Tổng thống Muammar Gaddafi không tị nạn ở Niger

Thứ Ba, 20/09/2011, 15:06
Ngay sau khi biết tin về đoàn xe hùng hậu của Libya chạy vào lãnh thổ Niger, Mỹ lập tức thúc giục nước này bắt giữ các thành viên của chính quyền Gaddafi. Được biết, Niger đã thông báo ngay với Đại sứ quán Mỹ tại nước này về đoàn xe chở hàng chục thành viên cao cấp trong chính phủ của Tổng thống Muammar Gaddafi sau khi họ tới nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, giới chức Niger khẳng định, Tổng thống Muammar Gaddafi và con trai Saif al-Islam không có mặt trên những chiếc xe bọc thép chở các tướng lĩnh và binh sỹ Libya chạy đến thành phố sa mạc Agadez ở phía bắc Niger.

Tuy nhiên, bà Victoria Nuland cũng đề nghị chính phủ Niger làm việc với Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) để thương đàm về những vấn đề song phương cùng quan tâm, trong đó có việc đưa các thành viên trong chính quyền Gaddafi ra tòa án xét xử. Dư luận cũng đang bàn luận sôi nổi về việc có khoảng 10 chiếc xe chở vàng và tiền vượt qua biên giới Niger.

Được biết, trong 10 chiếc xe chở đầy USD và Euro và đây là nhận định của ông Fathi Badja, Chủ tịch ủy ban chính trị và quốc tế của NTC sau khi biết tin có khoảng 200-250 xe bọc thép chở nhiều tướng lĩnh và binh sỹ Libya tiến đến thành phố sa mạc Agadez ở phía bắc Niger. Theo nguồn tin từ Pháp và Niger, có thể ông Gaddafi đã bí mật thương thảo để đưa thân nhân tới Niger và số tiền vàng kể trên là "lễ vật".

Quân nổi dậy.

Ngoại Trưởng Niger Bazoum Mohammed khẳng định, ông Gaddafi không có mặt trên đoàn xe vào nước này. Những thông tin kể trên đã bác bỏ nhận định trước đó khi cho rằng, Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou, người mới lên nắm quyền hồi tháng 3 là đồng minh của Tổng thống Muammar Gaddafi nên đã cho phép ông tới tị nạn tại nước này. Giới quân sự coi cuộc hành quân với khoảng 200-250 xe bọc thép chiều tối 5/9 là cuộc đào tẩu lớn nhất kể từ khi NATO khai hỏa tấn công Libya đến nay.

Được biết, những chiếc xe tới Niger hôm 5-9 không chỉ xuất phát từ Libya mà còn từ nhiều nơi khác ở Algeria. Dư luận quan tâm tới thông tin của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi cho biết, nhà lãnh đạo Gaddafi đang trên đường lẩn trốn, nhưng không biết chính xác nơi ẩn náu của ông này. Ông Leon Panetta từng tiết lộ, ông Gaddafi vẫn đang ở Libya bởi "không còn nơi chứa chấp".

Tổng thư ký NATO Rasmussen khẳng định, ông Gaddafi không phải là mục tiêu của NATO và việc bắt giữ Tổng thống Libya không phải là yếu tố quyết định liên quan đến việc chấm dứt chiến dịch của NATO tại quốc gia Bắc Phi này.

Trong số những tướng lĩnh vừa đào tẩu, đáng quan tâm nhất là người đứng đầu lực lượng an ninh của ông Gaddafi, tướng Mansour Daw. Cùng đi với ông Mansour Daw, người từng là vệ sĩ tiếp cận của ông Gaddafi còn có một số thành viên trong nhóm phụ tá thân cận của Tổng thống Libya. Vì là Giám đốc an ninh nội bộ, luôn theo sát ông Gaddafi nên sự ra đi của ông Mansour Daw được coi là sự mất mát lớn của Tổng thống Libya.

Điều đáng nói là người dẫn những nhân vật kể trên đào tẩu là Agaly Alambo, thủ lĩnh của Phong trào Công lý Niger, một lãnh đạo lâu năm của nhóm phiến loạn du mục Tuareg, từng có quan hệ mật thiết với ông Gaddafi từ lâu. Khi NATO và phe nổi dậy bắt đầu tấn công các lực lượng trung thành với Tổng thống Libya, ông Agaly Alambo đã chiêu mộ khoảng 1.500 cựu phiến quân Niger để cùng chiến đấu với ông Gaddafi.

Phát ngôn viên của chính phủ Libya Moussa Ibrahim tuyên bố, Tổng thống Muammar Gaddafi  vẫn ở quê hương mình, an toàn, khỏe mạnh với tinh thần tốt bởi nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người, không chỉ ở Libya mà cả trên khắp thế giới Arab. Tuy nhiên có tin nói rằng, Tổng thống Muammar Gaddafi có thể đã rời thành phố sa mạc Bani Walid và đang hướng tới phía nam với sự giúp đỡ của các bộ lạc trung thành.

Ông Hisham Buhagiar, người đang trực tiếp tham gia vào các nỗ lực truy tìm ông Gaddafi, cho biết, có nhiều thông tin cho thấy, cách đây 3 ngày, Tổng thống Libya đã xuất hiện ở ngôi làng phía nam Ghwat, cách thủ đô Tripoli về phía nam khoảng 950km và cách biên giới Niger về phía bắc khoảng 300km. Giới chuyên môn cho rằng, việc ông Gaddafi có mặt ở phía nam là có thể bởi phe nổi dậy không có nhiều ảnh hưởng ở khu vực này bởi các bộ lạc ở đây rất trung thành với Tổng thống.

Ông Hisham Buhagiar thừa nhận, các chiến binh nổi dậy không thể đến phía nam truy lùng ông Gaddafi mà không được sự cho phép của các bộ lạc. Hãng Al Jazeera cho biết, lại có thêm một quan chức quan trọng trong chính quyền của ông Gaddafi vừa bị bắt. Đó là ông Khaled Kaim, Thứ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống Muammar Gaddafi. Trong khi đó giới quân sự quan tâm tới tin nói rằng, một số kho vũ khí ở Libya đã rơi vào tay Al Qaeda, trong đó có tên lửa đất đối không

Lê Trịnh (tổng hợp) – CSTC tuần số 75
.
.
.