Tên lửa Bulava con “cá mập” xuyên lục địa từ tàu ngầm

Chủ Nhật, 14/08/2011, 10:42
Với 15 lần thử phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, không ít lần thất bại nhưng không vì thế mà lực lượng quân sự Nga nản chí, với tất cả những nỗ lực không biết mệt mỏi, họ đã tiếp tục thành công trong việc phóng từ tàu ngầm hồi cuối tháng 6 vừa qua. Lần phóng tên lửa thành công này đã tạo cho lực lượng quân sự Nga một sức mạnh, ngoài việc sẽ sản xuất hàng loạt loại tên lửa này, Nga còn cố gắng không biết mệt mỏi để tìm ra nguyên nhân của những lần bị thất bại trước đây.

Những thất bại không rõ nguyên nhân

Bộ Quốc phòng Nga ngày 10 tháng 12 năm 2009 đã cho biết, vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được phóng từ tàu ngầm (Bulava) mới nhất trên khu vực Biển Trắng, phía Bắc nước Nga đã bị thất bại.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai giai đoạn đầu tiên của tên lửa diễn ra rất thuận lợi. Tuy nhiên, khi tên lửa đi vào giai đoạn thứ ba thì gặp trục trặc. Động cơ ở giai đoạn thứ 3 đã có vấn đề về kỹ thuật khiến cho đường bay của tên lửa không ổn định và không bắn trúng mục tiêu.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các phương tiện thông tin loan báo về một vệt sáng bí ẩn đi theo hình xoáy trôn ốc xuất hiện tại khu vực phía Bắc của Na Uy, cách khu vực phóng thử tên lửa Bulava khoảng vài trăm km. Các phương tiện thông tin đại chúng của Na Uy cho rằng đó có thể là một quả tên lửa của Nga gặp trục trặc.

Theo một báo cáo chính thức, đây là vụ thử tên lửa Bulava thứ 7 bị thất bại. Nga hy vọng rằng loại tên lửa được phóng từ tàu ngầm này sẽ là một trong những thành tố quan trọng trong cơ cấu của lực lượng hạt nhân chiến lược của Moscow.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong số 12 vụ thử tên lửa Bulava, chỉ có 5 vụ thử là thành công. Lần thử tên lửa Bulava bị thất bại xảy ra vào tháng 7 năm 2009 cũng không rõ lý do, chỉ biết rằng tên lửa tự phá hủy ngay trong giai đoạn đầu. Kể từ đó, các vụ thử tên lửa loại này bị hoãn lại nhiều lần. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng trên thực tế các vụ phóng thử tên lửa Bulava bị thất bại còn lớn hơn nhiều so với con số mà nước Nga đưa ra.

Theo như một chuyên gia quân sự Nga, trong số 13 vụ phóng thử tính đến năm 2009, chỉ có duy nhất một vụ phóng thử là hoàn toàn thành công. Một số nghị sĩ Quốc hội và chuyên gia trong lĩnh vực quốc phòng của Nga đã nghi ngờ về sự thành công trong việc phát triển loại tên lửa này. Theo họ, Nga nên tập trung mọi nỗ lực vào loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Sineva. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng sẽ không có sự thay thế nào đối với loại tên lửa Bulava và cam kết sẽ tiến hành phóng thử loại tên lửa này cho tới khi nào nó được đưa vào sử dụng trong lực lượng Hải quân.

Loại tên lửa Bulava SS-NX-30 được phóng từ tàu ngầm có khả năng mang tới 10 đầu đạn MIRV và có tầm bắn lên tới 8.000 km. Loại tên lửa ba giai đoạn này được thiết kế để triển khai trên tàu ngầm hạt nhân lớp Borey. Tên lửa Bulava, cùng với tên lửa đạn đạo đặt trên mặt đất Topol-M, sẽ là một trong ba thành tố quan trọng trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga trong tương lai.

