Tiếng khóc đắng lòng của người mẹ trẻ (!)

Thứ Năm, 28/04/2011, 15:48
Khi vị Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TP HCM tuyên phạt Nguyễn Văn Minh mức án tử hình về tội giết người, thì trong một góc nhỏ nơi căn nhà vắng nằm cạnh rừng cao su ở ấp Bàu Dầu (xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), Lê Kim Chi đang áp di ảnh của hai cậu con trai vào lòng khóc nức nở. Có lẽ, cho đến tận lúc ngồi trò chuyện với chúng tôi, Chi vẫn chưa hiểu vì sao bi kịch lại ập đến với gia đình mình một cách thảm khốc đến vậy…

Nguyên nhân tan vỡ một gia đình

Người ta nói với chúng tôi rằng, Nguyễn Văn Minh hiền lắm. Bố mẹ Minh nghèo, lại đông con, nên vừa nhận biết được mặt chữ thì Minh thôi đến lớp, áng chừng Minh học hết lớp hai. Bù lại cho chuyện dang dở học hành, Minh có nhiều tài vặt. Minh có thể sửa điện, chữa máy bơm nước, làm thợ hồ… Minh làm cái gì thì người bỏ tiền trả công cho Minh đều ưng ý.

Ngày còn bé loắt choắt, Minh hay xuống nhà của bà Lê Văn Kiếm chơi với cậu con trai thứ ba của bà. Cà kê mãi với người anh trai, Minh có dịp tán tỉnh cô em gái là Lê Kim Chi. Chi da trắng, mắt to, mũi thẳng… rất xinh gái. Có lẽ, Chi xinh gái nhất ở cái ấp Bàu Dầu này. Sơ ngộ rồi thành thân thiết, năm Chi 17 tuổi, Minh ngỏ lời yêu.

Chi kể, cái ngày Chi nhận lời yêu Minh, Minh hiền lành lắm. Tính người ít nói, lại chân chất tháo vát, nên Chi cứ ngỡ mình đã tìm được bến đỗ của đời mình. Mà tình thiệt từ ngày mới lớn, mẹ Chi cấm tiệt Chi chuyện ra đường giao du với người này người kia, nên cho đến khi nhận lời yêu và cưới Minh, Chi cũng chỉ có đúng mối tình ấy là duy nhất.

Họ cưới nhau năm 2000, ra riêng với của nả lớn nhất là gần một mẫu cao su của hồi môn từ mẹ vợ. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ chẳng yên ổn được bao lâu vì ngay sau khi cưới, Chi phát hiện ra Minh nghiện cờ bạc.

Những tay cờ bạc với Minh cũng nghèo túng như Minh, nhưng họ lại chơi bạc theo kiểu con nghiện phê thuốc cần tăng liều theo thời gian. Vợ chồng hục hặc chưa xong chuyện cờ bạc của Minh, thì Minh lại tiếp tục nghiện đề. Cậu em vợ của Minh về nói với chị rằng, anh Minh cứ như con người khác vào mỗi buổi chiều, khi đài phát thanh công bố xong chương trình xổ số. Có chiều, Minh vừa làm vừa huýt sáo rất vui vẻ. Lắm khi, Minh cúi gằm mặt không nói chuyện với bất kỳ ai.

Mà không như những gia đình khác, trong nhà Chi, Minh là người giữ tiền. Chi nói, ban đầu Chi cũng giữ tiền, nhưng sau nhiều lần bị Minh chất vấn là sao tiền trong nhà tiêu pha nhanh hết quá, Chi tự ái nên từ đó Chi chuyển giao việc làm chủ chi tiêu cho Minh. Đúng kỳ hẹn, Minh lại đưa cho Chi vài trăm nghìn tiền chợ…

Một năm sau đám cưới, cậu nhóc Nguyễn Văn Tài Anh ra đời. Ngày Chi đi nằm nhà hộ sinh ngay trạm y tế xã, trong túi Chi chỉ vỏn vẹn có 200 nghìn đồng. Mà đó là tiền Chi vừa đi vay mượn được từ bà con. Tất cả những gì hai vợ chồng Chi để dành dụm bấy lâu, cộng thêm gần mẫu cao su của hồi môn đã bị Minh nướng sạch vào những con số kỳ ảo… Mặc cho những lục đục, năm 2003, lại thêm một cậu nhóc nữa chào đời được họ đặt tên là Nguyễn Văn Tài Em.

Cũng chẳng hiểu Minh chơi đề thế nào mà anh nợ từ làng trên đến xóm dưới, nợ từ người thân đến hàng xóm, từ bạn bè đến người xa lạ… Hễ ở đâu vay mượn được, là Minh đi mượn tất. Lắm khi không vay được ai, Minh lẳng lặng đến nhà người ghi đề xin ghi số thiếu. Số tiền đề Minh ghi thiếu ngày cao nhất là… 4,8 triệu. Thậm chí, ngày Minh bị bắt sau khi gây án, vẫn còn rất nhiều người tìm đến gặp Chi để… đòi nợ.

