Ước nguyện bình dị của một người mẹ!

Thứ Năm, 13/10/2011, 16:03
Sinh ra và lớn lên giữa một quận nội thành của Hà Nội, nhưng Hằng một chữ bẻ đôi không biết; không giấy khai sinh và cả giấy tờ chứng minh sự tồn tại của mình. Và rồi, Hằng lại tiếp tục đi vào "vết xe đổ" của gia đình… Giờ đây, Hằng đã là mẹ của hai đứa con. Tuổi thơ nhọc nhằn cùng những ký ức của đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương của gia đình khiến Hằng trăn trở cho tương lai của những đứa con.

Tám tuổi, Trần Bích Hằng đã bị người thân trong gia đình lôi kéo vào con đường phạm tội. Ký ức tuổi thơ của Hằng chỉ là chuỗi kỷ niệm buồn, khi lần lượt, từng người từng người thân trong gia đình phải vào vòng lao lý. "Gieo nhân nào, thì gặp quả ấy"  đời cha, đời ông và thế hệ thứ 3 là Hằng cũng không thoát khỏi cái vòng nhân - quả ấy.

Sinh ra và lớn lên giữa một quận nội thành của Hà Nội, nhưng Hằng một chữ bẻ đôi không biết; không giấy khai sinh và cả giấy tờ chứng minh sự tồn tại của mình. Và rồi, Hằng lại tiếp tục đi vào "vết xe đổ" của gia đình… Giờ đây, Hằng đã là mẹ của hai đứa con. Tuổi thơ nhọc nhằn cùng những ký ức của đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương của gia đình khiến Hằng trăn trở cho tương lai của những đứa con. 

Tấn bi kịch gia đình và lời trần tình của cô gái trẻ 

Thấy có người lạ, đứa con gái hai tuổi của Hằng là Trần Phương Anh sợ sệt chạy vào góc nhà, miệng lắp bắp: "An đấy, an đấy". Như để thanh minh với chúng tôi, Hằng giãi bầy: Cháu sợ mẹ bị Công an bắt đấy ạ. Nhìn đôi mắt trong trẻo và ngây thơ của bé Phương Anh, trong tôi chợt dâng lên nỗi xót xa, thương cảm.

Ở tuổi này, hầu hết những đứa trẻ cùng trang lứa còn đang học ăn, học nói thì con của Hằng đã biết sợ Công an. Cái sự già dặn của nó cũng một phần là do hoàn cảnh gia đình.

"Em có sợ các con mình đi vào vết xe đổ của mẹ và truyền thống của gia đình không?", tôi ngắt lời Hằng. Trước câu hỏi này của tôi, Hằng bật khóc, những giọt nước mắt thật hiếm hoi bởi Hằng đã quá chai sạn với sự đời. Và có lẽ cũng là vì tôi đã vô tình "chạm" vào đúng sự yếu đuối nhất của Hằng. Ngập ngừng một lát, Hằng bộc bạch:  "Nếu em đi tù thì mấy đứa trẻ sẽ chẳng có người chăm sóc. Bố, mẹ và em trai của em bây giờ, đều đang thụ án tại các trại giam. Còn ông bà thì đã quá già, giờ chỉ trông chờ vào quán nước ven đường để nuôi thân, chẳng thể giúp gì được em".

Bất giác, những kỷ niệm tuổi ấu thơ dội về trong trí nhớ Hằng, Hằng kể lại giọng bùi ngùi: Thời thơ ấu, Hằng chưa một lần được cắp sách đến trường. Bởi thế mà cho đến bây giờ, tất cả mọi thứ liên quan đến giấy tờ Hằng đều phải điểm chỉ. Và cũng vì lý do đó mà trong suốt hàng chục năm bố mẹ thụ án tại các trại giam, Hằng chẳng thể viết được cho bố, hay mẹ lấy một lá thư. Ngày còn nhỏ, Hằng thường tha thẩn chơi quanh nhà cùng đứa em trai, còn mẹ và bố Hằng thì đi tối ngày.

