Trên từng cây số

Chủ Nhật, 06/02/2011, 17:16
Chẳng còn bao lâu nữa là tới tết cổ truyền của dân tộc. Những ngày này, các đơn vị chức năng của lực lượng Công an nhân dân đang hối hả triển khai kế hoạch bảo vệ trật tự an ninh, an toàn trong dịp tết. Cái không khí rộn ràng, hối hả ấy đã gợi cho tôi những nghĩ suy về cái tết năm con Cọp vừa rồi. Đó là một cái tết đặc biệt, nghỉ dài nhất trong lịch sử đối với cán bộ, công nhân viên chức.

Bù đi, sớt lại, có tới gần 10 ngày nghỉ dài dài; thời tiết cả miền Bắc, nhất là ở Thủ đô Hà Nội có thể gọi là trên cả tuyệt vời. Trời khô, nóng nhiều ngày, từ hai mươi tám tết thì chuyển lạnh. Đêm giao thừa, mưa xuân giăng mắc đầy trời. Ngày mùng một trời quang đãng, không nắng, se se lạnh và cả tuần sau cũng vậy. Quả là những ngày tết lý tưởng cho bao cuộc vi hành.

Đối nghịch với không khí tưng bừng của mùa tết tuyệt vời trên là không khí đau buồn, ủ dột của 150 gia đình có người thiệt mạng và 201 gia đình có người bị thương bởi tai họa từ 217 vụ tai nạn giao thông (chủ yếu do ôtô và xe máy) xảy ra trong 4 ngày - từ 30 tới mùng 3 tết. Trung bình mỗi ngày 54 vụ khiến cho 78 người thiệt mạng và bị thương. Đau xót thay!

Những thông tin trên được đăng tải trên Báo Công an nhân dân số tân xuân Canh Dần, phát hành ngày mùng 5 tháng Giêng. Bần thần, day dứt, chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân, bỗng chốc tôi lại da diết nhớ đồng đội mình - những "cán bộ đường lối" đang ngày đêm túc trực chiến đấu trên mọi nẻo đường của Tổ quốc mà điển hình trong số đó có Trung tá Phạm Ngọc Hội, người Đội trưởng xe cơ giới của một cục trinh sát nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh, với trên 30 năm cầm vô lăng phục vụ trong lực lượng vũ trang (Quân đội và Công an) đảm bảo tuyệt đối an toàn. tham gia xử lý nhiều vụ án, nhiều vụ truy xét đối tượng vi phạm pháp luật mà trong đó có những vụ Trung tá Phạm Ngọc Hội đã góp phần quan trong vào thành công vụ án.

“Tìm người như thể tìm chim“

Tôi mượn câu ngạn ngữ xưa để nói về cái việc tìm người vào giai đoạn thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, phục vụ theo yêu cầu nghiệp vụ. Ban đầu, nhiều người vẫn nghĩ, tìm một lái xe thì có gì mà khó! Đến khi bắt tay vào việc thì quả là quá khó khăn. Thời đó, xe ôtô hiếm lắm. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, xe lửa. Mấy khi gặp được người biết lái xe và có bằng lái xe. Bởi thế, mấy "chú lái" tha hồ mà hãnh diện.

Lỡ tàu tết, bơ vơ giữa chiều cuối năm lạnh giá, gặp chú lái xe cho đi nhờ về phố huyện, dù được nhốt trên thùng xe với gà, lợn, lá dong, măng rừng... thì vẫn cứ sướng rơn, cả đời không thể quên ân nhân! Cũng bởi thế, mới có câu chuyện tiếu lâm, hài hước mà nhiều người hẳn đã nghe, với tiêu đề "Tôi cũng bị lừa".

Chuyện rằng, bà lão ở xóm nọ, ngồi trút bầu tâm sự với một người bạn già: "Thật tội nghiệp cho con Gáo nhà tôi, kén chọn mãi mới kiếm được tấm chồng. Ai ngờ... bị nó lừa! - Bà nói sao!... Thằng ranh con ấy có vợ rồi à?... - Không phải! Chẳng là hồi chúng nó dan díu với nhau tôi đã can ngăn, nhà mình nghèo, lấy thằng nào lương xướng khơ khớ một tý cho đỡ khổ, con bé trấn an mẹ, thì... anh ấy cũng là người nhà nước, cũng có lương, có điều... chỉ là nghề lái xe thôi. Nghe thế, thực tình, tôi mừng rơn, cả nhà đều mừng. Ai ngờ, cưới nhau rồi mới té ngửa ra, nó là Phó tiến sĩ chứ đâu phải lái xe. Thế là tôi cũng bị lừa bà ạ...".

