Thánh địa ma tuý trên đỉnh Pù Lôm

Thứ Sáu, 03/06/2011, 16:18
Đỉnh Pù Lôm, xã Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An nơi được coi là nóng nhất Đông Dương. Những người làm báo thường kháo nhau: Nóng ở đây không chỉ là việc nhiệt độ mùa hè thường cao hơn 2 - 4 độ so với các nơi khác mà nóng còn bởi vấn nạn ma tuý luôn đeo đẳng, vùi dập cuộc sống yên bình của người dân.

Theo tàng thư của cơ quan chức năng, những năm qua hàng trăm đối tượng ma tuý cộm cán trong cả nước đều ít nhiều dính dáng đến các trùm ma tuý ở đỉnh Pù Lôm. Ma tuý, súng, mìn và lựu đạn luôn được các trùm ma tuý sử dụng để đối phó với bất cứ ai lên đỉnh Pù Lôm khi bị chúng phát hiện. Phóng sự này là một nhát cắt về vấn nạn ma tuý và cuộc chiến nảy lửa ở đỉnh Pù Lôm do phóng viên CSTC thực hiện sau khi tiếp cận "thánh địa ma tuý".

Cơn lốc độc quét qua bản

Mặt trời mới lên cao bằng cây sào của người Mông nhưng cái nóng hầm hập của ngày hè như đã muốn thiêu đốt tất cả. Men theo những con đường mòn chỉ đủ cho một người lách qua, có đoạn phải tự phát quang cây rừng để đi, tôi và người bạn đường như lạc vào thế giới khác.

Một nỗi lo sợ mơ hồ bắt đầu xuất hiện, khi người bạn đường tên H. thỉnh thoảng lại liếc ngang, liếc dọc như dò tìm gì đó. Mặc dù đã thoả thuận là chỉ đưa tiền lộ hành khi về thị trấn Hoà Bình của huyện Tương Dương, nhưng cảnh giác của người làm báo vẫn không thể để tôi yên tâm với H.. "Nếu bị bọn ma tuý phục kích thì đừng chạy nhé" lời cảnh báo của H làm tôi quéo chân. Đã dấn thân thì phải cố, tôi tự nhủ rồi bám lấy áo H.. "Đây rồi" – H. kêu toé lên làm tôi giật nảy mình.

Phía trước là cây cầu treo vắt vẻo bắc qua dòng sông Nậm Nơn. Nhấp một ngụm nước chúng tôi vào bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An. Đứng trên cầu treo nhìn lên bản Xốp Mạt hiền hoà với những ngôi nhà sàn nằm xen lẫn cây rừng. Một bức tranh thuỷ mặc nhìn từ xa, tôi nghĩ vậy. Đang miên man với suy nghĩ của mình thì H cảnh báo "coi chừng giẫm phải kim tiêm".

Tôi nhìn xuống chân mình theo lối mòn vào bản và sững sờ khi bắt gặp giấy thiếc, tàn thuốc, vỏ kim tiêm còn đọng máu vứt vương vãi trong các bụi cây. Dưới dòng Nậm Nơn đục ngầu, một số dân bản vẫn đang hụp lặn với cơn mơ đổi đời tìm vàng sa khoáng. Xốp Mạt là bản "nội bất xuất, ngoại bất nhập" đối với người lạ, cũng chẳng ai muốn vào đây bởi vấn nạn ma tuý bủa vây từng căn nhà.

Chỉ có những cán bộ, chiến sĩ Công an vì nhiệm vụ cũng như lòng tự hào nghề nghiệp mới đến với bà con dân bản. Nhờ sự hy sinh thầm lặng của các anh, những tay trùm ma tuý khét tiếng ở đỉnh Pù Lôm này lần lượt tra tay vào còng như Lô Văn Tuấn, La Văn Tuân, Vi Văn Panh… Giữa bản Xốp Mạt với những căn nhà gỗ tuềnh toàng của dân bản là ngôi nhà gỗ to lớn của trùm ma tuý Lô Văn Tuấn nổi danh một thời trong đám buôn hàng trắng. Từ trưởng bản, Lô Văn Tuấn trở thành trùm ma tuý nổi tiếng ở đỉnh Pù Lôm lúc nào không hay.