Lúc đó, Hằng còn quá nhỏ để hiểu được những gì đang diễn ra trong gia đình của nó. Hằng chỉ thấy thi thoảng một vài người trong gia đình lại đi đâu không rõ. Và rồi nhà Hằng thường xuyên có các chú Công an tìm đến, khóa tay bắt đi cùng những gói nhỏ màu trắng… Rồi cũng như con gái của Hằng bây giờ, khi đó Hằng rất sợ Công an vào bắt mẹ, dù Hằng chẳng biết nguyên nhân vì sao. Hằng chỉ thấy rằng mọi người trong gia đình luôn cảnh giác và rất sợ Công an.

Hằng âu yếm bế cô con gái nhỏ trong vòng tay.

Năm Hằng 6 tuổi thì cô biết mẹ bị bắt lần đầu. Những ngày đó, Hằng sống cùng với ông bà ngoại. Song đó cũng không phải là những "tấm gương" mẫu mực cho các con, các cháu… Vì thế từ nhỏ, Hằng đã phải tự lo cho mình: Đòi thì Hằng tự tìm đồ ăn, mệt quá thì lại lăn ra ngủ. Ông trời cũng thương nên bù lại Hằng chẳng ốm đau gì. Khi đó, có những đêm nhớ mẹ, Hằng nằm khóc thổn thức.

Đến năm 8 tuổi, Hằng đã bị dì ruột ép phải bán ma túy. Hằng dừng lại: Em không thể quên được lần đầu tiên ấy. Hôm đó, khi em đang bán hàng thì bị các chú ở Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đưa về trụ sở. Em sợ lắm nên luýnh quýnh thế nào quên hết cả lời dặn dò của dì, trong trường hợp bị Công an bắt giữ, phải khai báo như thế nào.

Đến năm Hằng mười hai tuổi thì bố của Hằng cũng lĩnh án 15 năm tù về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Bố vào trại, mẹ cũng đi tù… ông bà ngoại thiếu trách nhiệm, còn các dì, các bác thì hầu hết cũng vướng vào vòng lao lý nên chẳng có ai dạy bảo Hằng. Tuổi mười bốn, mười năm, Hằng như con ngựa bất kham, lao vào những cuộc chơi thác loạn. Có khi Hằng đi cả ngày, cũng chẳng có ai đếm xỉa  đến nó. Và rồi, trong lúc bồng bột Hằng đã đua đòi bạn bè, sử dụng ma túy.

Cứ thế, ngày mỗi ngày, Hằng lớn lên như con sâu, con kiến tự tìm cách để tồn tại trong một gia đình "rối mù" với các mối quan hệ xã hội phức tạp, lần lượt những người thân trong gia đình "ra trại" rồi lại "nhập trại" như cơm bữa. Và cái gì đến cũng phải đến, trong quá trình chơi bời, Hằng đã quen Lê Xuân Thành, cũng là một đối tượng nghiện ma túy, đang sinh sống tại phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng.

Kết cục của mối tình "chóng vánh" ấy là cái bào thai trong bụng Hằng ngày càng lớn dần lên. Để giải quyết hậu quả, gia đình hai bên đã có mâm cơm gọi là, để Hằng về nhà làm dâu nhà Thành. Nhưng chồng của Hằng cũng là một gã nghiện ma túy, chẳng có nghề ngỗng gì, vì thế, khi Hằng chưa kịp hưởng hạnh phúc của một người vợ, người mẹ thì Thành đã bị bắt, khi tham gia một vụ cướp tài sản. Vậy là trong lần vượt cạn đó, Hằng đã phải "đơn thương, độc mã"…

Năm 2009, Hằng sinh một cô con gái tròn trịa, xinh xắn và rất đáng yêu. Hằng đặt tên con là Trần Phương Anh. Như một bản năng tự nhiên, khi ôm đứa con gái nhỏ trong vòng tay của mình, Hằng bỗng cảm thấy lo sợ và thương con hơn bao giờ hết. Hằng lại dùng hết khả năng của mình, để chở che, bao bọc cho con để cháu không bị thiệt thòi như cuộc đời Hằng.

