Tử tù và các câu chuyện trong buồng biệt giam

Tìm cái chết sớm

Thứ Ba, 01/03/2011, 16:06
Một người nước ngoài phạm tội giết người yêu rồi đốt xác ném ra bãi rác, bị kết án tử hình, khi nằm trong buồng biệt giam Trại tạm giam số 1 đã không dưới hai lần tự tử nhưng đều được quản giáo phát hiện kịp thời. "Hung khí" dùng để kết liễu cuộc đời của anh ta là móc khóa quần mài nhọn...
>> Tử tù và các câu chuyện trong buồng biệt giam

Nhiều gã tử tù ngoài đời là đầu gấu, đại bàng vào tù chẳng biết cáu kỉnh với ai, không làm vương làm tướng được với ai nên sẵn sàng "củ hành" ngay với anh phạm nhân làm vệ sinh cho chính buồng của mình. Một chân bị cùm, nhưng vẫn còn một chân và hai tay được tự do, thế nên cáu tiết với anh phạm tự giác nào, tử tù sẵn sàng "oánh" luôn. Thậm chí, với cán bộ quản giáo, tử tù cũng... không tha. Không đánh được thì chửi bới, cạnh khóe, ăn vạ, cà khịa, cốt sao để có tiếng đi tiếng lại cho... đỡ buồn. Tiêu cực hơn nữa thì tự tử, để không phải nơm nớp đợi đến ngày Nam Tào chấm sổ...

Quậy phá

Làm quản giáo của những phạm nhân án số (án phạt tính bằng năm tù) đã mệt, thế nhưng làm quản giáo của các tử tù đang đợi đến ngày thi hành án còn đau đầu hơn. Bởi những tử tội này luôn xác định không còn gì để mất, thế nên họ sẵn sàng cà khịa, chống đối cán bộ. Hỏi 10 gã tử tù thì cả 10 gã đều thừa nhận, trong đầu đã từng nảy sinh ý định tự tử để không phải đợi đến ngày thi hành án, trong số đó, rất nhiều kẻ đã thực hiện việc tự tử nhưng không thành do bị quản giáo trại giam phát hiện, cứu thoát.

Cũng dễ hiểu thôi, khi trước mặt là đường hầm tối mịt, khi trong đầu luôn ám ảnh bởi một sớm mai nào đó sẽ nghe thấy tiếng khóa cửa lạch cạch vang lên, tử tù - dù là những kẻ chai lỳ nhất, đã xác định rõ ràng kết cục của mình, cũng không thể nào giữ được tâm lý bình thản, khi hàng ngày, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ là một mình với 4 bức tường giam, cùng lắm là có thêm thằng bạn chung cảnh ngộ cùng buồng. Thế nên, họ phải tận dụng từng phút có mặt trên cõi nhân gian này để sống theo cách của họ.

Thượng tá Bùi Ngọc Bình, Giám thị Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội đưa cho tôi xem mảnh phécmơtuya quần được mài nhọn mà anh vừa nhặt được ở khu vực giam giữ phạm nhân. Anh bảo, cái vật bé nhỏ này sẽ rất dễ trở thành "hung khí" khi rơi vào tay những kẻ muốn trốn thoát, nhất là với đám tử tù. Vừa là thói quen nhưng cũng vừa là công việc cần làm, mỗi tuần vài lần, anh lại kiểm tra công tác bảo vệ ở khu vực biệt giam, động viên anh em cán bộ làm nhiệm vụ và kiểm tra buồng tử tù để phát hiện kịp thời những biểu hiện tiêu cực, đặc biệt là triệt phá ngay các ý định đào tường, khoét ngạch, bẻ khóa hòng trốn thoát. Trước đây mới có chuyện tử tù cưa cùm trốn thoát, nhưng giờ thì việc ấy rất khó xảy ra, bởi mỗi tuần một lần, cán bộ trại giam lại vào "gõ cùm" (nghĩa là kiểm tra xem cùm có còn nguyên vẹn không). Chìa khóa buồng tử tù cũng chỉ có hai người được giữ, một là Giám thị Bùi Ngọc Bình, hai là quản giáo.

