"Tôi muốn chọc mù đôi mắt của chính mình!"

Thứ Sáu, 25/03/2011, 14:28
Tôi nằm quay vào tường, mắt nhìn trừng trừng vào màu tím quai quái trên bức tường mà Ngọc đã nhất định phải sơn như thế. Trong lòng tôi chán chường vô độ. Ốp cái gối lên tai mà tiếng Ngọc "buôn" điện thoại như xé vải cùng tràng cười thỉnh thoảng lại ré lên ở dưới tầng 1 vẫn dội vào tai tôi.

Tôi nhớ Hường, nhớ giọng nói êm ái dịu dàng như một ngụm nước suối nguồn ngọt lành của em. Giọng nói quá khứ ấy nhè nhẹ len qua len lại giữa những tiếng the thé hiện tại khiến tôi phát điên, nước mắt không biết đã chảy ra tự bao giờ. Nghe dòng nước mắt chảy âm ấm rồi lành lạnh trên má, tôi tự rủa mình, mày là thằng đàn ông chết tiệt, tao hận mày, mày đáng ra phải mù lòa vĩnh viễn!!!

5 tuổi, thằng bé Kiên là tôi ngày ấy bỗng một ngày bị mắc một căn bệnh vừa gây đau đầu vừa khiến mắt nó bỗng dưng nhòa đi, không nhìn rõ gì nữa. Khám hết viện này đến viện khác, nó được chẩn đoán là viêm thần kinh đáy mắt, thị lực bị giảm sút trầm trọng, gần như không nhìn được.

Dù không mong muốn, nhưng ba mẹ đã phải đưa nó vào một trường dành cho trẻ em khuyết tật. Ở đó, nó được học chữ nổi, được kết bạn, được hướng nghiệp làm nghề. Cũng ở đó, nó đã quen biết và dần dần thân với Hường. Vì cả hai đồng cảnh ngộ mù lòa nên rất dễ đồng cảm. Nó với Hường ngồi cạnh nhau trong lớp, nên vẫn thường trò chuyện. Những người khiếm thị lại rất phát triển thính giác. Tai nó nghe rất tinh, và một trong những thứ âm thanh mà nó thích nhất, ấy là giọng nói nhỏ nhẹ và đặc biệt êm ái của Hường.

Hường thường hay trao đổi với nó về bài học, rồi dần dần là về chuyện tương lai. Đôi bạn thân thiết trong trường khiếm thị có chung một giấc mơ là sẽ trở thành những người làm điêu khắc thật tài giỏi. Chẳng là trong giờ học nghề, cả Kiên và Hường đều được các thầy cô khen là khéo tay, nặn tượng rất đẹp và có hồn. Những ngày giờ sánh vai bên nhau trên lớp học, trong giờ học nghề hay ngoài sân trường những ngày nắng ấm áp, họ đã dần phải lòng nhau. Đến khi học xong lớp tương đương hết bậc phổ thông, nó nhất quyết một hai đòi ba mẹ đi hỏi cưới Hường cho nó.

Biết thằng con đáng thương có người thương, ba mẹ nó cũng mừng lắm. Nhưng khi biết cô bé Hường ấy còn đáng thương hơn nó, ba mẹ nó lại quay ra thất vọng. Mù hẳn cả hai mắt, Hường lại không có một vẻ ngoài dễ coi gì cho cam. Cô thấp bé, chân tay nghều ngoào, tóc thì cứng như rễ tre, gương mặt cũng không lấy gì làm thanh thoát nếu không muốn nói đến cái mũi quá thấp đến mức có thể gọi là tẹt được. Tất cả những gì Hường có là một giọng nói tuyệt vời và tính cách vô cùng dễ mến.

Và chỉ thế là đủ đối với thằng Kiên khi đó, nó ngày đêm năn nỉ ba mẹ xin cưới bằng được Hường. Thương con quá đỗi mà chẳng biết làm sao, ba mẹ nó đành phải đi hỏi Hường về làm con dâu. Những ngày lạ hóa thành quen, ba mẹ Kiên cũng dần quý mến Hường thật sự. Ngoài những khiếm khuyết bề ngoài, cô con dâu của họ thật sự đáng nể phục về cả nghị lực và tính cách. Cô chăm chỉ, tốt bụng và luôn luôn tự lực vươn lên và nghĩ tới người khác. Từ bao nhiêu tuyệt vọng giờ đã trở thành hi vọng. Hai vợ chồng nó trở thành những người thợ thủ công khéo léo, tài ba. Ba mẹ Kiên đã xây cho hai con một xưởng làm nghề nho nhỏ. Ở đó, hai vợ chồng son cứ ríu rít nói cười, những ngày hạnh phúc nhất đã trôi đi như thế.

Mãi đến năm 30 tuổi, thằng Kiên tôi và Hường mới sinh được một đứa con. Khỏi phải nói cả đại gia đình hai bên đã mừng chảy nước mắt như thế nào, nhất là khi đứa con đầu lòng của chúng tôi được xác nhận là không hề bị dị tật ở mắt. Trong ngôi nhà ấy, tiếng cười lại thêm rộn ràng xen với tiếng khóc trẻ con. Hạnh phúc nào được hơn thế, dẫu vất vả cũng nhân lên bội phần với đôi vợ chồng khuyết tật.

