Thảm họa hay là kỹ nghệ lăng xê

Thứ Sáu, 03/06/2011, 16:05
Chỉ cần có tiền, một nhân vật vô danh có thể nổi đình nổi đám trên mạng internet, dù có bị gọi là "thảm họa" thì vẫn cứ nổi hơn người thường. Dường như mọi chuẩn mực đã bị xóa nhòa và người làm nhạc nghiêm túc nản lòng không ít…

Bây giờ, không cần biết hát, chỉ cần biết… đọc đúng chữ là đã có thể thu âm và trở thành một ca sỹ. Lên sân khấu, hát nhép đúng nhịp là có thể thành ngôi sao. Tất nhiên, hành trình thành ngôi sao nổi tiếng không dễ. Nhưng trong thời buổi này, việc trở thành một ca sỹ quá dễ. Và chỉ cần có tiền, một nhân vật vô danh có thể nổi đình nổi đám trên mạng internet, dù có bị gọi là "thảm họa" thì vẫn cứ nổi hơn người thường. Dường như mọi chuẩn mực đã bị xóa nhòa và người làm nhạc nghiêm túc nản lòng không ít…

Lò chế tác thảm họa!

Mới đây, trên internet xuất hiện một "thảm họa" là clip "Nói dối" của một nhân vật tên P.M. Bắt chước Lady Gaga và hát những lời lảm nhảm, nhân vật này ngay lập tức gây được tiếng vang (tất nhiên là đến 90% người xem đều mỉa mai và gọi đó là một "bi kịch"). Nhưng có hề gì! Bởi vì chính chủ nhân của clip này đã biết trước mình sẽ bị "ném đá" và mục đích của clip này tung ra là để… được ném đá. Có lẽ đàn em này học tập đàn chị Phi Thanh Vân. Phi Thanh Vân là trường hợp lạ lùng nhất của showbiz Việt.

Cô dường như bất chấp mọi đàm tiếu, cứ tung ra hết chiêu này đến chiêu khác. Phim ảnh, kịch nghệ, thời trang, cô đều có những "dấu ấn", dù những dấu ấn đó có thể làm người khác… sởn gai ốc. Riêng về âm nhạc thì cô thuộc dạng cao tay, dám làm hết "thảm họa" này đến "thảm họa" khác. Từ "Da nâu 1" cho đến "Da nâu 2", và mới đây là "Tâm hồn là vĩnh cửu".

Hãy thử nghe cô gái này hát: "Phụ nữ chẳng có ai xấu, mà chỉ có không biết chăm sóc làm đẹp mà thôi. Ngày xưa em cũng như mọi người. Nhưng từ khi biết điểm tô sắc đẹp... đời em nay đã đổi thay! Từ khi có chút nhan sắc... thì em mới hiểu đẹp xấu chỉ là phù du! Còn hơn ấu trĩ tâm hồn, nét đẹp phụ nữ mãi luôn vững bền. Tình yêu thăng hoa thì ta nên sống vì nhau. Đẹp hay xấu là vấn đề... đẹp ở trong tâm hồn ta đó mới là vĩnh cửu. Tình yêu biết sẻ chia đẹp sẽ vẫn ở tấm lòng... không so đo tính toán thiệt hơn. Đẹp hay xấu cảm nhận mỗi người... bề ngoài đâu có nghĩa chi nếu trong lòng gian dối. Đừng nên đánh mất đi... nét đẹp của tâm hồn. Tình chỉ đến với ai... biết trân trọng tình yêu"...

Ngoài chuyện ca từ ngô nghê thì giọng hát của Phi Thanh Vân mới ở dạng… nghêu ngao, ngứa cổ hát chơi. Nhưng cô vẫn kiên quyết khẳng định mình làm nghệ thuật nghiêm túc và khán giả rất… mê, bỏ tiền ra mua đĩa hát! Dường như không có "súng" nào của dư luận làm Phi Thanh Vân sợ. Vì cô nói, cô chỉ quan tâm tới lời khen và ủng hộ. Còn ai không thích hay chê thì cô bỏ ngoài tai. Có lẽ vì đã bỏ được ngoài tai mọi thứ  nên "nữ hoàng dao kéo" cứ tiếp tục sản xuất những "tác phẩm âm nhạc" vượt tầm thời đại, nghe xong thấy giống trẻ con quay clip tung lên mạng cho vui!

Điểm lại những "thảm họa" của nhạc Việt có thể thấy không riêng gì Phi Thanh Vân, mà còn nhiều nhân vật khác cũng đang cố gắng tạo… bi kịch, với những bài hát nghe xong chỉ muốn… chửi thề, kiểu như "Người ấy và con cha phải chọn", "Bất ngờ anh yêu người cùng phái", "Trái tim siêu nhân Gao" của Hoàng AXN.

Một nhân vật tên Lương Gia Huy thì lại cho nhạc vàng hát ghép cùng hiphop trong bài "Tiền hiphop". Và Yuki Huy Nam thì có bài hát… bất hủ mang tên "Mượn xe nhớ đổ xăng", có đoạn: "Nói ra thì sai không nói thì bực quá đi. Nói ra thì sai không nói lòng buồn quá đi. Tôi cho mượn xe thì hết xăng. Tôi cho mượn xe thì mất xăng...".

