Về một điệp viên KGB mất tích trong lòng nước Mỹ

Thứ Tư, 22/12/2010, 10:17
Jonh Arthur Paisley, một điệp viên của KGB nằm vùng trong lòng CIA bỗng nhiên mất tích vào năm 1973. Cho đến nay vẫn chưa có thêm thông tin gì mới về điệp viên bí ẩn này. Vậy Jonh Arthur Paisley là ai?

Paisley sinh năm 1923 tại Sand Spring, Oklahoma, mới 9 tuổi, Paisley tỏ ra đam mê ngành điện và vô tuyến điện và từ đó không rời xa ngành này. Năm 1941, sau khi tốt nghiệp trung học, Paisley vào học tại trường Hàng hải Boston sau 9 tháng thì có bằng và ra làm nhân viên kỹ thuật vô tuyến điện cho tàu buôn. Đây là điều kiện để Paisley khám phá những miền đất xa xôi mà Paisley mới chỉ nghe qua đài báo. Sau một vài chuyến chuyển giao thiết bị quân sự tại các cảng ở vịnh Mehico và Ca Ra Ip, các chuyến đi biển của Paisley ngày càng xa hơn.

Năm 1943, Paisley phục vụ trên tàu Liberty Ships chuyên tiếp viện cho các nước đồng minh như Anh và Liên Xô chống phát xít Đức. Không một thành viên nào trong gia đình hiểu được tại sao Paisley lại đam mê tiếng Nga và tập trung vào nghiên cứu về Liên Xô như vậy. Chỉ qua thực tế nghề nghiệp mới hiểu được động cơ của Paisley: Paisley đã có lần cập cảng Mourmansk và đây là lần đầu tiên Paisley tiếp xúc với một thế giới xa lạ là Liên Xô và đã chứng kiến nỗ lực phi thường của người dân Nga trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù. Thế nhưng trong đơn xin làm việc tại CIA, Paisley lại khai rằng chưa bao giờ đến Liên Xô.

Sau chiến tranh, Paisley phục vụ thường xuyên tại cảng New York, do ham đọc sách và học hỏi, Paisley đã tới đọc sách tại thư viện trường Đại học Columbia. Tại đây, các giáo sư thường ca ngợi những "thiên đường" ở Nga. Năm 1946, Paisley theo học tại Đại học Oregon, nhưng việc học hành phải kết thúc sớm vào năm 1947 vì Paisley bị đuổi khỏi trường do quan hệ trai gái.  Sự việc này buộc Paisley phải quay trở lại phục vụ trên tàu buôn.

Năm 1948, Paisley được tuyển làm nhân viên vô tuyến điện cho Ban Thư ký của Liên hiệp quốc và được cử tới Palestine làm việc trong văn phòng của Bá tước Bernadotte. Với cương vị này, Paisley đã đi nhiều nước châu Phi và Trung Đông. Vào thời điểm này hai cơ quan tình báo KGB của Liên Xô và Mossad của Israel đang tích cực tuyển mộ điệp viên ở Trung Đông, trong khi cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA vừa mới được thành lập nên hầu như vắng mặt tại đây.

Năm 1953, Paisley về Washington và đã tới CIA xin việc làm. Hồ sơ của Paisley mau chóng được chấp nhận, do người tuyển dụng Paisley chính là Richard Innes, nguyên là giáo sư sử học đã từng dạy Paisley những bài học đầu tiên về lịch sử Liên Xô. Ngày 16/12/1953, Paisley đã chính thức được tuyển vào CIA và được bố trí làm việc tại bộ phận điện tử và truyền tin vốn đang còn thiếu nhân viên. 

Năm 1963, Paisley bảo vệ thành công bằng tiến sỹ với đề tài về công nghiệp điện tử ở Liên Xô. Paisley đã sớm nổi tiếng với việc xác định trình độ của Liên Xô về lĩnh vực điện tử. Năm 1955, William Tedwell đã mượn Paisley cho NSA sử dụng và ngạc nhiên nhận thấy CIA có nhân viên với trình độ chuyên môn vô tuyến điện không thua kém gì nhân viên của NSA. 

Nhiệm vụ của NSA lúc đó là giải mã các tín hiệu thu được từ trạm thu tin bí mật tại "Tunnel Berlin", là một đường hầm đào dưới lòng đất từ Tây sang Đông Berlin. Cơ quan tình báo CIA đã thành công trong việc truy cập được vào hệ thống đường dây điện thoại của khối Vác Xô Vi. Paisley đã giải mã được những tín hiệu thu được từ đây và đã hai lần được đề bạt trong vòng 2 năm làm việc tại NSA. Nhờ những thông tin do Paisley giải mã, CIA đã biết được phương thức thông tin của quân đội khối Vác Xô Vi.

