Sự thật về "nàng tiên cá" ở xứ trầm hương

Thứ Sáu, 31/12/2010, 20:31
Ngồi bó gối dưới chân khối đá có hình 5 ngón tay hằn sâu gắn với truyền thuyết "nơi ông khổng lồ vấp ngã", trong câu chuyện về một thời quá vãng thuở biển bạc lắm cá tôm, ông Huỳnh Mười, ở khu dân cư Hòn Rớ (xã Phước Đồng, Nha Trang) có nhắc đến cái tên "bò biển". Ông nhớ lại thời khắc này của hơn 50 năm trước, khi chính ông đã thấy con vật từng được người ta gọi là "nàng tiên cá"...

Hồi ức mỹ nhân ngư…

Ở tuổi 82, ông Mười vẫn còn rất tráng kiện. Cơ thể ông rắn chắc, bắp tay bắp chân cuồn cuộn. Hỏi bí quyết có phải nhờ uống rượu ngâm hải mã, rắn biển và tích nạp những món hải vị bổ dưỡng như bào ngư, hải sâm… thì ông cười mà rằng: "Chú đoán trật lất rồi. Bây giờ người ta ăn tạp, suy diễn lung tung, cho rằng mấy thứ ấy bổ dưỡng tăng sức tăng lực này nọ rồi đổ xô săn bắt, mua bán, chứ hồi ấy có ai thèm rớ tới. Ngư dân thì cũng như nông dân thôi, khỏe mạnh nhờ thường xuyên lao động, đầu óc ít mưu toan. Bí quyết chỉ đơn giản là vậy!".

Chuyện nọ nối tiếp chuyện kia, rồi ông Mười bày tỏ: "Nhiều người nghe nói "tiên cá" cứ nghĩ nó đẹp lắm, ai ngờ xấu ghê hồn. Thân thì mập như con heo, đầu cũng như con heo. Bà con thường gọi là bò biển, còn các nhà khoa học gọi là con dugong đấy".

Gì chứ dugong thì chúng tôi đã từng giáp mặt khi ra thăm Côn Đảo cách đây 4 năm. Qua trò chuyện với các cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo, chúng tôi được biết căn nguyên tên gọi "bò biển" của dugong bắt nguồn từ việc chúng có hình dáng như "người anh em" sống trên cạn và là loài thú biển duy nhất ăn cỏ. Cái tên "nàng tiên cá" bắt nguồn từ việc giống này phát ra âm thanh du dương nghe như giọng hát thánh thót của cô gái xinh đẹp. Truyền thuyết nói rằng ngoài chất giọng như chim sơn ca, bò biển còn có thể hóa thân thành mỹ nữ xinh đẹp. Giữa ngàn khơi, bị vẻ đẹp, giọng hát kiều diễm của nàng tiên có thân mình bồ tượng ru hồn mà biết bao thủy thủ lao mình xuống biển chết oan mạng".

Chị Nguyễn Thị Liên hướng dẫn du khách tìm hiểu, chiêm ngưỡng hình dáng và dung nhan "nàng tiên cá" tại bảo tàng biển.

Là dân biển chính hiệu nhưng nhờ hồi trẻ học chút ít chữ nghĩa, lại có mấy người bạn từng là ký giả nên ông Mười nói chuyện rất văn vẻ. Những hồi ức của ông về một thời biển Nha Trang từng xuất hiện mỹ nhân ngư: "Hồi 13 tuổi tôi đã theo ông già đi biển và nhiều lần bắt gặp các nàng tiên cá ở những rạn ngầm có nhiều cỏ biển như hòn Sẻ Tre, hòn Cứt Chim, hòn Rùa, bãi Trũ…". Ông Mười nhắc lại những hình ảnh quá vãng với giọng hào hứng: "Đám mỹ nhân ngư đi thành từng cặp mẹ con. Lúc mới sinh con được nuôi lớn bằng sữa mẹ. Vài tuần sau thì chúng mới gặm cỏ bằng cách nhủi đầu xuống sát đáy".

Loài cá kỳ lạ

Bị hấp dẫn bởi loài có tên gọi gia súc, nuôi con bằng sữa mẹ và tồn lưu truyền thuyết ly kỳ, chúng tôi quyết định đi tìm thêm những cứ liệu mới. Các bậc cao niên bật mí rằng "nàng tiên cá" rất hiền, hiền đến nhút nhát, thấy bóng người là cả mẹ lẫn con lặn một mạch rồi trồi lên chỗ khác. "Chúng cũng là loài sống rất hòa thuận, chẳng bao giờ thấy chúng đánh nhau giành ăn, giành bạn tình hay địa bàn cư trú. Có một điều lạ là nơi nào xuất hiện bò biển là nơi đó ngư dân buông lưới kéo trĩu tay. Không biết cái hấp lực về sắc đẹp, tiếng hát của chúng đến đâu chứ chuyện chúng có sức lôi cuốn các loài cá cùng quần tụ là điều mà bất kỳ dân biển cỡ tuổi tôi đều rành" - một ngư ông ở gần nhà ông Mười góp thêm lời.

Trò chuyện với một số người tuổi tri thiên mệnh, chúng tôi được khoản đãi không ít câu chuyện về bò biển, như trong lúc lặn biển họ từng gặp nàng tiên cá âu yếm dùng vây vỗ về con như tình mẫu tử của loài người. Những khi bò biển con bị dính lưới và chết, bò biển mẹ đau khổ cứ dán chặt, bơi quanh xác con trông rất thảm thiết: "Gọi là nàng tiên cá nhưng bò biển bơi kém lắm" - cụ Hà Văn Minh ở xóm chài Ba Làng (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) nhận xét: "Chúng bơi chậm rì và không thể lặn sâu, lặn lâu quá mười phút. Thế nên khi con mắc lưới quá lâu, không thể ngoi lên được chúng sẽ chết. Mẹ mất con sẽ đau đớn như bất kỳ người mẹ nào khác".

