Tình đầu oan nghiệt

Thứ Sáu, 29/04/2011, 15:49
Bảy năm đã trôi qua nhưng mỗi lần có nhịp nhắc đến người yêu và đồng thời cũng là cha của con trai mình, Linh Thị Kiều lại khóc. Chỉ vì một phút nông nổi, Kiều đã ra tay hạ sát người yêu và tự tay kết liễu đời mình nhưng không thành. Mối tình đầu đẹp đẽ bỗng trở thành oan nghiệt bởi người yêu đã chết, Kiều đi tù khi đang mang trong mình kết quả của tình yêu.

Hồi đó Kiều trẻ lắm, mới chừng hai mươi tuổi. Tình yêu ập đến, thổi bùng cơn gió đam mê, dâng hiến, khiến cô thôn nữ lần đầu tiên biết thế nào là vị ngọt của tình yêu đã không giữ nổi mình. Thế nên chuyện sau đó Kiều có thai cũng là một điều rất hiển nhiên. Những tưởng khi nghe tin này, người yêu sẽ mừng vui ra mặt nhưng không ngờ thái độ mà Kiều nhận được là sự hờ hững và một câu nói lạnh lùng: "Em phải đi phá thai".

Cái thai trong bụng ngày một to lên càng khiến Kiều cảm thấy hoang mang và càng mong có được một đám cưới chính thức. Nghĩ vậy nên Kiều ra sức thuyết phục người yêu nhưng anh ta đều lấy lý do rằng mình còn quá trẻ, chưa có gì trong tay nên không dám nghĩ đến chuyện kết hôn. Kiều khóc và van xin anh ta hãy cưới Kiều, rằng Kiều không cần gì hết, chỉ cần có tình yêu là sẽ vượt qua được tất cả. Hơn nữa, Kiều muốn giữ danh dự của mình. Kiều thà chết chứ không thể để mình bị mang tiếng "chửa hoang".

Nghĩ là làm, chiều 4/7/2006, Kiều lấy giấy bút viết một bức thư để lại dặn dò các em. Sau đó Kiều nhét một con dao quắm và hành lý đã chuẩn bị từ trước vào một chiếc ba lô rồi thuê xe ôm chở đến nhà người yêu với ý định hỏi lần chót.

Đặt cược cả cuộc đời mình cho lần nói chuyện cuối cùng với người yêu, Kiều không vào nhà mà hẹn gặp người yêu tại một lớp học ngay bên đường. Như dự định, Kiều đã nói với người yêu là hai người nên kết hôn để con của họ không phải chịu bất hạnh. Nhưng người yêu của Kiều vẫn nhất nhất giữ quan điểm của anh ta.

Đến lúc này thì Kiều đã không thể giữ bình tĩnh và hét lên: "Nếu không lấy em thì anh hãy chém chết em đi". Kiều đưa dao cho người yêu. Anh này cầm dao nhưng không chém, ngay sau đó Kiều đã giật dao lại và chém một nhát vào gáy của người yêu. Quyết tâm thực hiện ý định của mình đến cùng nên khi người yêu gục ngã, Kiều đã dùng dao chém nhiều nhát liên tiếp vào cổ khiến anh ta chết ngay tại chỗ, rồi Kiều đưa dao lên tự cứa một nhát vào cổ mình. Sau khi được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu, Kiều thoát chết.

Vào trại giam không bao lâu thì Kiều đến kỳ "nằm ổ". Nhớ lần đầu tiên được ôm con vào lòng, người đàn bà này chỉ biết khóc. Thiên thần bé nhỏ, kết quả của một tình yêu cháy bỏng đây ư? Chỉ vì muốn bảo vệ nó mà Kiều đã hành động như một kẻ mất trí. Kiều đã phải trả một cái giá quá đắt để có được nó. Nhưng khi ôm chặt nó vào lòng, tình mẫu tử mách bảo Kiều rằng, dù bất kể giá nào Kiều cũng phải sống, phải cố gắng để nuôi nấng và chở che cho đứa con bé bỏng. Kiều bảo, nếu không có sự giúp đỡ chân thành và tự nguyện của các chị phạm nhân cùng buồng giam thì có lẽ Kiều đã không thể vượt qua những tháng ngày gian nan ấy.

Đứa bé lớn lên không chỉ bằng tình yêu của mẹ Kiều mà còn bằng sự ấm áp của các mẹ phạm nhân khác. Con trai Kiều giờ đã hơn năm tuổi nhưng chưa một lần Kiều dám nhìn thẳng vào mắt nó để trả lời câu hỏi: "Mẹ ơi, bố con đâu?". Kiều không thể tưởng tượng một ngày nào đó con Kiều biết được sự thật nó sẽ đau khổ đến thế nào?

Con trai Kiều dù không thể hiểu được những gì đang diễn ra trong tâm can mẹ nhưng nó rất sợ mỗi khi thấy mẹ khóc. Mỗi lần như thế nó đều luống cuống không biết phải làm gì. Câu duy nhất nó có thể an ủi mẹ là: "Mẹ đừng khóc nhé. Con yêu mẹ nhất trên đời!".

Khoảnh khắc ấy làm trái tim Kiều như tan chảy. Càng thế Kiều càng cảm thấy mình có lỗi với con nhiều quá khi đã không thể giữ lại cho nó một người cha. Dù từ giờ cho tới mãi về sau Kiều có cố gắng quan tâm, chăm bẵm nó nhiều bao nhiêu cũng không thể bù đắp hết những thiệt thòi mà nó đã và đang phải chịu. Những tháng ngày được sống cùng con, dù vất vả nhưng hạnh phúc biết bao. Giờ niềm hạnh phúc ấy đã rời xa Kiều.

Trước tết vừa rồi, bố mẹ Kiều đã xuống trại giam thăm hai mẹ con Kiều và đề xuất trong lần xuống thăm tới sẽ đón cháu ngoại về cho nó chuẩn bị bước vào lớp một. Biết rằng, đó sẽ là điều tốt nhất cho con trong hoàn cảnh này nhưng không hiểu sao Kiều có cảm giác như ai đó đang tước đi niềm hạnh phúc lớn lao và duy nhất của mình. Kiều không hiểu mình sẽ sống ra sao nếu không có con ở bên. Ai sẽ là người nói yêu và thương Kiều khi Kiều khóc? 

Kể từ hôm biết được dự định của ông bà sẽ đón mình về đi học, con trai của Kiều trở nên trầm tư hơn, hễ hai mẹ con có dịp gần nhau, nó lại ôm chặt lấy mẹ. Nó mếu máo: "Nếu nhớ mẹ quá, con sẽ phải làm gì hả mẹ?". Kiều ôm con vào lòng mà nước mắt lã chã rơi.

Đầu năm vừa rồi ông bà ngoại đã đưa con trai Kiều xuống thăm mẹ. Câu đầu tiên nó hỏi Kiều là: "Mẹ ơi sao mẹ tù lâu thế?”. Lòng người mẹ như có ai xát muối, không biết nó có hiểu được phần nào? Cứ như thể sợ rằng nếu nói không nhanh sẽ không còn cơ hội để nói với mẹ nữa nên con trai Kiều cứ ríu ra ríu rít như con chim non. Còn Kiều dù đêm đêm phải chạm tới tận cùng của nỗi buồn và sự cô đơn nhưng vẫn thấy ấm lòng khi biết chắc rằng con trai mình đang được sống một cuộc sống đích thực

Ngọc Anh - CSTC tuần số 53
.
.
.