Sau đó Paisley được giao nhiệm vụ ngăn chặn việc Liên Xô tìm mua tiến bộ khoa học của Mỹ. CIA đã phối hợp với bộ phận kiểm soát xuất khẩu Bộ Thương mại Mỹ để ngăn cản Liên Xô tìm mua các sản phẩm chiến lược và công nghệ cao mà họ đang cần. Paisley trở thành một trong những người hàng đầu trong lĩnh vực này, một lĩnh vực còn rất mới mẻ đối với các cơ quan đặc biệt Mỹ.

Paisley đã được  mang lý lịch giả với hộ chiếu ngoại giao, thực hiện các chuyến đi nhiều ngày tới các nước Đông Âu để nghiên cứu nguồn gốc những tiến bộ kỹ thuật mà những nước này có được. Công việc của Paisley đã giúp cho CIA xác định được danh mục các mặt hàng công nghệ cao mà Liên Xô đang cần.

Đối với Paisley, một tuần làm việc phải là 50 đến 60 giờ chứ không phải 40 giờ như mọi người, ấy là chưa kể đến các chuyến đi công tác nước ngoài ngày càng nhiều và càng dài. Những nỗ lực trong công tác chuyên môn của Paisley đã được đền bù xứng đáng. Trong CIA không có mấy người được thăng tiến nhanh như Paisley. Năm 1961, Paisley được cử về làm việc tại bộ phận phân tích và xử lý tin tình báo.

Biết kết hợp các loại thông tin thu được từ các vệ tinh gián điệp với tin nghe lén điện thoại, Paisley đã phác hoạ nên những bức tranh "ba chiều" đầy đủ đến kinh ngạc về xã hội Xô viết. Cũng ở cương vị này, Paisley biết được những thông tin tuyệt mật về lực lượng hạt nhân của Mỹ. Đồng thời, Paisley cũng được giao thẩm vấn những phần tử từ Liên Xô và các nước Đông Âu đào nhiệm sang Mỹ. 

Ngay từ đầu những năm 60, Paisley đã là trưởng bộ phận nghiên cứu lịch sử thuộc Cơ quan nghiên cứu chiến lược, tức là một trong những lãnh đạo trẻ nhất của CIA. Trên cơ sở toàn bộ những thông tin mà CIA có được từ các nguồn, Paisley đã xây dựng được các phương pháp phân tích đánh giá để làm rõ sự phân bổ chi tiêu quân sự của Liên Xô.

Vào cuối những năm 60, CIA tuyển dụng được một số điệp viên nắm giữ các vị trí then chốt trong Bộ Quốc phòng Liên Xô. Đây là những điệp viên quý và rất nhạy cảm, nếu thông tin do họ cung cấp bị tiết lộ, tính mạng của họ sẽ bị đe doạ. Như trường hợp hai điệp viên Penkovski và Popov sau khi bị phát hiện đã bị hành quyết. Do đó, tung tích những điệp viên này luôn được giấu kín. Song do bản tính tò mò, Paisley đã thông qua việc mã thám của cơ quan NSA mà Paisley vốn có quan hệ tốt - dò ra được tung tích các nguồn tin này. Việc làm vi phạm nguyên tắc tình báo này của Paisley đã gây nghi ngờ cho một số người, họ đã đặt vấn đề Paisley làm việc này với động cơ nào.

Sự thăng tiến của Paisley trong CIA tiếp tục cho đến khi Richard Nixon lên làm Tổng thống Mỹ vào tháng Giêng năm 1969. Từ khi thành lập cho đến lúc đó, CIA luôn tự hào là đã cung cấp cho Nhà Trắng những thông tin hoàn toàn khách quan và độc lập. Trong khi đó, Lầu năm góc luôn tìm cách thổi phồng tiềm lực quân sự của Liên Xô để tăng ngân sách quốc phòng. Vì thế các nhóm đại diện cho các tập đoàn công nghiệp quân sự Mỹ công khai phê phán CIA đã “mù quáng" khi đánh giá về ngân sách quốc phòng của Liên Xô, những nghị sỹ bảo thủ chỉ trích CIA là "sào huyệt của bọn cánh tả".

Cũng trong thời gian đó, cơ quan tình báo quân sự Mỹ được giao nhiệm vụ khuyếch đại các số liệu về tiềm lực quân sự của Liên Xô để hỗ trợ cho chính sách quốc phòng của chính quyền mới. Kissinger yêu cầu bộ phận nghiên cứu chiến lược của CIA điều chỉnh số liệu trong các báo cáo để hậu thuẫn cho chính sách của ông ta.

Paisley tỏ ra không hài lòng khi Kissinger đòi để các cố vấn chính trị của ông ta tham gia cùng CIA soạn thảo các báo cáo tin tức gửi lên các cấp lãnh đạo Mỹ. Cuối năm 1969, sự đối đầu giữa Kissinger với bộ phận phân tích chiến lược của CIA đã lên đến đỉnh điểm. Paisley được phân công soạn thảo báo cáo về lực lượng phòng không và tên lửa đạn đạo của Liên Xô để phục vụ cuộc đàm phán về Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân SALT 1. Sự tranh cãi diễn ra xung quanh việc tên lửa SAM V mà Liên Xô vừa chế tạo có là tên lửa chống đạn đạo hay không. Bực mình vì đã không thuyết phục được người của Kissinger rằng đây là tên lửa chống đạn đạo mà Liên Xô đã bố trí ở xung quanh các thành phố lớn, Paisley đã xin từ chức và xin được đi thực tập tại Học viện Quốc phòng London.

