Sứ mệnh của hệ thống tàu đổ bộ cơ động nhất thế giới

Thứ Hai, 10/10/2011, 06:59
Hiện nay, các tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Wasp (ong bắp cày) đang biên chế trong lực lượng Hải quân Mỹ là những tàu đổ bộ lớn nhất thế giới, và cũng là những tàu đổ bộ được thiết kế đặc biệt nhất để sử dụng cả tàu đổ bộ đệm khí và máy bay tiêm-cường kích AV-88 Harrier-2.

Tàu đổ bộ mạnh, cơ động nhất thế giới

Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng là lúc nổ ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực quân sự. Các cường quốc quân sự trên thế giới đua nhau nâng cấp và hoàn thiện hệ thống vũ khí trang bị của mình, chủ yếu là để đủ sức tiến hành các chiến dịch quân sự quy mô lớn có sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nhu cầu về tính cơ động trong lực lượng vũ trang các nước lại ngày càng tăng lên. Điều này dẫn tới các cường quốc lại tập trung vào nghiên cứu, phát triển các loại tàu sân bay, tàu ngầm, các loại máy bay tiền phương… những phương tiện có tầm hoạt động lớn và khả năng cơ động cao.

Đáng chú ý, một phần quan trọng trong biên chế của lực lượng Hải quân các nước lúc này đã tập trung vào lực lượng đổ bộ trên biển bởi vì lực lượng này có thể nhanh chóng triển khai các hoạt động tác chiến ở bất cứ khu vực nào. Đây là lực lượng lý tưởng để tiến hành các hoạt động tác chiến trong các cuộc chiến tranh hiện đại.

Hiện nay, trong biên chế của Hải quân Mỹ có khoảng 8 hạm đội tàu đổ bộ. Mỗi hạm đội này đều có các tàu đổ bộ, tàu đổ bộ mang trực thăng, tàu vận tải đổ bộ, đội quân bảo đảm cho quá trình đổ bộ, đội rò phá mìn, phi đội chỉ huy không quân chiến thuật, cụm tác chiến đặc biệt và phân đội cứu thương, thông tin liên lạc.

Phương tiện đầu tiên chuyên chở các phân đội đổ bộ xuống khu vực cần đánh chiếm là máy bay trực thăng, song chúng lại không thể chở vũ khí và phương tiện tác chiến đi cùng phân đội đổ bộ. Do vậy, hiện nay, các loại vũ khí, phương tiện và cả phân đội đổ bộ được đưa vào bờ bằng tàu đổ bộ cao tốc đệm khí loại LCAC hiện đang được trang bị cho các tàu đổ bộ hiện đại của Hải quân các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan và một số quốc gia khác.

Tàu đổ bộ lớp Wasp của Hải quân Mỹ hiện nay là tàu đổ bộ lớn nhất thế giới và cũng là loại tàu duy nhất được thiết kế chuyên để sử dụng tàu đổ bộ đệm khí và máy bay tiêm-cường kích AV-8B Harrier-2.

Chiếc tàu đổ bộ đầu tiên lớp này là tàu LHD-1, được nâng cấp từ tàu đổ bộ đa năng lớp Tarawa. Nó có khả năng vận chuyển một tiểu đoàn do thám lính thủy đánh bộ với số lượng gần 2.000 người cùng các phương tiện vận chuyển đổ bộ thông dụng và máy bay trực thăng.

Tàu đổ bộ lớp Wasp có hầm chứa chuyên dụng với chiều dài 81m và rộng 15,2m, đủ sức chứa 40 xe vận tải bọc thép, 3 tàu đổ bộ đệm khí loại LCAC hoặc 12 tàu đổ bộ thông thường loại LCU. Mỗi chiếc ca nô đa năng tải trọng 375 tấn mang vỏ thép có thể chở được 2 chiếc xe tăng hoặc 350 người.