Đơn vị chúng tôi hồi đó, mang tiếng là một cục trinh sát nghiệp vụ, vậy mà xe cộ chỉ lèo tèo mấy chiếc xe máy và 1 chiếc sít-đờ-ca ba bánh. Tất cả đều do Liên Xô sản xuất. Tới giữa thập niên 70 mới được trang bị 1 xe ôtô loại Gát 69, do Trung Quốc sản xuất. Có xe, tất nhiên được biên chế 1 tài xế. Nhưng trớ trêu thay, gặp ngay một nhân vật bất trị, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, đơn vị buộc phải sa thải, trả về địa phương.

Vì vậy, lãnh đạo Cục giao trách nhiệm cho bộ phận tổ chức (lúc đó do đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh phụ trách) phải nhanh chóng tìm người thay. Tôi nhớ hôm đó Cục trưởng Dương Thông còn căn dặn: "Tuyển một trinh sát đã khó, tuyển một lái xe còn khó hơn. Nhiều khi bao nhiều sinh mạng đều gửi vào tay anh ta. Vì vậy, phải tìm người cần mẫn, thận trọng, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao...".

Nói là khó, nhưng thực tình cũng có một số người nộp đơn xin về. Thẩm tra, xác minh, tiếp xúc, thử thách... cuối cùng chẳng chọn được ai. Không phải mắc mớ gì về hồ sơ, lý lịch, mà cái chính là vì những tiêu chuẩn lãnh đạo đưa ra. Nói thế, song cũng có một người vẫn có thể tuyển được. Vậy mà tới phút chót thì anh ta từ chối, xin rút đơn. Tìm hiểu kỹ mới biết, anh ta ngại vào ngành Công an gò bó mà lương lại thấp...

Bàn bạc mãi, cuối cùng đơn vị quyết định "bắc cầu" sang Quân đội bởi cùng lực lượng vũ trang với nhau. Nếu được thì đảm bảo hơn, chắc ăn hơn. Chẳng hiểu qua mối lái từ đâu, một hôm lãnh đạo phòng Nguyễn Ngọc Cát gặp và giao trách nhiệm cho tôi sang một đơn vị pháo binh đóng ở Hà Nội liên hệ, tìm hiểu một trường hợp là lái xe bên đó. Quan trọng là phải gặp trực tiếp nhân sự theo tinh thần là "đi coi mặt" và khi về có sơ bộ nhận xét, đề xuất.

Đoàn cán bộ A25 kiểm tra công tác bảo vệ tại SVĐ Mỹ Đình, chuẩn bị ĐHTT Đông Nam Á lần thứ 22 (năm 2003), Phạm Ngọc Hội (bên trái)

Chuyến đi vô cùng thuận lợi, cán bộ theo dõi nhân sự thuộc Phòng Chính trị của đơn vị bạn rất nhiệt tình, nên chỉ trong một ngày là tôi đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ - Được nghiên cứu hồ sơ; gặp trực tiếp nhân sự là Phạm Ngọc Hội, quê ở Nam Định, lái chiếc đại xa kéo pháo cao xạ, đã từng bôn ba nhiều chiến trường, kể cả chiến trường Trung và Hạ Lào.

Đó là một thanh niên khỏe mạnh, vóc dáng có thể xếp vào loại quá khổ, cùng với màu da, mái tóc, đôi mắt to, sâu, ẩn dưới đôi lông mày lưỡi mác rậm rì... nhác trông người ta dễ lầm tưởng đó là một chiến sĩ quân cách mạng ở xứ sở của Fidel Castro chứ không phải ở Việt Nam. Anh là người hiền lành, ít nói.

Khi tôi nêu vấn đề: "Sao, bộ đội có chủ trương cho chuyển ngành, không xin ra lái cho quốc doanh mà xin về cơ quan An ninh, vừa vất vả, lương thấp mà vẫn màu áo lính?", Hội khẽ cười, kiệm lời nhưng rất hóm: "Dạ... em là con nhà quê, tính nhà binh, nên không quen quốc doanh".