Can phạm Trần Duy, đối tượng phạm tội giết người, theo lịch xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì phiên sơ thẩm sẽ diễn ra vào sáng 12/1. Thế nhưng, buổi sáng hôm ấy, cán bộ quản giáo gọi kiểu gì anh ta cũng không dậy, hết kêu ốm, mệt, lại kêu đau đầu, nhức óc. Cho cán bộ y tế vào khám, biết ngay là anh ta giả vờ để "câu giờ". Đến lúc bảo mặc quần áo theo đúng quy định để ra tòa, anh ta nhất định không chịu, lồng được tay trái vào, anh ta lại tụt tay phải ra. Anh ta cù nhầy mặc cả: "Phải cho tôi mặc quần áo của tôi, tôi không mặc quần áo quy định, nếu bắt mặc thì không xét xử gì hết".

Cứ thế, quản giáo đánh vật với tử tù mỗi việc mặc quần áo. Một kiểu "củ hành" khác, đó là suốt ngày đòi... khám bệnh. Chỉ cần thay đổi thời tiết, hắt hơi, sổ mũi cũng đòi khám bệnh, thậm chí người hơi ngứa, hơi đau răng cũng đòi khám. Có thằng chẳng làm sao cũng chọc tăm cho thủng lợi, máu me đầy mồm để được gặp... bác sĩ.

"Đại ca giang hồ" T.B. - từng thoát án tử hình, hiện đang thi hành án ở Trại giam Nam Hà, khi bị biệt giam đã tuyệt thực đến gần một tuần, quyết tâm tìm đến cái chết vì nghĩ rằng mình sẽ không có cơ may thoát án. Cũng trong thời gian nằm biệt giam, T.B. từng một vài lần thắt cổ tự tử nhưng đều được phát hiện kịp thời. Tuyệt vọng, chán nản và tìm cách "ra đi" càng sớm càng tốt là tâm lý chung của những con người chỉ còn tính cuộc đời bằng từng ngày.

Đã quen với bài cò quay của tử tù và tuy ức chế nhưng nhiều lúc cán bộ quản giáo phải động viên nhau để làm nhiệm vụ cho tốt với suy nghĩ, thôi thì người ta đã ở vào tình cảnh này, khác gì nằm chờ chết, mình phải đối xử sao cho trước lúc đi, họ được cảm thấy lòng dạ thanh thản nhất. Bởi, ai cũng hiểu, sống trong những tháng ngày vô vọng, không người thân thích bên cạnh, cảm giác cô đơn, thèm tiếng người luôn cào cấu trong họ, chỉ cần có người mở cửa bước vào, bất kể là ai, dù là cán bộ quản giáo hay cán bộ y tế vào hỏi han, chuyện trò, cũng là một niềm vui lớn đối với họ.

Và tôi chợt hiểu, lần chúng tôi đứng nói chuyện lao xao gần khu biệt giam, một tử tù buồng bên cạnh buồng Nguyễn Đức Nghĩa đã "hóng chuyện" và đánh tiếng gọi Nghĩa, như thể tiếng người đối với các tử tù này là một món quà vô giá. Thế giới bên ngoài, với họ giờ chỉ còn là một ô cửa lấy ánh sáng nhỏ xíu, một áng mây bằng chừng bàn tay thỉnh thoảng lờ lững trôi qua, đôi khi cũng là một hình ảnh đẹp và đem lại cảm xúc mới cho họ.

Khu biệt giam ở Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội hình như có sự khác biệt so với một vài khu biệt giam tôi đã từng đến. Điều dễ nhận ra nhất là... mùi, ở đây không có mùi đặc trưng của ẩm mốc, nước tiểu, ngược lại, không khí khá thoáng đãng, mát mẻ và sạch sẽ. Giám thị Bùi Ngọc Bình chia sẻ, họ đã ở cuối con đường, đã tuyệt vọng trước cuộc đời, đã không còn nhìn thấy ngày mai, vậy thì hãy dành cho họ một chút ân huệ nào đó, ít ra là cho họ được hưởng một không khí ấm áp, từ những lời hỏi thăm ân cần của quản giáo.