Minh vỡ nợ lần một, gia đình bán sạch mọi thứ trả cho Minh. Minh vỡ nợ lần hai, lại bán tất tần tật mọi thứ. Minh vỡ nợ lần ba, sự chịu đựng của Chi đã vượt quá giới hạn… Chi đâm đơn ra tòa xin ly hôn.

Đây cũng không phải là lần viết đơn xin ly hôn đầu tiên của Chi. Những lần trước, khi đơn đã được nộp đi, Minh lại quỳ dưới chân Chi xin tha thứ. Sợ con mình mất bố, hơn nữa cũng còn tình nghĩa với chồng, nên Chi lại rút đơn.

Lần này, Chi hạ quyết tâm phải ly hôn bằng được để Minh tỉnh ngộ. Bởi không thể hy vọng vào cái chuyện "đòn gió" như trước kia. Tháng 3/010, Chi nộp đơn xin ly hôn. Tòa hẹn hai vợ chồng Minh vào đầu tháng 4/010 họ cần có mặt tại Tòa để tiến hành phân xử…

Trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, Chi dọn ra ở riêng…

Đêm kinh hoàng giữa rừng cao su

Chi mượn mảnh đất con con trong vườn cao su của cậu mình, quây một cái lều bạt nhỏ để mở quán nước. Theo lời Chi kể với chúng tôi, thì đây là lần thứ hai Chi mở quán nước. Lần trước, Minh mở cho Chi bán, nhưng về sau, Minh không thích cái chuyện khách vào uống nước cứ trò chuyện với vợ mình nên Minh dẹp đi. Lần này, Chi tự mở…

Thu nhập từ cái quán vặt bên đường của Chi mỗi ngày được vài mươi nghìn, thêm chừng ấy tiền công Chi đi cạo mủ đêm cho các vườn cao su tư nhân. Cắc củm thì cũng tạm gọi là có đồng ra đồng vào. Hai cậu nhóc Tài Anh và Tài Em ở chung với bố trong căn nhà nhỏ được xây dựng từ miếng đất bà ngoại cho, đây là lần thứ ba bà cho vợ chồng Chi đất. Hai miếng đất trước đó, Chi đã bán đi để trả nợ tiền thua đề cho Minh.

Căn nhà cũ của vợ chồng Chi đã được mẹ Chi cho người dỡ bỏ sau vụ việc thảm khốc ấy.

Nuôi con được hơn một tuần, Minh mang Tài Anh và Tài Em ra quán nước giao lại cho Chi. Minh nói: "Em bán nước có điều kiện lo lắng cho hai con hơn anh. Anh lông bông quá…". Chi lẳng lặng gật đầu chấp thuận, rồi nới rộng thêm cái giường trong cái lều ấy để dành chỗ cho con nằm. Ba mẹ con ríu rít trong khốn khó.

Như là một thói quen, mỗi chiều Minh đều ghé quán để chơi với hai con đến xâm xẩm tối thì lại về nhà trọ. Từ hồi vợ dọn ra ngoài, Minh cũng thôi ở trong căn nhà cũ. Cứ mỗi lần ghé quán chơi, nhìn cảnh Chi nói cười với khách cứ như vết cắt trong lòng Minh.

Mà phải tội, như lời mẹ Chi kể với chúng tôi thì ngay hồi con gái, bà đã dạy Chi rất kỹ chuyện nền nếp ở quê. Sợ Chi mặc áo hở cổ, khi bưng bê nước cho khách sẽ tạo ra cảnh không hay, bà dặn chị gái Chi sửa lại những cái áo bà ba cổ thắt tròn cho Chi mặc… Bà làm đủ mọi cách để tránh điều tiếng không hay cho con gái mình. Tận trong thâm tâm, bà cũng ủng hộ chuyện Chi nộp đơn xin ly dị chồng. Bà không muốn cháu ngoại lẫn con gái của bà khổ vì một người chồng, người cha nghiện đề. Nhưng, bà vẫn mong một ngày con rể bà hồi tâm, bởi theo lời bà thì "Thằng đó nó hiền lành lắm, lại giỏi nữa. Chỉ có mỗi tội mê cờ bạc…".

Một chiều đầu tháng 4, khi chỉ còn hai ngày nữa là đến cái hẹn của Tòa mời hai vợ chồng lên để giải quyết chuyện ly hôn, Minh chẳng nói chẳng rằng mang theo cái võng nhỏ đến ngay cạnh quán nước của Chi, mắc vào thân hai cây cao su nằm nghỉ.

