Thuốc phiện, CIA và chính quyền KARZAI

Thứ Ba, 15/02/2011, 10:53
Ngày 30/3/2010 Alfred McCoy đã cho đăng trên TomDispatch bài báo với tiêu đề: "Liệu có thể mang lại hòa bình cho quốc gia-ma túy hàng đầu thế giới? Chiến tranh nha phiến tại Afganistan". Nội dung bài báo đang làm đau đầu Quốc hội Mỹ, có thể sẽ buộc các ông nghị Mỹ phải đánh giá lại cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ tại Afghanistan.

Ông McCoy đã chứng minh qua bài báo của mình :

-Nhà nước Afghanistan của Tổng thống Karzai là một nhà nước-ma túy xấu xa, nơi mỗi năm người dân phải bỏ ra 2,5 tỷ USD để hối lộ các quan chức, tức là khoảng ¼ nền kinh tế của đất nước.

-Nền kinh tế Afghanistan là nền kinh tế-ma túy: năm 2007 Afghanistan sản xuất 8.200 tấn thuốc phiện, chiếm 53% PIB và 93% buôn bán bạch phiến (heroine) thế giới.

-Các giải pháp quân sự chống lại tình trạng trên hoàn toàn không có hiệu quả và thậm chí là phản tác dụng; McCoy cho rằng biện pháp tốt nhất là xây dựng lại nông thôn Afghanistan bằng cách đưa các loại cây lương thực thay thế cây thuốc phiện, một tiến trình có thể mất 10-15 năm hoặc lâu hơn nữa.

Nhận xét của ông McCoy càng tỏ ra thuyết phục hơn khi vào giai đoạn cực thịnh, sản lượng Cocaine của Colombia mới chỉ chiếm chưa đầy 3% nền kinh tế đất nước, nhưng tổ chức cánh Tả, FARC (Những con đường sáng), đã giành thắng lợi trước cánh Hữu (dù cả hai đều dựa vào kinh doanh Cocaine) và đang lãnh đạo đất nước. Đối với Afghanistan, nếu loại bỏ ngay cây thuốc phiện mà chưa tìm được loại cây khác thay thế thì người nông dân sẽ rơi vào tình trạng cùng cực. Năm 2001, chính quyền Taliban sụp đổ, sản lượng thuốc phiện đã từ 4.600 tấn tụt xuống 185 tấn và hậu quả là ngân sách đất nước trống rỗng.

Những lý lẽ mà ông McCoy nêu lên thoạt nghe thấy không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên việc thay đổi cơ bản chính sách quân sự của Mỹ tại Afganistan phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một sự thật đầu tiên đó là sự dính líu của CIA ngày càng sâu vào việc buôn bán, vận chuyển ma túy trên thế giới. Vấn đề được xem là cấm kỵ, không được phép nói đến trong chính giới, trong các cuộc vận động tranh cử và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bất cứ ai tìm cách vi phạm điều cấm kỵ trên, như nhà báo Gary Webb, đều phải nhận lấy một hậu quả xấu.

Afred McCoy dù đã "phạm qui", đưa ra công luận về trách nhiệm của CIA trong buôn bán, vận chuyển ma túy trong các cuộc chiến của Mỹ nhưng cũng đã cố làm giảm nhẹ tầm quan trọng của vấn đề. Ông ta viết rằng "Thuốc phiện xuất hiện như một lực lượng chiến lược trong chính giới Afghanistan trong suốt cuộc chiến bí mật của CIA chống lại người Xô-Viết", và ông ta bổ sung rằng "chính cuộc chiến bí mật của CIA đã trở thành chất xúc tác biến khu vực biên giới Pakistan-Afghanistan thành vùng sản xuất ma túy lớn nhất thế giới".

Một điều đáng ngạc nhiên là McCoy cho rằng CIA đã "thụ động, bị" lôi kéo vào các liên minh ma túy trong suốt cuộc chiến chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1979-1988, trong khi thực tế chính CIA đã thành lập các liên minh này để chống Liên Xô.

Tầm quan trọng của vị trí chiến lược miền Nam biên giới Trung Quốc và Liên Xô, đối diện với chuỗi dãy núi, khu vực sản xuất thuốc phiện châu Á, đã thôi thúc CIA thiết lập một liên minh chặt chẽ với các lãnh tụ các bộ tộc vùng cao nguyên này.

Gulbuddin Hekmatyar và Abou Rasul Sayyaf, hai lãnh chúa ma túy tầm cỡ quốc tế đầu tiên, được "rạng danh" trên sân khấu quốc tế, là nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ và mù quáng của CIA, cộng với sự hợp tác của các chính phủ Pakistan và Saudi Arabia.

Trong khi các lượng kháng chiến địa phương khác bị xem là thứ yếu, thì hai lãnh chúa trên (được sự ủng hộ của CIA, Pakistan, Saudi Arabia) được toàn quyền sử dụng thuốc phiện và ma túy như phương tiện xây dựng lực lượng vũ trang và nguồn tài chính. Hơn thế nữa, họ đã dần dần biến thành những đại diện của Hồi giáo cực đoan và cuối cùng trở thành người của tổ chức Al-Qaeda.