Tìm cái chết sớm

Một người nước ngoài phạm tội giết người yêu rồi đốt xác ném ra bãi rác, bị kết án tử hình, khi nằm trong buồng biệt giam Trại tạm giam số 1 đã không dưới hai lần tự tử nhưng đều được quản giáo phát hiện kịp thời. "Hung khí" dùng để kết liễu cuộc đời của anh ta cũng là móc khóa quần mài nhọn. Đại úy Nguyễn Xuân Khoa, quản giáo K tử hình kể, tử tù người nước ngoài này ở một mình một buồng, anh ta không nói được tiếng Việt, chỉ bập bõm được mấy câu chào hỏi thôi, thỉnh thoảng nhìn thấy cán bộ trại giam vào buồng, lại giơ tay lên ngang cổ, ra hiệu không muốn sống nữa.

Thấy trước đó, tử tù này có những biểu hiện bất thường về tâm lý, các anh đã quan tâm để ý hơn. Nhưng khi phát hiện vụ việc, thì mảnh móc khóa đã kịp cứa một vết vào cổ tay trái anh ta khiến máu chảy ròng ròng. Lúc đó là hơn 7 giờ tối, cán bộ y tá trại giam vội vàng băng bó cho anh ta. Không giãy giụa cũng không chống đối, đôi mắt của tử tù này ngân ngấn xúc động, anh ta chắp hai tay, có ý xin lỗi về hành động của mình và cảm tạ sự ân cần, quan tâm mà cán bộ trại giam dành cho mình.

Mới đây, tử tù này đã được Chủ tịch nước ân giảm xuống mức án chung thân và đã được chuyển về thi hành án ở một trại giam khác. Trước khi đi, anh ta cứ nắm lấy tay người quản giáo mà khóc, bập bẹ nói câu "xin lỗi" bằng tiếng Việt. Qua một phạm nhân biết tiếng nước ngoài, anh ta nhắn nhủ với cán bộ trại giam: "Tôi rất biết ơn các cán bộ đã cứu tôi, nếu không thì bây giờ, tôi không còn được hưởng hạnh phúc được có mặt trên cuộc đời này...".

Trước cái chết, người ta luôn cố gắng làm một điều gì đó để vớt vát, để níu kéo cuộc sống này, ví như sức bình sinh thường mãnh liệt, nhưng đôi khi sự níu kéo ấy lại được thể hiện bằng những hành vi tiêu cực, mà một trong những hành vi ấy là chống đối, là cò quay.

Đến ngay như Nguyễn Đức Nghĩa, xuất phát là một trí thức, được ăn học đàng hoàng và sinh ra trong một gia đình cơ bản, thế nhưng đến lúc đứng trước lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết, anh ta cũng "cò quay" không kém bất cứ một tội phạm chuyên nghiệp nào. Những ngày Hà Nội rét đậm vừa qua, cán bộ trại giam đã phát cho Nghĩa áo trấn thủ - một loại áo bông cực ấm để chống rét, thế nhưng anh ta vẫn đòi gia đình gửi vào thêm áo. Dù đã nhận được nhưng Nghĩa vẫn nói là chưa, chỉ đến khi Giám thị Bùi Ngọc Bình vào tận buồng động viên, hỏi han thì Nghĩa mới hết "cò quay". Anh ta im lặng, nằm quay mặt vào tường, ý rằng "không tiếp chuyện".

Nguyễn Đức Nghĩa không bao giờ thừa nhận mình có ý định tự tử, nhưng cán bộ quản giáo kể, thời gian mới nằm ở buồng biệt giam, Nghĩa bắt đầu có biểu hiện xé quần, xé áo, chuẩn bị tết thành dây nhưng nhờ công tác giám sát, nắm diễn biến tâm lý tử tù và bằng linh cảm nghề nghiệp, các anh đã giáo dục, ngăn chặn kịp thời và bây giờ thì tư tưởng của Nghĩa cũng thoải mái hơn. Sau này, các anh có hỏi Nghĩa, xé quần áo để làm gì, anh ta bảo, để tết thành dây cho... đỡ buồn.

