Thảm cảnh gia đình của hai người đàn bà nông cạn

Thứ Hai, 06/06/2011, 16:24
“Cô ấy là một người đàn bà không đẹp đâu, hiền lành và dại dột, cô ấy ít nói, ít tiếp xúc xã hội, ngày xưa sống cùng nhà nhưng chưa bao giờ cãi nhau với mẹ chồng hay anh em chồng. Không am hiểu xã hội và nông cạn, không nghĩ đến hậu quả. Lúc mắc rồi không rút chân ra được. Giờ em chỉ thương hai đứa con…” – Chồng cũ của chị Vân, người đàn bà đâm vào tàu hỏa tự sát khi người tình bị côn đồ của vợ giết, bày tỏ.

Ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Lường (chồng cũ của chị Vân) nằm trong con ngõ chật chội, nhiều rác và xú uế, ở tận cùng của thôn Yên Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội. Anh vừa đi chợ về, sấp ngửa ra cổng làng đón chúng tôi bằng chiếc xe thồ. Thế rồi, người đàn ông ấy vừa dắt xe, vừa trò chuyện bằng âm ngữ địa phương vùng ven Hà Nội rất đặc trưng. Bóng Lường đổ vẹo giữa cái nắng trưa hè chang chang tháng 6 trên con đường làng.

Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, các bức tường bong tróc vôi vữa chẳng có gì đáng giá, người đàn ông ấy cầm chiếc áo vắt trên ghế lau mồ hôi. Bên chiếc giường cũng cũ kỹ không kém, là bà Trại - mẹ của Lường, ngồi nghe con trai nói chuyện với khách, chốc lại thở dài. Tiếng thở dài của người già, nghe buồn và héo hắt như tàu lá phơi nắng lâu ngày. Câu chuyện của chúng tôi và anh, mở đầu rất khó nhọc:

- Anh sống ở đây với ai?

- Em sống cùng hai con trai và mẹ già (anh Lường luôn xưng "em" với chúng tôi).

- Hai người lấy nhau lâu chưa?

- Chúng em lấy nhau từ năm 1995, năm 1996 thì chúng em sinh đứa lớn, năm 1999 em đẻ đứa thứ hai.

 

Lê Thị Hiển và các đối tượng gây án.

- Nhà chị Vân có gần đây không anh?

- Nhà Vân ở xóm bên, cùng đội, chỉ khác xóm.

- Anh chị yêu nhau mấy tháng thì cưới?

- Chỉ vài tháng thôi chị ạ. Em trước đi bộ đội thông tin, Vân học hết lớp 5 hay 6 gì đó. Từ trước đến giờ, chúng em chỉ có nghề cấy hái, đi chợ bán rau, hoa quả. Cách đây mấy năm, em và Vân đều đi gánh gạch thuê ở gần trại giam Văn Hòa, em biết ông Đường (nạn nhân Phạm Văn Đường) từ hồi ấy. Sau này em thấy việc gánh gạch vất vả mà tiền công không được bao nhiêu nên em bỏ, chuyển sang đi chợ.

- Khi ấy anh thấy quan hệ của ông Đường và vợ mình như thế nào?

- Hồi đó, ông Đường nhận Vân là em gái. Ông ấy cũng có xuống nhà em mấy lần. Em và ông Đường còn ăn cơm, uống rượu với nhau.

- Thế sao anh lại phát hiện vợ mình có quan hệ tình cảm với ông Đường?

- Đó là năm 2009, một lần em đi chợ về, em nhớ là cuối tháng 10, vì đợt đó em đang đi chợ chăn (bán chăn bông dạo cho đám thợ xây) thì thấy bà Hiển (đối tượng Lê Thị Hiển) đến nhà. Bà ấy bảo: "Bây giờ cô Vân và chồng tôi qua lại với nhau, anh phải tìm cách tách họ ra". Em không tin, vẫn nghĩ là bà ta chia rẽ hạnh phúc gia đình mình vì em rất tin vợ mình. Tối đó, em thử hỏi Vân: "Cô hôm nay có đi làm không? Ăn cơm ở đâu?". Vân trả lời, ăn cơm nhà ông Đường. Em lại hỏi: "Tại sao ăn cơm nhà ông Đường mà bà Hiển vợ ông ấy lại nói cô không ăn ở đó, cô đi với ông Đường". Cô ấy lại bảo "em đi viện" rồi nại ra nhiều lý do quanh co. Em uất quá đã đánh cô ấy rất đau. Mấy ngày sau, thằng lớn nhà em bảo: "Mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi bố đi", thì Vân đã xin lỗi mẹ em và em.