Khi bị lực lượng Công an Nghệ An truy tìm ráo riết, Tuấn bỏ bản lên đỉnh Pù Lôm lập trang trại, dựng lán lều buôn ma tuý. Nhiều đường dây ma tuý do Tuấn lập ra đã trở thành "đối trọng" đối với bất cứ trùm ma tuý nào cả trong Nam ngoài Bắc. Lợi dụng đường rừng, Lô Văn Tuấn mua súng, lựu đạn, mìn giao cho đàn em luôn sẵn sàng tử vì hắn. Tất cả đường đến lán trại của Tuấn luôn được đàn em bồng súng canh chừng. Nhưng bằng sự nhiệt huyết nghề nghiệp, mưu trí, dũng cảm đấu tranh của lực lượng Công an, Lô Văn Tuấn đã phải thúc thủ khi đang quẩn quanh trong "pháo đài" của hắn.

Vợ chồng ông La Văn Hoạch và những đứa cháu của mình.

Vào trung tâm bản Xốp Mạt, không còn cảm giác sợ hãi, nhưng một cảm giác buồn xâm chiếm lấy tôi. Nhiều thanh niên bản nằm dật dờ khi lên cơn nghiện nhìn người xa lạ với đôi mắt đói thuốc cầu xin. Bốn bên đều là đá nên người dân bản cũng không thể cải thiện được cuộc sống của mình bằng cách sản xuất. Không có Nhà nước cho gạo, cho áo để mặc thì dân bản không tồn tại, một người dân bảo vậy.

Chính quyền cũng đã gắng hết sức mình với bà con. Các cơ quan chức năng địa phương cũng đã miệt mài tìm kế sinh nhai, phát triển cho dân bản. Nhưng vì cơn lốc ma tuý quá mạnh đã quét qua và hậu quả để lại thật nặng nề nên những hệ luỵ không thể khắc phục. Rời Xốp Mạt, tôi tìm vào bản Đửa. Bản Đửa là thung lũng ma tuý, mà các trùm ma tuý trên đỉnh Pù Lôm luôn tìm cách bủa vây để chúng có cơ may tồn tại. Bởi nhiều dân bản chính là ra đa, là giao liên tiếp tế lương thực, thực phẩm cho chúng.

Ngược lại đây cũng là nơi để bọn tội phạm ma tuý tìm trung gian vẫn chuyển hàng độc đưa về xuôi. Để vào bản Đửa, tôi và H đã cải trang thành các "kỹ sư địa chất tìm khoáng sản" bất đắc dĩ. Dọc theo lối mòn vào bản, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp các đối tượng cầm súng săn nằm lấp liếm trong bụi cây, khe đá canh chừng.

"Chúng được các trùm ma tuý trên đỉnh Pù Lôm thuê để canh chừng lực lượng chức năng và người lạ", H nói nhỏ vào tai tôi. Kệ, tôi chặc lưỡi, chẳng còn gì phải sợ. Hàng chục năm nay, người dân bản Đửa bị cơn lốc ma tuý bủa vây như chiếc vòng kim cô không lối thoát. Đỉnh Pù Lôm không còn là nơi để họ trồng cây ngô, cây sắn bởi ở đó trong những lùm cây, khe đá, những họng súng đen ngòm của các đối tượng buôn “cái chết trắng” hung hăng nhả đạn bất cứ lúc nào.

Lời ru buồn bên dòng Nậm Nơn

Cách đây ít năm, bản Xốp Mạt, bản Đửa dưới chân núi Pù Lôm trở nên nổi tiếng bởi ba chữ nghe oán hờn, réo rắt tâm can: "Bản không chồng". Nắng ngày hè gay gắt. Theo bước chân men theo triền đá của chị Lô Thị Tấm để về nhà, tự nhiên thấy lòng mình trống trải khi chứng kiến hai đứa con gái của chị Tấm mắt len lét nhìn người lạ.

Hơn 5 năm rồi, 3 mẹ con Tấm gồng lưng với nhau chống lại ngày hè khắc nghiệt, ngày đông lạnh giá khi chồng Tấm là Lô Văn Mão đang thụ án tù chung thân về tội buôn ma tuý. Bước qua tuổi 20, Tấm về nhà chồng với niềm tin xác tín sẽ có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng mạnh khoẻ như cây lim, cây táu trên rừng. Hai đứa con gái lần lượt ra đời như bông hoa làm cho căn nhà nhỏ của Tấm luôn đầy tiếng cười vui.

