Tết của những phạm nhân không bóng người thân:

Tìm thi ca trên đường về nẻo thiện

Chủ Nhật, 06/02/2011, 14:02
Trong phút giây chạnh lòng nhất của đêm trừ tịch, của tối giao thừa, có ai không run lòng nhớ về quê cha, đất tổ, nhớ về nguồn cội nơi có gia đình bé nhỏ và mơ về một không gian ấm áp vợ con sum vầy. Với những tội phạm, có thể lúc ngoài đời, họ chưa bao giờ biết quý trọng gia đình hay đã từng phụ lòng tin của gia đình thì trong ba ngày tết, họ không thể nào tim đồng, dạ sắt để mà không quặn ruột nhớ nhà.
>> Phạm nhân và những cái Tết không bóng... người thân

Khi không thể san sẻ nỗi lòng mình cho ai, họ - những phạm nhân - lại gửi gắm cảm xúc của mình vào những câu thơ. Vì vậy làm thơ như một nhu cầu tất yếu để những phạm nhân đó giải tỏa nỗi lòng không chỉ những lúc buồn, vui, mà cả trong dịp tết. Làm thơ cũng là một liệu pháp giúp tâm hồn những con người một thời lầm lỗi trở nên nhân văn và hướng thiện hơn… Có những phạm nhân vốn sẵn mang trong người máu văn thơ, nhưng cũng có những phạm nhân vì tức cảnh sinh tình mà dệt nên những câu thơ đầy tâm trạng. Những dòng thơ ấy giống như cuốn nhật ký ghi lại những buồn vui, đau khổ trên con đường trở về nẻo thiện.

1. Câu đầu tiên mà nữ phạm nhân Văn Thị Yến nói với tôi là: "Nhờ nhà báo nhắn với các con tôi một câu, rằng "Mẹ chỉ xa các con nốt một cái Tết này nữa thôi!". Nói rồi người đàn bà này ôm mặt khóc. Khóc vì tủi phận mình thì ít mà thương xót hai đứa con bé bỏng thì nhiều. Những gì chúng phải trải qua thật quá sức chịu đựng đối với một đứa trẻ. Mẹ đi tù, bố mất vì bệnh ung thư. Ông nội vì quá đau xót trước những biến cố của gia đình nên cũng từ giã cõi đời. Giờ chỉ còn bà nội già, chân tay run rẩy với hai đứa cháu nhỏ bìu ríu dắt nhau đi qua những tháng ngày cam go.

Yến lâm vào vòng lao lý cũng chỉ bởi quá tin người. Mặc cảm vì mang thân tù tội nhưng người đàn bà này vẫn từng cảm thấy hạnh phúc vì được chồng yêu thương. Chồng Yến trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư hiểm ác vẫn đều đặn lên trại giam thăm và động viên vợ. Điều đó giúp Yến thấy mình không bị cô độc trước cú vấp ngã định mệnh. Thế nhưng niềm hạnh phúc lớn lao để người đàn bà này bấu víu giờ đã không còn nữa. Vì chồng Yến đã vĩnh viễn ra đi.

Có lẽ mãi mãi về sau này Yến cũng không sao quên được ánh mắt vừa da diết, vừa như níu kéo một điều gì đó của chồng trong lần gặp cuối cùng giữa hai người. Thái độ bịn rịn, quyến luyến vợ của chồng khiến Yến linh tính về một điều chẳng lành. Đã thế trước khi về, anh Thanh - chồng Yến còn dặn vợ: "Mỗi ngày em xin cán bộ trại điện thoại về nói chuyện với anh một lần nhé. Mà chỉ điện vào buổi chiều thôi, vì tất cả các buổi sáng anh đều bận". Sau lần ấy, anh Thanh có mua tặng buồng nơi vợ ở một chiếc tivi. Vui vì được nhận quà của chồng nhưng không hiểu sao trong lòng Yến cảm giác bất an luôn ngự trị. Cả đêm hôm ấy Yến không sao chợp mắt, chẳng biết làm gì để vượt qua nỗi lo lắng, người đàn bà ấy lại gửi nỗi lòng của mình vào những câu thơ: "Mong một ngày sớm trở về xã hội/ Để cùng anh chung bước đường đời/ Nhưng anh ơi hạnh phúc quá xa vời/ Đời em đó giờ coi như không có/ Vẫn đêm đêm vò võ một mình/ Biết bao giờ mới được gần anh/ Quá xa vời hạnh phúc mong manh/ Chôn vùi nó khắc sâu thành kỷ niệm/ Để suốt đời em mơ ước được gần anh".

