Thâm nhập đường dây môi giới bán trứng người

Thứ Bảy, 30/04/2011, 16:28
Số lượng người phải tìm đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản ngày càng tăng, nhưng nếu muốn mua trứng, họ phải lén lút gặp gỡ các đối tượng "cò", rồi phải mất một khoản tiền không ít cho đám này mới mong gặp được người bán trứng.

Việc mua bán trứng người nói riêng và nội tạng nói chung ở Việt Nam ta bị pháp luật nghiêm cấm, thế nhưng, tình trạng ấy vẫn hàng ngày diễn ra, dưới cái vỏ bọc là sự "thỏa thuận" giữa người bán và người mua. Nên chăng, cơ quan chức năng cần có một chế tài quản lý hoạt động này, để người cho và người nhận không phải qua "cò", đồng thời với việc làm sao để những đứa trẻ ra đời trong các trường hợp đặc biệt ấy, sau này không xảy ra trường hợp kết hôn cùng huyết thống. Vì trong hàng ngàn người đang cần trứng và cần tinh trùng để mang thai như hiện nay, xác suất ấy không thể không xảy ra.

Gian nan gặp "cò"

Tôi và một đồng nghiệp nam trong vai đôi vợ chồng đang khao khát có một đứa con, sau rất nhiều ngày lang thang, trở thành khách hàng quen của mấy quán nước vỉa hè và đánh không biết bao nhiêu đôi giày mới xin được số điện thoại của "cò" Linh, chứ mấy hôm đầu, vừa cất lời hỏi: "Chị ơi (anh ơi) em muốn tìm người cho trứng (tôi phải tránh dùng từ "mua" vì sợ nhạy cảm), chị (anh) có biết ai thì mách cho em với...", mấy anh đánh giày, chị hàng nước đã lắc đầu quầy quậy: "Lại nhà báo hả, không biết gì đâu nhé, vào trong viện mà hỏi".

Thế nhưng, thấy ngày nào chúng tôi cũng dắt díu nhau đến, họ lại mủi lòng. Và một cuộc gặp gỡ "cò" Linh sau nhiều ngày mong đợi đã đến. "Nàng" ngồi trên ôtô, vẫy chúng tôi leo lên xe và dừng lại ở một quán cà phê cách Bệnh viện Phụ sản Trung ương dễ đến gần cây số.

Chưa kịp gọi đồ uống, "nàng" đã trừng mắt, phủ đầu để át vía người đối diện: "Các em nhà báo ơi, chị chán mấy em lắm rồi, mấy hôm trước cũng có cô nhà báo đóng giả là cần mua trứng. Nói thật với các em, chị làm phúc thôi chứ lợi lộc gì đâu", tôi lạnh hết cả người, làm bộ cau mặt: "Chị buồn cười thật, mấy tuần nay bọn em vất vả tìm chị, nhà báo nhà mèo gì đâu...". Nghe thế, Linh cười xởi lởi, nhưng giọng điệu vẫn còn cảnh giác lắm: "Nếu các em cần thật thì chị giúp, nhưng ngay hôm nay thì không có đâu nhé. Ít nhất phải nửa tháng sau chị mới tìm được". Tôi lại giả bộ mặt đưa đám: "Bọn em có ở Hà Nội đâu, tít tận Nam Định, chiều nay phải bắt xe về quê rồi, chị làm ơn tìm giúp em nhanh đi".

“Cò” Linh đang môi giới khách hàng.

"Nàng" có vẻ cũng dần tin câu chuyện của chúng tôi nên đi ra góc quán bấm máy gọi ai đó. Vài phút sau quay lại, nàng lắc đầu: "Chị muốn giúp bọn em lắm nhưng nói thật là hôm nay nó không lên được, nhà nó tít tận Hưng Yên cơ. Thôi, tối nay hai vợ chồng ở nhà nghỉ đi rồi sáng mai nó lên lúc nào chị gọi cho mà đến xem mặt".

""Nó" là ai hả chị? Sinh năm bao nhiêu? Có mấy con rồi" - tôi hỏi "cò" Linh. "Hai thằng con trai rồi. Chồng nó mới mất, chắc là nghèo quá chứ người bình thường chẳng đứa nào chịu bán trứng đâu em ạ. Số em thế cũng là may đấy". Rồi "cò" Linh thao thao kể các trường hợp đã được "nàng" giúp, thỉnh thoảng mẹ dắt con nhong nhóng đi qua "cháu chào bác Linh" rối rít và liên tục nhắc đi nhắc lại: "Chị làm phúc thôi em ạ". "Cò" Linh nổi tiếng ở khu vực cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đến nỗi nhắc đến tên "nàng", tất cả dân lang thang kiếm ăn quanh đấy đều biết, nhưng kể về “cò” Linh, họ đều khuyến mãi thêm câu: "Đầu gấu lắm đấy!".