Hơn một tháng sau, Phạm Ngọc Hội cầm quyết định về nhận công tác tại đơn vị chúng tôi.

Năng khiếu nghề trinh sát

Từ chỗ cai quản "con ngựa sắt", mấy năm sau, do biến động về chức năng nhiệm vụ và tổ chức, đơn vị bổ sung thêm quân số, phương tiện hoạt động, một số đầu xe và lái xe. Ngoài nhiệm vụ đội trưởng, trực tiếp lái và quản lý xăng, xe, Phạm Ngọc Hội còn được giao trách nhiệm quản lý toàn bộ vũ khí, đạn dược, trang, thiết bị phục vụ chiến đấu; có lúc còn thêm trách nhiệm quản lý doanh trại.

Công việc lu bù như thế, song, mỗi khi đi công tác xa hoặc phối hợp trong đấu tranh chuyên án từ lãnh đạo Cục tới lãnh đạo các phòng trinh sát đều kéo đích danh "cán bộ bộ đường lối" Phạm Ngọc Hội. Có lúc tôi vui đùa với mấy đồng chí lãnh đạo phòng: "Này, các ông đừng có được voi đòi tiên. Hội nó có ba đầu sáu tay đâu mà phòng nào cũng lôi, cũng kéo...".

Anh em cười hì hì, phân trần đầy hài hước: "Đi với Mister Hoi", "Hoi Castro" chúng em cảm thấy yên tâm, chẳng bao giờ sợ chậm giờ, lỡ việc, "Mister Hoi" còn có con mắt nhà nghề trinh sát. Anh em rất hiểu ý nhau...". Chính vì thế mà tần số vận hành xe của Hội gần như liên tục. Vừa đi Lạng Sơn, Hà Bắc về, hôm sau có yêu cầu đi Bắc Thái là lên đường ngay. Tôi ái ngại hỏi - "Liệu có đảm bảo sức khỏe không" - Hội cười hồn nhiên: "Anh cứ yên tâm! Cứ gọi là trên từng cây số". Không ngờ cái câu "Trên từng cây số" lại cộng thêm cho Hội một biệt danh từ đó.

Những tâm sự  của anh em rất có lý, thực tình đơn vị lúc đó vẫn còn một lái xe có tay nghề giỏi từ một Cục trinh sát của đơn vị bạn chuyển sang. Cũng lành hiền, ít nói. Song, về sinh hoạt thì không mê được, đề đóm tùm lum, nợ như "Chúa Chổm", đi công tác chẳng mấy khi không có sự cố dọc đường. Mấy tháng sau đành phải cho đi liên hệ chuyển ngành. Chẳng có nơi nào nhận, cuối cùng đơn vị đành "kính chuyển" về địa phương cũng ở ngay Hà Nội thôi, nghe như sau này cậu ấy cũng làm nghề lái xe tự do, nhưng là lái xe xích lô.

Phá án, tí nữa thì vồ hụt, nếu không...

Thời đó, tôi giữ chức vụ Phó cục trưởng A25 (đơn vị tham mưu giúp các cơ quan, ban, ngành, trung ương trong công tác bảo vệ an ninh nội bộ và an ninh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng). Phụ trách lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, thông tin đại chúng và xuất bản.

Lợi dụng tình hình Đông Âu sụp đổ, Liên Xô tan rã, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động "Diễn biến hòa bình" chống việt Nam, đặc biệt là "Diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực Văn hóa - Tư tưởng, bằng cách ngoài việc triệt để sử dụng tàn dư văn hóa phẩm độc hại của chế độ thực dân cũ và mới, đi đôi với việc tăng cường cho xâm nhập vào Việt Nam nhiều tài liệu, sách báo, các sản phẩm văn hóa mang nội dung phản động, đồi trụy và lạc hậu... nhằm tác động tư tưởng người xem và trụy lạc hóa thế hệ trẻ Việt Nam. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục An ninh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đồng loạt ra quân, ngăn chặn triệt để hiện tượng trên.

