Tường thuật chi tiết vụ truy bắt sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện

Thứ Hai, 10/10/2011, 20:04
16h chiều 31/8, sát thủ Lê Văn Luyện đã sa lưới tại biên giới Lạng Sơn. Đúng 1 tuần kể từ khi vụ án xảy ra, tất cả đều thở phào khi tên hung thủ của vụ án cuối cùng đã bị bắt. Đi theo vụ án cướp tiệm vàng Ngọc Bích từ những ngày đầu, phóng viên chúng tôi đã có mặt tại Đồn biên phòng Na Hình (huyện Vũ Lãng, Lạng Sơn) trong thời gian nhanh nhất có thể để tường thuật lại những chi tiết về cuộc vây bắt sát thủ.

Những manh mối đầu tiên của vụ án

Sáng 24/8, tại tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn - huyện Lục Nam - Bắc Giang), người dân phố Sàn đã phát hiện ra vợ chồng anh Trịnh Thanh Ngọc cùng con gái Trịnh Phương Thảo (18 tháng tuổi) bị giết dã man. Cháu Trịnh Ngọc Bích (9 tuổi) - con gái lớn của vợ chồng anh Ngọc may mắn thoát chết nhưng bị chém đứt lìa một tay. Đây là vụ thảm án chưa từng có tại vùng quê bình yên này. Vụ án mạng đã gây ra sự kinh hoàng, chấn động dư luận trong suốt những ngày qua. Thông tin về việc truy bắt hung thủ của vụ án là điều được hầu hết độc giả cả nước quan tâm.

Vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Bộ Công an đã quyết định thành lập ban chuyên án, phối hợp với Công an Bắc Giang phá án. PC45 Công an Bắc Giang cùng các phòng nghiệp vụ khác và một số lượng lớn các cán bộ, trinh sát của Công an các huyện trong tỉnh được huy động để tập trung phá án trong thời gian sớm nhất. Suốt từ ngày đầu tiên cho đến ngày 31/8 vừa qua - tính đến trước thời điểm bắt được Lê Văn Luyện, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an đã luôn có mặt trên mọi nẻo đường để xác minh thông tin vụ án và truy tìm hung thủ. Các cửa khẩu đã được phong tỏa. Lực lượng Công an 10 tỉnh lân cận địa phận Bắc Giang cũng được yêu cầu phối hợp phá án với ban chuyên án.

Sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện.

Trong vụ thảm sát ở tiệm vàng Ngọc Bích, cháu Trịnh Ngọc Bích là nạn nhân duy nhất sống sót. Việc cháu Ngọc Bích thoát chết và được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nối lại thành công cánh tay bị chặt đứt được coi là một điều kỳ diệu. Cháu Bích cũng là nhân chứng duy nhất của vụ án, cung cấp những manh mối quý giá về diễn biến của vụ thảm sát cho cơ quan điều tra. Chính bởi vậy trong suốt những ngày qua, cháu Bích đã được chăm sóc và bảo vệ nghiêm ngặt ở Bệnh viện Việt Đức, người thân trong gia đình cũng rất hạn chế được vào thăm.

Tuy trải qua những giây phút kinh hoàng khi đối mặt với sát thủ và phải chứng kiến cái chết đau đớn của bố, mẹ và em gái nhỏ tuổi, nhưng cháu Trịnh Ngọc Bích vẫn đủ tỉnh táo để cung cấp cho cơ quan điều tra những manh mối quý giá. Theo lời cháu Trịnh Ngọc Bích kể thì vụ án xảy ra vào gần 6h sáng 24/8.

Lúc này vợ chồng anh Ngọc và hai con gái đã thức dậy. Trong khi hai vợ chồng anh Ngọc dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị mở cửa tiệm thì cháu Ngọc Bích cũng đã kịp mặc đồng phục học sinh đến trường. Khi anh Trịnh Thanh Ngọc đi lên tầng 3 để phơi quần áo, hung thủ đột nhập từ ngoài vào đã đứng chờ sẵn ở đó bất ngờ tấn công anh Ngọc. Trong lúc chống cự, giằng co, anh Ngọc đã làm hung thủ của vụ án bị thương ở tay. Nhưng với con dao cầm theo, hung thủ đã đâm chết anh Ngọc ở cầu thang. Sau khi giết chết anh Ngọc và chị Chín, hung thủ đã vào buồng ngủ của vợ chồng anh Ngọc với dã tâm giết nốt 2 cháu bé.

