Trùng phùng trong trại giam hạnh phúc đớn đau

Thứ Năm, 28/07/2011, 16:02
Lần nào người đàn bà ấy cũng khóc, dường như nước mắt là thứ tài sản duy nhất và rất sẵn của chị ta. Và lần nào người đàn bà ấy cũng khắc khoải: "Lần sau các chị lên công tác, làm ơn cho hai cháu nhà em lên cùng nhé, em nhớ chúng nó lắm...".

Sáng nay, chị em Dung dậy từ 4 giờ sáng. Ông nội pha hai gói mì tôm giục chị em nó ăn để đúng 6 giờ, xe chúng tôi sẽ tới đón chị em nó lên Trại Phú Sơn thăm mẹ. Ngày mẹ nó bị bắt, Dung mới 11 tuổi, còn thằng em Trung mới lên 4. Tôi tình cờ gặp mẹ chúng, người đàn bà nông nổi, vì cơn ghen mù quáng đã phải nhận án 18 năm tù, trong những lần lên Phú Sơn công tác.

Lần nào người đàn bà ấy cũng khóc, dường như nước mắt là thứ tài sản duy nhất và rất sẵn của chị ta. Và lần nào người đàn bà ấy cũng khắc khoải: "Lần sau các chị lên công tác, làm ơn cho hai cháu nhà em lên cùng nhé, em nhớ chúng nó lắm...".

Lạc mẹ

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, mọi đứa trẻ sinh ra trên cuộc đời này đều không có lỗi, nhưng chúng lại luôn phải chịu những hệ lụy do tội lỗi của bố mẹ mình gây ra. Có những lỗi lầm của cha mẹ khiến họ cả cuộc đời này không có cơ hội được gần gũi, chăm sóc con cái, có những người nhìn thấy đường về thì cũng phải mất một thời gian khá dài để trả giá cho tội lỗi của mình. Quãng thời gian ấy, con cái họ lớn lên như thế nào, ăn học ra làm sao, luôn là nỗi đau đớn, day dứt của họ.

Nguyễn Thị Minh Hiền cũng thế, Hiền bị bắt vì tội giết người. Can axit mà chị ta mang đến nhà tình địch đã cướp đi sinh mạng của một bé trai (con của người chồng và tình địch khi ấy mới được vài tháng tuổi), còn mẹ nó đã vĩnh viễn bị hủy hoại dung nhan và mất đi 81% sức khỏe.

"Nhiều lúc ngồi thần người nghĩ, không biết giờ này bọn trẻ làm gì, ở đâu, em sốt ruột phát điên lên được, cứ đi ra đi vào, các chị cùng phòng lại mắng cho. Bất lực quá chỉ biết ngồi khóc. Sáng nay, em ngồi làm mi giả mà bụng nóng như lửa đốt, đến nỗi không sao làm nổi, phải đi gội đầu. Em nói với các chị cùng buồng, có khi hôm nay nhà em có người lên thăm các chị ạ. Gội đầu xong, em vẫn bồn chồn, chẳng làm được gì lại ngồi khóc. Em không nghĩ là được gặp hai cháu ngày hôm nay, từ khi em vào đây, các cháu chỉ được dì, cậu, ông nội cho lên một vài lần, chưa kịp thỏa nỗi nhớ thì đã lại chia tay. Lúc cán bộ bảo ra ngoài, em tưởng phải chuyển K, đến khi nhìn thấy hai chị em nó, em mừng quýnh cả chân".

Hai chị em Dung đã chứng kiến cảnh tượng đau lòng, khi mẹ nó cầm can axit dội thẳng vào đứa em cùng cha khác mẹ. Chúng được chở đến với mục đích ban đầu của người mẹ là để gây sức ép với cha chúng, nhưng vừa nhìn thấy mẹ con nó đến, bố chúng đã phi ra đánh mẹ chúng tới tấp. Cơn ghen và cả cơn điên loạn lên đến đỉnh điểm, Hiền trút tất cả nỗi hận thù vào can axit mang theo.

"Vào trong này, em ở cùng buồng với chị Đỗ Thị Kim Duân, cũng hoàn cảnh giống em, hai chị em thân nhau lắm vì có nhiều cái đồng cảm" (Đỗ Thị Kim Duân là nhân vật đã dùng kim khâu lốp đâm vào thóp của cháu bé sơ sinh, con của chồng mình và tình địch). "Nghĩ lại thấy sao đàn bà mình thật ngu dại. Có hai lần chồng em lên thăm, em khuyên anh ấy thỉnh thoảng phải đến chăm sóc cô ta (nạn nhân của Hiền), anh ấy cũng ừ hữ cho qua chuyện, nhưng hình như họ bỏ nhau rồi thì phải. Nghe nói dạo này anh ta lại ở với một cô gái khác và có con với cô gái này rồi. Đàn bà mình sống vì con thôi chị ạ, chồng thì cũng đến thế thôi".