Với chức năng nhiệm vụ được giao là đơn vị chủ công trong chiến dịch này, thông qua công tác nắm tình hình, A25 phát hiện ở địa bàn Hà Nội có một số tụ điểm đang bí mật chiếu băng hình đồi trụy (thời đó thường gọi là phim "con heo"). Sau hơn một tuần lễ xác minh, mai phục, đã có đủ cơ sở lập án đấu tranh với một tụ điểm tại khu vực Mai Dịch. Sau khi được cấp trên phê duyệt kế hoạch, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đã xác định rõ nội dung phim 100% là phim đồi trụy, thời gian hoạt động của bọn tội phạm...

Điều hết sức bất ngờ, thông thường các tụ điểm chúng thường tổ chức vào ban đêm. Song, ở mục tiêu này, chúng lại tổ chức vào ban ngày, trong giờ làm việc, vào các buổi chiều. Vì vậy, mới có tình trạng nhiều cán bộ công nhân viên, học sinh, sinh viên trốn việc, trốn học để đi xem phim "tươi mát" mà cơ quan, nhà trường không biết.

Giờ "G" được quyết định vào 14h hôm ấy. Lực lượng tham gia là lãnh đạo phòng và hầu hết trinh sát Phòng An ninh văn hóa - văn học nghệ thuật thông tin đại chúng. Lãnh đạo Cục do tôi trực tiếp chỉ đạo. Ngoài ra, còn có một tổ cán bộ điều tra của A24 (Cục An ninh điều tra) phối hợp.

Theo kế hoạch, trước giờ "G", có một tổ trinh sát đóng vai "khán giả" vào xem. Tất nhiên là phải xì tiền cho chủ chiếu. Tiền cao gấp nhiều lần vé xem phim ở rạp. Tổ "khán giả" của đơn vị có trách nhiệm phối hợp khi lực lượng công khai ập vào. Ngoài việc khống chế chủ chiếu, còn phải khống chế luôn đầu video nhằm bảo vệ chứng cứ.

Thời đó cả lực lượng an ninh không ai có điện thoại di động. Tất cả mọi liên lạc trong chuyên án phối hợp chủ yếu dùng bộ đàm. Mà bộ đàm chỉ dùng cho bộ phận chỉ huy, trinh sát mai phục, chứ không thể đem vào mục tiêu.

Mục tiêu phá án là một ngôi nhà giữa cánh đồng đối diện nghĩa trang Mai Dịch. Ngày đó, cả khu vực ấy là đồng ruộng, chỉ lác đác có một vài nhà. Xe chỉ huy do Phạm Ngọc Hội lái không thể đỗ ở quốc lộ 32, mà phải vượt qua Cầu Diễn, rẽ phải, đỗ bên lề đường vào ga Diễn bây giờ, cách quốc lộ 32 mấy chục mét.

Đã tới giờ "G" mà không thấy bộ phận mai phục báo cáo tín hiệu hành động. Thời gian nặng nề trôi, Hội ngồi trên ghế lái, mắt đăm đăm hướng ra quốc lộ, bỗng quay lại nói nhỏ với tôi: "Anh ơi! Có mấy chiếc xe chạy về hướng Nhổn, xe sau cùng là chiếc Gát 69 có một người rất giống Bùi Minh Tuyên nhà mình". Tôi ra lệnh nhanh chóng đuổi theo. Thời đó, ôtô rất ít, thiện nghệ như Phạm Ngọc Hội, việc vượt lên, bám đuổi không khó khăn gì. Đã vượt qua hàng chục chiếc xe đủ loại: Xe khách, xe tải, công nông, xe bò... mà tuyệt nhiên không thấy loại xe nào như Phạm Ngọc Hội mô tả.

Tới địa phận xã Minh Khai, thì phía trước không còn một bóng xe nào nữa. Tôi quyết định quay về điểm đỗ cũ và nhận định: Rất có thể, để đánh lạc hướng nếu bị Công an theo dõi, nên đối tượng chuyển địa điểm. Mục tiêu mới dứt khoát trong phạm vi từ Minh Khai trở về Cầu Diễn. Trong lúc đang miên man suy đoán, tôi lại nghe thấy Hội nói nhỏ: "Anh ơi! Có hiện tượng khả nghi lắm, một thanh niên đi chiếc Simson màu đỏ, lượn đi lượn lại rất nhiều lần ngoài quốc lộ, lần nào cũng nhìn về phía xe của mình" - “Ờ... nếu thế thì mục tiêu có thể gần đây. Thằng đó dứt khoát là "vệ tinh" cảnh giới”.