Nhưng đau đớn biết bao bởi cái mơ ước mà bấy lâu nay Yến ấp ủ, mong một ngày được trở về xã hội, được kề vai sát cánh bên chồng cùng đắp vun hạnh phúc tương lai đã không sao thực hiện được. Bởi lẽ chồng Yến đã vĩnh viễn ra đi. Sau này tìm hiểu mới biết, mỗi sáng anh Thanh đều phải vào bệnh viện truyền hóa chất. Chiều, anh về nhà chăm sóc bố mẹ già và hai con nhỏ rồi phấp phỏng, mong ngóng điện thoại của vợ. Lần cuối cùng Yến được nghe giọng của chồng là vào một buổi chiều đầu tháng 9 năm 2009. Nhưng mỗi lời anh Thanh nói đều như sét đánh bên tai: "Yến ơi, anh không thể giữ đúng lời hứa của mình là sẽ cùng em đi hết cuộc đời. Anh cũng không thể sống để đón em về được rồi. Anh xin lỗi…". Đầu dây bên kia chỉ còn lại những tiếng tút dài bất tận. Trái tim Yến như bị ai bóp nghẹt, rồi Yến xỉu ngay tại chỗ. Tỉnh dậy, người đàn bà ấy cứ chắp tay nguyện cầu ước gì đó chỉ là một giấc chiêm bao.

Không thể mãi giằng xé với nỗi đau quá khứ, Yến sẽ phải mạnh mẽ hơn. Bởi Yến biết giờ đây Yến không chỉ sống cho riêng mình mà còn phải sống cho người mẹ già và hai đứa con thơ. Cũng chỉ phải buồn tủi thêm một cái Tết này nữa thôi rồi Yến sẽ được trở về xã hội. Yến sẽ bù đắp thiệt thòi cho các con khi nhiều năm rồi chúng phải tủi phận đón những cái tết mất cha, vắng mẹ…

2. Ấn tượng mà phạm nhân Bế Đức Ngọc Mẫn, quê Cao Bằng để lại trong tôi không phải là vẻ điển trai với đầu tóc bóng bẩy (vẻ ít thấy ở phạm nhân) mà chính là những câu thơ đầy tâm trạng. Có lẽ vì quá thấm thía nỗi nhớ vợ, xa con khi thân mình vướng vào vòng lao lý nên Mẫn đã viết nên những câu thơ hoài niệm về một thời hạnh phúc và khát khao một ngày trở về bù đắp những mất mát ấy cho vợ, cho con: "Cứ mỗi lần anh đi em lại khóc/ Nước mắt nhòe ướt đẫm đôi hàng mi/ Anh không buồn nhưng trước lúc ra đi/ Anh đâu muốn chúng mình xa nhau mãi/ Để nhớ thương nối khoảng cách hai đầu/ Anh chỉ muốn chúng mình mãi bên nhau/ Để buồn vui chúng ta cùng san sẻ/ Ở bên em anh muốn mình nhỏ bé/ Để được gối lên đôi cánh tay mềm/ Được hôn con và được làm nũng em/ Như ngày xưa anh thường làm nũng mẹ/ Để chiều chiều bế con ra đầu ngõ/ Có gì đâu là để ngóng em về/ Con chưa hiểu thế nào là nỗi nhớ/ Chỉ có anh là nhớ đến nao lòng/ Biết ở nhà em cũng nhớ cũng mong/ Mong khoảng cách mau gần xích lại/ Thương em lắm nhưng anh giờ tù tội/ Xa bây giờ là để mãi gần nhau".