Theo lời cháu Ngọc Bích kể lại thì hung thủ của vụ án là 2 thanh niên trẻ tuổi. Khi bé Phương Thảo khóc, bọn chúng đã dỗ dành bé nhưng không được. Chính vì thế mà chúng đã ra tay dã man với cháu bé 18 tháng tuổi. Cháu Ngọc Bích cũng bị chúng chém đứt lìa bàn tay và chém nhiều nhát vào người. Nghĩ rằng cháu Ngọc Bích đã chết, hung thủ bỏ đi. Một lúc sau tỉnh lại, cháu Ngọc Bích mới tìm cách gọi điện thoại cầu cứu người thân.

Từ lời khai của cháu Ngọc Bích và các manh mối để lại hiện trường, các trinh sát Công an đã ngay lập tức nhập cuộc xác định và truy tùm hung thủ vụ án. Xác định ít nhất có một đối tượng đã bị thương nên ban chuyên án đã chỉ đạo các trinh sát xác minh về những đối tượng bị thương trên địa bàn. Một tin tức quý giá có được từ Trạm y tế xã Thanh Lâm - huyện Lục Nam cho biết: có một thanh niên trẻ tuổi đã đến trạm y tế xã băng bó trong buổi sáng cùng ngày. Thanh niên này tên là Lê Văn Luyện (trú tại thôn Sơn Đình 2 - xã Thanh Lâm - huyện Lục Nam - Bắc Giang). Theo lời các y tá đã khâu vết thương cho Lê Văn Luyện thì khi được hỏi, Luyện từ chối nói lý do vì sao bị thương.

Thu thập những thông tin về đối tượng Lê Văn Luyện, các trinh sát phát hiện thêm những manh mối mới: trước đó, vào 8h sáng cùng ngày 24/8, trước khi vụ án được phát hiện, có một số nhân chứng đã nhìn thấy Lê Văn Luyện lảng vảng quanh khu vực phố Sàn. Bằng một số biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã xác định Lê Văn Luyện chính là nghi can của vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích.

Trưa 29/8, lực lượng Công an đã bất ngờ ập vào khám xét nhà Lê Văn Luyện ở xã Thanh Lâm nhưng Lê Văn Luyện đã kịp bỏ trốn. Tuy vậy, Công an vẫn thu được tang vật của vụ án, với số lượng vòng và nhẫn vàng ước tính khoảng 50 cây. Số tang vật này được bố Lê Văn Luyện là Lê Văn Miên chôn gần chuồng lợn.

Cùng ngày 29/8, công an đã tạm giữ hình sự đối với ông Lê Văn Miên, bà Trương Thị Thơm (mẹ Luyện) và anh họ Luyện là Trương Thanh Hồng. Được biết trước ngày xảy ra vụ án, Luyện đã mượn chiếc xe máy của một người bác rồi mang đi cầm đồ. Khi biết chuyện, ông Miên đã vô cùng tức giận, bắt Luyện phải chuộc lại cái xe bằng mọi giá.

Tên Luyện bị bắt.

Theo lời khai của Trương Thanh Hồng thì sáng 24/8, Hồng nhận được điện thoại của Luyện nhờ ra phố Sàn đón. Khi đến nơi, Hồng thấy tay Luyện đẫm máu, phải dùng giấy vệ sinh cầm máu tạm thời. Sau khi đưa Luyện đến trạm y tế xã khâu và băng bó vết thương, Hồng đưa Luyện ra bắt xe lên Lạng Sơn trốn. Trước khi đi, Luyện có để lại một bức thư cho gia đình: "Bố mẹ ơi, con bất hiếu xin lỗi. Con không muốn 2 em con phải khổ đâu. Từ giờ bố mẹ coi như đã không đẻ ra đứa con bất hiếu này. Tạm biệt bố mẹ. Hai em à, hai em nhớ học hành cho tốt, đừng bất hiếu như anh". Luyện có đưa cho Hồng 2 sợi dây chuyền vàng và tờ giấy cầm đồ, nhờ Hồng đi chuộc xe máy. Nhưng vì quá sợ hãi, Trương Thanh Hồng đã mang 2 sợi dây chuyền này về giao lại cho bố mẹ Luyện.

Sau khi trốn lên Lạng Sơn vào nhà người cô ruột, Luyện đã gọi điện về nhà nhờ bố cất giấu số tiền vàng. Đoán biết con trai mình chính là người gây ra vụ án ở tiệm vàng Ngọc Bích, ông Miên đã gặng hỏi con. Nhưng vì tình thương mù quáng, ông Miên đã không tố giác Luyện với cơ quan điều tra mà còn có hành vi bao che cho Luyện khi đem số vàng Luyện để lại chôn ở khu vực gần chuồng lợn của gia đình. Mẹ Luyện cũng có liên quan vì đã giặt bộ quần áo dính máu mà Luyện mặc để gây án.