Thời gian tại London, Paisley được CIA bố trí ở cùng vợ con tại một căn hộ ở gần Đại sứ quán Mỹ. Song Paisley đã không ở mà tìm thuê một căn hộ khác cách London 80 km, ở đó có một căn cứ hạt nhân bí mật của Anh. Năm 1971, Paisley trở lại Washington, sự tranh chấp giữa Paisley với Bộ Ngoại giao không còn nữa.

Mỹ đang chuẩn bị đàm phán Hiệp ước SALT 1 với Liên Xô, bộ phận của Paisley chịu trách nhiệm xác định tiềm lực của Liên Xô trong nhiều lĩnh vực chiến lược.  Lập trường của Mỹ trong cuộc đàm phán là dựa trên cơ sở những đánh giá này. Paisley đã cung cấp những lập luận vững chắc khẳng định Liên Xô không còn khả năng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình giúp cho Kissinger thuyết phục những nghị sỹ bảo thủ trong Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp ước SALT 1 (cho dù những lập luận này trái với lập trường của Lầu năm góc).

Những thông tin do Paisley cung cấp thực chất đã không phản ánh đúng tiềm lực của Liên Xô, kết quả đàm phán đã giúp cho Liên Xô khắc phục được sự lạc hậu về vũ khí hạt nhân so với Mỹ, thậm chí tạo cho Liên Xô cơ hội vượt Mỹ trong lĩnh vực vũ khí chiến lược.

Sau này khi Paisley mất tích, con trai Paisley là Edward đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy người Liên Xô đã tiếp xúc với Paisley trong thời gian Mỹ và Liên Xô đang đàm phán Hiệp ước SALT 1. Nhiều đồng nghiệp trong CIA nhận thấy Paisley thay đổi thái độ kể từ sau khi ở London trở về. Paisley rất ít nói, thường xuyên vắng mặt ở văn phòng và kể cả ở nhà và thường không nói gì với gia đình về hoạt động chuyên môn của mình. Quan hệ giữa Paisley với vợ ngày càng đổ vỡ.

Điều đáng chú ý là Paisley thường có mặt tại các câu lạc bộ dành cho người độc thân. Bắt đầu từ năm 1972, Paisley tham gia vào các truy hoan cùng với sự có mặt của một số nhân viên CIA, NSA và các cố vấn của Nhà Trắng. Tất nhiên, nhân viên của KGB tại chỗ đã không dại gì mà không thâm nhập vào các buổi gặp này để tìm bằng chứng khống chế những ai họ định tuyển dụng.

Chính trong các cuộc gặp này, Paisley đã quen biết một cặp vợ chồng người Sec "tỵ nạn chính trị" là Karl và Hana Koecher mà sau này mới phát giác ra họ là điệp viên nằm vùng của cơ quan tình báo Tiệp Khắc. Điều ngạc nhiên là sau này khi FBI và bộ phận an ninh của CIA tiến hành điều tra, đã không xem xét tới các cuộc truy hoan của Paisley và quan hệ của Paisley với vợ chồng Koecher.

Sau khi Paisley mất tích, cơ quan điều tra tìm thấy trong nơi làm việc của Paisley có tấm thẻ phóng viên của tờ Washington Post, nhưng đây là tấm thẻ giả. Một câu hỏi đặt ra là một nhân vật CIA cao cấp như Paisley tại sao lại cần một tấm thẻ phóng viên như vậy? Phải chăng Paisley muốn được ra vào tự do trụ sở của toà báo, trong đó có phòng lưu trữ ở ngay sau bức tường của Đại sứ quán Liên Xô? Có thể Paisley đã sử dụng hệ thống phân phối của tờ báo này để liên lạc với các điệp viên khác của KGB hoặc tổ chức các cuộc gặp? Cho đến nay, các cơ quan điều tra của Mỹ không tìm được bằng chứng nào về cái chết của Paisley.

Những người đứng đầu cơ quan phản gián Mỹ lo ngại là Paisley đã tham gia vào các cuộc truy hoan để thu thập tin tình báo hoặc để tìm bằng chứng khống chế các nhà báo giúp cho KBG tuyển dụng họ như trường hợp của Carl Bernstein, phóng viên Washington Post sau này làm việc cho KGB. Cho đến nay sự mất tích của Paisley vẫn còn là điều bí ẩn chưa được giải mã

Thành Tâm (Theo cuốn "Những điệp viên nằm vùng của Liên Xô trong lòng nước Mỹ") - Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu số 34
.
.
.