Tàu ngầm hạt nhân

Quân đội Nga đã chính thức được đón nhận chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng lớp Yasen đầu tiên vào cuối năm 2010. Theo một phát ngôn viên của Cục Thiết kế Malakhit, chiếc tàu ngầm lớp Yasen (Graney) thuộc Dự án 885 đầu tiên của Nga được đưa vào chạy thử từ năm 2010. Nga chính thức bắt đầu đóng chiếc tàu ngầm Severodvinsk từ năm 1993 nhưng công việc bị trì hoãn nhiều lần do thiếu vốn.

Rất may, sau nhiều trở ngại, đến nay việc đóng chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng lớp Yasen đầu tiên đã được hoàn thành và đang sẵn sàng phục vụ Hải quân Nga. Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen có khả năng phóng nhiều tên lửa hành trình tầm xa khác nhau (lên tới gần 5.000km) có gắn các đầu đạn hạt nhân, chiến đấu hiệu quả với các tàu ngầm, tàu nổi và các mục tiêu trên đất liền của đối phương.

Từ thành công của chiếc tàu ngầm đầu tiên, Nga đã bắt đầu đóng chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng lớp Yasen (Graney) thứ 2. Chiếc tàu mới có tên Kazan được trang bị các hệ thống thiết bị và vũ khí hiện đại hơn chiếc tàu ngầm đầu tiên Severodvinsk.

Vũ khí trang bị cho tàu ngầm Kazan sẽ bao gồm 24 tên lửa hành trình, trong đó có tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm SLCM 3M51 Alfa, SS-NX-26 onik hoặc SS-N-21 Granat/Sampson. Nó cũng sẽ được trang bị 8 ống phóng ngư lôi cũng như thủy lôi và các tên lửa đối hạm như tên lửa SS-N-16 Stallion.

Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky, từng tuyên bố việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công và mang tên lửa đạn đạo thế hệ mới là một ưu tiên chính trong kế hoạch phát triển của Hải quân Nga trong những năm sắp tới.

Trong khuôn khổ chương trình mua sắm Vũ khí Nhà nước của Nga giai đoạn 2007-2015, Hải quân Nga được đón nhận ít nhất 5 chiếc tàu ngầm chiến lược chạy bằng nhiên liệu hạt nhân lớp Borey thuộc Dự án 955 và 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công đa chức năng lớp Yasen thuộc Dự án 885. Những chiếc tàu ngầm lớp Borey đều được trang bị các tên lửa đạn đạo Bulava mới. 

Bộ trưởng Serdiukov thông báo thời kỳ 2011-2015, các tàu ngầm nguyên tử của Nga sẽ được trang bị nhiều hơn 1,5 lần các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava và Sineva, đồng thời Hải quân Nga cũng được trang bị thêm nhiều tàu ngầm và tàu chiến đa năng.

Nhìn chung, binh chủng tên lửa chiến lược Nga sẽ được tăng gấp ba lần số loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M và Yars. Trong khi đó, số lượng các loại vũ khí khác được trang bị mới đều sẽ tăng đáng kể như máy bay chiến đấu tăng bốn lần, máy bay lên thẳng tăng năm lần và hệ thống tên lửa phòng không tăng 2,5 lần.

Tuy nhiên, theo cựu Tham mưu trưởng binh chủng tên lửa chiến lược, Thượng tướng Victor Esin, việc thông qua quyết định đưa mọi loại tên lửa chiến lược như Bulava vào sản xuất hàng loạt phải thuộc về thẩm quyền của Ủy ban Nhà nước với thành phần bao gồm cả các đại diện của Bộ Quốc phòng và ngành công nghiệp Nga. Đối với Hải quân Nga, dự án tên lửa Bulava có thể gọi là mong đợi lâu ngày nhất mà cũng nhiều dằn vặt nhất.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân Bulava là dự án đầy tham vọng của Nga, dự kiến tiêu tốn hơn 1 tỷ USD ngân sách. Bắt đầu được đưa vào thử nghiệm từ năm 2004, tên lửa được phóng thử 13 lần nhưng chỉ có 6 lần thành công.