Giá như…

Rồi Hằng bật khóc: "Đã bao lần em quyết tâm cai nghiện nhưng rồi lại không làm được chị ạ. Lý trí mách bảo em rằng, nếu không từ bỏ được ma túy, em sẽ thân tàn ma dại. Lúc tỉnh táo là vậy, nhưng khi lên cơn vật thuốc, em lại không làm chủ được mình, tiếp tục hút và chích thuốc". "Mỗi ngày Hằng sử dụng bao nhiêu tiền để chơi ma túy?", tôi hỏi Hằng. Cô bé trả lời: Bây giờ em đã chích trực tiếp vào ven rồi. Nhìn hai cánh tay khẳng khiu đen đúa của Hằng, đầy những vết thâm tím trong quá trình lấy ven của Hằng, tôi chợt thấy e ngại. Như đọc được ánh mắt của tôi, Hằng nói: Em vừa làm xét nghiệm rồi chị ạ, cả em và hai đứa con đều khỏe mạnh.

Công an quận Hoàng Mai lấy lời khai của Hằng.

Đứa con gái nhỏ của Hằng vẫn vô tư nô đùa xung quanh, mà không biết đến nỗi lòng của mẹ. "Em có nghĩ, con gái em sẽ bắt trước không?", Hằng trả lời ngay: Có đấy chị ạ, tuổi này các cháu đang học đòi, thấy người lớn làm gì thì liền bắt chước như thế".

Rồi Hằng kể: "Một lần, em lên cơn vật thuốc, vội lao vào trong bếp lấy ven. Khi em đang tiêm thuốc thì Phương Anh bước vào, nó hỏi em, mẹ  đang tiêm ạ, tiêm đau lắm!. Rồi con bé cũng gập khỉu tay, dùng chiếc bút bi cắm vào tay giống như em". Những cử chỉ vô tư của con trẻ lúc đó đã tác động sâu sắc đến Hằng. Hằng nghĩ đến tương lai của các con mình, rồi chợt rùng mình lo sợ…. Khi người chồng đầu tiên "nhập trại", Hằng cũng nhanh chóng tìm đến với một người đàn ông khác. Đối tượng đó là Phạm Văn D, chủ một cửa hiệu cầm đồ ở quận Hai Bà Trưng. D chỉ coi Hằng như một món đồ chơi, chứ không bao giờ chịu lấy một người đàn bà nghiện ngập, lại mù chữ nên khi biết Hằng có thai, anh ta vội "cao chạy, xa bay".

Khi đó, Hằng vẫn quyết giữ lại bào thai trên. Song vào khoảng tháng thứ 2 của thai kỳ, Hằng đang ở nhà thì lực lượng Công an ập vào bắt bác ruột của Hằng. Để cứu bác ruột, Hằng đã liều lĩnh nuốt vội một cục ma túy vào trong bụng, hòng che đậy tội lỗi cho người thân. Song thật may, bé trai sinh ra lại rất khỏe mạnh và đáng yêu. Hằng nói với tôi: Em đặt tên cháu là Phạm Hoàng Duy. Từ khi em sinh cháu ra, bố nó chưa một lần đến nhìn mặt con, chỉ có bà nội là thi thoảng lui tới, đưa cho em vài đồng để mua sữa cho cháu.

Lúc đó, Hằng bất ngờ hỏi tôi: "Chẳng biết em đi tù có lâu không hả chị. Em mới bị bắt lần đầu mà". Rồi Hằng khoe với tôi rằng, Hằng vừa làm được giấy khai sinh cho con gái lớn là cháu Trần Phương Anh, còn cậu con trai thứ hai vừa được 8 tháng thì đang cố gắng làm nốt, để các con được đi học, được biết chữ. Tôi hiểu được nỗi lo lắng trong lòng của Hằng.