Đường đời của nam phạm nhân có máu nghệ sĩ này cũng thật truân chuyên. Cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, hai đứa con mỗi đứa một nơi. Con gái đầu ở với mẹ, con trai út ở với cha. Nhưng vì quá thương cảnh "Đứa có mẹ thì thôi không có bố/ Hai chị em rồi sẽ mất nhau" nên Mẫn đành tự nguyện cắn răng đem đứa con trai mà mình thương yêu về bên mẹ và chị nó. Mẫn cố gắng vớt vát niềm hạnh phúc nhỏ nhoi cho những đứa con của mình.

Sau lần đổ vỡ ấy, Mẫn những tưởng mình không thể chạm tới hạnh phúc thêm một lần nữa. Nhưng rồi người phụ nữ ấy đã đến, không ồn ào nhưng khiến Mẫn si mê. Người phụ nữ ấy còn rất trẻ. Cô ấy kém Mẫn nhiều tuổi. Có lẽ chính sức trẻ đã đánh thức tình yêu tưởng đã ngủ quên trong lòng người đàn ông nhiều tổn thương và mất mát là Mẫn. Rồi họ lấy nhau và một bé gái ra đời. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì Mẫn vướng vào tù tội. Trước, Mẫn từng là diễn viên của Đoàn kịch Thái Nguyên nhưng vì không đừng được trước những lời rủ rê của một số kẻ xấu, anh ta đã tham gia vào đường dây buôn bán "cái chết trắng" để rồi phải trả giá bằng những tháng ngày bóc lịch trong trại giam.

Càng nghĩ Mẫn càng thấy mình có lỗi với người vợ trẻ biết bao. Cô ấy đã không ngại những cản trở tuổi tác mà đến với Mẫn. Chưa bù đắp được gì cho vợ thì Mẫn đã phải ngồi tù. Xót cho tuổi thanh xuân của vợ phải trôi qua trong tủi nhục nên nhiều lần Mẫn khuyên vợ hãy bỏ anh ta để bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng lần nào cũng thế, cô ấy chỉ khóc và động viên chồng rằng, dù có phải chờ bao lâu cô ấy cũng chờ. Miễn là Mẫn biết lòng của cô ấy mà cải tạo thật tốt để sớm được trở về với hai mẹ con.

Con gái Mẫn giờ cũng đã sáu tuổi. Ngày Mẫn bị bắt nó nói còn chưa sõi. Càng những ngày giáp Tết thì nỗi nhớ vợ và con càng se thắt. Mẫn cứ ao ước giá không mang thân tù tội thì giờ này Mẫn đã dẫn con gái cùng vợ đi sắm Tết. Mẫn sẽ mua cho con gái những cái váy thật đẹp để nó diện đi chơi Tết. Cả gia đình Mẫn sẽ cùng nhau đi chợ hoa, rồi vợ Mẫn sẽ chọn mua một cành đào đẹp nhất mang về đặt ở phòng khách để đón Tết. Vẫn biết rằng đấy chỉ là mơ ước nhưng Mẫn sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để biến mơ ước ấy trở thành hiện thực trong một ngày gần nhất. 

Phạm nhân Bế Đức Ngọc Mẫn và Nghiêm Thị Hiền.

3. Phạm nhân Nghiêm Thúy Hiền vừa chuyển từ trại tạm giam lên Trại giam Phú Sơn chưa tròn hai mươi ngày. Chuyển trại đúng vào đợt rét nhất trong năm và vào thời điểm cuối năm nên tâm trạng của phạm nhân này cũng ngổn ngang trăm mối. Nhất lại là vừa nghe tin con gái của mình mới nằm ổ khiến lòng Hiền càng bồn chồn, day dứt khôn nguôi. Giá như không vướng vào vòng lao lý thì có lẽ giờ này Hiền đang bồng đứa cháu ngoại vào lòng mà ủ ấm cho nó. Vậy mà…

Mọi thứ cũng bắt nguồn từ việc Hiền quá hám lợi nên chủ động xin nghỉ hưu non về thành lập công ty cổ phần cá nhân cho dù trước đó chồng chị ta đã hết lời khuyên nhủ. Chồng Hiền nói rằng anh ấy đủ khả năng chu tất kinh tế cho cả gia đình chỉ cần Hiền làm việc an nhàn, đến tuổi thì về hưu vui vầy bên chồng, các con và các cháu. Bỏ qua lời khuyên của chồng, Hiền nhất nhất làm theo ý mình. Giờ đây khi đã vướng vào vòng lao lý, Hiền rất muốn nói lời xin lỗi tới chồng nhưng vì tự ái nên không sao thốt được nên lời.