Cũng có thể Nghĩa không nói dối, bởi tôi đã từng chứng kiến những tử tù không biết làm gì cho hết ngày đã nhặt những cọng chiếu hoặc bất cứ sợi vải nào từ khăn mặt, từ sợi chỉ sót trên gấu áo để tết thành dây. Chẳng để làm gì, chỉ là để đỡ buồn chân buồn tay. Tỉ mẩn đến nỗi có khi trở thành một tác phẩm "hand made". Tử tù ma túy Trịnh Nguyên Thủy trước khi bị thi hành án, trong những ngày nằm ở buồng biệt giam của Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La, đã kỳ công làm một chiếc nhẫn từ vỏ nhựa của chiếc bàn chải đánh răng. Không biết "tác phẩm" ấy anh ta đã hoàn thành trong bao nhiêu ngày, nhưng chắc chắn rằng, nó đã giúp anh ta quên đi những ngày dài vô vọng. Sau này, anh ta đã tặng lại cho một nữ nhà báo xinh đẹp - một đồng nghiệp của tôi trong một lần anh ta được gọi ra gặp nhà báo.

Đối với các nữ quản giáo ở khu biệt giam, tử tù nữ thường gây nhiều ám ảnh nhưng cũng không ít lần, các chị được chung vui với niềm vui của tử tù khi họ được ân giảm từ tử hình xuống chung thân. Trung tá Trịnh Thị Lụa, quản giáo Đội Quản giáo 3, Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội kể lại những giây phút cả chị và tử tù vỡ òa niềm vui, họ ôm chầm lấy chị, nước mắt ướt nhòe trên vai chị khi được nghe đọc lệnh ân xá. Có những vật kỉ niệm mà tử tù tặng, đến bây giờ chị Lụa vẫn giữ. Một chiếc nhẫn được tết từ những sợi bao tải dứa của một nữ tử tù được ân giảm xuống chung thân, trước khi đi trại giam khác trả án, không biết làm gì để cảm ơn cán bộ, đã kỳ công tết nhẫn tặng chị.

Một nữ tử tù khác phạm tội về ma túy, tên là Nguyễn Thị T.H., khi mới vào trại trông tiều tụy, xanh xao, bệnh tật đầy người, có dáng dật dờ như cô hồn, được chị Lụa động viên, chăm sóc, chị ta dần lấy lại được tinh thần, sắc vóc, trông đẹp ra mỡ màng. Ngày được Chủ tịch nước tha tội chết, chị ta nhảy cẫng lên, vừa khóc vừa cười, líu lưỡi cảm ơn chị Lụa, "không có cán bộ thì em chết vì bệnh tật từ lâu rồi".

Một tử tù khác tên T., bị kết án tử hình vì tội mua bán trái phép chất ma túy, nhà ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội cũng từng có lần định tự tử nhưng đã được phát hiện kịp thời. Sau này, anh ta được ân giảm xuống chung thân. Quản giáo Nguyễn Xuân Khoa không bao giờ quên được những khoảnh khắc vui sướng của các tử tù khi được nghe đọc lệnh ân xá. Với anh, đó là những giây phút hồi sinh, anh cũng thấy vui lây với niềm hạnh phúc của những con người tội lỗi đó.

Buổi sáng hôm ấy, cả Ban giám thị và cán bộ quản giáo mở cửa buồng của T. bước vào. T. đang ngồi "chăn kiến", (công việc quen thuộc của các tử tù để quên đi ngày dài) bỗng giật thót người, ngồi bật dậy, lắp bắp hỏi: "Hôm nay em... đi... trả...án ạ?". Khi biết mình thoát chết, như một lần nữa được sinh ra, T. cứ níu lấy anh quản giáo mà khóc tu tu như đứa trẻ. Đó là tiếng khóc sung sướng của một kẻ biết mình đã lỡ bước chuyến xe tử thần. Khi hết cơn xúc động, anh ta mới thốt được những lời cảm ơn Ban giám thị, cảm ơn cán bộ quản giáo.

Với Đại úy Nguyễn Xuân Khoa nói riêng và các cán bộ quản giáo trại giam nói chung, đó là những giây phút tuyệt vời nhất trong cuộc đời quản giáo của các anh, các chị

Đinh Hiền – CSTC tuần số 47
.
.
.