Nhịp sống yên bình ấy rồi cũng đã gặp khúc quanh. Trong lần đi khám bệnh với một đoàn chuyên gia nước ngoài, các bác sĩ nói có thể chữa được bệnh cho tôi với điều kiện phải đưa ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật. Thấy tình hình khả quan của con trai, ba mẹ đã dồn hết bao nhiêu tiền của cho tôi đi chữa trị. Hường cũng mừng rỡ động viên chồng đi "mua" lấy đôi mắt sáng về đỡ đần vợ con. Một tháng sau ngày chia tay chồng đi phẫu thuật, Hường và con lại mừng rỡ đón tôi trở về. Một mâm cơm thịnh soạn đã được bày sẵn chờ tôi. Nhưng khi bước vào nhà, chưa kịp nhìn kỹ mâm cơm, đôi mắt sáng lại của tôi đã choáng váng vì bất ngờ trước sự xấu xí của người vợ mình từng bao ngày đầu ấp má kề.

Thấy tôi đứng như trời trồng mà không chạy tới ôm vợ con, ba mẹ tôi ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi dường như họ đã hiểu ra sự tình nên đưa ánh mắt ái ngại nhìn con dâu. Khi cô ấy cất giọng nói "Kiên về rồi à anh? Lại đây với con đi anh!", tôi mới như chợt choàng tỉnh. Tôi ngượng nghịu lại gần đỡ con từ tay vợ, miệng lí nhí hỏi thăm vợ con.

Đêm đầu tiên trở về, tôi đã không đủ can đảm ôm vợ. Cô ấy có lẽ cũng biết tôi bối rối nên không nói gì, chỉ lẳng lặng ôm con ngủ. Nhìn thấy vợ xấu quá, tôi không biết phải làm thế nào, chỉ biết kêu trời mà thôi. Từ khi mắt sáng, tôi đã được nhìn biết bao nhiêu thứ trên đời, bao nhiêu cô gái xinh đẹp trên tivi, trên báo chí, ngoài đường, nhưng tôi chưa thấy cô nào xấu như vợ tôi.

Lúc này, công việc tôi trôi chảy hơn, phát triển hơn rất nhiều bởi giờ đây tôi đã có đôi mắt thật sự. Có thêm ít tiền, tôi chăm chỉ đi thăm thú nơi này nơi khác để thỏa những ngày phải sống tối tăm. Đi nhiều, gặp nhiều người hơn, trong đó có không ít cô gái cũng tỏ ý thích tôi, tôi bắt đầu nuôi ý định tìm cách bỏ vợ để lấy một người khác.

Người mà tôi nhắm tới là Ngọc. Cô ấy làm việc tại một nhà triển lãm, chuyên bán các đồ điêu khắc và tranh sơn mài cho khách Tây. Tôi để ý tới cô ấy vì lý do công việc, phải liên hệ qua lại với nhau nhiều lần nên cũng thân nhau hơn. Ngọc rất thân thiện, nếu không muốn nói là táo tợn. Cô ấy không ngại ngần bất cứ điều gì và rất lạ ở chỗ cứ thích ôm choàng lấy tôi bất cứ lúc nào. Chưa bao giờ được một người đàn bà khác gần gũi như thế, tôi cũng không khỏi vấn vương.

Thế rồi tôi vắng nhà nhiều hơn để dành thời gian ở gần Ngọc, nghe tiếng cười vang lanh lảnh của cô ấy. Trong khi đó, Hường vợ tôi vẫn nhu mì như xưa, xấu xí như cái thời tôi chưa từng biết. Thế rồi một ngày, tôi về nhà nói với Hường ý muốn sống ly thân một thời gian vì lý do có những sự khác biệt trong cách sống, trong suy nghĩ. Hường chỉ lặng lẽ gật đầu.

Tôi dọn ra ở với Ngọc, Ngọc vô tư và thản nhiên coi tôi là anh bồ ngố bảnh trai, khỏe mạnh, sẵn sàng chiều chuộng bất cứ thứ gì. Tôi đã lao vào cô ta như con thiêu thân, bất chấp sự táo tợn của cô ấy liên tục được phô diễn với mọi người, không chỉ riêng tôi. Khách đến cửa hàng luôn được cô khuyến mại những cái động chạm tình tứ mà tôi tảng lờ như không thấy.

Ngày ngày, tôi chăm chỉ làm lụng để cho ra đời nhiều hơn những bức điêu khắc mà ngay sau đó Ngọc sẽ tự động coi tác phẩm của tôi là sở hữu của cô ta. Không biết ma lực nào đã cuốn tôi theo Ngọc như điên vậy. Tôi đã quên mất mình đang có vợ và một đứa con nhỏ đang nương tựa vào nhau ở ngôi nhà của chúng tôi. Tôi dường như cũng quên mất lối về ngôi nhà đó, tự nhủ rằng mình để ba mẹ và ngôi nhà cho mẹ con cô ấy, thế là đủ.

Thế rồi những lần tôi trở về, mẹ con Hường không còn vồ vập bao giờ nữa. Hường chỉ im lặng ôm con, trả lời nhát gừng những câu hỏi của tôi và hoàn toàn im lặng nếu tôi không nói. Cô ấy đã đóng cửa trái tim mình trước tôi. Tôi nghĩ thế là cũng đáng. Thế rồi một lần, tôi về nhà thì ba mẹ bảo mẹ con Hường đã bỏ về quê ngoại, và họ cũng xua tay, bảo tôi đi đi.

Thất thểu quay trở lại căn hộ mà tôi đang chung sống với Ngọc, lại tiếp tục nghe thứ âm thanh xoe xóe, tôi hối hận vô cùng. Tôi đã bạc tình bạc nghĩa, có mới nới cũ, giờ đây tôi chẳng biết kiếm tìm mẹ con Hường ở đâu. Biết mình đã sai lầm, nhiều lần tôi chỉ muốn chọc mù đôi mắt của mình đi…

Trần Hữu Kiên (Thái Nguyên)
.
.
.