Về vụ cựu Tổng giám đốc IMF xâm hại tình dục:

“Tòa án Mỹ thất bại thảm hại”

Chủ Nhật, 11/09/2011, 16:19
Ngày 30/8, các chuyên gia luật hàng đầu thế giới ở New York đã đưa ra nhận định trên sau khi cựu Tổng giám đốc (TGĐ) IMF Dominique Strauss-Kahn được trả tự do vì các cáo buộc xâm hại tình dục ở New York được gỡ bỏ. Ngay khi ông Strauss-Kahn chuẩn bị quay trở lại Pháp thì giới bình luận Đức đã chế giễu tòa án Mỹ "nên hổ thẹn với sự ngu ngốc của mình".

Khi công lý không đứng về người "thấp cổ bé họng"

Cựu TGĐ Quỹ tiền tệ thế giới Dominique Strauss-Kahn đã hoàn toàn  tự do sau khi phiên tòa xét xử vụ kiện nhắm vào ông dừng lại mới đây ở New York. Các công tố viên cho rằng, lời viện chứng của người hầu 33 tuổi cáo buộc Strauss-Kahn tấn công tình dục cô ta trong một phòng  khách sạn hạng sang ở Manhattan hồi giữa tháng năm là không đáng tin cậy nữa.

Mặc dù có bằng chứng về hành động giao cấu xảy ra giữa Strauss-Kahn, 62 tuổi và Nafissatou Diallo, người hầu phòng ở khách sạn Sofitel (từng là người tị nạn gốc Guinea) nhưng các công tố viên đã nghi ngờ sự đáng tin cậy của cô ta. Họ phát hiện ra sự không thống nhất về lời khai của cô này trong việc buộc tội ông Strauss- Kahn và cũng như cô có tiểu sử từng khai man trong đơn xin tị nạn trước kia.

Strauss-Kahn cũng vừa nhận được hộ chiếu của Pháp sau khi có tin ông có thể lại đối mặt với vụ kiện khác tại quê nhà. Lần này là những cáo buộc ông đã từng cưỡng bức tình dục một tiểu thuyết gia tên là Tristane Banon vào năm 2002.

Khi cái bóng của vụ kiện dân sự ở New York vẫn còn bao trùm và nó có thể kéo dài đến hai năm trước khi phiên tòa bắt đầu thì theo lời luật sư của ông ta, Benjamin Brafman, đã nói với báo chí rằng, kẻ bị tình nghi trước đây, Strauss-Kahn, đang lên kế hoạch kiện ngược lại người hầu phòng Diallo kia.

Tương lai mơ hồ của Strauss-Kahn

Sau khi những lời buộc tội được dỡ bỏ và được thả tự do, Strauss-Kahn đã thốt lên rằng, những điều kinh khủng vừa qua là cơn ác mộng đối với ông và gia đình ông, và ông rất biết ơn người vợ, gia đình và bè bạn đã ủng hộ và giúp đỡ ông. Còn luật sư của Diallo thì rất bất bình cho rằng, các công tố viên đã bỏ rơi thân chủ của họ và đã từ chối cho cô ấy quyền được xét xử công bằng.

Luật pháp Mỹ cũng bỏ rơi người hầu phòng" thấp cổ bé họng", Nafissatou Diallo.

Các nhà điều tra đã có chứng cứ ADN của Strauss-Kahn khi tinh dịch của ông ta được tìm thấy trên trang phục lao động của Diallo nhưng luật sư của ông thì vẫn khăng khăng rằng, Strauss-Kahn không cưỡng ép Diallo quan hệ với mình.

Trước khi vụ việc xảy ra, Strauss-Kahn đã từng là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng thống Pháp của đảng Xã hội và bây giờ ông lại phải đối mặt với sự nghiệp và danh tiếng đang bị hủy hoại. Hơn thế nữa, các thành viên trong đảng của ông đã cân nhắc tới việc tìm người thay thế ông khi "vở kịch" ở Mỹ này kết thúc chỉ trước hai tháng khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp chính thức diễn ra vào năm 2012.

Truyền thông chế giễu luật pháp Mỹ

Mới đây, trong giới phê bình Đức đã dấy lên làn sóng bình luận về thất bại trên, điều đã gây ảnh hưởng xấu đến toà án và cả xã hội nước Mỹ.

Nhật báo thủ cựu "Diet Welt" viết: "Chúng tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sau khi suy xét nạn nhân cáo buộc bị xâm hại tình dục là sự vu khống, các công tố viên New York đã không dám đưa ra sự thật".

"Cưỡng hiếp là có tội. Điều này không phải luôn luôn được đem ra tòa… Nhưng để vạch ra được rằng, có cưỡng hiếp hay không, nó bắt đầu từ đâu - ít nhất là trong những tình huống cá nhân cụ thể thì thật không dễ gì. Những vụ kiện nổi tiếng đã minh chứng cho điều này. Người đàn ông bị buộc tội, bị điều khiển bởi horcmon giới tính và quyền lực thường được cho rằng, cái anh ta ham muốn cũng giống như của một bậc đại trượng phu ngày xưa”.

Còn báo "Frankfurter Allgemeine Zeitung" thì viết: "Sự hiện diện của Strauss-Kahn, vị TGĐ của IMF và là ứng cử viên Tổng thống Pháp đầy hứa hẹn đã bị phá hủy mãi mãi.

Những thành viên đứng đầu đảng Xã hội Pháp đang chào đón sự kết thúc chiến dịch tranh cử của Strauss-Kahn. Strauss-Kahn giờ không phải là đối thủ trong cuộc chạy đua chức tổng thống nữa, những người đi theo Strauss-Kahn đã bị chia rẽ trong khi "quân bài chủ" thì bất lực. Giờ một vài người thì ủng hộ lãnh đạo đảng là Martine Aubry, một số khác thì ủng hộ cho đối thủ Francois Hollande. Còn một vài thì vẫn chờ đợi người mà Strauss-Kahn lựa chọn giúp, nhưng lựa chọn ai sẽ có lợi cho Strauss-Kahn thì chúng ta phải chờ ”.

Báo "Financial Times Deutschland" viết: "Vụ việc này như là một trò hề cho hệ thống tòa án Mỹ. Họ đã thất bại thảm hại. Vội kết án thay vì phải giả định trước, chỉ phỏng đoán thay vì phải làm rõ sự việc. Cách hành xử của nhân chứng cũng chứng tỏ hệ thống pháp lý của Mỹ tồi tệ hơn ta tưởng. Phải chăng người hầu gái trong phòng Strauss-Kahn không đáng tin cậy bởi vì cô ta đã từng nói dối? Câu thành ngữ "Những người đã từng nói dối một lần thì thực không đáng tin" thực tế đã trở thành một nguyên tắc xét xử trong tòa án Mỹ"

Minh - Linh Thùy (theo Spiegel) – CSTC tuần số 74
.
.
.