Về một người hùng tiễu phỉ ở miền Tây xứ Nghệ

Thứ Hai, 01/08/2011, 15:22
Trong những điểm nóng do giặc phỉ nhũng nhiễu, gây rối ấy luôn có những người con nguyện hiến cả đời cho sự bình yên của thôn xóm, bản làng. Vừ Chông Pao là một người như thế. Với đồng bào Mông ở dải đất miền Tây xứ Nghệ này ông như một người cha tinh thần. Mọi điều ông nói họ đều nghe như một chân lý. Ông hiện là Phó Chủ tịch danh dự MTTQ tỉnh Nghệ An, người trước đây từng trực tiếp xin chỉ đạo của Bác Hồ để dẹp loạn phỉ Châu Phà.

Ngày đầu cầm súng

Già Pao từng làm Chủ tịch huyện Kỳ Sơn. Tuy nhiên, nếu không nhờ vào sự yêu mến của mấy bác xe lai thì tìm nhà già cũng không phải dễ. Nhà già đơn xơ, nằm nép ở lưng đồi bản Sơn Hà, xã Tà Cả, cách trung tâm huyện chừng 2 cây số. Tuổi đã trên 80 nhưng già vẫn còn nguyên sự mẫn tuệ, lanh lẹ khác người. Trong căn nhà gỗ giản dị nhưng ấm cúng ấy, già lại sang sảng kể về những ngày tháng lăn lộn tiễu trừ giặc phỉ ở khắp núi cao, rừng sâu ngay từ những buổi đầu gian khó ấy.

Già Pao sinh ra ở bản Mường Ải Khê, (xã Na Ngoi) một bản nằm sát biên giới Việt- Lào. Đó là một ngôi bản trù phú, có những người Mông cần mẫn như con ong, con kiến. Thế rồi, những đỉnh núi cao ngút mắt của dãy Trường Sơn hùng vĩ cũng chẳng thể ngăn nổi khói lửa chiến tranh. Tuổi thanh niên, khi đôi chân đã nhanh hơn con thú trong rừng thì cũng là lúc giặc Pháp tổ chức biệt kích từ đất Lào ập vào, đốt phá bản làng. Họ cũng là người đồng bào dân tộc, nhưng vì mê muội, hám lợi mà nghe theo quân cướp nước. Ngày ấy, người Mông, người Thái, người Khơ Mú ở đất này sợ biệt kích hơn sợ cọp.

Sức trai, thấy bản làng mình bị kẻ xấu quấy phá, chàng thanh niên Vừ Chông Pao chẳng thể ngồi yên. Vậy là già đứng lên tụ tập thanh niên, trai tráng ở địa phương, thành lập đội bảo an để bảo vệ dân làng. Thủa ban đầu cầm súng ấy, già chưa biết cách mạng là gì. Chỉ biết kẻ ác đến nhà thì làm trai phải đánh, phải đuổi như đuổi con thú dữ thường về bắt trâu, bắt lợn của dân.

Phỉ Vàng Pao.

Năm 1948, cách mạng mới thực sự đến được với nơi già sinh sống. Khi ấy, Uỷ ban Kháng chiến mới chính thức thành lập. Cùng với chính quyền uỷ ban xã thì lực lượng dân quân, công an, xã đội cũng lần lượt ra đời. Bởi uy tín cùng với công lao trước đây, mọi người đã nhất trí bầu già làm Trưởng Công an xã. Từ ngày có chính quyền cách mạng, xã Na Ngoi, nơi già làm Trưởng Công an đã trở thành một thành trì bất khả chiến bại. Đã bao lần phỉ vượt rừng đánh sang, nhưng bằng lối đánh du kích, già Pao đã lãnh đạo trai tráng trong vùng chiến đấu khôn khéo, anh dũng, khiến chúng không thể nào tiến sâu vào vùng nội địa.

Năm 1960, huyện Tương Dương được chia tách thành hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Khi ấy, già Pao được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch MTTQ huyện Kỳ Sơn. Cũng thời gian ấy, nhờ sự hà hơi tiếp sức của Mỹ, Vàng Pao, một tướng của quân đội Hoàng gia Lào, được Mỹ đào tạo, đã rắp tâm chống lại sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân đội Pathet Lào. Để thực hiện ý đồ đen tối đó, Vàng Pao đã xây dựng các cụm phỉ ở sát biên giới Việt Nam nhằm quấy nhiễu, chống phá khối đại đoàn kết giữa hai dân tộc Việt- Lào. Tự xưng là "vua Mèo", quái thai của lịch sử Vàng Pao đã lôi kéo đồng bào người Mông ở đây theo mình, quay lưng lại với chính quyền cách mạng.