Sa lưới ở biên giới

Từ ngày 29/8 đến ngày 31/8, việc truy bắt Lê Văn Luyện được đẩy mạnh. Ban chuyên án quyết tâm không để Luyện trốn thoát bằng mọi giá. Bằng công tác nghiệp vụ, ban chuyên án xác định Lê Văn Luyện đã cướp của chủ tiệm vàng Ngọc Bích một chiếc điện thoại và mang theo khi bỏ trốn. Sau vài ngày dùng chiếc điện thoại này, Luyện bán nó cho một cửa hàng điện thoại di động ở huyện Vũ Lãng (Lạng Sơn). Tại đây Luyện có một người cô tên là Lê Thị Định (Sn 1980, trú tại thôn Nà Tổng, xã Trùng Khánh, huyện Vũ Lãng, Lạng Sơn). Người cô này lấy chồng ở đây và sống bằng nghề làm nông.

Nhận định nhiều khả năng Lê Văn Luyện đang trốn quanh khu vực nhà người cô này, ban chuyên án đã đề nghị sự phối hợp từ BĐBP tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là đồn biên phòng Na Hình (đồn biên phòng Na Hình là đồn trực tiếp quản lý địa bàn xã Trùng Khánh).

Ngay sau khi nhận được thông tin từ ban chuyên án vào ngày 29/8, chỉ huy đồn Na Hình đã lập tức yêu cầu các cán bộ trinh sát của đồn đi xác minh thông tin về đối tượng này. Tiến hành xác minh địa bàn và dựa vào các nguồn tin từ quần chúng, các trinh sát xác định thời điểm đó Lê Văn Luyện không có mặt trên địa bàn đồn quản lý và nhận định nhiều khả năng Luyện đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc và lẩn trốn bên đó.

Tuy nhiên trước đó, theo một số thông tin từ người dân địa phương, thì đã có người nhìn thấy Lê Văn Luyện đi lại quanh các con đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới. Bộ Công an đã có công hàm trao đổi với công an Trung Quốc để phối hợp tuần tra, kiểm soát quyết liệt, không để đối tượng có cơ hội lợi dụng lẩn trốn bên đó.

Sau 3 ngày tích cực theo dõi, ngày 31/8, đồn biên phòng Na Hình nhận được thông tin Lê Văn Nghị - người chú rể của Lê Văn Luyện (chồng của Lê Thị Định) đã sang Trung Quốc với lý do đi mua phân bón. Nhận định rất có thể chiều hôm đó Lê Văn Luyện sẽ theo Lê Văn Nghị về Việt Nam, trưa ngày 31/ 8 trinh sát bộ đội biên phòng đã phối hợp với lực lượng công an tổ chức 3 tổ công tác mai phục ở khu vực biên giới: mũi thứ nhất nằm ở khu vực giáp với Tràng Định, mũi 2 nằm ở mốc 1060, mũi 3 nằm ở mốc 1057. Đúng 16g chiều 31/8, khi Lê Văn Luyện đi qua đường tiểu ngạch gần mốc 1057 về Việt Nam, mũi công tác thứ 3 do đồng chí Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ (đồn trưởng đồn biên phòng Na Hình) đã lập tức khống chế Luyện. Dường như đã biết trước được sẽ khó tránh khỏi lưới trời lồng lộng, Lê Văn Luyện ngoan ngoãn đi theo các trinh sát về đồn.

Những người lính biên phòng ở đồn Na Hình bên cạnh chiếc xe "chuồng gà" đi xuống nhận khen thưởng đặc biệt của Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong việc truy bắt hung thủ giết người, cướp của Lê Văn luyện (trong ảnh, thượng tá Nguyễn Năng Nhạ đứng thứ 2 từ phải sang).

Lúc lên xe, Lê Văn Luyện có nói với Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ: "Các chú hãy bắn chết cháu đi". Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ lập tức trấn an Luyện: "Không ai bắn cháu cả. Nhưng cháu phải trở về để chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mấy ngày qua cháu có thể không xem ti vi, không đọc báo nên không biết tin tức gì về gia đình. Cháu gọi điện về nhà nhờ bố cháu cất vàng, nên bố mẹ cháu vì cháu mà đều bị liên lụy. Bố mẹ cháu đã bị bắt, vì che giấu hành vi phạm tội của cháu. Cháu có trách nhiệm trở về, đối diện với tội lỗi mình đã gây ra, khai báo thành khẩn để  giúp bố mẹ cháu được nhẹ tội. Cháu cũng là anh cả trong nhà, hãy cư xử cho đúng một người anh lớn". Câu nói của Thượng tá Nhạ dường như đã tác động đến tâm lý của Luyện. Sau khi về đồn, Luyện tỏ ra rất thành khẩn trong việc khai báo.

Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ cho biết, trước đó điều mà Bộ Công an cũng như lực lượng biên phòng lo lắng nhất chính là việc Lê Văn Luyện có thể tự sát. Thế nên khi bắt được đối tượng, các anh đã dùng nhiều biện pháp tâm lý để củng cố tinh thần cho Luyện, cũng như giám sát Luyện chặt chẽ, phòng đối tượng có ý định tự tử.

Tại đồn biên phòng Na Hình, Luyện đã bước đầu khai báo về hành vi phạm tội của mình. Theo lời khai ban đầu của Luyện, thì Luyện gây án 1 mình, không có đồng phạm nào khác. Luyện cho biết, sau khi bỏ trốn lên Lạng Sơn tá túc ở nhà cô, biết có thể Công an sẽ tìm đến, Luyện đã tìm cách trốn sang Trung Quốc. Luyện đã nhờ chú rể Lê Văn Nghị đưa sang Trung Quốc trốn.

Rạng sáng ngày 28/8, Luyện được chú rể đưa ra đường mòn khu vực biên giới. Đi cùng còn có Hoàng Văn Trai (sinh năm 1978, người ở thôn Nà Tổng). Hoàng Văn Trai đã đưa Luyện vượt biên sang Sùng Thổ, Bằng Tường, Trung Quốc. Khi đến Bằng Tường, Hoàng Văn Trai đưa Luyện vào nhà một người phụ nữ tên Lan (sn 1969), lấy chồng bên Trung Quốc, cũng là người cùng thôn với chú rể của Luyện. Luyện đã ở lại nhà người phụ nữ tên Lan này cho đến ngày 31/8 thì bồn chồn, lo lắng, nên đã liên lạc với chú rể để tìm cách về Việt Nam. Khi về đến khu vực biên giới tại mốc 1057, Luyện đã bị bắt như đã nói ở trên.

Cũng theo lời khai của Luyện thì khi đi trốn, Luyện mang theo 6 dây chuyền, 8 nhẫn và 2 lắc tay. Nhưng vì không dám mang số vàng này đi bán, cũng không dám mang theo người, Luyện đã cho số vàng này vào 2 cái lọ rồi giấu xuống dưới hầm nhà vệ sinh tại nhà người cô. Sau khi Luyện bị bắt, một nhóm công tác đã được cử xuống nhà người cô của Luyện và thu số tang vật này về.

Những câu chuyện nhỏ ghi lại ở Na Hình và bữa cơm lúc nửa đêm

Tin sát thủ Lê Văn Luyện bị bắt ở biên giới Lạng Sơn vào chiều ngày 31/8 đã thực sự khiến rất nhiều người vui mừng, thở phào nhẹ nhõm, khi cuối cùng kẻ gây ra tội ác sẽ phải đứng trước pháp luật và đền tội cho những gì hắn đã gây ra. Chiều ngày 31/8, nhóm phóng viên chúng tôi đã đi quãng đường dài trên 200km từ Hà Nội lên đồn biên phòng Na Hình để kịp phản ánh những thông tin mới nhất về vụ án cũng như việc truy bắt đối tượng Lê Văn Luyện. 

Trên đường vào đồn, chúng tôi đã kịp ghi lại hình ảnh về chiếc xe của lực lượng Công an di lý Lê Văn Luyện về Bắc Giang. Phía sau là một đoàn phóng viên các báo, đài từ Trung ương về đồn Na Hình đưa tin, phản ánh. Chưa bao giờ khu vực biên giới này xuất hiện nhiều nhà báo đến thế. Đoạn đường cuối vào đồn biên phòng Na Hình dài khoảng 5km vô cùng khó đi, chiếc xe ô tô của nhóm phóng viên chúng tôi buộc phải để lại dọc đường rồi đi nhờ một chiếc xe tải hạng nặng vào khu vực đồn. Gặp 3 cán bộ, chiến sĩ của đồn biên phòng Na Hình trên đường về, chúng tôi xin đi nhờ và được các anh đưa vào đồn Na Hình khi kim đồng hồ đã điểm gần 12g đêm.