Thời loạn có tạo… anh hùng?

Có tạo được anh hùng từ nền tảng những… thảm họa như vậy? Câu trả lời là khó. Nhìn lại thời gian qua, sẽ thấy những trò xàm xí nhiều hơn những hoạt động âm nhạc nghiêm túc. Các ca sỹ tìm mọi trò để được chú ý. Một trong những cách ít tốn tiền mà nhanh ầm ĩ là tung clip hay bài hát lên mạng internet. Thời buổi các trang mạng đua nhau đăng miễn phí và cho tải miễn phí về máy tính, thì dường như chỉ cần có cái gọi là… nhạc đã có thể xuất hiện như một ca sỹ.

Công nghệ thu âm hiện đại có thể giúp một người không biết hát vẫn có thể hát được một bài trọn vẹn rất đúng lời và đúng điệu. Một nhạc sỹ chuyên làm việc ở phòng thu nói đùa, có thể cắt từng lời của một ai đó trong một đoạn ghi âm và thả vào từng nốt nhạc rồi chỉnh âm lại, thành một bài hát. Chính vì thế, người ta mới thấy tình trạng người người đi hát, nhà nhà đi hát. Mọi thứ đều được "makeup" tối đa bởi công nghệ phòng thu.

Có những người chưa từng biết tới việc cần phải đọc được bản nhạc trên giấy mới có thể học hát. Cứ vô tư vào phòng thu, hát theo người khác rồi được sửa lại. Cầm đĩa nhạc đó lên sân khấu và hát nhép lại những lời đã được sửa trong phòng thu, thế là xong.

Nếu như trước đây, không ca sỹ nào nhận mình hát dở vì đương nhiên ca sỹ thì phải hát hay. Nhưng đến giờ không thiếu ca sỹ hàng đêm vẫn đi hát, lấy cát sê hơn 10 triệu mỗi show mà vẫn hồn nhiên nhận mình hát chưa hay.

Điển hình như Ngân Khánh. Cô còn lý luận nghề hát như nghề… thợ may: "Thế một cô thợ may làm nghề chưa giỏi, cô ta có nên bỏ nghề không? Hay nên tiếp tục học nghề, bồi dưỡng kỹ năng và kinh nghiệm để trở thành một thợ may bậc cao trong tương lai? Vậy một võ sĩ quyền anh, rất yêu nghề, đánh không hay ở thời điểm hiện tại liệu anh ta có nên bỏ nghề không? Hay anh ta nên khổ luyện, bồi dưỡng thêm cho mình các kỹ năng tấn công đối thủ làm sao có thể đạt được sự khéo léo, đủ lực, ở mức độ hiểm hóc đến hoàn hảo, nhằm đưa anh ta lên một vị thế cao hơn nhiều không? Tôi sẽ tiếp cận và nhìn nhận vấn đề theo cách như vậy,  tôi có khát vọng được khẳng định mình, quyết tâm biến những giấc mơ lớn trong đời thành hiện thực, để nó không bao giờ là ảo ảnh buồn ngoài tầm với. Khi bước lên sân khấu, nhiệm vụ biểu diễn luôn luôn là nhiệm vụ của ca sĩ. Tôi không hiểu "thật" và "diễn" ở đây có ẩn ý gì? Khi mình muốn chuyển bài hát đến khán giả là mình đang chuyển tình cảm "thật" của mình đến khán giả, tình cảm này chính là sức sống, linh hồn của bài hát ấy đấy chứ! Có những khi, để đảm bảo sức khỏe cho việc vừa hát vừa nhảy (kết hợp việc thực hiện rất nhiều các động tác vũ đạo) vừa thực hiện chính xác và đồng đều các động tác vũ đạo cho 5,6 tiết mục biểu diễn liên tiếp nên trong giới ca sĩ ở những dòng nhạc sôi động buộc phải chọn giải pháp dùng đĩa hát "lip sync" là chuyện bình thường".

Nói như Ngân Khánh thì hóa ra, nghề hát cũng giống như những nghề lao động chân tay khác, chỉ cần kiên nhẫn là thành công. Hóa ra nghề hát cũng chả cần tài năng, chỉ cần chút khéo léo là được! Ngay cả những ca sỹ đang đi hát kiếm tiền thiên hạ vẫn còn hồn nhiên đến vậy thì làm sao hy vọng thay đổi được điều gì cho âm nhạc!

Công nghệ lăng xê hiện nay đã không còn như cách đây 5 năm. Việc ca sỹ xuất hiện trên các trang báo mạng quá đơn giản, thậm chí không mất tiền, chỉ cần có một quản lý thân thiết với phóng viên là đủ. Nhưng dường như chỉ lên báo không đã không còn ép phê nữa. Cái gì nhiều quá cũng thành nhàm. Vậy là phải… chuyển hướng.