Linh tâm sự, nhà “nàng” trên phố cổ, con gái con trai đủ tất rồi, tiền bạc chưa bằng ai nhưng cũng gọi là ăn tiêu thoải mái. Chúng tôi chào "nàng" ra về và hẹn tái ngộ ngày mai cùng với lời nhắn nhủ: "Chị cứ tìm giúp em một hai trường hợp nữa cho chúng em chọn nhé, giá cả không thành vấn đề, bọn em quan trọng nhất là lý lịch sáng sủa một tí, em không thích mấy bà đánh giày, hàng rong đâu, phải cao, trắng và có học thì càng tốt". "Cò" Linh bĩu môi: "Cứ có người cho trứng là tốt lắm rồi, kén chọn như cô chú thì không bao giờ tìm được đâu".

Cần có biện pháp quản lý

Trưa hôm sau, đúng hẹn, "vợ chồng" tôi lại đến quán cà phê đợi "cò" Linh. Chờ sẵn cùng với "nàng" là một phụ nữ khá xinh xắn nhưng gầy độ 35kg. "Cò" Linh giới thiệu: "Đây là em Tuyết, hai chị em cứ nói chuyện làm quen với nhau đi nhé".

Quay sang tôi, Linh nói: "Em có hồ sơ trong viện rồi chứ gì, thế thì tí nữa hai chị em cứ dắt nhau lên đấy, bác sĩ tư vấn cho, chị cũng chẳng cần lên đó làm gì". Tuyết kể, chồng cô mới mất vì ung thư, cô cần tiền để trả nợ vì trong thời gian chồng nằm viện, cô phải vay mượn bạn bè chữa trị cho chồng.

Tôi hỏi: "Bán trứng thì nhiều lắm cũng chỉ được 30 triệu, số tiền ấy em trả nợ sao cho hết?", Tuyết cười buồn: "Thì bằng cách này hay cách khác cũng phải làm thôi chị ạ, người ta đến nhà đòi nợ, đòi dỡ cả nhà ra, chị bảo em phải làm thế nào". Mấy chục phút nói chuyện với Tuyết, cô cứ ngồi than vắn thở dài, khuôn mặt buồn rười rượi khiến tôi không khỏi chạnh lòng vì cô đang rất hy vọng sẽ bán trứng cho tôi để lấy tiền.

Chúng tôi dắt tay nhau lên tầng 3 Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã ở thế cưỡi lên lưng hổ, tôi đành nói thật với Tuyết: "Em ạ, chị là nhà báo chứ chẳng phải người cần mua trứng đâu. Tại sao em không đến thẳng bệnh viện, đặt vấn đề với bác sĩ, gặp trực tiếp người cần trứng mà không phải qua môi giới, có khi còn được nhiều tiền hơn đấy". Tuyết sững sờ nhìn tôi: "Chị Linh cảnh giác lắm cơ mà, mấy hôm trước em đến gặp chị ấy nhờ tìm người cần trứng, chị ấy còn bắt em cho xem chứng minh thư, sổ hộ khẩu vì cũng nghĩ em là nhà báo, sao chị đóng giả giỏi thế...". Tuyết cho biết thêm, "cò" Linh hứa trả cho cô 10 triệu đồng, thế nghĩa là chị ta đã ăn một nửa số tiền mà tôi (người mua trứng) phải trả, chưa kể nếu là hàng "độc", chân dài, da trắng, có học, thì số tiền "cò" Linh "thu phí" của cả người bán, người mua sẽ còn nhiều hơn thế. "Em đã từng được bác sĩ tư vấn chưa?" - tôi hỏi Tuyết. "Chưa chị ạ. Nhưng chị Linh nói không làm sao đâu, chọc trứng lần này xong, 3 tháng sau lại có thể chọc tiếp. Chỉ có là phải tiêm nhiều ngày để cho trứng rụng thôi. Chị Linh nói như bác sĩ ấy, chị ấy bảo, tùy vào cơ địa từng người mà bác sĩ chỉ định tiêm nhiều ngày hay ít ngày, nhưng tối thiểu cũng phải hơn 1 tuần. Ở trong Viện C, đặt phôi mát tay nhất là bác sĩ Hoàng, hầu như chị nào được bác sĩ này đặt phôi cũng đều đậu thai cả".