Tôi quyết định cho xe chạy về hướng Hà Nội. Tới Cầu Giấy, khi nhìn phía sau không có dấu hiệu khả nghi, yêu cầu quay xe trở lại đỗ tại cổng nghĩa trang Mai Dịch. Chừng 5 phút sau mới cho xe trở về điểm cũ. Vừa qua khỏi cầu Diễn thì gặp Bùi Minh Tuyên hớt hải chạy tới. Tôi kéo Tuyên lên xe, nghe báo cáo gấp:

- Bọn này cáo lắm anh ạ! Có một số khách sộp từ địa phương khác về, đi bằng ôtô, đề phòng bị lộ, sắp tới giờ "G", nó cho bốc hết cả người và máy móc lên xe về khu tập thể trong khuôn viên một cơ quan cách đây mấy trăm mét, ở bên phải đường. Đề nghị anh thông báo anh em tập trung về đây và vồ gấp để hỗ trợ anh em trong đó. May quá, em được phân công vào sau, ngồi ngoài cùng để khi "hành động" sẽ thực hiện nhiệm vụ "nội bất xuất" nên mới lẻn ra được. Nó chiếu được 10 phút rồi. Phim khủng khiếp lắm! Ướt át lắm…".

Mười lăm phút sau, vụ việc được giải quyết gọn, đầy đủ chứng cứ quả tang về một vụ tuyên truyền văn hóa đồi trụy. Các "khán giả con nhà trời" bị phê phán, nhắc nhở. Biên bản phạm pháp quả tang được xác lập, có sự chứng kiến của cán bộ cơ sở và nhân chứng. Chủ chiếu và phương tiện hành nghề được bốc lên xe đưa về bàn giao Công an phường Cầu Diễn xử lý.

Hôm họp tổng kết rút kinh nghiệm, cố nhiên thành tích thuộc về cán bộ, chiến sĩ phòng chủ quản và các đơn vị phối hợp. Song, cũng không thể không biểu dương, khen thưởng "cán bộ đường lối" Phạm Ngọc Hội. Quả là "Danh bất hư truyền"!

Từ thực tế công tác của anh em lái xe ở các đơn vị nghiệp vụ, đã nhiều lần tôi đề xuất với cấp trên về chế độ quân hàm, nên xếp anh em vào ngạch nghiệp vụ như trinh sát. Có chăng là niên hạn chậm hơn chút ít để động viên khích lệ anh em. Hình như lãnh đạo một số cục nghiệp vụ cùng đồng nhất với tôi, song không biết khi nào mới được giải quyết.

Những mối tình năm cũ

Hầu hết cán bộ, chiến sĩ A25, khi nói tới người có số đào hoa ở đơn vị ta là người ta hiểu ngay, đó là "cán bộ đường lối" Phạm Ngọc Hội. Mấy chục năm công tác cùng nhau, ngẫm ra tôi cũng thấy không ngoa chút nào. Con người rủ rỉ ấy, ít ra tôi cũng được biết tới vài ba mối tình thật đẹp.

Năm ấy, cũng vào dịp gần tết ta, hai anh em đi công tác lên Bắc Kạn dự một hội nghị do lãnh đạo tỉnh chủ trì. Đi từ chiều hôm trước để sớm hơn sau kịp dự đúng giờ. Vì không nhớ đặc thù miền núi, cuối năm trời tối rất nhanh. Mới hơn 18h, xe còn cách thị xã chừng mười mấy cây số, thì trời đã tối mịt, sương chiều giăng mắc khắp nơi, xe phải bật đèn vàng mới đi được.