Bên cạnh đó, trên tàu đổ bộ lớp Wasp còn có thể triển khai trên boong tàu 20 xe vận tải bọc thép, 17 chiếc ca nô đổ bộ tải trọng 64 tấn loại LCM-6 để chở phương tiện tác chiến quân sự. Mỗi chiếc ca nô loại này có thể chở được 80 lính thủy đánh bộ với đầy đủ vũ khí trang bị. Ngoài ra, trên boong tàu đổ bộ lớp Wasp còn bố trí 9 vị trí đỗ dành cho 42 máy bay trực thăng các biến thể khác nhau, trong đó có trực thăng yểm trợ hỏa lực AH-1 Sea Cobra, trực thăng vận tải MH-47 Chinook hoặc MV-22B Osprey.

Khi đảm nhiệm vai trò của một chiếc tàu sân bay đa năng thì tàu đổ bộ lớp Wasp có thể sẽ được bố trí triển khai thêm 20 máy bay tiêm-cường kích AV-8B Harrier-2 và 6 chiếc trực thăng săn ngầm hiện đại.

Cũng như các tàu chiến hạng nặng khác, tàu đổ bộ lớp Wasp cũng được trang bị hệ thống tác chiến vô tuyến điện tử mạnh, bao gồm có hệ thống radar tìm kiếm, hệ thống điều khiển hỏa lực pháo và dẫn đường tên lửa, anten thông tin liên lạc và định vị.

Hệ thống vũ khí trang bị trên tàu chủ yếu là tổ hợp pháo phòng không Vulkan-Phalanx cỡ 20mm có khả năng tiêu diệt tên lửa đối phương đang bay tới ở cự ly rất gần, khoảng 1,5km, song tốc độ bắn của loại hỏa lực này lại có thể đạt tới 4.500 phát/phút.

Tàu đổ bộ Mỹ thực hiện sứ mệnh ở Libya

Mỹ quyết định tăng cường thêm một tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng và lính thủy đánh bộ tới khu vực Địa Trung Hải. Tuyên bố này do đại diện chính thức của Lầu Năm Góc tiết lộ với báo chí vào ngày 19/3.

Theo đó, tàu đổ bộ Bataan hiện đang triển khai tại Norfok bang Virginia đã nhận được lệnh di chuyển tới sát bờ biển của Libya trên Địa Trung Hải trước ngày 23/3, sớm hơn thời gian dự kiến ban đầu. Ngay từ đầu tháng 3 này, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã hạ lệnh điều động một số tàu chiến từ Biển Đỏ tới Địa Trung Hải để sẵn sàng ứng phó, thực thi các nhiệm vụ tác chiến khi có lệnh của Tổng thống Obama.

Hiện nay, trên Địa Trung Hải có khoảng 7 tàu chiến của Mỹ gồm: 3 tàu khu trục, 2 tàu đổ bộ cỡ lớn là Kearsage và Pons, một tàu chỉ huy của Hạm đội số 6 mang tên Mount Whitney và tàu ngầm nguyên tử tấn công Providence. Ngoài ra, Mỹ còn có 2 tàu sân bay đang hoạt động gần khu vực này.

Tuy nhiên, hiện nay hai chiếc tàu sân bay này chưa kịp di chuyển đến áp sát bờ biển của Libya do đang phải hỗ trợ cho các chiến dịch của Mỹ tại Afghanistan: tàu sân bay Enterprise hiện đang tuần tra trên Biển Đỏ, còn tàu sân bay Carl Vinson hiện đang hoạt động trên Biển Ả Rập.

Trong thời gian này, Italia cũng đưa ra tuyên bố, 7 căn cứ quân sự của nước này sẵn sàng tiếp nhận máy bay của lực lượng quốc tế vào thực thi Nghị quyết 1973 mới được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 17/3 vừa qua về thành lập vùng cấm bay đối với Libya.

Không loại trừ khả năng, chính lực lượng Không quân của Italia cũng sẽ tham gia chiến dịch quân sự này, đồng thời một số chiến hạm và tàu sân bay của Italia cũng đang tiến tới bờ biển của Libya - khẳng định của người đại diện Bộ Quốc phòng Italia.