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ (đồn trưởng đồn biên phòng Na Hình) đón chúng tôi bằng một tràng cười rất sảng khoái, có lẽ là do anh chưa hết vui mừng vì đã bắt được đối tượng nguy hiểm Lê Văn Luyện. Anh ôm lấy các phóng viên như để chia sẻ niềm vui: "Cho nhà báo từ Thủ đô lên biên giới ngửi mùi hôi của Bộ đội Biên phòng chúng tôi. Đã 3 ngày nay tôi chưa được tắm". Không chỉ chưa được tắm, phóng viên chúng tôi biết có lẽ 3 ngày nay, Thượng tá Nhạ cũng không có thời gian ngủ. Đôi mắt trũng sâu của anh đã nói lên điều đó.

3 ngày vừa qua, từ khi nhận được yêu cầu phối hợp từ phía Công an, các cán bộ, chiến sĩ đồn Na Hình đã không quản ngày đêm để  thu thập thông tin và phối hợp với lực lượng Công an truy bắt đối tượng Lê Văn Luyện. Sau 3 ngày ăn không ngon, ngủ không yên, cuối cùng tất cả các anh đã có thể yên tâm khi hung thủ của vụ án đã sa lưới. Niềm vui bắt được Lê Văn Luyện đã xóa tan đi tất cả mệt mỏi suốt 3 ngày.

Đi một quãng đường xa hơn 200km lên Na Hình, phóng viên chúng tôi rất cảm động bởi tình cảm của những người lính nơi biên giới. Mặc dù vô cùng mệt mỏi sau mấy ngày truy bắt đối tượng truy nã, nhưng biết phóng viên chúng tôi cần những thông tin nóng nhất để đưa đến độc giả, các chỉ huy của đồn Biên phòng Na Hình vẫn ngồi trò chuyện với chúng tôi đến hơn 2g sáng, vui vẻ trả lời mọi câu hỏi của phóng viên. Biết chúng tôi chưa được ăn cơm tối, các anh đã dọn một mâm cơm lúc nửa đêm, mời chúng tôi cùng nâng chén rượu chúc mừng chiến công. Bữa cơm nửa đêm ở biên giới tối nay có lẽ sẽ là một bữa cơm vô cùng đáng nhớ dọc đường tác nghiệp của phóng viên chúng tôi, khiến chúng tôi thêm một lần nữa hiểu về nghĩa tình của những người lính canh gác vùng biên ải.

Với thành tích xuất sắc trong việc truy bắt tên Lê Văn Luyện, Bộ Công an đã quyết định thưởng nóng cho đồn Biên phòng Na Hình 50 triệu, Bộ Tư lệnh BĐBP thưởng cho đồn Na Hình 20 triệu. Sáng ngày 1/9, lãnh đạo Bộ Công an đã lên Lạng Sơn để gặp gỡ các cán bộ của đồn Biên phòng Na Hình. Chúng tôi đi theo Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ trên 1 chiếc xe mà dân Lạng Sơn hay gọi là xe "chuồng gà".

Thượng tá Nhạ nói: "Vì điều kiện khó khăn, nên đơn vị vẫn chưa hề có một cái xe ôtô riêng để đi khi có việc cần. Hôm qua khi đi truy bắt Lê Văn Luyện, chúng tôi phải thuê một cái xe của người dân ở gần đơn vị. Chiếc xe mà tôi và các nhà báo đang đi, cũng là xe đơn vị thuê của dân mỗi khi có việc cần". Chiếc xe "chuồng gà" không có điều hòa và cứ độ mười cây số lại có dấu hiệu xuống hơi. Nhưng không vì thế mà quãng đường ra thành phố "nhận thưởng" của những người lính biên phòng Na Hình mất đi niềm vui.

 Khi tin tức về hung thủ Lê Văn Luyện đã bị bắt, rất nhiều độc giả đã gửi những phản hồi tràn ngập niềm vui và sự biết ơn: "Cảm ơn lực lượng Công an, cảm ơn lực lượng Biên phòng vì những việc các anh đã làm, những vất vả mà các anh đã phải trải qua trong mấy ngày qua để bắt được hung thủ". Lúc này tôi nghĩ, hãy khoan nói đến chuyện Lê Văn Luyện đã đủ 18 tuổi chưa và có phải chịu mức án cao nhất hay không, chúng ta cứ tận hưởng sự nhẹ nhõm khi tên sát thủ của vụ thảm án tiệm vàng Ngọc Bích đã sa lưới và nhất định sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, bởi cả pháp luật cũng như tòa án lương tâm

Lan Hương – số 53
.
.
.