Trước cột mốc 13, sau 3 lần thất bại liên tiếp gần đây trong những vụ thử từ tháng 12/2008 đến tháng 12/2009, chương trình phát triển tên lửa này cũng như kế hoạch xây dựng lực lượng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga bị đe dọa đứng trước nguy cơ phá sản. Nó cũng gây ra những tranh cãi kịch liệt trong giới quân sự và công nghiệp quốc phòng Nga. Sau khi tiến hành điều tra, Ủy ban Nhà nước đã xác định được nguyên nhân thất bại là do những vi phạm trong chu trình công nghệ sản xuất.

Tên lửa đạn đạo Bulava

Tên lửa Bulava là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Tên lửa xuyên đại châu này có thiết kế 3 tầng, tải trọng cất cánh là 36,8 tấn, tầm bắn xa lý thuyết gần 8.000km. Một tên lửa Bulava có thể mang từ 6 đến 10 khối hạt nhân, mỗi đầu đạn hạt nhân như vậy đều có thể cảm ứng tấn công mục tiêu riêng rẽ. Nó có ba tầng, chiều dài 14,8m, đường kính 1,9m, nặng 40,3 tấn và sử dụng nhiên liệu rắn. Nga sẽ duy trì sử dụng loại tên lửa này cho đến năm 2030.

Nhưng điều quan trọng nhất ở Bulava không phải ở những con số, mà là ở khả năng của nó hướng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của đối phương. Các nhà thiết kế chế tạo Bulava đã chuẩn bị cho kẻ thù tiềm năng điều bất ngờ hy hữu: các khối đạn có thể linh hoạt cơ động theo tầm cao và hướng bay. Chính điểm này khiến người ta gọi nó là tên lửa phân ly, dù chưa thật chính xác.

Nói đến tên lửa mới không thể không nhắc về sự gắn bó của nó với tàu ngầm nguyên tử siêu hạng. Tên lửa đạn đạo ba tầng này được thiết kế để triển khai trên các tàu ngầm hạt nhân thuộc Dự án 955 lớp Borey. Để làm sàn mang Bulava, Hải quân Nga phải chuẩn bị 3 tàu ngầm, 1 chiếc thực tế là đã hoàn chỉnh sẵn sàng.

Kinh phí dồn vào những chiếc tàu ngầm này nhiều hơn số chi cho Bulava vài lần. Phương tiện mang Bulava cơ bản sẽ là các tàu ngầm nguyên tử thuộc dự án Borey, phục vụ mang tên lửa với chức năng chiến lược. Hải quân Nga lên kế hoạch đến năm 2017 sẽ sở hữu 8 tàu ngầm lớp Borey như thế và trên mỗi tàu đều bố trí tới 16 bệ phóng Bulava.

Từ nay cho đến cuối năm, Nga dự kiến thực hiện thêm 2 lần phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nếu cũng thu được thành công như lần phóng thứ 13 vừa qua thì việc tiếp nhận Bulava vào hệ trang bị cho quân đội Nga sẽ trở thành hiện thực ngay từ giữa năm 2011.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã lên tiếng phủ nhận thông tin của báo chí nói rằng các vụ thử tên lửa đạn đạo chiến lược Bulava của Nga thời gian gần đây không thành công là do tác động của các loại vũ khí điện từ của quân đội Mỹ gây ra.

Thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đề cập trong một buổi trả lời phỏng vấn báo chí sau khi xuất hiện thông tin nói rằng quân đội Mỹ đã sử dụng các loại vũ khí điện từ trường bố trí tại các căn cứ ở Bắc Âu, Greenland và bang Alaska để phá hoại những lần bắn thử tên lửa đạn đạo Bulava của Nga.

Trả lời phỏng vấn báo Rossiiskaya Gazeta, Tướng Anatoly Serdyukov nói: "Người Mỹ đã không can thiệp vào các kế hoạch phóng thử tên lửa Bulava của chúng ta". Quan chức quân sự cao cấp này cũng nói thêm rằng việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chiến lược Bulava để đưa chúng vào trang bị chính thức là một quá trình lâu dài đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn phức tạp.

