Văn Cao với Thăng Long hành khúc

Thứ Năm, 10/02/2011, 08:29
Vào một buổi chiều khoảng năm 1943 khi cùng Doãn Tòng đi xem phim trên đường trở về, với ám ảnh về sự tàn bạo của quân Nhật trong bộ phim trong đầu Văn Cao bỗng rung nét nhạc "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành đứng …" . Thăng Long hành khúc ca của Văn Cao đã ra đời như thế đó.

Ngôi nhà của Văn Cao ở Bến Ngự bên dòng sông Cấm thường là nơi tụ tập của bạn bè. Những người bạn thân như: Trần Liễn, Phạm Đức, Lê Thận, Nguyễn Đình Thi… thường gặp nhau tại đây vào những buổi chiều, khi ánh hoàng hôn rực đỏ hắt những tia nắng cuối ngày xuống dòng nước ngầu đục phù xa.

Họ vui đùa, bơi lội trên dòng sông Cấm mênh mông, lấp lánh ánh vàng. Chiếc phao số 0, bập bềnh giữa dòng nước cuộn sóng, thường được lấy làm đích cho những cuộc thi bơi của mọi người. Văn Cao thường là người thắng cuộc.

Vũ Quí, một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, gây dựng phong trào và phát triển cơ sở trong các tầng lớp thanh niên học sinh, trí thức, ở Hải Phòng trong những năm 1940-1943. Vũ Quí, còn là một đoàn trưởng Hướng Đạo Sinh, thông qua những hình thức sinh hoạt ngoại khóa của tổ chức Hướng Đạo, để tìm hiểu, giác ngộ tinh thần yêu nước cho thanh niên. Nhiều bạn bè của Văn Cao đã được Vũ Quí giác ngộ và đưa vào hoạt động trong tổ chức thanh niên yêu nước của Hải Phòng.

Vũ Quí thường đến Bến Ngự tham gia bơi lội cùng nhóm bạn bè của Văn Cao. Chiếc phao số 0 trên dòng sông Cấm là địa điểm để Vũ Quí bàn bạc công việc và giao nhiệm vụ cho mọi người. Một lần Phạm Đức hỏi Vũ Quí: "Văn Cao là người tốt, có nhiều tài năng, sao anh không đưa cậu ấy vào tổ chức". Vũ Quí nói: "Văn Cao còn đang say mê nghệ thuật, tạm thời hãy để cậu ấy có thời gian tập trung cho sáng tác".

Một lần, Vũ Quí rủ Văn Cao đi xe đạp sang chơi Phà Rừng. Hai người lên phà. Dòng sông Bạch Đằng mênh mông cuộn sóng. Chiếc phà nặng nê, chậm chạp qua sông. Vũ Quí nói: "Cảnh sông núi ở đây thật là hùng vĩ, nghe tiếng sóng vỗ vào mạn tầu, mình tưởng như tiếng trống trận, tiếng quân reo đại phá quân Mông Cổ. Sao cậu không làm thử một bài hát để ca ngợi chiến công lẫy lừng trên sông Bạch Đằng của cha ông chúng ta?" Văn Cao im lặng, anh hiểu ý Vũ Quí.Trở về Hải Phòng, ít lâu sau, Văn Cao cho ra đời bài hát Hò kéo gỗ trên sông Bạch Đằng Giang.

Một buổi sáng, Vũ Quí hẹn gặp Văn Cao tại vườn hoa đưa người. Ở đây những người nghèo đủ các lứa tuổi nằm ngồi ngổn ngang. Họ đến đây từ nhiều miền quê để mong kiếm được việc làm, hi vọng có người thuê, làm đầy tớ, con ở, con sen… miếng là có miếng ăn. Nhìn đám người đói khổ đó, Văn Cao thấy đau nhói trong lòng. Bản thân Văn Cao cũng đang thất nghiệp.