Từng có một tuổi thơ không êm đềm, khát khao cả tình cảm của cha và sự quan tâm của mẹ nên Hằng thấu hiểu hơn cả sự thiệt thòi và mất mát của những đứa trẻ, khi thiếu vắng tình yêu thương của mẹ và bóng dáng của người cha. Trong tận sâu đáy lòng, Hằng muốn bù đắp phần nào những thiệt thòi cho những đứa con... Nhưng vào giữa tháng 8/2011, Hằng lên cơn vật thuốc.

Khi đang lếch xếch bế đứa con gái lớn dặt dẹo về nhà,  Hằng đã bị Công an quận Hoàng Mai ập vào bắt quả tang, khi đang tàng trữ trái phép chất ma túy. Song vì Hằng đang nuôi con nhỏ nên được hưởng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, cho tại ngoại. Hằng tâm sự: Từ hôm đó đến nay, chẳng lúc nào em được ngủ ngon giấc. Cứ nhắm mắt vào là lại nghĩ đến chuyện bị Công an bắt chị ạ.

Vài tháng một lần, Hằng lại theo ông ngoại đến trại giam tiếp tế cho mẹ. Khi nhìn thấy thân hình tàn tạ của đứa con gái, mẹ Hằng đã khóc vì ân hận. Đến bây giờ thì mẹ Hằng đã tin vào luật nhân quả- đời cha ăn mặn thì đời con khát nước - Chỉ vì lợi nhuận, mẹ Hằng đã gieo rắc cái chết trắng, khiến bao gia đình rơi vào cảnh đau thương, vợ mất chồng, con mất mẹ… Và không chỉ đến đời Hằng, mà các con của Hằng, thế hệ thứ 4 của gia đình cũng có thể vướng vào cái "nghiệp chướng" ấy.

Hằng ít gặp mẹ nên tình cảm giữa hai mẹ con cũng không sâu đậm. Nhưng các cụ thường nói "nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ", khi đã làm mẹ, Hằng cũng đồng cảm hơn. Hằng bảo: "Em vừa giận lại vừa thương mẹ. Nếu em được chăm sóc và được sống trong một gia đình đầm ấm, thì cuộc đời của em sẽ không có bi kịch như ngày hôm nay. Em cũng muốn làm lại cuộc đời, nhưng em không biết chữ vả lại ai có chấp nhận thuê một con nghiện như em đi làm cho chỗ họ. Mà cai nghiện ma túy không dễ mà giữ được thì lại càng khó. Em cũng muốn đi cai nghiện, nhưng giờ em đi thì ai nuôi các con của em…".

Song Hằng đã đủ trưởng thành để thông cảm với hoàn cảnh của mẹ, mẹ Hằng cũng như Hằng là nạn nhân của bi kịch gia đình không hoàn thiện. Hằng nói với tôi: Khi gặp nhau, hai mẹ con em thường ôm nhau khóc thôi. Mẹ cũng khuyên em nên từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. 

Cơn vật thuốc khiến Hằng thường xuyên ngáp ngắn, ngáp dài. Sức tàn phá ghê gớm của ma túy khiến Hằng, một cô gái ngoài hai mươi tuổi tàn tạ, trông rất thảm thương. Hai má Hằng hóp lại, thân hình gầy nhẳng, dáng vẻ bơ phờ mệt mỏi. Ngày lại ngày nhìn thấy con gái, Hằng như thấy lại tuổi ấu thơ của mình. Hằng bảo: Khi nào con trai của em tròn 3 tuổi, em sẽ đi thụ án. Hằng mong sớm được ra trại để trở về với các con của em. Tôi nhìn theo bóng Hằng lầm lũi bế đứa con gái nhỏ cho đến khi Hằng khuất vào trong dòng người hối hả… Rồi đây, giữa dòng đời nổi trôi, Hằng có thể thay đổi để tự cứu mình và những đứa con của Hằng?

Trung tá Ngô Phương Hoa, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Hoàng Mai cho biết: Căn cứ vào các hành vi phạm tội của Hoa, cuối tháng 8/2011, cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Thị Bích Hằng (24 tuổi, hiện đang ở tại tổ 18, Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hằng đang được tại ngoại để nuôi con nhỏ, trong thời gian chờ thi hành án.

Xuân Mai – CSTC tuần số 78
.
.
.