Tội ác của những kẻ mang danh từ thiện để cười nhạo số phận con người

Thứ Bảy, 01/01/2011, 15:11
Gần 1 tháng đã trôi qua, nhưng dư âm của chương trình đấu giá từ thiện có cái tên rất kêu "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" đã để lại đủ những dư âm trong lòng dư luận cả nước.

Vài ngày đầu, không chỉ người dân miền Trung mà nhân dân cả nước đã trải qua những giây phút sung sướng, hạnh phúc, cảm động, biết ơn khi biết rằng các doanh nhân lớn của đất nước, những nhà hảo tâm có trái tim rộng lớn đã ủng hộ 74 tỷ đồng để đồng bào miền Trung vượt qua tai ương sau mùa lũ lịch sử 2010.

Nhưng khi niềm vui vẫn chưa kịp thoái trào, người dân cả nước lại bàng hoàng khi bị dội một gáo nước lạnh bởi vỡ lẽ ra phần lớn những "nhà hảo tâm" mang mác doanh nhân thành đạt, hóa ra chỉ là những kẻ đại bịp, coi một chương trình từ thiện được truyền hình trực tiếp với một mục đích cao quý không khác gì một trò đùa hay một chiêu thức "đánh bóng" cho cái thương hiệu doanh nhân của mình.

Khi nghe tin chương trình "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" đã đấu giá và quyên góp được hơn 74 tỷ đồng để giúp đỡ những nạn nhân của trận lụt lịch sử tại miền Trung những tháng vừa qua, tôi đã vô cùng cảm động. Và tôi tin, những người dân miền Trung đã khóc vì hạnh phúc, không phải chỉ bởi những đồng tiền cứu trợ mà họ có thể nhận được trong thời gian tới, mà bởi tấm lòng của những nhà hảo tâm, những doanh nhân giàu có trên khắp mọi miền đất nước, những người dù sống sung sướng nhưng vẫn không quên đồng bào hoạn nạn. Ngày hôm đó, người ta đã vững tin biết bao về cái gọi là sự đoàn kết của "con Lạc cháu Rồng".

Thế nhưng niềm vui đó chỉ sống được vài ngày đã bị giết chết một cách không thương tiếc, bởi những thông tin không thể tin nổi từ BTC chương trình: Phần lớn những người đấu giá thành công là… người ảo. Người đấu giá thành công "thật" với số tiền 47 tỷ đồng cho bộ Tứ linh thì lại không mua nữa. Những doanh nhân giàu có của Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc, đại diện cho trí tuệ, đạo đức và sự đi lên vững mạnh của dân tộc đã cười vào mũi những người dân miền Trung vừa nghèo, vừa dại dột vừa cả tin bằng cách biến chương trình từ thiện đó trở thành một scandal từ thiện đình đám nhất từ trước đến nay, một trò cười để người người bàn luận. Họ đã dùng chương trình đó để giới thiệu tên tuổi công ty mình, để trưng gương mặt thành đạt của mình lên truyền hình, để "đánh bóng" nó rồi phủi sạch trơn trách nhiệm của họ và lời hứa của họ với người nghèo.

Hình ảnh "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung".

Scandal từ thiện này đã khiến dư luận cả nước choáng váng, bức xúc. Nhiều độc giả đã gửi ý kiến liên tục về các tòa soạn báo yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý những kẻ đùa giỡn độc ác này. Mọi mất mát, hụt hẫng về tiền bạc có thể sẽ bù đắp được bằng cách này hay cách khác. Không có 74 tỷ đồng kia thì người miền Trung vẫn sống, như cha ông họ đã sống qua nhiều thế kỷ nay trên mảnh đất oằn mình vì thiên tai ấy. Người miền Trung sẽ vẫn kiên cường, vẫn hiên ngang, vẫn vững vàng trên mảnh đất quê hương của mình. Người miền Trung sẽ lại tự tay làm lại tất cả. Nhưng cái mất đi là niềm tin. Cái mất đi là tình người. Cái mất đi là đạo đức xã hội của những người được coi là "tầng lớp tri thức nhất, hiểu biết nhất, giỏi giang nhất" của dân tộc.

Cần phải nói rằng, đây không phải là lần đầu có những vụ bê bối từ thiện như thế này, không phải lần đầu các doanh nhân hét giá trên trời cho những vật phẩm đem ra đấu giá từ thiện, ngẩng cao đầu trên sân khấu và nở "nụ cười từ thiện" đầy bác ái, nhưng cuối cùng thì hoàn toàn quên nghĩa vụ quan trọng nhất: chuyển tiền vào tài khoản để giúp đỡ người nghèo.

Cách đây 6 năm, VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam cũng tổ chức một chương trình "Nối vòng tay lớn" để kêu gọi ủng hộ Tết vì người nghèo. Một chiếc sim điện thoại Viettel có 8 số 8 đẹp như mơ đã được doanh nhân Trần Ngọc Hoan mua với giá 1 tỷ 10 triệu đồng. Đã có hàng triệu khán giả theo dõi chương trình truyền hình cảm động về nghĩa cử cao đẹp của doanh nhân hảo tâm này.