"Chúng ta không thể tránh khỏi việc thử nghiệm thất bại do lỗi kỹ thuật giống như đã thử nghiệm các loại tên lửa khác" - Tướng Serdyukov nhấn mạnh. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ việc phát triển tên lửa đạn đạo Bulava bất chấp nhiều vụ thử thất bại.

Tên lửa Bulava do Viện Công nghệ Nhiệt Moscow (MITT) phát triển đã thất bại 6 trong tổng số 13 lần phóng thử. Giám đốc viện hồi tuần trước đã phải từ chức sau những thất bại được coi là bước thụt lùi nghiêm trọng trong chương trình phát triển khả năng răn đe hạt nhân của Nga.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vladimir Popovkin cho biết Nga sẽ nỗ lực khắc phục những lỗi trong việc phát triển tên lửa Bulava vì có một số lý do khiến cho tên lửa này không thể thay thế. "Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi đang có kế hoạch đóng thêm nhiều tàu ngầm vì thế, việc bắt đầu nghiên cứu và phát triển một loại tên lửa mới sẽ không khả thi", ông Popovkin nói.

"Đóng một chiếc tàu ngầm tiêu tốn khoảng 2 tỉ USD và việc phát triển một tên lửa mới sẽ mất khoảng 1 tỉ USD. Đây là những khoản tiền rất lớn. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là thời gian", Thứ trưởng Popovkin cho biết thêm. Các chuyên gia quân sự Nga hy vọng cùng với tên lửa đạn đạo Topol-M, Bulava sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong bộ ba hạt nhân của Nga.

Hải quân Nga có kế hoạch phóng thử tên lửa đạn đạo tối tân Bulava từ chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới mang tên Alexander Nevsky vào cuối năm nay. Đây là thông tin vừa được Đô đốc Hải quân Nga Vladimir Vysotsky tiết lộ ngày 30/6/2011. Alexander Nevsky là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borey thứ hai của Nga. Con tàu này đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng tại xưởng đóng tàu Sevmash, phía Bắc nước Nga.

Thành công sau những nỗ lực không mệt mỏi

Phát biểu tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải Quốc tế lần thứ 5 - IMDS-2011, ở St. Petersburg, ông Vysotsky cho biết: Năm nay, chúng tôi sẽ lần đầu tiên tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo Bulava từ chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Borey thứ hai Alexander Nevsky.

Mọi nỗ lực rồi cũng được đền đáp xứng đáng khi Hải quân Nga đã phóng thử thành công một quả tên lửa Bulava từ tàu ngầm hạt nhân Yury Dolgoruky ở khu vực Biển Trắng. Ngày 29/6 Nga đã thử thành công tên lửa xuyên lục địa mới mà Mátxcơva gọi là nền móng cho kho vũ khí hạt nhân của nước này trong thập kỷ tới - Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Đại tá Igor Konashenkov, xác nhận tên lửa Bulava được phóng đi từ tàu ngầm nguyên tử Yuri Dolgoruki hoạt động trên biển Baren. Theo người phát ngôn, đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm thiết kế - bay loại tên lửa này, vụ phóng được thực hiện từ tàu ngầm nguyên tử Yuri Dolgoruki ở trạng thái chìm dưới mặt nước.

Trước đây, các vụ phóng tên lửa Bulava đều được tiến hành từ tàu ngầm Dmitry Donskoy. Nếu Bulava được phóng thành công 5 lần trong năm nay, nó có thể sẽ được chính thức trang bị cho Hải quân Nga vào muộn nhất là đầu năm tới. Tính đến thời điểm này, quân đội Nga đã thực hiện tổng cộng 15 vụ phóng tên lửa Bulava, Nga sẽ tăng tần suất phóng tên lửa cho đến khi tìm ra nguyên nhân các vụ phóng thất bại. Từ địa điểm thử nghiệm, đầu đạn của tên lửa đã nhằm trúng đích mục tiêu cách khoảng 6.000km. "Đợt thử nghiệm đã thành công về mọi phương diện", ông Konashenkov khẳng định.

