Từ thứ 5 đến thứ 5

Thứ Tư, 12/10/2011, 14:36
Vàng lao dốc, bị móc ngoặc làm giá, người dân vẫn đội mưa gom mua; Bộ Y tế - cơ quan quản lý nhiều bệnh viện có tài chữa giỏi bệnh nan y lại mệt mỏi "bắt bệnh" trước các đơn tố cáo tiêu cực; chuyện "ngõ nhỏ, phố nhỏ" bỗng bị xẻ đôi; rồi một ông Vụ phó tự xưng chuyện thi toán quốc tế để tranh luận với Bộ trưởng…

1. Thị trường vàng không minh bạch

CSTC tháng trước cảnh báo việc ngược dân đội mưa đi mua vàng cao ngất với 4,8 - 4,9 triệu đồng/chỉ, rằng rất có thể vàng đã chạm đỉnh, bong bóng sẽ nổ. Số là khi bất động sản, chứng khoán bị xèo, người dân dồn tiền vào vàng, coi đó kênh trú ẩn an toàn như "vịnh tránh bão". Nhưng khi bão vào vịnh, những đợt gió giật sẽ cuốn phăng tất cả. 

Giờ đây, dường như cảnh báo ấy đang chứng tỏ sự thật. Chuyên gia lúc nào cũng nói theo gió, chả là tháng trước vàng sốt, họ đồng loạt dự báo vàng sẽ lên 3.000 USD/lượng, nay vàng xuống lại nói có thể về mốc 1.000 đô la. Nói họ là "Gia Cát… Dự" cũng không sai. Đảm bảo rằng, tháng trước, không có Gia Cát nào nói sang tháng 9 vàng rớt giá cả. Sự thật xoay 180 độ.

Vàng lao dốc, dân đổ xô đi mua hòng vớt "cá vàng". Nhà vàng được dịp làm giá. Thực ra thì thấy cửa hàng vàng có cả nghìn người chờ mua, ai dại gì không bỏ cái giá cũ trên bảng điện tử để thêm vào đó dăm trăm nghìn một chỉ nữa. Đổ xô đi mua, tưởng thế rẻ lắm rồi, đâu ngờ giá ấy đang bị neo cao hơn những 4,4 triệu đồng/lượng so thế giới. Mà theo Ngân hàng Nhà nước, giá trong nước với thế giới chênh 400 nghìn đồng đã là có vấn đề, đằng này gấp những 11 lần.

Có một quy luật vàng đang tái hiện. Vàng từng lập đỉnh năm 1980 rồi mất giá tới 22 năm, bắt đầu lao lên từ 2002 tới nay và dường như sau khi đã lên đỉnh vào tháng 8 vừa rồi, vàng đang như tiều phu trở về với "thung lũng" giá trị thật của mình.

2. Phố nhỏ, ngõ nhỏ, phân luồng giao thông khó hiệu quả

Hơn tuần nay, người dân đã làm quen với việc đường phố Bà Triệu, Phố Huế, Hàng Bài (Hà Nội) bị "xẻ đôi" bởi một cọc chôn ở giữa, dựng lên đó cái biển báo có hai hình: ôtô bên trái, xe máy, xe đạp bên phải. Mấy ngày đầu, cảnh sát, dân phòng, thanh tra… phải đứng túc trực đề phòng người dân "qua ngõ nhà em" lạc lối, lạc đường. Ngành Giao thông giải thích: Đường phố muốn văn minh phải có làn xe ôtô riêng, xe máy riêng, không chung chạ được. Ban đầu, người dân chưa tự giác thì nói nhiều, làm nhiều họ sẽ tự giác.

Nghe nói, đây là cách làm được copy ở nhiều thành phố lớn trong khu vực như Bắc Kinh, BangKok. Quả thực, các nước người ta làm chuyện đó lâu rồi, ôtô và xe máy chỉ là bạn đứng cạnh nhau ở góc nhà, gara chứ đã ra đường lớn thì tuyệt nhiên không chung chạ được, ô tô không hà cớ gì kết bạn với cái anh hai bánh vốn đi thi đứng, đứng thì ngã chỏng vó, lại bị tiếng là kẻ chuyên gây nhũng nhiễu, tai nạn (vì thế mà người ta đang tính luôn chuyện cấm xe máy cho rảnh mắt). 

