Sự "giúp đỡ"… chết người

Thứ Ba, 16/08/2011, 11:01
Khi Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp thắt chặt tín dụng nhằm kiếm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Không chỉ những doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu vốn mà cá nhân cũng lao đao. Lợi dụng thời cơ này rất nhiều hình thức cho vay nặng lãi mọc lên. Từ những văn phòng bất động sản, dịch vụ cầm đồ mà còn xuất hiện "cò" vay ngân hàng. Cho dù những hình thức khác nhau nhưng có điểm chung tất cả đều cho vay với lãi suất "cắt cổ" nhưng lại với vẻ giúp đỡ những người đang gặp khó khăn…

Vay nặng lãi núp bóng văn phòng bất động sản

Sau khi Chính phủ có những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã siết tín dụng cho vay BĐS. Đánh hơi được lợi ích béo bở này, nhiều văn phòng BĐS đã ồ ạt thực hiện hành vi cho vay nặng lãi. Có mặt tại văn phòng BĐS Đ.L Land ( đầu đường Lê Văn Lương kéo dài). Chưa kịp quan sát, một nhân viên tỏ vẻ khá thông thạo nói: "Anh mua ở đâu? Cần căn khoảng bao nhiêu mét vuông. Thời điểm này giá đang xuống anh mua để ở là vô cùng hợp lý". Chúng tôi đưa ra yêu cầu, một căn hộ tại khu đô thị Văn Khê, diện tích khoảng 60m và có thể sử dụng trong tháng này. Sau khi tìm kiếm nhưng không có căn nào phù hợp với tiêu chí đặt ra.

Một quản lý tên Thái đã đưa ra lời khuyên mua căn hộ rộng hơn và có cách giúp đỡ về mặt tài chính. Vị này đưa ra một căn tại Văn Khê khoảng 100m2, với giá khoảng 2,3 tỷ. Vừa báo giá, nhân viên kinh doanh nói luôn: "Chú có bao nhiêu tiền mặt rồi? Việc mua nhà là việc cả đời nên suy nghĩ kỹ, vay mượn mà mua. Mua được là được!".

Không khó để kiếm được văn phòng môi giới bất động sản cho vay nặng lãi trên địa bàn Hà Nội.

Biết chúng tôi còn thiếu khoảng 1 tỷ. Nhân viên này đon đả: "Anh sẽ giúp chú, quan trọng là chú có gì để thế chấp? Nhưng lãi hơi cao đó, các chú có chịu được không?". Dứt lời vị này nói tiếp: "Anh sẽ vay cho các em với mức 4.000 đồng/ 1 triệu/ 1 ngày. Anh vay chỗ này là dạng rẻ rồi. Nhiều chỗ còn lên đến 6 nghìn, 7 nghìn ý chứ.". Chúng tôi nói là có 1 miếng đất ở quê (Hải Dương) nằm ngay trên QL 5, trị giá cũng được khoảng 2 tỷ. Sau khoảng 30 phút giao thương với nhau, nhân viên này đưa ra một giải pháp khá "hợp lý". Việc mua căn hộ vẫn diễn ra bình thường, không phải đặt sổ đỏ mà sẽ thế chấp ngay căn hộ định mua.

Theo quản lý Thái của văn phòng môi giới BĐS Đ.L Land thì chúng tôi sẽ không được giữ giấy tờ gốc của căn hộ vừa mua. Chỉ khi nào hoàn trả đủ tiền gốc và lãi lúc đó mới chính thức giao cho sổ đỏ. Với 1 tỷ đồng thì 1 tháng chúng tôi phải trả 120 triệu đồng/ tháng. Như vậy, với mức độ lãi suất như thế sẽ tương đương 144%/ năm. Với mức lãi suất cắt cổ như vậy, nếu hàng tháng không trả được lãi thì cứ thế nhân lên. Không mấy chốc người mua nhà sẽ mất trắng.

Thử nghiệm một văn phòng môi giới BĐS khác tại Hà Đông. Chúng tôi vẫn nhận được những lời mời chào vay nặng lãi sau khi thương thảo. Tại văn phòng Đại Phát nằm trên đường Lê Trọng Tấn (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội). Vẫn lấy lý do cần nhà gấp trong 2 tháng tới. Chúng tôi được các nhân viên "chăm sóc" rất chu đáo. Sau khi lựa chọn, nhân viên tên Chanh giới thiệu một căn với giá hơn 2 tỷ. Biết chúng tôi có ý muốn cầm sổ đỏ để vay thêm cho đủ giá trị căn hộ hơn 2 tỷ. Nhân viên Chanh trình bày với vẻ phân trần: "Ở đây bọn anh chỉ là những người bán hộ, người ta gửi đến đây. Bọn anh làm gì có tiền mà cầm sổ đỏ của em".