- Tình cảm của hai người rạn nứt từ đó?

- Vâng. Em uất lắm nhưng vẫn phải nhìn vào hai con để sống. Cũng từ đó tình cảm vợ chồng lạnh nhạt. Em bắt Vân ở nhà làm màu, không cho đi làm gạch nữa để cô ấy không gặp ông Đường nữa. Nhưng không ngờ, cô ấy không những không nghĩ lại mà vẫn tiếp tục quan hệ ngang trái. Em tìm được một chiếc điện thoại cô ấy dùng để liên lạc với ông Đường giấu trong chiếc xoong đựng bát dưới bếp. Em tức quá đập nát.

- Đã bao giờ anh tìm gặp ông Đường để khuyên can chưa?

- Em không bao giờ gặp ông ấy.

- Chị Vân có hay về nhà thăm các con không?

- Cô ấy bỏ đi 1 năm nay, còn chúng em ra tòa li dị là tháng tư vừa rồi. Hai ba lần cô ấy có đến trường gặp các con. Hôm đưa ma mẹ chúng nó, em dẫn hai đứa sang nhà bà ngoại thắp hương đàng hoàng. Em đợi hết 49 ngày sẽ lập bàn thờ ở đầu hồi để cho hai đứa trẻ được thờ mẹ. Ảnh chung em đốt hết rồi, nhưng em vẫn giữ ảnh riêng của cô ấy, mấy hôm nữa đi phóng to để làm ảnh thờ.

- Anh có nghĩ, việc rạn nứt tình cảm nguyên nhân một phần do anh không?

- Em là dân lao động, ăn nói thô thiển, có thể vì thế mà khi Vân ra ngoài, gặp người đàn ông khác, lời lẽ ngọt ngào, cô ấy xao lòng. Trước khi viết đơn xin ly hôn, cô ấy bảo với em "anh nuôi con", em nói: "Tôi buộc chân trâu chứ không buộc chân người. Nếu cô đã muốn ra đi thì cô cứ đi. Con cái cứ để tôi nuôi". Sau đó em ký luôn.

- Anh gặp bà Hiển tất cả bao nhiêu lần rồi?

- Hình như 2-3 lần gì đó, một lần bà ấy gọi điện cho em sau khi ly hôn nói, ông Đường thường chở khách đi chùa Hương qua đoạn đường gần nhà em, ra đánh cho ông ấy một trận, nhưng em bảo, nếu đánh thì em đã đánh từ lâu rồi, không phải đợi đến sau khi ly hôn. Em rất nóng tính nhưng lại nghĩ, nếu em gây ra chuyện gì thì các con em ai nuôi, còn mẹ già 80 tuổi nữa, anh em thì kiến giả nhất phận.

Em chỉ đi tù 1 năm thôi thì con em nó biết dựa vào đâu. Bạn bè em cũng có người bảo: "Sao mày hiền quá" nhưng họ là em họ mới hiểu em phải làm gì. Sau hôm em và Vân ra tòa, bà Hiển cùng 8 người nữa, tất cả 9 người kéo đến nhà em, trong đó có rất nhiều bà già, họ khuyên em nên tha thứ cho Vân, cho cô ấy quay về gia đình. Em biết họ làm thế để chia rẽ Vân với ông Đường, em nói:

"Cháu chả làm gì mà các bà phải xin, các bà sang nói với gia đình cô ấy, nếu cô ấy thực sự muốn quay về thì bảo mẹ cô ấy sang có lời với mẹ cháu".

- Anh nhận được tin xấu của chị Vân khi nào?

- Khi họ gọi em lên nhận dạng. Em nhận ra ngay dù thoáng qua, em thắp nén nhang cho cô ấy, chị bảo dù gì cũng ăn ở với nhau 15 năm rồi. Em không biết cảm xúc của mình khi ấy thế nào nhưng thấy rớt nước mắt, có lẽ vì thương các con mất mẹ.

Căn nhà của anh Nguyễn Văn Lường.

- Tại sao anh không cho chị ấy một cơ hội quay về?

- Có chứ. Đã ba lần em cho cô ấy con đường về, nhưng cô ấy vẫn kiên quyết ra đi. Em phải đi đêm về hôm. 3 giờ sáng em đã ra khỏi nhà, trưa về ăn xong lại vườn tược, mua hàng để sáng sớm lại đi bán, người không thông cảm, suy nghĩ thiển cận thì đó là quyền của người ta.

