn nạn nhân, nhưng Dũng được xác định là chủ mưu nên vụ trọng án mới xảy ra. Hôm đó là tối 17/6/1994, Dũng đến dự sinh nhật bạn gái là chị Nguyễn Thúy P., trú tại phố Hàn Thuyên, Hà Nội. Đang ở trong nhà với người yêu, Dũng nghe thấy bà nội của chị P. to tiếng với ai đó ngoài cổng vì đã làm đổ chiếc xe đạp của gia đình. Đúng lúc này, em trai chị P. là Nguyễn Huy Hoàng đi chơi về liền cầm hai mảnh ngói prôximăng đập nhiều nhát vào người thanh niên đang cãi nhau với bà nội mình.

Sự vụ đã trở nên nghiêm trọng bởi người bị Hoàng đánh là Đàm Đức Bình (tức Bình "đen"), 35 tuổi, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng. Tuy chỉ là nhân viên bốc vác ở bến xe Lương Yên, nhưng Bình "đen" lại được dân anh chị ở khu vực này nể mặt. Ngay sau khi bị ăn đòn, Bình "đen" lập tức tập hợp đàn em đến nhà chị P đánh trả thù. Gia đình chị P không ai dám ra mở cửa vì sợ.

Muốn làm yên lòng người yêu, Dũng mở cửa bước ra ngoài thay mặt gia đình bạn gái xin lỗi Bình "đen". Song thật không may cho Dũng là đúng lúc đó, một đàn em của Bình "đen" đã cầm thanh sắt tròn xông đến phang thẳng vào người khiến Dũng bị thương. Không muốn nhận thêm đòn, Dũng đã bỏ chạy và đám đàn em của Bình "đen" cũng chẳng đuổi theo vì họ hiểu, Dũng không phải là đối tượng đánh "đại ca" của chúng.

Sự việc tưởng vậy là xong, nhưng Dũng lại để bụng chuyện này. Ngay đêm đó, Dũng nhờ bạn là Lê Ngọc Oánh ở Hà Nội đi đánh trả thù Bình "đen". Biết Bình "đen" làm việc ở bến xe Lương Yên, Dũng và Oánh phóng xe máy đến tìm. Đến nơi, phát hiện thấy Bình "đen" đang ngồi trên chiếc xe máy trong sân, Oánh bảo Dũng "giải quyết" nhưng Dũng sợ không dám bóp cò.

Oánh giật lấy khẩu súng từ tay Dũng, trèo lên tường và nhằm thẳng vào Bình "đen" bắn ba phát. Bình "đen" từ từ đổ gục xuống đất. Ngay trong đêm gây án, Dũng và Oánh bắt xe đi Lạng Sơn để trốn sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh. Từ đây, Dũng và Oánh trở thành hai tên tội phạm nguy hiểm bị truy nã toàn quốc. Năm 2002, Lê Ngọc Oánh tự sát, chấm dứt quãng thời gian sống chui lủi và lo sợ bị đàn em của Bình "đen" trả thù. Còn Dũng, không nghề nghiệp, không tiền, không thông thạo tiếng bản địa, Dũng sống vất vưởng qua ngày bằng nghề cửu vạn.

Tiếc cho Dũng, khi nỗi nhớ cha mẹ, gia đình giày vò, tháng 7/2010, anh ta trở về ngôi nhà ở khu tập thể Bạch Mai với ý định ra đầu thú để mong có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng gần 10 ngày trôi qua, Dũng lại không đủ ý chí và quyết tâm để làm điều đó.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi mà bị cáo Dũng và đồng phạm Lê Ngọc Oánh đã gây ra cho nạn nhân là đặc biệt nghiêm trọng nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, giáo dục đối tượng phạm tội.

Với nhận định như vậy, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Dũng mức án chung thân về tội giết người...

Nguyễn Hưng – CSTC tuần số 54
.
.
.