Trước tiên là phải liên tục tạo ra các tình huống, ngớ ngẩn cũng được, nhưng phải có cớ cho báo mạng giật tít. Chẳng hạn như có một bộ hình sắp xếp lộ liễu cũng được, nhưng rồi sẽ có bài báo giật tít "Xuất hiện nghi vấn tình cảm giữa A & B" và đăng kèm bộ hình cả hai đang đi đường hoặc ngồi cà phê với nhau. Tất nhiên, những bài báo đó sẽ bị “ném đá” và nhân vật trong bài sẽ bị chửi bới là "tạo scandal rẻ tiền".

Đó là cái cớ để xuất hiện bài báo thứ hai: "Chuyện tin đồn là vớ vẩn", hoặc là "Tôi không cần scandal"… Rồi sau đó sẽ tung một clip nào đó, hoặc là cảnh hớ hênh lộ hàng. Trên mạng hiện đang lưu truyền một bài châm biếm các chiêu PR được dùng phổ biến trên các trang mạng, nhưng khá đúng với tình hình lăng xê ca sỹ hiện nay.

Đề tài đầu tiên là việc… Chí Phèo đâm chết Bá Kiến (theo truyện của Nam Cao) và các báo mạng sẽ giật tít: "Kinh hoàng vụ sát hại trưởng thôn tại làng Vũ Đại/Say rượu, đâm chết cán bộ thôn/Đã tìm được kẻ giết trưởng thôn làng Vũ Đại/Bi kịch làng Vũ Đại - trưởng thôn bị giết tại nhà/Kẻ giết trưởng thôn Bá Kiến là người cùng làng".

Sau đó, các báo sẽ khai thác chuyện Chí Phèo và Thị Nở trong vườn chuối: "Sốc với hình ảnh giới trẻ công khai tình yêu trong vườn chuối/Có hay không vụ hiếp dâm trong vườn chuối/Vừa ra tù đã phạm tội hiếp dâm/Đau lòng người đàn bà dở bị cưỡng bức/Chân dung kẻ đồi bại tại làng Vũ Đại/Đã xác định được kẻ hiếp dâm chị N.".

Và tiếp theo, để gây sốc, các báo sẽ tiếp tục khai thác theo hướng giật gân: "Phát sốt vì bộ ảnh cực "nóng" của Thị Nở/Bé Nở "lạ lẫm" trong trang phục tứ thân/Thị Nở vai trần đi vo gạo/Thị Nở thổ lộ về mối tình đầu/Thị Nở e ấp bên người "đặc biệt"/Thị Nở "hot" với yếm đào bên bờ sông/Thị Nở: Anh ấy không phải là đại gia/Thị Nở: Giữa tôi và anh Chí chỉ là mối quan hệ cùng thôn/Thị Nở: Còn quá sớm để nói về chuyện yêu/Lộ ảnh sốc Chí Phèo & Thị Nở trên facebook/Chí Phèo: Tôi chỉ coi em Nở như em gái/Những bóng hồng trong cuộc đời anh Chí/Rộ tin đồn Bá Kiến là người thứ 3/Dàn sao nông dân "kute" làng Vũ Đại cùng chúc mừng cho bé Nở"…

Hẳn đọc đến đây, nhiều người cũng đã nhận ra những cái tít này tương tự như những loạt bài PR cho một số nhân vật trong làng ca sỹ xuất hiện dày đặc trên các trang mạng thời gian qua. Và nghe thì có vẻ như chuyện cười, nhưng thực tế công nghệ lăng xê đang đúng như vậy.

Tiếp theo chiêu truyền thông sẽ là chiêu mua giải. Nhìn vào danh sách các album đứng đầu bảng xếp hạng hàng tuần của trang Z. mới giật mình, dường như có những ca sỹ chưa ai từng nghe và thuộc dạng "thảm họa" lại được xuất hiện. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, muốn đứng đầu trang này không khó, một là bỏ tiền ra mua theo từng tuần, hai là bán bản quyền cho trang này để họ kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ. Khi tiêu chí âm nhạc chỉ nhằm vào mục đích kiếm tiền và bất chấp tất cả, thì giải thưởng chỉ là một công cụ nhằm để lăng xê cho công cuộc kiếm tiền mà thôi.

Đó chính là lý do vì sao "thảm họa" đang nở rộ. Vì có thảm họa thì thiên hạ mới biết tiếng. Mà biết tiếng rồi thì mới có cơ hội kiếm tiền, ví dụ như thảm họa vẫn có thể bán được clip, nhạc chuông nhạc chờ trên hệ thống điện thoại di động. Thảm họa mà vẫn ra tiền. Thế nên thảm họa còn tái diễn ào ào. Âm nhạc thời loạn luôn là những thứ kêu xủng xẻng giả trang. Còn âm nhạc đích thực đành khiêm nhường lùi về một góc, cất những tiếng nhỏ nhoi, mà phải người tri âm kiếm tìm may ra mới thấy!

Nhóm PV thực hiện – CSTC tuần số 60
.
.
.