- Anh có nghĩ sẽ đi bước nữa không hay chịu cảnh "gà trống nuôi con"?

- Giờ em chỉ nghĩ đi chợ nuôi con ăn học, con người ta 10 thì cố gắng cho con mình được 6-7. Em chỉ sợ có người thứ ba, các con em sẽ chán nản, bỏ bê học hành.

- Chị Vân là người như thế nào, theo anh nhận xét?

- Cô ấy là một người đàn bà không đẹp đâu, hiền lành và dại dột, cô ấy ít nói, ít tiếp xúc xã hội, ngày xưa sống cùng nhà nhưng chưa bao giờ cãi nhau với mẹ chồng hay anh em chồng. Không am hiểu xã hội và nông cạn, không nghĩ đến hậu quả. Lúc mắc rồi không rút chân ra được. Giờ em chỉ thương hai đứa con, may mà chúng nó ngoan ngoãn, học giỏi, chứ chúng nó mà hư hỏng thì em chết.

Thằng lớn đang ôn thi vào lớp 10, được cộng 21 điểm. Khổ thân thằng bé út, hôm trước đánh nhau với bạn, đêm về vẫn khóc ướt hết gối, hỏi thì cháu bảo vì bị bạn chế giễu chuyện mẹ có bồ. Thương con chảy nước mắt chị ạ. Em đợi hết 49 ngày sẽ lập bát hương thờ mẹ chúng nó ở đầu hồi cho chúng nó đỡ tủi thân...

Chúng tôi mua cho anh mấy cân xoài để sáng mai anh đắt hàng hơn. Người đàn ông ấy líu ríu cân xoài, cố cúi mặt xuống để giấu đi hai giọt nước mắt sắp trào ra. Nhìn quanh quất ngôi nhà bừa bộn vì không có bàn tay phụ nữ thu vén, chẳng ai bảo ai, chúng tôi đều nhìn ra khoảng sân mênh mông nắng. Không biết có phải vì nắng chói chang nên làm mắt người cũng chợt cay...

Một ngày sau khi đối tượng Lê Thị Hiển, 56 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội bị tạm giữ tại Công an huyện Thanh Trì, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với chị ta. Gương mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu, Hiển nhìn người lạ với gương mặt mệt mỏi, không một chút biểu cảm.

- Đêm qua chị ngủ được không?

- Không. Tôi trằn trọc không ngủ được.

- Thế có ăn được không?

- Hiển lắc đầu (im lặng).

- Tại sao chị lại ra tay với chồng mình mà không phải là với tình địch?

- Vì tôi thấy việc đánh ghen với Vân không có kết quả. Tôi đã một lần đến đánh cô ấy chảy máu mũi nhưng cô ấy và chồng tôi vẫn không rời nhau, thậm chí còn khăng khít hơn.

- Chị thuê người đánh chồng mình, giả sử chồng chị không chết mà lại bị thương tật suốt đời, cụt tay, cụt chân, thì chị không thấy xót xa thay cho các con chị ư?

- Thực sự là tôi chỉ nghĩ làm thế nào để ông ấy quay về với gia đình chứ không nghĩ đến hậu quả như thế nào. Chuyện tàn tật hay sau này ông ấy già cả, khó khăn khi mất tay, mất chân như thế nào tôi không nghĩ tới.

- Giả sử ông ấy bị tàn tật thì chị có chăm sóc ông ấy không?

- Nếu ông ấy bị tàn tật, tôi sẽ chăm sóc ông ấy. Chỉ cần ông ấy quay về nhà.

- Chị hành động như vậy, vì quá yêu hay vì quá hận?

- Đến tuổi này còn nói chuyện yêu đương gì nữa. Tôi chỉ cần ông ấy quay về, con cháu đề huề, gia đình quây quần hạnh phúc.

- Chồng chị có nhiều lần đánh đập chị không?

- Trước đây ông ấy hiền lành lắm, nhưng khi có bồ thì đối xử với tôi chả ra gì. Cách đây không lâu, khi tôi tìm đến khu nhà trọ của cô Vân đánh ghen, ông ấy về đánh đập tôi, còn đe dọa cả nhà "không ai được động đến Vân".

- Đến bây giờ, ngồi bình tĩnh nghĩ lại, chị thấy rạn nứt trong quan hệ tình cảm vợ chồng, dẫn đến việc chồng chị có bồ, là nguyên nhân từ đâu?