Bảy căn cứ quân sự của Italia kể trên bao gồm: 2 sân bay quân sự ở phía Nam tỉnh Apulia là Amendola và Gioia del Colle; 2 căn cứ trên đảo Sicily là Sigonella và căn cứ ở thành phố Trapani; 1 căn cứ trên đảo Panteleriya phía Nam Sardinia; 1 căn cứ không quân ở phía Bắc Apennines là Aviano và 1 sân bay hỗ trợ hậu cần trên đảo Sardinia là Dechimomaunnu.

Phát biểu trước báo giới trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Ignazio La Russa cho biết, Italia sẽ ủng hộ toàn diện tất cả các hoạt động của lực lượng quốc tế nhằm thực thi Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hải quân Mỹ ngày 23/3 đã cử tàu tiến công đổ bộ USS Bataan (LHD5) đến Địa Trung Hải để tham gia thực hiện sứ mệnh quân sự tại Libya. Tàu tiến công đổ bộ là tên gọi mới của các hàng không mẫu hạm thời Thế chiến II. Các tàu tiến công đổ bộ là lực lượng nòng cốt của chiến tranh đổ bộ Mỹ.

Các tàu này có sức mạnh tương tự các hàng không mẫu hạm, chỉ khác là lực lượng tấn công là các lực lượng trên bộ. Các tàu này cung cấp chỉ huy, điều hợp và hỗ trợ toàn diện cho tất cả thành phần của một đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh Mỹ, gồm khoảng 2.200 binh sĩ trong một cuộc tấn công sử dụng cả các loại xe và phi cơ đổ bộ.

Giống như những hàng không mẫu hạm loại nhỏ, tàu tiến công đổ bộ có khả năng thực hiện các chiến dịch sử dụng loại phi cơ cánh cố định lên xuống thẳng đứng, phi cơ cất và hạ cánh sử dụng đường băng ngắn hay các loại phi cơ cánh quạt. Chúng cũng có một sàn sát mặt nước để hỗ trợ cho việc sử dụng tàu đổ bộ chạy trên đệm không khí và các loại xuồng tấn công đổ bộ khác.

Hiện tại, các tàu tiến công đổ bộ được triển khai như lực lượng trung tâm của một liên đoàn viễn chinh tấn công. Một liên đoàn viễn chinh tấn công thường gồm có thêm một tàu vận tải đổ bộ phục vụ chiến tranh đổ bộ và một tuần dương hạm hay khu trục hạm có trang bị hệ thống Aegis, tàu khu trục nhỏ, và tàu ngầm tấn công để phòng vệ cho liên đoàn.

Tàu đổ bộ lớn nhất của hải quân Nga

Ra đời từ những năm 70 của thế kỷ trước, Ivan Rogov đang là lớp tàu đổ bộ lớn nhất của hải quân Nga. Tuy nhiên, trong tương lai không xa Ivan Rogov sẽ bị tàu Mistral soán ngôi. Tàu đổ bộ lớp Ivan Rogov thuộc dự án 1174 do Nhà máy Yantar chế tạo. Tất cả có ba chiếc được sản xuất. Chiếc tàu đầu tiên mang tên Ivan Rogov hạ thủy năm 1976, chính thức đưa vào phục vụ năm 1978. Hai chiếc còn lại là tàu Aleksandr Nikolayev và Mitrofan Moskalenko lần lượt biên chế trong các năm 1983 và 1990.

Tàu đổ bộ của Nga là một trong những thiết kế sức chứa lớn. Tàu đổ bộ lớp Ivan Rogov có lượng choán nước 14.000 tấn, dài 157,5m, rộng 23,8m. Khoang chứa hàng của tàu có kích thước 54m x 12,3m với diện tích 660m2, bố trí cầu ra vào mũi tàu chuyên dùng cho nhiệm vụ đổ bộ. Đuôi tàu có một cửa ra vào, bên trong khoang đó có thể làm ngập nước trợ giúp hoạt động của tàu đổ bộ cỡ nhỏ lớp Ondatra (lượng choán nước 145 tấn) và tàu đổ bộ đệm khí lớp Lebed (lượng choán nước 110 tấn).