Tuy nhiên, sau đêm đó, BTC chờ đợi mòn mỏi mà vẫn không hề nhận được số tiền đấu giá của doanh nhân Trần Ngọc Hoan như đã hứa. Mọi nỗ lực liên lạc của BTC với ông Trần Ngọc Hoan đều thất bại. Vị doanh nhân này thậm chí còn không thèm bắt máy để có một lời giải thích chính đáng về sự chậm trễ của mình.

Khi phóng viên các báo tìm mọi cách liên lạc với ông Trần Ngọc Hoan, câu trả lời của ông Hoan chỉ "gọn gàng" như thế này: "Chúng tôi chưa thống nhất được với HĐQT. Nhưng việc đó không liên quan gì đến báo chí". Không liên quan đến báo chí thì có liên quan đến người nghèo không? Có liên quan đến những người đã đặt nhầm niềm tin vào những nhà hảo tâm không? Sự việc om xòm đó cuối cùng đã đi đến một kết cục là chiếc sim với chuỗi số đẹp nhất Việt Nam khi ấy đã phải nằm im trong kho, dù trên danh nghĩa nó đã có chủ. Và người nghèo thì đừng có mơ mà nhận được số tiền đã hứa đó, chỉ vì sự vô trách nhiệm của vị doanh nhân này.

Tôi không muốn bàn nhiều về việc làm của những doanh nhân nói trên, nhưng tôi muốn nói về ý nghĩa đích thực của 2 chữ TỪ THIỆN Khi trận lụt lịch sử xảy ra ở miền Trung trong những tháng vừa qua, người ta đã chứng kiến sự chung lòng, chung sức của đồng bào cả nước hướng về miền Trung ruột thịt. Những em học sinh tiểu học nhịn ăn sáng để có thêm tiền nhờ cô giáo gửi đến các bạn học sinh miền Trung.

Những người thương binh lái xe thuê trên đường ủng hộ những đồng tiền họ vất vả kiếm được sau những giờ phút bươn chải ngoài đường mỗi ngày. Những người đàn bà bán rau, bán đậu ngoài chợ dành những đồng bạc lẻ mặn chát mồ hôi kiếm được sau buổi chợ để ghi tên mình vào danh sách ủng hộ đồng bào lũ lụt. Những người già trích số tiền lương hưu ít ỏi của mình để gửi tới đồng bào miền Trung, dù biết điều đó đồng nghĩa với bữa cơm đạm bạc của mình vốn đã bị cắt xén giữa thời buổi giá cả đắt đỏ sẽ lại càng thêm đạm bạc hơn.

Những cô cậu sinh viên ngày ngày lo lắng chuyện học hành, chuyện cơm áo vẫn vui vẻ nhắn tin ủng hộ đồng bào lũ lụt. Những tin nhắn đó chỉ trị giá 15.000 đồng thôi. Số tiền mà một em học sinh tiểu học có thể giúp đỡ các bạn nhỏ miền Trung đôi khi chỉ được dăm ba nghìn thôi. Những cán bộ công chức già về hưu chắc cũng cố gắng ủng hộ được 50.000. Nó chỉ như muối bỏ bể so với những thiệt hại mà người miền Trung đã phải gánh chịu trong những ngày tháng qua. Nhưng như cha ông ta đã dạy "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", "Góp gió thành bão" thì vài nghìn, hay vài chục nghìn của những người dân thường cũng có thể trở thành những món tiền lớn giúp đỡ người miền Trung trong khó khăn hoạn nạn.

Đó chính là TỪ THIỆN.
Đó chính là HẢO TÂM.
Đó chính là TẤM LÒNG.

Người dân nghèo sẽ hạnh phúc và ghi nhận những số tiền nhỏ nhoi ấy hơn là những lời tuyên bố hùng hồn nhưng chẳng khác gì bong bóng xà phòng của các doanh nhân "nói như bão táp" nhưng chẳng hề làm được gì. Những vụ bê bối từ thiện đã xảy ra, những scandal từ thiện đã xuất hiện từ trước đến nay là một cách bôi nhọ danh dự người Việt vốn trọng lời hứa và trọng sự đoàn kết dân tộc. Những doanh nhân mang danh từ thiện đã coi những buổi đấu giá từ thiện đó là một trò giải trí cho riêng mình, một trò giải trí cay đắng được làm bằng nước mắt và nỗi thống khổ của người nghèo. Vụ scandal từ thiện vừa qua đã khiến BTC cảm thấy bị xúc phạm. Đã khiến người miền Trung cảm thấy bị xúc phạm. Và người dân cả nước cũng cảm thấy bị xúc phạm và chà đạp lên danh dự, lòng tự trọng và niềm tự hào dân tộc của mình.

Trong những năm qua, xã hội ghi nhận rất nhiều những tấm lòng, rất nhiều sự đóng góp của những doanh nhân - những nhà hảo tâm thực sự. Họ đã góp phần đem lại nụ cười cho người nghèo, đem lại hạnh phúc và một tương lai tươi sáng hơn cho người nghèo. Những doanh nhân ấy, họ là niềm tự hào của người Việt Nam, là minh chứng cho đạo đức và tình đoàn kết của người Việt. Người nghèo ghi nhận điều đó. Và cảm ơn những doanh nhân vừa có tài, vừa có tâm đó. Nhưng vẫn xin được nói với những doanh nhân "mạo danh" từ thiện một câu: Hãy về trường tiểu học, học lại ngay bài học đạo đức. Đừng đem số phận con người ra làm trò mua vui cho mình

Đức Huân
.
.
.