Bỗng dưng Hội thốt lên: "A… đây là vùng ngày xưa em đã từng công tác…" - “Thời là công nhân Lâm trường phải không?” - "Dạ vâng! Khi ấy còn trẻ măng, mới mười chín, đôi mươi" - “Vậy có cô gái miền sơn cước nào hớp hồn không?”. Hội tủm tỉm cười, lâu lắm mới tiếp mạch chuyện: "Thực tình có thích một cô. Chả dám ngỏ lời yêu, nhưng vẫn biết cô ấy cũng thích. Một ngày chủ nhật, hai đứa rủ nhau lên thị xã, từ Lâm trường lên phải cuốc bộ gần hai chục cây số. Thời đó đường này xấu và vắng lắm, làm gì có xe mà đi nhờ. Khi về, còn cách Lâm trường năm, sáu cây số thì trời tối mịt. Hai đứa nắm tay nhau vừa đi vừa nói chuyện. Thế thôi, ngay đến một cái hôn cũng chả dám. Bây giờ nghĩ lại, thấy mình dại quá". Cả hai anh em cùng cười.

Tôi xen vô: "Mình tin là thời ấy như vậy, chả dại khờ gì đâu, tình đồng đội đồng chí nó thiêng liêng lắm. Quả là có một thời như thế! Còn sau này thì sao?". Lại trầm ngâm giây lát, giọng bùi ngùi, Hội kể tiếp: "Năm sau, Lâm trường tổ chức khám nghĩa vụ quân sự, em trúng tuyển, xa Lâm trường từ đó. Thời chiến tranh, đời lính nay đây mai đó, chả thư từ được cho nhau. Mấy năm sau, được nghỉ phép về thăm nhà, vì là con trai trưởng, gia đình bắt lấy vợ, thế là cưới luôn. Sau này chẳng hợp nhau nên đành chia tay. Còn cô gái Lâm trường hồi đó chẳng biết bây giờ ở đâu!…".

Câu chuyện về mối tình đầu của đồng đội tôi đã tạo cảm xúc cho kẻ viết bài này. Đêm ấy, tại nhà khách Công an tỉnh, tôi ngồi ghi lại cảm xúc của mình bằng mấy vần thơ để tặng Phạm Ngọc Hội và người bạn tôi, Giám đốc Mai Thế Dương, người con của quê hương Bắc Kạn, sau này trở thành Chủ tịch, rồi Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Không lâu sau đã được in trên Báo Nhân dân, bài thơ có tiêu đề: "Nhớ miền sơn cướ" và nội dung: Lâu lắm không về thăm Bắc Kạn/ Đừng trách tình xưa đã nhạt mờ/ Ngàn xa vẫn nhớ về quê bạn/ Ấp ủ lòng tôi bao ý thơ/ Nhớ lắm chợ Đồn thơm dứa chín/ Bạch Thông mùa quýt đỏ bên đường/ Mênh mông Ba Bể chiều buông tím/ Ngân Sơn, Na Rì thơm nếp nương/ Nhớ mãi cơm lam chiều Chợ Mới/ Lữ khách miền xa ghé lâm trường/ Xa nhau ai có còn chờ đợi/ Để tháng năm dài bao nhớ thương. Mới đó mà đã mười mấy năm trôi qua!

Mối tình thứ hai, có thể nói đó là một mối tình ly kỳ, nhiêu khê và oanh liệt. Người viết bài này được chứng kiến toàn bộ nên mới liều nhận xét như vậy.

Phạm Ngọc Hội về đơn vị đã được mấy năm. Ở cái tuổi "giữa băm" rồi mà vẫn không đả động gì tới chuyện vợ con. Một hôm tôi thăm dò: "Này! Công việc thì tốt rồi, còn chuyện tình duyên thì ra sao? Định bao giờ mới lấy vợ?" - "Dạ!... Em cũng đã… định hôm nào rồi sẽ báo cáo các anh". "Vậy hả, thế thì tốt! Xuống biển hay lên rừng? (ý hỏi trêu là về quê Nam Định lấy vợ hay lên Bắc Kạn)”.