Sức chứa của lớp Ivan Rogov khá lớn, bên trong khoang tàu chở 2.500 tấn hàng hóa, một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ (520 người) và 25 xe tăng. Hoặc nếu không mang thêm các tàu đổ bộ cỡ nhỏ thì sức chứa tối đa khoảng 50 xe tăng và 80 xe thiết giáp chở quân. Lớp Ivan Rogov còn có khả năng mang được bốn trực thăng săn ngầm Kamov Ka - 27 và trực thăng vận tải vũ trang Ka - 29. Các trực thăng Kamov đặt trong khoang chứa, có hai sân cất hạ cánh bố trí phía mũi tàu và đằng sau đuôi.

Tàu đổ bộ lớp Ivan Rogov trang bị một pháo hai nòng đa năng AK 726 cỡ 75mm. AK 726 thiết kế chuyên tiêu diệt các mục tiêu cỡ nhỏ trên biển, chống máy bay và tên lửa hành trình đối hạm. Pháo có tầm bắn 15,7km, tốc độ bắn tối đa 100 viên/phút, dự trữ đạn 1.000 viên. AK 726 được điều khiển theo ba chế độ: tự động hoàn toàn sử dụng radar kiểm soát hỏa lực; bán tự động sử dụng thiết bị kính ngắm quang học Prizma; thủ công sử dụng kính ngắm của pháo thủ để xác định mục tiêu.

Tháng 12/2010, Moskva công bố, 2 chiếc tàu đổ bổ có sân bay trực thăng lớp Mistral đã được Pháp và Nga cùng hợp tác đóng tại Nhà máy đóng tàu STX ở Saint-Nazaire (Pháp), và 2 chiếc tàu khác sẽ được chế tạo sau tại Nga. "Quyết định đóng các tàu đổ bộ lớp Mistral trên đảo Kotlin, gần thành phố St Petersburg đã được thông qua. Các xưởng đóng tàu mới này sẽ thuộc Công ty đóng tàu Admiralty", nguồn tin tiết lộ.

“Nhà máy đóng tàu mới này sẽ được xây dựng chuyên dụng để chế tạo tàu Mistral, nhưng sau đó nhà máy sẽ được sử dụng để chế tạo các tàu vận tải thương mại và tàu chiến cỡ lớn", một quan chức quân sự Nga phát biểu.

Nga có thể sẽ bắt đầu đóng các tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral sau năm 2014. Trong khi đó, chiếc tàu lớp Mistral đầu tiên, trị giá hơn 700 triệu Euro, đang được chế tạo trong vòng 36 tháng sau khi Nga thanh toán trước một khoản tiền cho Pháp, vào tháng 1/2011 theo kế hoạch. Một chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral có khả năng mang và triển khai 16 máy bay trực thăng, 4 phương tiện đổ bộ, chở được tới 70 xe bọc thép bao gồm 13 xe tăng chiến đấu, và 450 binh sĩ.

Trung Quốc hạ thủy tàu đổ bộ cỡ lớn

Sự kiện Trung Quốc hạ thủy tàu đổ bộ cỡ lớn có tên Tĩnh Cương Sơn- tàu đổ bộ lớn nhất của nước này cho đến nay, đã gây rất nhiều sự chú ý đối với giới nghiên cứu quân sự thế giới. Lập tức, giới phân tích quân sự thế giới lại quay trở lại với sự kiện  năm 2009, khi quân đội Trung Quốc đã hoàn tất chiến thuật đánh chiếm các hòn đảo do các nước khác nắm giữ tại vùng Biển Đông và đã huấn luyện lực lượng theo phương án đó.

Tàu này có trọng tải 18.000 tấn và có sân đáp cho bốn máy bay trực thăng cùng một lúc. Để ngăn không cho đối phương tiếp ứng, đồng thời với chiến dịch tấn công đánh chiếm mục tiêu, các đơn vị chính thuộc hai hạm đội Bắc Hải và Đông Hải của Trung Quốc sẽ có mặt tại những vị trí ngoài khơi để chặn không cho tàu sân bay Mỹ đến gần chiến trường. Vấn đề, theo ghi nhận của Nhật báo Asahi Shinbum, là sau khi kế hoạch được soạn thảo xong, Trung Quốc đã cho quân đội rèn luyện ngay hai chiến thuật này trong các cuộc tập trận của họ trên quy mô rộng lớn tại vùng Biển Đông.