Cũng theo lời kể của cụ Minh, hồi cụ "còn để chỏm" từng nghe ông nội kể về những đàn bò biển mỗi khi di chuyển đến đâu thì biển dậy sóng đến đấy, và mặt nước thì đục ngầu do bị bò biển sục mõm sát đáy gặm cỏ.

Bộ xương của nàng tiên cá có nguồn gốc tại Côn Đảo.

Cụ Minh gửi tặng chúng tôi vài trang tư liệu về những "nàng tiên cá" được chụp tại Viện Hải dương học Nha Trang. Theo tư liệu này, bò biển có thể sống đến 70 tuổi, thành thục sinh dục ở độ tuổi 9-10, chúng sinh sản quanh năm, mang thai đến 13 tháng và chỉ sinh một con, cho con bú với vú nằm ở dưới nách. Các "mỹ nhân ngư" sống ở độ sâu từ 2-10m, sống ở những vùng nước ấm quanh năm với nhiệt độ từ 18-320độC. Điều lạ là các "nàng" không thể lặn sâu trong nước, thời gian có thể nín thở lâu nhất được ghi nhận là 8 phút 26 giây. Là "tiên cá" nhưng các "nàng" bơi chậm chạp, tốc độ trung bình khoảng 5km/h, nhanh nhất có thể đạt đến 20km/h.

Tiếng thở dài của biển

Chúng tôi hỏi cụ Minh: "Bác có mấy lần gặp bò biển?" thì cụ vỗ đùi cái đét, bảo: "Cũng được vài lần". Khẽ chau mày, rồi cụ giận dữ: "Lần cuối cùng tôi gặp một cặp mẹ con bò biển ở gần Bãi Trũ năm 1979, rồi từ đó mất dấu, đến nay cũng chưa nghe ai nói dong thuyền gặp “mỹ nhân ngư” dù chỉ một lần". Anh Hà Sơn, hiện là huấn luyện viên môn thể thao lặn khoe mới gặp bò biển cách đây 2 ngày. Chúng tôi hỏi tới, anh cười hì hì mà rằng: "Mình gặp đến hai con lận. Nhưng gặp tại Viện Hải dương học Nha Trang, trong bể phoóc-môn". Chúng tôi đến "nơi an nghỉ" của “nàng tiên cá” và biết nàng là tiêu bản đã qua xử lý hóa chất, được ngâm trong bể cho khách tham quan tại phòng trưng bày mẫu.

Truyền thuyết về nàng tiên cá luôn có hấp lực với người nghe.

Chị Lê Thị Liên, hướng dẫn viên cho biết "nàng tiên cá" này dài 2,75m, nặng 400kg, mắc lưới ngư dân vào ngày 23/12/2003, thuộc địa phận xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo hướng dẫn của chị Liên, chúng tôi xuống phòng trưng bày bộ xương cá voi lưng gù dài 18m, trọng lượng gần 10 tấn (bộ xương do nhân dân xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà khai quật vào ngày 8/12/1994 trong khi đào mương thủy lợi). Tại đây chúng tôi tiếp tục gặp "nàng tiên cá" khác. Nàng là bộ xương đã qua xử lý được bày trong tủ kính. Điều lạ là hai vây của nàng có cấu tạo rất giống bàn tay người với nhiều đốt xương hợp thành 5 ngón rõ ràng. Những dòng chữ trên tấm bảng xanh cho biết "nàng tiên cá" này dài 273cm, nặng gần 300kg, bị chết ngày 22/1/1997 tại bãi Lò Vôi (Côn Đảo) và được Vườn Quốc gia Côn Đảo chôn cất, bảo quản trước khi được chuyển tặng cho Viện hải dương học Nha Trang.

Khu vực nơi đang lưu giữ 2 tiêu bản bò biển.

Chúng tôi hỏi thăm chị Liên về sự hiện diện của các “nàng tiên cá” trên vùng biển Khánh Hòa, chị cho biết tại Việt Nam, bò biển từng được phát hiện ở vùng biển Côn Đảo (còn khoảng 8-12 cá thể), huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Khánh Hòa. Nhưng từ rất lâu, mái nhà đại dương của xứ trầm hương không còn thấy bóng "nàng". Nói về nguyên nhân của sự vắng bóng thảm hại của bò biển trên những vùng từng ghi nhận sự hiện diện đông đúc của chúng, chị Liên cho biết do bò biển bị sát hại để lấy dầu, lấy thịt cùng các sản phẩm khác tại nhiều địa phương. Ngoài ra còn vì những nguyên do khác như do môi trường sống của chúng bị ô nhiễm, các thảm cỏ bị phá hoại.

Vậy là, một lần nữa, nàng tiên cá lại lặn sâu vào đáy đại dương và trở thành huyền thoại…

Anh Lê Xuân Ái - Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo: "Cá cúi hay bò biển hoặc dugong hiện chỉ có ở Côn Đảo với số lượng đếm trên đầu ngón tay. Do quá quý hiếm nên loài cá này đã được Sách đỏ Việt Nam bảo vệ. Với số lượng ước tính còn khoảng 100.000 con trên toàn thế giới, bò biển có thể bị tuyệt chủng trong tương lai gần nếu các quốc gia nơi chúng hiện diện không có các biện pháp bảo vệ hữu hiệu.

Nguyễn Dũng - CSTC tuần số 39
.
.
.