Giọng ngập ngừng, có vẻ khó nói: "Cô ấy ở ngay Hà Nội. Làm công nhân Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà, nhà ở phố Lương Văn Can, bố là sĩ quan Quân đội nghỉ hưu, mẹ bán hàng lặt vặt gần nhà. Có điều… kẹt lắm anh ạ, hai đứa yêu nhau, bà mẹ và các em đều ủng hộ, riêng ông bố thì… kịch liệt tẩy chay, cấm quan hệ tiếp xúc… Vì thế mà em chưa dám báo cáo tổ chức" - Bình tĩnh đi, cứ làm báo cáo đàng hoàng, đơn vị sẽ cử người đi xác minh, nếu không khúc mắc gì về lý lịch thì anh em đơn vị sẽ giúp đỡ. Mà này, ông già người xứ nào? Quen nhau ra sao mà để tới nông nối ấy?" - "Quê Nghệ Tĩnh. Là bạn của thủ trưởng em ở đơn vị cũ. Mấy lần đưa thủ trưởng tới nhà nên quen nhau" - "Thế thì gay thật "- Tôi khẽ cười pha vui - "Bọ" mà quyết rồi thì chớ hòng lay chuyển. Nhưng cứ yên tâm, "trận" này phải "cầu cứu" ông Hồ Phúc Được, ông Nguyễn Ngọc Cát, chính hiệu xứ Nghệ tham gia; về phía cơ quan thì cần phải có tiếng nói của lãnh đạo cục và phòng chính trị; "Mặt trận dân vận" thì đề nghị lãnh đạo công đoàn của nhà máy "xáp vô".

Gần nửa tháng trời triển khai "phương án tác chiến" vậy mà thất bại vẫn hoàn thất bại. Tìm hiểu mới vỡ lẽ cái nguyên nhân mà ông già "khốt-ta-bít" không chịu gả con, đó là: Chú rể lớn hơn con ông tới mười mấy tuổi. Con gái ông hơ hớ như thế lại vớ cái anh chàng đã qua một lần đò; nguyên nhân thứ hai là ông không ưng cái nghề lái xe, phàm những anh làm nghề ấy là "lang bạt kỳ hồ", hay léng phéng với con gái, con ông sẽ khổ suốt đời… ông tuyên bố một câu xanh rờn: "Con mà không nghe lời cha, kiên quyết lấy nó thì ba sẽ từ con".

Thế mới biết, sức mạnh của ái tình là vô địch. Dông bão như thế mà họ quyết vượt qua. Đám cưới vẫn được tổ chức vào cuối năm đó, theo nghi thức đời sống mới, ngay tại phòng tập thể của đơn vị ở khu D6 Trung Tự. Khách dự - chủ yếu là anh em đơn vị và họ nhà trai. Nhà gái (cố nhiên là không có "ông già khốt") có nhạc mẫu của chú rể, một số bà con bên ngoại của cô dâu Thái Thị Hồng Minh và các em của cô. Họ đi dự đám cưới con, cưới chị gái mình mà phải "đi chui". Anh em đơn vị ở cùng phòng, thông cảm hoàn cảnh, đã "tùy nghi di tản", nhường cho họ hưởng tuần trăng mật ngay trong căn phòng tập thể, rồi sau đó chính họ cũng thực hiện biện pháp "tùy nghi di tản". Đất nước nghèo, cả 2 cơ quan dâu, rể đều nghèo chưa thể có nhà cấp cho cán bộ. Gần một năm sau, họ mua được một tí đất ở xóm đầm làng Kim Liên do tiền tích góp bao năm, anh em bà con giúp đỡ, giật gấu vá vai vay mượn cất được một căn nhà cấp bốn có chỗ chui ra chui vào, thế là quá hạnh phúc, đành rằng phải chấp nhận trở thành con nợ. Rồi họ sinh con, cháu gái đầu lòng là Phạm Huyền Trang, học ngành y và đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội. Đứa thứ hai là trai, cháu Phạm Thanh Bình, đang học đại học. Ngày sinh cháu Trang, được mấy tháng, hai vợ chồng bàn nhau, "đánh liều" bế con về thăm ông bà ngoại, với tinh thần sẵn sàng "cao chạy xa bay".

Ông già "khốt" không nói gì, lẳng lặng vào bồn rửa tay, khi trở ra mới cất lời: "Nào, đưa ông bế con cún của ông xem biết làm gì rồi nào…". Hai vợ chồng Hội nhìn nhau, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má. Không ngờ ông già "khốt" lại thay đổi nhanh như thế. Sau này, là con rể trưởng của gia đình năm cô con gái, "bố Hội" trở thành thần tượng, những đại sự ông đều phán: "Chờ bố Hội nó đã, bố Hội nó nhất trí thì cha cũng nhất trí…".

Đồng đội tôi, người "cán bộ đường lối" của chúng tôi là thế đấy!

Ngọc Lâm, một đêm rét đậm Cuối năm Dần

.
.
.