Đoán là Minh say rượu, Chi cũng chẳng tỏ ra thắc mắc vì sao hôm nay Minh lại đến chơi với con sớm hơn thường lệ. Minh cứ nằm đó mãi cho đến lúc Chi đóng cửa quán, ba mẹ con lục đục đi ngủ. Quán nằm giữa rừng cao su, không có cửa nẻo, chỉ có mỗi miếng bạt kéo xuống làm vật chắn gió… Thông thường, Chi chỉ ngủ được hơn 2 giờ mỗi đêm từ 23 giờ đến 1 giờ sáng, vì tầm hơn 1 giờ, Chi phải lọ mọ dậy đi cạo mủ thuê sớm.

Nửa khuya, khi đang mơ màng, Chi nghe tiếng hực rất lạ của con chó mực nằm cạnh đầu giường của ba mẹ con. Trong ánh sáng lờ mờ từ cây đèn ngủ, Chi thấy Minh đang đứng sững ngay trước mặt mình, tay giơ cao như chuẩn bị bổ vật gì đó xuống người Chi…

Chi lập tức bật dậy, hét toáng lên: "Anh ơi, anh đừng đánh em. Có chuyện gì hai vợ chồng mình từ từ nói. Anh đừng làm vậy mà, anh ơi". Minh không đáp lời Chi, chỉ im lặng dùng hết sức bình sinh vụt mạnh. Chi kể, mãi sau này khi tỉnh dậy trong bệnh viện, Chi mới biết Minh dùng dao chém Chi, còn lúc đó, Chi không cảm thấy đau đớn gì cả. Chi chỉ cảm thấy hoảng loạn và sợ hãi…

Trước khi ngất đi, Chi còn nhớ Tài Anh và Tài Em la thảng thốt: "Ba ơi, ba đừng đánh mẹ nữa mà, ba ơi!". Sau tiếng la của hai cậu con trai, Chi chỉ nghe những tiếng bịch… bịch… rồi giọng của Tài Anh và Tài Em tắt lịm. Đó là lần cuối cùng Chi nghe được giọng của hai đứa con mình, Tài Anh và Tài Em đã phải lìa trần từ những nhát dao oan nghiệt của ba mình.

Mẹ Chi kể với chúng tôi rằng, tối đó, bà xuống nhà Chi ngủ lại để đỡ đần cho con gái. Mấy hôm rồi, Tài Anh cứ bị sốt suốt, mà hễ mỗi lần sốt, Tài Anh lại lên cơn co giật. Khi bà xuống đến quán, thì thấy Chi đã ngủ say, sợ con gái mình tỉnh giấc, bà im lặng căng cái võng ngay bên cạnh quán để ngủ. Nửa đêm, bà nghe tiếng động từ giường con gái, vừa chạy vào đến nơi, bà như ngã quỵ khi thấy Minh đang đứng trên giường, vung dao chém liên tiếp vào người Chi, lúc này Chi đang quỳ dưới đất thều thào van xin…

Bà lao vào Minh để can ngăn, ngay lập tức, Minh quay sang chém bà nhiều nhát vào đầu, tay, vai… Hoảng hốt, bà tông lều bỏ chạy ra ngoài kêu cứu. Khi mọi người ập đến, Minh nằm quằn quại trên vùng máu, Tài Anh và Tài Em  đã tắt thở trên giường, Chi nằm gục trong góc quán, không thể nhận dạng được những vết thương…

Sau cái đêm kinh hoàng ấy, Chi được người nhà đưa vào chạy chữa ở bệnh viện, rồi xuất viện với một cơ thể gầy yếu, hom hem. Căn nhà cũ của vợ chồng Chi ngày trước, đã được mẹ Chi nhờ người đập bỏ, bà sợ Chi nhìn thấy nhà sẽ nhớ con mà nghĩ quẩn. Tài Anh và Tài Em ngày mất đi, bà ngoại và mẹ đều đang nằm trong bệnh viện, mấy cậu dì làm đám tang cho hai anh em xong đã gửi cả hai vào một ngôi chùa ở Dầu Tiếng…

Chi đưa cho tôi tấm hình ghép cảnh chụp hai anh em Tài Anh và Tài Em, hai cậu nhóc rất xinh. Chi chỉ vào Tài Em và nói: "Thằng nhóc này giống anh Minh như đúc nè anh".

Trong suốt buổi trò chuyện, Chi mở miệng vẫn gọi Minh bằng tiếng anh thân thiết. Nghe đâu Minh đang viết đơn xin ân xá để mình được sống. Còn nếu không được ân xá, Minh xin hiến tạng để phục vụ cho y học. Đó là chuyện riêng của Minh. Chỉ thấy hắt hiu là vì trên đoạn đường hơn 100km về lại Sài Gòn, tiếng khóc nấc của Chi khi nghĩ về Tài Anh và Tài Em cứ ám ảnh chúng tôi như lời nguyện buồn

Nguyệt Hữu - Phú Lữ - CSTC tuần số 53
.
.
.