Hai đứa trẻ lạc mẹ từ khi còn chưa kịp khôn, thế nên dù rất háo hức đi thăm mẹ nhưng phải nói mãi, cậu bé Trung mới rụt rè sà vào lòng mẹ. Với nó, mẹ là một khái niệm khá mơ hồ, đêm nó ngủ với chị gái, thủ thỉ mọi chuyện với chị gái, còn mẹ, hình như lần này là lần nó được ôm mẹ lâu nhất.

Nguyễn Thị Minh Hiền và con trai.

Cả buổi trưa, mẹ con Hiền nằm ôm nhau trên chiếc giường ở buồng hạnh phúc của Trại giam. Căn buồng này, Hiền chưa một lần được "hạnh phúc" cùng người chồng vẫn có tên trong tờ kết hôn, nhưng hôm nay, chị ta cảm nhận được niềm hạnh phúc thực sự khi hai bên là hai đứa con, Hiền bảo, ước gì buổi trưa hôm nay kéo dài mãi, không cần ăn uống gì cũng thấy no lắm, sung sướng lắm. (Tôi đã trình bày hoàn cảnh của mẹ con Hiền với Ban giám thị Trại giam và được các anh tạo điều kiện cho phép mẹ con Hiền gặp nhau cả buổi trưa trong căn buồng hạnh phúc). Hai đứa trẻ cũng ríu rít nói với tôi: "Cô ơi, chúng con không đói đâu, cô không phải mua gì đâu ạ, được ôm mẹ thế này, con nhịn đói cũng được".

Lời lẽ của những đứa trẻ, nghe sao thấy nghẹn lòng. Chúng có lỗi gì đâu mà cuộc đời lại bắt chúng chịu nhiều bất hạnh thế. Mẹ đi tù đã đành, người bố cũng bỏ đi luôn, thỉnh thoảng mới về quăng cho ông nội ít tiền nuôi chúng nó. Hiện giờ anh ta thuê nhà ở đâu, sống với ai, cũng chẳng ai biết, có thể người đàn ông ấy đang vui vầy với một cuộc sống mới, vợ mới, con mới như dư luận đồn đại mà Hiền từng nghe. Lạ là Hiền vẫn khắc khoải nhớ chồng, thỉnh thoảng được cán bộ cho phép gọi điện, số điện thoại đầu tiên chị ta bấm vẫn lại là số của chồng. Hai đứa trẻ sống nhờ vào đồng lương hưu còm cõi của ông nội, dù thương con dâu, thương các cháu, nhưng ông cũng không thể nào thường xuyên đưa các cháu lên thăm mẹ được, thế nên khi biết chúng tôi sẽ cho các cháu đi cùng chuyến công tác lên trại, ông nghẹn ngào cảm ơn.

"Hạnh phúc gia đình là gì hả mẹ?"

Hôm nay, hai đứa mặc hai bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất mà người dì mới mua cho, nhưng Trung lại đi một đôi giày của... con gái. Chính nó và có thể cả chị nó cũng không biết đó là giày con gái, Hiền cũng hiểu điều ấy, chị ta chẹp miệng: "Giá mà mẹ ở nhà thì đâu đến nỗi...". Chị em Dung mang vào cho mẹ một hộp mì tôm, vài gói bánh gạo rẻ tiền, ông nội gửi cho mẹ nó vài trăm nghìn tiền lưu ký.

Quà đi thăm mẹ của chúng chỉ có thế, nhưng Hiền vui lắm, niềm vui cứ chan chứa ra ngoài ánh mắt, chị ta ôm chặt chiếc túi nilon, bên trong có hai bức thư của hai đứa con mà hôm qua, tôi đã dặn chị em Dung viết, cùng mấy tấm ảnh chụp chị em nó với ông bà nội trong một đám cưới của người họ hàng. "Em om thư cho nó sướng chị ạ, tí nữa vào trong kia em mới đọc. Con bé Dung viết thư hay lắm, lần nào gửi lên, em cũng cho các chị cùng buồng đọc cùng, ai cũng khen con bé viết thư hay, có năng khiếu viết văn". "Sao không đọc ngay mà phải tí nữa mới đọc? - tôi hỏi Hiền. "Thì bây giờ mẹ con em đang gặp nhau, còn thư phải để dành, trong ấy bọn em gọi là om thư".

Hạnh phúc của những kẻ đang ở sau song sắt, hóa ra không phải là những bữa ăn ngon, mà nó đến từ những niềm vui gom góp được tưởng rất nhỏ bé, vụn vặt: Là một lời động viên, là một tấm giấy khen học sinh giỏi, là câu chuyện kể rất đỗi hồn nhiên ở trường, là những lời thì thầm cuối thư "con yêu mẹ".