Theo Reuters, một tên lửa Bulava có thể mang theo 6-10 đầu đạn hạt nhân siêu thanh tự chia tách khi đến gần mục tiêu, và có thể để lại hậu quả gấp 100 lần so với vụ nổ bom hạt nhân Hiroshima năm 1945. Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho biết sẽ chi 20 ngàn tỉ rupi (khoảng 710 tỉ USD) trong vòng 10 năm tới để nâng cấp lực lượng vũ trang nước này.

Lực lượng Hải quân hùng mạnh

Phát biểu với giới báo chiều 1/7 tại Mátxcơva, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Anatoly Serdiukov nêu rõ các cuộc thử tên lửa Bulava trong thời gian qua cho thấy loại tên lửa chiến lược này đã ổn định và có thể đưa vào sản xuất hàng loạt để trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử của Hải quân Nga.

Bộ trưởng Serdiukov thông báo thời kỳ 2011-2015, các tàu ngầm nguyên tử của Nga sẽ được trang bị nhiều hơn 1,5 lần các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava và Sineva, đồng thời Hải quân Nga cũng được trang bị thêm nhiều tàu ngầm và tàu chiến đa năng.

Nhìn chung, binh chủng tên lửa chiến lược Nga sẽ được tăng gấp ba lần số loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M và Yars. Trong khi đó, số lượng các loại vũ khí khác được trang bị mới đều sẽ tăng đáng kể như máy bay chiến đấu tăng bốn lần, máy bay lên thẳng tăng năm lần và hệ thống tên lửa phòng không tăng 2,5 lần. Tuy nhiên, theo cựu Tham mưu trưởng binh chủng tên lửa chiến lược, Thượng tướng Victor Esin, việc thông qua quyết định đưa mọi loại tên lửa chiến lược như Bulava vào sản xuất hàng loạt phải thuộc về thẩm quyền của Ủy ban Nhà nước với thành phần bao gồm cả các đại diện của Bộ Quốc phòng và ngành công nghiệp Nga.

Ông Esin cho rằng còn quá sớm để thông qua một quyết định như vậy vì cho đến nay, Nga đã thử tên lửa Bulava 15 lần, nhưng mới có tám lần thành công cho dù đa số các cuộc thử thành công diễn ra vào thời gian qua, trong đó có vụ thử ngày 28/6 từ tàu ngầm nguyên tử Yuri Dolgorukyi. Đứng trước kho tàng vũ khí hiện đại đồ sộ của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chủ động công bố số liệu về kho vũ khí của hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới Nga và Mỹ với số lượng đầu đạn hạt nhân lên tới hàng ngàn đơn vị. Các số liệu được công bố nằm trong hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới giữa hai nước.

Theo đó Mỹ hiện có nhiều hơn Nga 30% số tên lửa đạn đạo tầm xa và đầu đạn hạt nhân. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này hiện sở hữu 882 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng. Trong khi đó Nga có 521 vũ khí loại này. Ngoài ra, Mỹ còn có 1800 đầu đạn và 1124 phương tiện phóng cùng các máy bay ném bom hạng nặng. Còn Nga có 1537 đầu đạn cùng 865 phương tiện phóng và máy bay ném bom hạng nặng.

Với kho vũ khí tối tân hiện đại của cả hai quốc gia, không ai phủ nhận được năng lực cũng như sự phát triển đến chóng mặt của nền khoa học quân sự hai nước. Đối với nền quân sự Nga thì họ đã thực sự thành công và được trả công xứng đáng với những gì đã bỏ ra bằng việc phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Nhờ đó mà kho vũ khí của lực lượng Hải quân Nga ngày càng được trang bị hiện đại hơn, tối tân và lớn mạnh hơn

Phương Mai (tổng hợp) – số 50
.
.
.