Đến đầu tháng 10/2010, một cuộc tập trận bắn đạn thật huy động 1.800 lính thủy quân lục chiến Trung Quốc lại được tiến hành trên một khu vực trải dài từ Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông cho đến tận đảo Hải Nam. Tàu đổ bộ và xe tăng đã được dùng để tung quân lên bờ, trong khi lực lượng tấn công nỗ lực phá nhiễu điện từ và tên lửa do các đơn vị đóng vai quân địch bắn ra.

Đối với tờ báo Nhật Bản, trái với thông lệ là giữ kín bí mật các cuộc tập trận, quân đội Trung Quốc lần này đã mời 273 tùy viên quân sự từ 75 nước đến quan sát cuộc diễn tập. Trung Quốc vẫn đang theo đuổi mục tiêu phát triển các loại vũ khí công nghệ cao, chạy đua vũ trang với các cường quốc quân sự trên thế giới, mục tiêu mà họ muốn vươn tới là các loại vũ khí mới nhất của Mỹ với phương châm: "Những gì Mỹ có thì Trung Quốc nhất định phải có".

Một minh chứng thực tế cho các loại vũ khí "khủng" của Trung Quốc là tàu đổ bộ Type-071 lớp Ngọc Chiêu (Yuzhao), là loại tàu đổ bộ lớn nhất và hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc, chiếc đầu tiên được khởi đóng vào năm 2006 tại Nhà máy đóng tàu Hồ Đông, Thượng Hải chỉ chưa đầy 2 năm sau, ngày 12/5/2007, tàu đổ bộ này đã hoàn thành và được biên chế vào Hải quân Trung Quốc. Hoạt động trong Hạm đội Nam Hải, chiếc Ngọc Chiêu thứ nhất mang số hiệu 998 Côn Lôn.

Đây được xem là một bước tiến nhảy vọt cả về công nghệ và tốc độ đóng tàu của công nghiệp hàng hải Trung Quốc. Tàu đổ bộ Type-071 có thông số cơ bản như sau: dài 210m, rộng 28m, mớn nước 7m, tải trọng tiêu chuẩn 20.000 tấn.

Theo nhà sản xuất, tàu được đóng theo công nghệ khá hiện đại, có thể chở từ 500-800 binh sỹ, 15-20 xe bọc thép lội nước, được trang bị bốn tàu đổ bộ khí đệm, 2 hệ thống đổ bộ cơ giới. Trên mặt boong có sàn đáp và nhà chứa máy bay có khả năng chở 2-4 trực thăng hạng nặng Z-8 Super Frelon. Tàu đổ bộ Type-071 được trang bị hệ thống vũ khí có nguồn gốc từ Nga, 1 pháo hạm AK-176 76mm, 4 pháo bắn nhanh AK-630 30mm, 4 hệ thống phóng mồi bẫy.

Sự ra đời của tàu đổ bộ Type-071 được xem là một nỗ lực lớn của Trung Quốc trong việc tăng cường năng lực đổ bộ cho hải quân nước này. Type-071 được cho là có thể so sánh với tàu đổ bộ lớp San Antonio của Hải quân Mỹ, nhưng chi phí xây dựng chỉ bằng 1/3 so với tàu đổ bộ của Mỹ. Tuy nhiên, chiếc tàu đổ bộ hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc chưa sử dụng được bao lâu đã bị xuống cấp.

Một số hình ảnh được đăng trên các trang mạng Trung Quốc cho thấy, con tàu này đã bị ăn mòn khá nghiêm trọng cho dù thời gian hoạt động trên biển của nó chưa được bao lâu. Dù lớp sơn ở phía trên từ mặt nước trở lên vẫn còn mới, nhưng phần từ mặt nước trở xuống đã bị ăn mòn khá nghiêm trọng. Một số thành viên trên các trang mạng Trung Quốc nhận định rằng, do chạy theo tốc độ hiện đại hóa quá nhanh mà vấn đề chất lượng của các con tàu cũng như các trang thiết bị đi kèm chưa được chú trọng một cách triệt để

Trần Tú (tổng hợp) – số 53
.
.
.