"Nếu em cho trứng, em có nghĩ đến tương lai không..."- chưa để tôi nói hết câu, Tuyết đã trả lời: "Em hiểu rồi chị ạ, nhưng nhiều người cũng nói, đành rằng là trứng của mình, nhưng nằm trong bụng người ta, ăn máu mủ của người ta thì sinh ra cũng chẳng có nét nào của mình đâu, thành con của người ta mất rồi. Với lại, nói thật với chị, hoàn cảnh của em lúc này, nếu em có con, nó sống với em thì làm sao tốt được bằng ở với gia đình hiếm muộn, người ta cần con nên ắt sẽ yêu thương, quan tâm nó hơn mình". Suy nghĩ của Tuyết cũng là phải, nhưng tôi đồ rằng, người mẹ trẻ ấy vì bất đắc dĩ, cũng giống như các trường hợp tôi đã đề cập trong bài viết trước, vì hoàn cảnh khó khăn mới phải bán trứng của mình.

Lấy cớ là Tuyết gầy quá, sợ rằng sức khỏe không đảm bảo, tuy rằng mặt khá xinh nhưng lại làm ruộng, tôi đòi "cò" Linh tìm tiếp cho một cô gái khác. Tuyết im lặng không nói gì theo đúng "kịch bản" tôi đã dặn em. "Cò" Linh cau mày: "Vợ chồng em khó tính quá, thế thì không bao giờ tìm được đâu". "Thôi, chị cứ cố gắng giúp em đi" - tôi giả bộ năn nỉ.

Mắt "nàng" bỗng sáng lên: "À, còn một đứa nữa, con bé này học trung cấp, nghe nói chồng bị tai nạn lún hộp sọ  nên cũng cần tiền lắm. Con bé này có con 3 tuổi rồi, da trắng, cao hơn mét sáu đấy. Còn một đứa nữa, công nhân may khu công nghiệp bên Gia Lâm ý, nếu em đồng ý thì để chị gọi rồi hẹn gặp nó. Con bé này da hơi đen nhưng được cái khỏe mạnh, chưa có chồng nhưng nhỡ nhàng nên có một đứa con gái rồi". "Vâng, chị cứ giúp em, nhưng nhớ là lý lịch sạch sẽ chị nhé, em sợ mấy cô cave lắm, bệnh tật đầy ra..." - tôi nói với Linh.

Đến lúc này thì "nàng" cáu thực sự: "Trước khi chọc trứng còn phải làm đủ các xét nghiệm, nào HIV, nào viêm gan B, phải không có bệnh tật gì người ta mới làm chứ, tóm lại là nói nhanh cho nó vuông, vợ chồng em đi tìm mối khác đi, còn mối chị, các em không làm được đâu...". "Nàng" trợn mắt, khuyến mại thêm cho "vợ chồng" tôi cái liếc xéo, ra chừng muốn... tiễn khách.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, pháp luật Việt Nam cho phép hiến trứng nhưng nghiêm cấm mua bán trứng người. Người cần trứng và người cho trứng phải có đơn xin cho và đơn xin nhận để hợp pháp hóa hồ sơ. Mọi giao dịch, trao đổi giữa người cho và người nhận với số tiền thỏa thuận đều được diễn ra bên ngoài cổng viện, không có sự chứng kiến của bác sĩ, thế nên hồ sơ nào cũng có thể nói là hợp pháp.

Đó là kẽ hở của pháp luật, vậy thì nên chăng, những nhà làm luật cần phải đi trước một bước, sớm đưa việc trao đổi, mua bán trứng người vào luật, được sự quản lý chặt chẽ của ngành Y tế, để người cần trứng cũng như người muốn cho trứng có cơ hội gặp nhau mà không phải qua "cò".

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Cho trứng là hình thức kích thích trứng rụng gấp nhiều lần bình thường bằng cách tiêm thuốc (mỗi chu kỳ kinh nguyệt, bình thường chỉ rụng 1 quả trứng, còn nếu tiêm thuốc kích thích thì có thể rụng tới 15-20, thậm chí 30 quả trứng). Người cho trứng sẽ được gây mê rồi chọc trứng qua đường âm đạo. Một năm, người cho trứng được kích trứng tối đa là 2 chu kỳ. Về những phản ứng phụ mà người cho trứng có thể gặp phải, theo Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ, đó là hiện tượng chảy máu, gây teo màng trứng, quá trình kích thích buồng trứng có thể gây tràn dịch, khiến bệnh nhân thấy khó chịu ở bụng. Một số trường hợp có thể gặp đa thai, xoắn buồng trứng...

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, liệu những đứa trẻ ra đời từ việc cho trứng, sau này có tình trạng kết hôn cùng huyết thống không, bởi xác suất ấy là có thể xảy ra, Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ cho rằng, nếu tính đến điều ấy thì trước khi kết hôn, cô dâu chú rể nên xét nghiệm ADN, đó là cách duy nhất. Ông cũng nói vui, trong vòng 5-10 năm tới thì có lẽ việc xét nghiệm ADN sẽ thông dụng với người dân mình, giống như đi khám tai mũi họng vậy.

Nhóm PV – CSTC tuần số 54
.
.
.