Nhưng xem kỹ thì các nước người ta đều phân làn ở các đại lộ, những tuyến phố lớn. Thế nên đã ra đại lộ thẳng băng thì ôtô, xe máy, đường ai nấy đi. Còn ở mình, nếu áp dụng ở cao tốc Pháp Vân, ở đại lộ Thăng Long thì tất nhiên phải đúng. Nhưng phố Bà Triệu, Hàng Bài, đều là phố bàn cờ, làn đường lại nhỏ, cứ hơn trăm mét lại có ngã tư. Đùng cái, xẻ đôi đường, xe máy đi bên phải thì hơn trăm mét lại vèo qua mặt ôtô để rẽ trái, ôtô cũng giỡn mặt xe máy để rẽ phải. Thế là cãi nhau. Thế là lại tắc.

3. Rối rắm đơn thư, thuốc "hết bệnh"

Là Bộ quản lý nhiều bệnh viện tiên tiến, bắt bệnh, đoán bệnh trúng ngay. Nhưng quả thực, cái chuyện đơn thư có danh và không danh cứ dồn dập gửi về cơ quan Bộ đồng kính gửi các cơ quan khác khiến Bộ Y tế đau đầu. Chưa biết đúng sai ra sao, mấy tuần nay đã thấy tràn lan trên báo giấy, báo mạng khiến tên tuổi của những người bị tố cáo bỗng dưng… nổi tiếng ngược. Cái thời nay, những chuyện lùm xùm đụng người có ghế cao hơn ghế thường một chút là thấy báo chí râm ran rồi, nhưng đằng sau đó hẳn còn nhiều lẽ. Những kẻ viết đơn cứ làm kiểu nhỏ giọt, nay tố một tý, mai thêm vài tý nữa, rồi cứ thế dồn lên.

Chưa biết thực hư ra sao, bởi kết luận những gì ghi trong đơn tố cáo cũng không phải dễ dàng. CSTC nhận thấy, chuyện tố cáo, khiếu nại thì đúng là không mới. Nếu quả thực những nội dung tố cáo là đúng sự thật, thì đó là sai phạm phải xử lý người bị tố cáo. Nhưng tố cáo lùm xùm nhỏ giọt, nay kích báo này, mai mượn báo kia, làm rối rắm nội bộ và lũng đoạn thông tin, thì phía tố cáo cũng cần làm rõ động cơ và các khuất tất khác.

4. Không thi toán quốc tế sao mạo nhận thi?

Cuộc hội thảo của Bộ Tài chính hôm 20/9 đã dịu bớt, nhưng dư âm việc ông Vụ phó Nguyễn Lộc An nổ chuyện thi toán quốc tế vẫn khiến dư luận và cộng đồng mạng bàn tán không ngớt. Tại cuộc hội thảo trên, khi nói với Bộ trưởng Vương Đình Huệ về chuyện tính toán lỗ lãi xăng dầu, ông An cho rằng mình từng thi toán quốc tế (nên cách tính chắc phải chuẩn).

Theo PGS, TS Ngô Trí Long, nghe ông An phát biểu vậy, sau hội thảo ông đã chờ gặp ông An ở cửa phòng họp để hỏi: "Cậu thi toán quốc tế năm nào?". Ông An đáp thi năm 1982. Lúc đó PGS Ngô Trí Long tin rằng, ông không nhớ nhầm. Nhưng kết quả xác minh từ Bộ GD&ĐT cho thấy, không có ai tên là Nguyễn Lộc An đi thi toán quốc tế. Như vậy, ông An đã xưng giả "thi toán quốc tế". Được biết, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sau khi nghe thông tin sự việc nêu trên đã rất bất ngờ về thái độ ứng xử của ông Nguyễn Lộc An và gọi ông này lên giải trình, có thể xem xét kỷ luật.

Một độc giả bình luận trên mạng rằng, giỏi như Giáo sư Ngô Bảo Châu, ông cũng rất khiêm nhường, không thấy ông đưa giải thưởng danh giá của mình ra làm oai, đằng này không thi lại nói có thi

PV – CSTC tuần số 78
.
.
.