Vũ Quí nói : " Mình đã nghe bài Hò kéo gỗ trên sông Bạch Đằng Giang của cậu, mình rất thích, Hướng Đạo Sinh của mình chẳng lẽ chỉ có nhiệm vụ nhặt vỏ chuối ngoài đường và dắt các cụ già qua đường hay sao? Trước những cảnh đau thương này, trách nhiệm của thanh niên chúng ta phải làm gì đây? Cần phải có những bài hát để khơi dậy lòng yêu nước cho thanh niên. Hướng Đạo Sinh chúng mình cứ phải hát những bài hát tiếng Pháp mãi, chả nhẽ chúng ta không thấy hổ thẹn sao? Cha ông chúng ta có nhiều chiến công chống ngoại xâm đáng tự hào lắm chứ!... Văn Cao im lặng, anh hiểu ý Vũ Quí.

Một thời gian sau, Văn Cao lần lượt cho ra đời hai bài hát: Đống Đa và Thăng Long hành khúc ca. Văn Cao tìm gặp Vũ Quí, nhưng không gặp. Bạn bè cho biết, Vũ Quí hoạt động cách mạng bị lộ, đang bị truy lùng, không biết đi đâu. Văn Cao cảm thấy buồn và cô đơn. Anh đang cần lời khuyên của Vũ Quí…

Những bài hát yêu nước của Văn Cao nhanh chóng được phổ biến rộng khắp trong các tầng lớp thanh niên, học sinh của Hải Phòng. Đặc biệt là bài Thăng long Hành khúc ca. Sau này, Văn Cao thường kể lại cho mọi người nghe về những kỷ niệm khi ông sáng tác bài hát đó.

Một lần, vào khoảng mùa hè năm 1943, Doãn Tòng rủ Văn Cao đi xem phim. Hai người đến rạp Ca si nô ở phố Cầu Đất để xem bộ phim Chiến thắng tại đảo Chu Nam ( Le Puôc mê đơxanh ga pua) do Nhật sản xuất. Khi nhìn thấy cảnh, những đoàn lính Nhật đông như kiến cùng những đoàn xe đạp, xe ô tô đổ bộ lên đảo, dày xéo, nghiến nát lên những con búp bê, những đôi giày của trẻ em trên đường… trái tim nhạy cảm của Văn Cao đau thắt lại, ông nắm chặt tay Doãn Tòng, người run bắn lên.

Sau buổi chiếu, trên suốt chặng đường về nhà, ông rủ Doãn Tòng ra cầu tầu. Văn Cao gối đầu trên đôI bàn tay, ngửa mặt lên trời, đôi mắt mở to, bất động. Bầu trời đêm sâu thẳm, lốm đốm vài ngôi sao nhấp nháy một cách yếu ớt. Thỉnh thoảng mới lại có một cơn gió từ mặt sông thổi vào làm xao xác hàng cây bên hè phố. Văn Cao bất chợt buông ra một câu, tức giận: "Bọn Nhật tàn bạo quá! Không thể như thế được"

Một lát sau, Văn Cao lật người lại, nằm bò trên cầu tầu, đôi mày nhíu lại, bàn tay gại lên sàn liên tục… Đã quá hiểu tính cách của bạn, Doãn Tòng viết Văn Cao đang tập trung suy nghĩ cho một sáng tác mới, anh lặng lẽ ra về để khỏi làm đứt mạch dòng suy nghĩ của Văn Cao.

