Tổng thống Gadhafi bị đồng minh cũ tố tội

Chủ Nhật, 29/05/2011, 13:53
Tối 16/5, Trưởng công tố viên tòa án hình sự quốc tế (ICC) yêu cầu ban lệnh bắt giam 8 quan chức cấp cao trong chính quyền Libya trong đó có Tổng thống Moammar Gadhafi, con trai Saif al-Islam Gadhafi và Giám đốc cơ quan tình báo Abdullah al-Senussi.

Đây được coi là một trong những chiêu thức mới của phương Tây nhằm hạ bệ chính quyền Tổng thống Gadhafi nhất là trong thời điểm ngày càng có nhiều quan chức nước này chấp nhận liên minh với Anh và Mỹ.

Trong buổi trả lời phỏng vấn báo giới, công tố viên ICC Luis Moreno-Ocampo cho biết, ông có đủ bằng chứng để đưa ra các cáo buộc ông Gadhafhi phạm tội ác chống lại loài người.

Sau khi nhận được yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc tiến hành điều tra xung quanh những cáo buộc đối với chính phủ Libya, ông Luis Moreno-Ocampo đã được ICC chỉ định là người đứng đầu cuộc điều tra. Đội điều tra của ông gồm 5 công tố viên người Brazil, Italia và Botswana đã thực hiện 30 chuyến công du tới 11 quốc gia khác nhau trong vòng 100 ngày và phỏng vấn hơn 50 nhân chứng, trong đó có những người trực tiếp tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ và bị bắt giữ, đánh đập dã man.

Nhiều người trong số này đồng ý ra làm chứng trước đó, số khác thì làm chứng bằng cách cho phép ghi âm hoặc quay video lời khai của họ. Đồng thời, đội điều tra của ông Luis Moreno-Ocampo còn nhận được hơn 1.200 trang tài liệu khác nhau cùng các bức ảnh và những đoạn băng video do nhiều người khác cung cấp. Công tố viên Luis Moreno-Ocampo nói: "Văn phòng công tố đã thu thập được bằng chứng trực tiếp về các lệnh do chính ông Moammar Gadhafi đưa ra, bằng chứng trực tiếp cho thấy con trai Tổng thống là  Saif al-Islam Gadhafi tổ chức tuyển mộ lính đánh thuê và bằng chứng trực tiếp về sự tham gia của ông Abdullah al-Senussi trong các vụ tấn công nhằm vào người biểu tình".

Thậm chí, nhóm điều tra còn có trong tay các tài liệu cho thấy, 3 người này đã nhóm họp để lên kế hoạch hành động chống lại nhóm người biểu tình chống chính phủ trong đó có việc dùng lính, bắn tỉa gây cái chết cho hơn 100 người.

Chưa hết, một nguồn tin từ ICC còn khẳng định, nhóm điều tra của công tố viên Luis Moreno-Ocampo còn nhận được sự hỗ trợ từ những đồng minh cũ của Tổng thống Moammar Gadhafi nhưng đã đào ngũ. Đứng đầu nhóm này phải kể đến cựu Ngoại trưởng Moussa Koussa, người đã trốn sang Anh hồi cuối tháng 3 sau hơn 30 năm đóng vai trò là tay chân thân cận nhất của Tổng thống Libya.

Kế đến là cựu Giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài Abuzed Omar Durda, người đã điện thoại trực tiếp cho ông Luis Moreno-Ocampo ít nhất 5 lần và cung cấp nhiều thông tin quý giá trong đó có cả cáo buộc ông Moammar Gadhafi đã sử dụng trẻ em như một lá chắn cho mình khi xây dựng một boongke ngầm dưới một công viên thiếu nhi ở giữa thủ đô Tripoli.

Ông Abuzed Omar Durda được cho là đã có mặt trên cùng chuyến bay tới Anh với cựu Ngoại trưởng Moussa Koussa. Khoảng 10 nhân vật cấp cao khác trong chính phủ Libya cũng đang có các cuộc tiếp xúc bí mật với đại diện NATO, đại diện chính phủ Anh và Mỹ nhằm tìm sự bảo trợ trong trường hợp "đào ngũ". Tờ Độc lập của Anh đưa tin, trong số những người này, có một số gương mặt tiêu biểu như Chủ tịch Hạ viện Mohammed Zwei, Thứ trưởng Ngoại giao Abdulati al-Obeidi, Bộ trưởng Dầu mỏ Shokri Ghanem …

Đặc biệt, nhiều báo chí phương Tây còn thông tin rằng, ông Ali Abdussalam Treki, người từng giữ chức Ngoại trưởng và Đại sứ Libya tại Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng đã ra đi do có những bất đồng sâu sắc với Tổng thống Moammar Gadhafi về cách thức giải quyết các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Từ Washington, một quan chức tình báo Mỹ tiết lộ rằng, Abdullah Senussi, cố vấn an ninh hàng đầu của ông Gadhafi cũng đang tìm cách tháo chạy khỏi cuộc chiến ở quốc gia Bắc Phi này. Một số nhà ngoại giao khác của Libya đang làm việc ở nước ngoài thì tuyên bố sẵn sàng ra làm chứng về các quyết sách của chính quyền Tripoli trong việc giải tán đám đông người biểu tình chống chính phủ trên đường phố hay việc Libya thành lập các đội quân đánh thuê nước ngoài…

Theo nhận định của các nhà phân tích, việc yêu cầu bắt 8 quan chức Libya là động thái đầu tiên mà tòa án có trụ sở tại Hà Lan này đưa ra trong loạt biện pháp đối phó với những căng thẳng leo thang tại các quốc gia Arab hiện nay. Tuy nhiên, xung quanh quyết định này còn rất nhiều nghi vấn bởi người ta thấy, hoạt động điều tra mới chỉ thực hiện chưa được 3 tháng.

Hơn thế nữa, đại diện chính phủ Libya đã cáo buộc ICC dựa vào những bằng chứng bất hợp pháp và có cái nhìn phiến diện khi đưa ra bản báo cáo dài 74 trang trong đó nêu những sai phạm bất hợp lý của quân đội và chính phủ nước này. Với yêu cầu này của ICC, các nước phương Tây có thể sẽ tìm thấy cơ hội để ra Nghị quyết mới chống lại Tổng thống Moammar Gadhafi. Được biết, tuy không có hệ thống cảnh sát hỗ trợ, song lệnh bắt của ICC cũng đồng nghĩa với việc tất cả các thành viên của LHQ có nghĩa vụ phải lùng bắt ông Moammar Gadhafi

Trung Nguyên - CSTC tuần số 59
.
.
.