Những phạm nhân như Hiền sẽ ép những tấm hình, những bức thư ấy chặt trong lồng ngực, để đêm đêm, hình ảnh của những đứa con và những lời nói yêu thương của chúng sẽ hiện ngay trước mắt, đó là một liều an thần tốt nhất, dịu dàng nhất đến trong giấc ngủ của họ: "Mẹ ơi, dạo này mẹ có khỏe không ạ. Mẹ cố cải tạo tốt để về sớm với hai chị em con. Năm nay con được đi thi học sinh giỏi toán đấy mẹ ạ. Công việc mẹ làm có tốt không, mẹ nhớ giữ sức khỏe và cải tạo tốt, mẹ nhớ viết hai bức thư, cho con một bức, chị Dung một bức...".

"Hồi em ở nhà, cháu mới lên 4, thế mà viết thư giờ cũng siêu phết. Khổ thân, đêm toàn ngủ với chị, có biết hơi mẹ là gì đâu" - Hiền đọc thuộc lòng từng bức thư của con, cậu bé Trung thì vẫn ngây ngô, tồ tệch, nhưng cô bé Dung thì đã sâu sắc lắm rồi, và mỗi lần nhận được thư con gái là một lần Hiền lại day dứt tâm can.

Hiền đọc thuộc lòng cho tôi nghe một đoạn thư mà con gái viết khiến Hiền khóc rất nhiều vì ân hận: "Con và em nhớ mẹ lắm, nhất là vào mùa hè này. Con nhớ những buổi tối mùa hè ngày mẹ còn ở nhà ấy, ba mẹ con mình, chỉ ba người thôi, mẹ đưa con và em đi chơi, đi hóng mát. Con muốn được ôm mẹ, ngồi sau xe đạp của mẹ, dựa vào lòng mẹ để mẹ chở che cho con. Con là một đứa nhát gan và ít nói nên lúc bé con không lúc nào xa mẹ được. Lúc đó con không lý giải được vì sao con lại bám mẹ như vậy, nhưng bây giờ con đã tự trả lời được câu hỏi con đã đặt ra. Đó là vì ở bên mẹ, con cảm thấy ấm áp và an toàn. Mẹ ơi, bây giờ con rất cần, rất cần cảm giác đó mẹ có biết không. Một mình con sợ lắm. Mẹ biết là con không thể sống thiếu mẹ mà sao mẹ vẫn bỏ con đi. Một mình con sống làm sao nổi? Nhiều lúc con ghét mẹ vì mẹ đã xa hai chị em con như vậy. Nhưng con còn ghét bản thân con hơn, con hận con, vì con mà mẹ mới như vậy. Nếu không có con thì mẹ đã không phải làm như vậy phải không mẹ. Sao cuộc đời lại trớ trêu như thế, con thương mẹ lắm! Dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì con và em cũng chỉ có một người mẹ, đó chính là mẹ. Từ ngày mẹ đi đến nay đã hơn 4 năm rồi, chừng ấy thời gian đã cho con biết thế nào là cô đơn. Hạnh phúc gia đình là gì hả mẹ, con đã 17 tuổi nhưng con không trả lời được câu hỏi đó. Trái tim con dường như đã chết một nửa rồi. Càng ngày nó càng đau, càng rỉ máu nhiều hơn. Mẹ ơi, con phải làm gì để sống tiếp những ngày sau không có mẹ. Tương lai của con sẽ thế nào, mẹ có biết hàng ngày con thèm khát gọi tiếng mẹ lắm không. Một điều con mong ước chỉ là hàng ngày đi học về, con được sà vào lòng bố mẹ, được gọi bố mẹ và kể cho bố mẹ nghe những gì con đã làm. Đi học, nghe bạn bè kể về bố mẹ họ, con không thể chịu được, lúc đó con không biết phải làm sao. Những hôm mưa bão, nhìn các bạn được bố mẹ đưa đi học, con thường ghen tị với họ. Hôm nay là sinh nhật con, mẹ về với con đi. Nước mắt con đã cạn khô, cổ họng con đã đau rát mà sao vẫn không thấy mẹ. Bố không về mẹ ạ...".

Cậu bé Trung ngồi ngỏng cổ nghe mẹ nó và tôi trò chuyện. Cả buổi nó chẳng nói câu gì, nhưng đến khi lên xe về, mắt nó chợt ướt nhòe. Chị nó ngồi cạnh quát em: "Trung, không được khóc", nhưng trên gương mặt cô bé, nước mắt đã chan chứa tự bao giờ. Thò đầu qua cửa, Trung chìa mãi bàn tay bé xíu về phía mẹ...

Hiền Anh – CSTC tuần số 68
.
.
.