Việc CIA dính vào buôn bán, vận chuyển ma túy trong cuộc chiến Liên Xô-Afghanistan không phải là điều mới lạ. CIA cũng từng đóng vai trò chủ chốt trong các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuất phát từ Mianma, Lào và Thái Lan giai đoạn từ cuối những năm 1940 đến những năm 1970. Các quốc gia này đã trở thành những trung tâm trung chuyển ma túy quan trọng nhất nhờ sự tiếp tay của CIA (và của người Pháp trong trường hợp với Lào), nếu không họ chỉ duy trì ở mức khu vực.

Tại các quốc gia trên, CIA không chỉ nhắm mắt làm ngơ mà còn tham gia tích cực thúc đẩy các hoạt động của các lực lượng chống cộng sản được tài trợ từ tiền ma túy nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung cộng tại Đông Nam Á. Trong khoảng từ những năm 1940 đến những năm 1970 và giống như ở Afganistan hiện nay, sự hỗ trợ của CIA đã góp phần biến khu vực Tam Giác Vàng thành nguồn cung cấp chính thuốc phiện tầm cỡ thế giới.

Trong giai đoạn này CIA đã tuyển chọn nhiều cộng tác viên phục vụ cho buôn lậu thuốc phiện khu vực châu Á, kể cả ở Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Pháp, Cuba, Honduras và Mexico. Các cộng tác viên trên bao gồm cả các quan chức chính phủ các nước như Manuel Noriega của Panama hoặc Vladimiro Montesinos ở Pérou, thường là những người có kinh nghiệm trong nghề cảnh sát, được CIA hoặc cơ quan tình báo ủng hộ. CIA cũng tuyển chọn cả những người thuộc các phong trào nổi loạn, như Contras của Nicaragua trong những năm 80 của thế kỷ trước, Jundallah, chi nhánh của Al-Qaeda, hiện còn hoạt động tại Iran và Baloutchistan.

Ngày nay không ai còn nghi ngờ về vai trò của CIA đối với các ông trùm buôn lậu ma túy ở Afghanistan ; người em trai ruột của Tổng thống Karzai là Ahmed Wali Karzai (một cộng tác viên tích cực của CIA) và Abdul Rashid Dostum (cựu cộng tác viên của CIA) bị tố cáo là những ông trùm buôn bán, vận chuyển ma túy.

Đầu tháng 12/2010 trang mạng WikiLeaks đã cho tung ra một số bức điện mật của đại sứ Mỹ tại Kabul gửi về Washington trong đó có ý kiến của ông Đại sứ khẳng định Tổng thống Karzai và em trai của ông ta (tỉnh trưởng Kandahar) là những trùm buôn lậu ma túy.

Tham nhũng gắn với ma túy ở ngay trong nội bộ chính phủ Afghanistan là một phần hậu quả của quyết định của chính phủ Mỹ và CIA tiến hành cuộc xâm lược  vào năm 2001 với sự hỗ trợ của Liên minh phương Bắc, một phong trào mà Washington biết rõ là bị tha hóa vì ma túy.

Bằng cách này, Mỹ đã cố tình tạo ra ở Afghanistan một Việt Nam thứ hai. Tại Việt Nam (như Ahmed Wali Karzai sau một nửa thế kỷ) em trai của Tổng thống Diệm là Ngô Đình Nhu đã sử dụng ma túy để tài trợ cho một mạng lưới riêng giúp ông ta đạo diễn cuộc bầu cử có lợi cho ông Ngô Đình Diệm. Thomas H. Johnson, điều phối viên các nghiên cứu nhân chủng học tại Naval Postgraduate School, đã khẳng định rằng một chương trình chống nổi loạn sẽ thất bại nếu chương trình đó ủng hộ một chính phủ sở tại rệu rã và tham nhũng.

Chúng ta cùng tìm hiểu nền kinh tế ma túy của Afghanistan hiện nay. Trên thị trường thuốc phiện Afghanistan, phần của Taliban ước tính từ 90 đến 400 triệu USD. Cơ quan kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc (Office des Nations Unies contre la Drogue et le Crime - ONUDC) ước tính tổng thu nhập từ buôn bán thuốc phiện và bạch phiến là vào khoảng từ 2,8 đến 3,4 tỷ USD. Rõ ràng là Taliban chỉ nắm một thị phần nhỏ của nền kinh tế ma túy này, còn phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Karzai.

Năm 2006, một bản báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) tiết lộ "khoảng 25-30 ông trùm buôn bán ma túy, trong đó đa số đặt đại bản doanh tại miền Nam Afghanistan, kiểm soát việc chuyển ngân và hợp tác chặt chẽ với các chính giới và các quan chức cấp cao chính phủ".

Các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ tỏ ra không mấy quan tâm đến thực tế trên và ảnh hưởng của chiến lược đối ngoại Mỹ tại Afghanistan liên quan đến cuộc chiến và buôn bán ma túy

Nguyễn Đình
.
.
.