- Tôi từng này tuổi rồi, có lẽ chênh lệch…

- Trước chị Vân, ông Đường có người phụ nữ nào không?

- Có đấy. Nhưng tôi chưa bao giờ phải đánh ghen, vợ chồng chỉ hục hoặc thôi.

- Hiện tại, khi nghĩ về chồng, cảm giác của chị như thế nào? Còn tức giận không? Hay là ân hận?

- Trước đây tôi rất uất ức, ông ấy có bồ, lại còn về nhà đòi chặt cây, xây nhà cho bồ ở, không những thế lại còn đánh đập tôi. Nhưng bây giờ thì tôi chỉ thấy ân hận.

- Và thương?

- (Im lặng…). Nói thương thì không ai tin, nhưng mà tôi thấy có lỗi với các con. Hôm trước, khi tôi bị dẫn ra ủy ban nhân dân xã, tôi đã thú nhận với con trai tôi: "Mẹ đã nhờ người làm việc này, các con tha lỗi cho mẹ".

- Chị có nghĩ tới hậu quả không, khi nhờ người làm việc này?

- Tôi không nghĩ tới hậu quả, chỉ nghĩ nếu ông ấy không còn tay thì sẽ không lái xe được nữa, không cung cấp tiền cho cô Vân nữa thì họ sẽ rời xa nhau.

- Sao không phải là một phương pháp nào khác? Chị đã thử thuyết phục chồng mình chưa?

- Nói thật là tôi đã thuyết phục hết nước rồi. Chính tôi đã nhiều lần tìm gặp gia đình cô Vân để đề nghị hai gia đình cùng có biện pháp ngăn cản chuyện tình cảm của hai người, nhưng anh Lường cũng không có biện pháp gì. Vợ chồng Vân  mới li dị, nhưng cô ấy và ông Đường đã công khai chuyện tình cảm từ 1 năm nay. Và cô ấy đã có thai rồi.

Trung tá Lê Tân Liên, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Thanh Trì cho biết: Hiện Công an huyện đã khởi tố vụ án, bắt giữ các đối tượng gây ra cái chết của ông Phạm Văn Đường (ở Thường Tín, Hà Nội) tại thôn 7, Yên Ngưu, Tam Hiệp, Thanh Trì tối hôm 25/5.

Theo lời khai ban đầu của kẻ chủ mưu Lê Thị Hiển, do ông Đường quan hệ tình cảm với chị Nguyễn Thị Vân, ở Yên Phú, Thường Tín nên Hiển đã ghen tuông, thuê người trả thù chồng. Hiển đã nhờ em trai là Lê Quang Phục (41 tuổi) giúp mình tìm người để thực hiện ý đồ phạm tội. Phục lại nhờ anh vợ là Đỗ Văn Khanh (52 tuổi, ở Quất Động, huyện Thường Tín). Khanh tiếp tục nhờ Phạm Văn Côi (40 tuổi, ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) và được Khôi giới thiệu tới gặp Phạm Hùng Lâm (43 tuổi, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).  Lâm nhận lời và ra giá, nếu gây thương tích ở chân là 70 triệu đồng, tay 30 triệu, còn giết chết là 100 triệu.

Thực hiện "hợp đồng", tối 25/5, Lâm cùng Lê Thọ Nam (41 tuổi, có 4 tiền án), Trần Minh Hiếu (38 tuổi) và Nguyễn Đức Trí (25 tuổi) đều trú ở Hoàng Mai, Hà Nội tới chỗ ông Đường và chị Vân thuê trọ ở Tam Hiệp, Thanh Trì. Nam rút dao chém vào cổ nạn nhân gây nên cái chết của ông Đường.

Một người hàng xóm đã dùng chiếc ôtô của ông Đường chở ông và chị Vân vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho biết, trên đường đi, chị Vân khóc nức nở, ôm ông Đường nói: "Nếu anh chết, em cũng sẽ chết theo anh". Sau khi ông Đường chết, chị Vân đã lang thang ra khu vực đường tàu đường Giải Phóng và lao vào chuyến tàu Hà Nội - Vinh tự sát.

Hai người đàn bà trong vụ án đau lòng này quả là nông cạn, nếu họ biết nghĩ một chút cho con, thì đâu nên nỗi?

Đinh Hiền - Minh Trí – CSTC tuần số 61
.
.
.