Lúc này, trong đầu Văn Cao đang rung lên nhịp bước của những đoàn quân và rồi một nét nhạc bất chợt vang lên, ca từ bật ra như một lời thúc giục: "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành đứng …" Những trang sử hào hùng của dân tộc mở ra, hình ảnh đám tàn quân Tôn Sỹ Nghị chen chúc, dẫm đạp lên nhau tháo chạy: "… Nhị Hà còn kia, Nhị Hà đó, lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông…Tháp đây, gương thần đâu dưới nước biếc/ Có chăng, bao người bao lưu luyến tiếc/ Này phường này phố cũ, này đường về ô xưa - dấu xưa còn ghi, người đời sao thờ ơ…"

Bài hát Thăng Long hành khúc ca ra đời trong đêm đó và Doãn Tòng là người đầu tiên được nghe bài hát này. Bài hát đã thật sự làm Doãn Tòng xúc động, anh lặng đi trong giây lát rồi mới ngước lên nhìn Văn Cao, giọng nghèn nghẹn: "Bài này hay quá, nghe xong mình gai hết cả người… cậu nên tìm cách xuất bản để phổ biến rộng rãi cho mọi người. "Văn Cao im lặng, quả thực anh cũng chưa nghĩ đến việc này. Doãn Tòng mách nước: "Gia đình nhà thằng Ich có xưởng in, cậu nên đến gặp nó xem sao?"

Văn Cao đến gặp Đỗ Hữu Ich. Nghe xong Ich vui vẻ nhận lời : " Tưởng gì, việc này mình lo được." Khuôn mặt Ich chợt thuỗn ra trong giây lát, rồi lại thấy ánh mắt Ich sáng lên nhìn Văn Cao vẻ tinh quái " Từ nay, mình sẽ lo phát hành những bài hát của cậu".

Mấy ngày sau, gặp lại Văn Cao Ich bảo: "Không ổn rồi, thằng Tây kiểm duyệt nó đòi gặp tác giả, lời bài hát có vấn đề, cậu phải đến gặp nó xem sao. Thằng này nó nghiện đấy, chắc nó vòi ăn…" Văn Cao phải vay tiền để mua một hộp thuốc phiện loại hảo hạng nhãn hiệu con rồng vàng với giá 5 đồng bạc đông dương (một đồng bạc đông dương thời đó có thể đong được 1 tạ gạo).

Vừa nhìn thấy hộp thuốc, mắt thằng tây kiểm duyệt sáng lên. Hắn vồ lấy thuốc, hít lấy hít để. Một lát sau, hắn mới lấy từ ngăn bàn ra bài hát Thăng Long hành khúc ca. Hắn nhìn vào bản nhạc, lẩm bẩm xướng âm và hát bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ: "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng… Hắn ngửa lên nhìn Văn Cao, ánh mắt soi mói - mày là tác giả ? " Văn Cao gật đầu. Đôi mắt hắn dịu đi khi thấy trước mặt mình là một chàng thanh niên gầy nhỏ có bộ mặt thông minh với đôi mắt sáng. "Anh định dùng bài hát này để hô hào dân chúng nổi dậy, tiến về Thăng Long lật đổ nước Đại Pháp hả? Không dùng chữ Tiến bước, phải thay bằng chữ khác! " Văn Cao bối rối "Thằng cha này quái thật!" anh chưa biết tính sao! Phải thay bằng chữ gì đây!..

Thằng Tây kiểm duyệt vẫn ngồi hít hộp thuốc phiện, hắn nhìn Văn Cao với ánh mắt dò hỏi. Bất chợt hắn bật lên: "Được rồi! Ta thay bằng chữ Ngước mắt, Cùng ngước mắt về phương Thăng long thành cao đứng/ Ngước mắt thì được, cho chúng mày ngước mắt thoải mái, còn tiến bước thì cấm" Văn Cao giật mình, anh thật sự ngạc nhiên và khâm phục trình độ hiểu biết thông minh của hắn. Văn Cao đứng bật dậy, bắt tay thằng tây, anh nói với hắn bằng tiếng Pháp: "Cám ơn ngài, tôi thực sự khâm phục sự hiểu biết của ngài ! "

Hộp thuốc trên tay hắn rơi xuống, thằng tây không thể ngờ người thanh niên trẻ đứng trước mặt hắn lại nói tiếng Pháp giỏi như thế. Hắn ngây người nhìn Văn Cao, mồm há hốc

Văn Thao
.
.
.