Như không muốn mất con mồi béo bở, một nhân viên ngồi kế bên nói tiếp: "Nếu anh có thiện chí lấy căn này. Bọn em sẽ có cách vay ngoài cho, nhưng lãi suất cao hơn Ngân hàng nhiều đó". Như muốn dứt khoát, Chanh nói tiếp: "Thế này nhé, nếu đồng ý, anh sẽ làm hợp đồng cho vay với lãi suất 2.500 đồng/ 1 triệu/ ngày. Đó là bọn anh vay hộ thôi, chứ làm gì có tiền mà cầm sổ của các chú.". Như vậy theo nhẩm tính hàng tháng người vay phải trả 75 triệu/ 1 tỷ.  Nếu tháng đầu không có tiền trả lãi thì cứ thế mà tính, lãi mẹ sẽ sinh ra lãi con.

Giật mình với đường dây vay ngân hàng

Để duy trì hoạt động của công ty, nhiều doanh nghiệp đã phải cắn răng vay nóng ngoài ngân hàng. Nguyên nhân chính vẫn là do vay ngân hàng quá khó khăn khi tín dụng đang bị siết. Anh Phạm Khoa, Giám đốc trẻ một công ty nằm trên đường Phạm Hùng đã nhiều lần đến ngân hàng xin làm hồ sơ vay 5 tỷ đồng nhưng đều nhận dược câu trả lời: "Phải chờ".

 Anh Khoa tâm sự, Toàn bộ tiền lưu động đã đổ dồn vào hàng và đang ứ đọng. Chính vì vậy, để duy trì hoạt động của công ty không còn cách nào khác là phải vay cho bằng được tiền. Trong lúc không còn hy vọng đường đường chính chính vay từ phía các Ngân hàng. Anh Khoa đã quyết định tìm "dịch vụ vay ngân hàng". Theo anh Khoa, việc vay Ngân hàng kiểu dịch vụ thì phải biết mối thì mới có thể vay được. Nếu vay 5 tỷ đồng thì phía ngân hàng phải cắt lại 350 triệu đồng tiền phí các khoản. Việc vay qua ngân hàng sẽ kéo dài được thời gian trả tiền, hàng tháng phải trả lãi theo quy định cộng với tổng số tiền vay chia cho thời gian định vay.

Anh Long, Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết, công ty anh cũng thường xuyên phải vay Ngân hàng qua "cò". Phải chịu chi phí và lãi suất cao một chút để trả đáo hạn, hay lương cho công nhân. Nếu cùng quá anh Long vẫn phải thường xuyên vay nóng từ nguồn ngoài Ngân hàng. Anh Long cho biết mỗi lần anh vay khoảng 3 tỷ trong một thời gian ngắn (một vài tuần hoặc 1 tháng) lãi suất cũng phải lên tới hơn 9%/ tháng.

Theo một số "cò", việc Ngân hàng thắt chặt tín dụng nhưng họ vẫn có thể vay được. Mỗi lần phải vay từ 2 tỷ để bõ công chạy giấy tờ. Việc vay thực hiện nhanh hay chậm là do người đi vay cung cấp đủ hồ sơ, giấy tờ cần thiết. Và, khi Ngân hàng đã nhận hồ sơ sẽ cử nhân viên về thẩm định  tài sản thế chấp. "Đó cũng chỉ là thủ tục thôi, người vay cứ đưa cho đội thẩm định khoảng 5 triệu là ô kê ý mà." - Một "cò" nói.n

Trao đổi vấn đề này với Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Công ty Hòa Phát Land. Ông Hà cho rằng có hiện tượng vay nặng lãi tại các văn phòng BĐS là do chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất từ các ngân hàng thương mại tăng lên. Thậm chí các ngân hàng ngừng luôn không cho vay đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Khi đó xuất hiện nhiều cầu, ắt hẳn sẽ có cung.

Ông Hà cũng cho biết, việc các văn phòng môi giới BĐS thực hiện hành vi cho vay lãi là đã vượt quá chức năng nhiệm vụ. Hơn nữa việc cho vay lãi với mức lãi suất vượt quá quy định cũng là hành vi trái pháp luật.

Ông Hà cho biết thêm, việc quản lý và xử lý những hành vi cho vay lãi của các văn phong môi giới BĐS là rất khó. Vì hành vi cho vay có thể mang tính cả nhân, quan hệ nào đó. Nếu nói họ đứng ra cho vay chính thống (thông tin, quảng cáo) là không có.

Và theo ông Hà, nếu tình hình "tín dụng đen" còn kéo dài sẽ rất nguy hiểm với người chủ đầu tư dự án, ảnh hưởng đến người đầu tư . Những dự án sẽ dở dang và rơi vào một mớ bòng bong.

Theo khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Với mức lãi suất 3.000đ/1 triệu/1 ngày, tương đương 108%, (trong khi lãi suất cơ bản của NHNN là 9%), như vậy là phạm luật.

Đối với hành vi cho vay lãi nặng, nếu mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 163 - Bộ luật Hình sự năm 1999 - Tội cho vay lãi nặng: "1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 01 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Tiêu Phong - số 50
.
.
.