Đi tù, người mà Hiền thương nhất và cảm thấy có lỗi nhiều nhất chính là chồng Hiền. Hơn ba mươi năm chung sống với nhau, trong mắt Hiền, anh ấy luôn là một người mẫu mực, đứng đắn trên mọi phương diện. Không những thế, chồng Hiền còn là một người rất bản lĩnh. Bao nhiêu năm chưa từng một lần Hiền nhìn thấy chồng mình khóc. Vậy mà kể từ khi vợ bị bắt, những giọt nước mắt cứ chảy miết trên khuôn mặt cương nghị của người đàn ông này. Lần nào vào thăm vợ chồng Hiền cũng khóc. Dù gần nhau trong gang tấc nhưng vợ chồng họ vẫn phải nói chuyện với nhau qua hai đầu dây điện thoại. Lần nào cũng thế, cứ nhấc điện thoại lên rồi lại đặt xuống, bởi lẽ chồng Hiền chỉ khóc mà không nói được lời nào. Có những lúc Hiền phải tỏ ra thật cứng cỏi để trấn an anh ấy, rằng, nếu anh không vững vàng thì các con biết dựa vào đâu. Vẫn là những câu chuyện không đầu không cuối bởi những giọt nước mắt của chồng Hiền còn nhiều hơn những lời hỏi han. Người thân, bạn bè vào trại thăm Hiền cũng kể rằng, anh ấy khóc nhiều lắm. Hễ ai nhắc đến vợ, anh ấy lại khóc.

Những điều Hiền nhìn thấy và nghe thấy càng khiến người đàn bà này buốt lòng. Hơn ai hết Hiền hiểu được nỗi đau xé lòng của chồng. Giá như gia đình Hiền là một gia đình bình thường thì có lẽ nỗi đau tù tội cũng vơi đi phần nào. Đằng này, chồng Hiền đã từng là một giám đốc của một công ty. Các con Hiền đứa nào cũng tốt nghiệp đại học trở lên và công tác ở những nơi danh tiếng. Bản thân Hiền cũng từng là cán bộ của một công ty xây dựng. Nền tảng gia đình hai vợ chồng dày công vun đắp, vậy mà chỉ vì ham lợi nhãn tiền Hiền đã tự tay phá vỡ.

Phải trả giá cho những lỗi lầm của mình bằng những năm tháng dài sống trong trại giam khi mà tuổi cũng đã "toan về già" càng khiến nữ phạm nhân này cảm thấy thấm thía. Phải chi Hiền an phận thì có lẽ giờ này chị ta đã đang tận hưởng những giây phút đầm ấm hạnh phúc bên người chồng tuyệt vời, bên những đứa con ngoan cùng những đứa cháu kháu khỉnh dễ thương. Nhưng mọi sự giờ đã đổi thay quá nhiều. Tết Dương lịch vừa qua cũng là lần đầu tiên trong đời Hiền trải nghiệm sự cô độc đến ghê người khi năm cũ qua đi năm mới vừa đến. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, người đàn bà tội lỗi này cứ khắc khoải khôn nguôi về những người thân yêu. Nỗi nhớ gia đình không thể san sẻ cùng ai, Hiền lại làm thơ. Những vần thơ ấy chính là lời chúc năm mới an lành và hạnh phúc tới những người thân của Hiền: "Phút giao thừa đã điểm/ Em nhớ về người thân/ Cầu mong mẹ mạnh khỏe/ Mong anh hãy giữ gìn/ Vì anh là chỗ dựa/ Cho em và các con/ Thời điểm linh thiêng này/ Em chắp tay cầu nguyện/ Cho gia đình an khang"…

Ngọc Anh – CSTC tuần số 44
.
.
.