Nhưng rồi cơn lốc ma tuý trên đỉnh Pù Lôm tràn qua bản Xốp Mạt, nó không quên quét qua căn nhà hạnh phúc của Tấm. Mão được các trùm ma tuý cho thử “cái chết trắng”. Nghiện; cần tiền để thoả cơn say, Mão lao vào gùi hàng, bán ma tuý. Hắn tra tay vào còng khi người vợ trẻ vừa đầy cữ đứa con gái thứ hai. Bữa cơm của 3 mẹ con Tấm chan đầy nước mắt khi chị dâu Vi Thị Quyền nhắc đến ký ức buồn.

Chồng của Quyền là anh ruột Lô Văn Mão cũng đang thụ án tù về tội buôn bán ma tuý. Giống như đứa em dâu Lô Thị Tấm, Quyền cũng đang gồng mình bán sức với núi rừng để nuôi 2 đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi học. Trong ký ức những đứa trẻ con của Tấm, của Quyền, hình ảnh cha nó nhạt nhoà như nước sông Nậm Nơn, bởi cha của chúng đi tù khi chúng còn quá nhỏ. Bản Xốp Mạt chỉ có hơn trăm nóc nhà nhưng có đến gần 80% phụ nữ trở thành vọng phu khi chồng đi tù vì ma tuý.

Chẳng khác gì Xốp Mạt, bản Đửa hiện có gần 400 người, nhưng hiện có gần 50 người nghiện ma tuý. Trong đó, có 8 gia đình cả vợ lẫn chồng đều nghiện nặng. Không có công dưỡng dục của người cha, những đứa trẻ nơi đây chỉ biết bám víu vào mẹ. Tuổi thơ của chúng lớn lên bằng những lời ru buồn, nghe chất chứa nỗi niềm thương thân, trách phận. Lô Văn Hoan đi tù vì ma tuý để lại 4 đứa con tự bươn chải nương tựa vào nhau.

Từ khi cha, mẹ, chú, bác đều lần lượt xộ khám vì tội buôn ma tuý, em Trần Thị Kim Trà mới hơn 15 tuổi đầu đã phải bỏ học để lên rẫy, xuống suối kiếm con cá, củ khoai nuôi em. Nhiều lần Trà phải dắt 2 em lần hồi quanh bản để xin cho em có cái ăn, cái mặc khi mùa lạnh ập về. Cả chục năm nay, vợ chồng ông La Văn Hoạch vẫn nuốt nước mắt vào trong để nuôi 7 đứa cháu do 3 đứa con ông đi tù để lại. Nuôi 3 đứa con lớn lên, chưa một ngày ông Hoạch được chúng báo hiếu một chén cơm, bát nước.

Thằng đầu La Văn Thông cưới vợ rồi rủ nhau cùng buôn ma tuý. Tiếp đến thằng thứ 2, La Văn Ly cũng nối gót anh vào tù. Đứa con gái út La Thị Hồng cũng không chịu "thua 2 anh" buôn bán ma tuý và vào nhà đá. Ba đứa con đi tù để lại cho vợ chồng ông Hoạch nỗi đau chồng chất. "Nhiều khi vợ chồng tui muốn tìm đến cái chết, nhưng mà chết đi thì 7 đứa cháu để ai nuôi" - ông Hoạch bảo vậy.

Đêm đêm trong căn nhà sàn, ông Hoạch ngồi bên bếp lửa quặn lòng khi nghe tiếng ú ớ của lũ trẻ gọi mẹ, gọi cha trong mơ. Nuôi cháu lớn lên, ông lại lo nghiệp chướng mà cha mẹ chúng để lại, bởi hằng ngày các trùm ma tuý luôn tìm cách tiếp cận những đứa cháu của ông để chúng "đào tạo" đưa vào đường dây. Nỗi sợ của ông Hoạch hoàn toàn có cơ sở khi trên đỉnh Pù Lôm, những quái thú về cơn lốc trắng ma tuý vẫn rình rập đám trai, gái của bản.

(Còn nữa)

Dương Sông Lam – CSTC tuần số 60
.
.
.