Người Mông kính trọng trưởng tộc, trưởng họ như kính trọng cha mẹ mình. Bởi thế, cứ nhằm những người ấy mà già đưa lời "thuyết khách". "Người Mông ta bao đời sống ở đất này, rừng này. Mộ ông cha ta còn nằm ở đây, ruộng nương này cho ta cái ngô, cái sắn, nuôi ta lớn, ta mạnh như con thú trong rừng. Vàng Pao bảo theo Vàng Pao sẽ được sung sướng, không phải làm mà cái bụng vẫn no. Nhưng khắp dải đất này, đã có ai được như thế đâu. Mà hạt thóc, quả ngô chỉ có trồng mới có, không làm thì lấy đâu ra! Theo Vàng Pao là cầm súng bắn lại anh em, đồng bào mình, làm thế thì cái bụng vui sao cho được!".

Cái "lý" của già Pao là vậy. Nói lần thứ nhất dân không hiểu thì nói lần thứ hai, thứ ba... Nói mãi dân vẫn chưa tin thì làm để dân tin. Có nơi, già đã ở và lên nương, lên rẫy cùng dân suốt cả tháng trời. Vừa làm vừa nói những điều "củ cải cũng nghe" ấy nên như mưa dầm thấm lâu, những lời thật thà nhưng thấu tình, thấu lý ấy của già đã dần khiến mọi người dần hiểu. "Vừ Chông Pao là người tốt! Mà người tốt thì chỉ bảo dân ta làm việc tốt thôi!". Nghĩ vậy nên nhiều bản đã thôi không nghe theo Vàng Pao nữa.

Lấy lời Bác Hồ làm "vũ khí" dẹp loạn Châu Phà

Nạn phỉ Vàng Pao vừa chưa yên thì năm 1962, tại xã Mường Lống, giặc Châu Phà do Già Xay Xua cầm đầu lại nổi lên nhũng nhiễu dân lành. Cũng những lời đường mật, lừa phỉnh như Vàng Pao, Già Xay Xua đã lôi kéo được rất nhiều người Mông ở những xã quanh Mường Lống theo mình, chống lại chính quyền cách mạng. Giặc loạn Châu Phà khiến chính quyền Kỳ Sơn bối rối. Già Pao kể, đang lúc bí quẫn ấy thì già được mời ra Hà Nội để dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Đó là năm 1963 và chính chuyến đi ấy, từ người mà mình cả đời thần tượng, kính yêu, già đã tìm được bí quyết để dẹp yên quân phiến loạn Châu Phà.

Lần ấy, sau lễ kỷ niệm, các đại biểu đến từ mọi miền đã được Bác Hồ và bác Lê Duẩn mời vào gặp mặt ở Phủ Thủ tướng. Sau khi hỏi thăm tất thảy mọi người, quay sang bác Lê Duẩn, Bác Hồ hỏi: "Anh Ba, Nghệ An- Kỳ Sơn có việc gì?". "Thưa Bác, Nghệ An- Kỳ Sơn có Châu Phà nổi loạn". Bác Lê Duẩn lễ phép trả lời.

Nghe vừa dứt câu trả lời của bác Lê Duẩn, quay sang phía các đại biểu, Bác điềm tĩnh hỏi: "Anh em ta, đại biểu ta, sinh ra Châu Phà thì các chú định giải quyết thế nào?". Khi mọi người còn đang im lặng bởi chưa biết tính sao thì già Pao đã mạnh dạn đứng dậy, nói những điều mình nghĩ: "Thưa Bác, Kỳ Sơn có nhiều người theo Châu Phà. Những người ấy đã ngoan cố chống lại cách mạng, cầm súng bắn lại nhân dân, bộ đội. Theo cháu, ai đã cầm súng bắn lại đồng bào mình thì phải tử hình. Ai cầm súng nhưng chưa gây tội ác phải cải tạo từ 1- 3 năm. Ai không cầm súng nhưng ủng hộ, theo Châu Phà thì cải tạo từ 6 tháng đến 1 năm…".

Thấy người đại biểu đến từ Kỳ Sơn nói vậy, Bác đã hốt hoảng xua tay: "Không được! Không được đâu các chú ơi! Theo Bác, các chú phải xác định kẻ thù chính của ta là ai, ai muốn đô hộ, cướp nước ta. Nhân dân ta trình độ có hạn, nên đã nghe theo những lời lừa phỉnh của kẻ xấu. Các chú nên xác định bạn ta là ai? 54 dân tộc là bạn của ta hết. Nếu coi họ là thù thì cả đời ta đánh địch cũng không hết! Phải cảm hoá họ để họ về với ta!". Bác nói vậy, già Pao thấy chí lý vô cùng. Trước lúc tạm biệt Người Cha già dân tộc để trở về Kỳ Sơn, già Pao còn được Người dặn kỹ thêm: "Các chú về mời tất cả đầu họ, đầu giòng, mở hội nghị nói những lời trên của Bác. Nên nhớ là không bắt, không bỏ tù bất cứ ai đã quay về với ta!".

Có được những lời vàng ngọc ấy của Bác, về đến Kỳ Sơn, ngay lập tức già Pao cùng với các đồng chí của mình đã triệu tập mọi người, mở hội nghị ở trong rừng, truyền đạt lại những điều mà mình được lĩnh hội từ Lãnh tụ kính yêu. Việc làm ấy của già đã phát huy công hiệu. Những người theo phỉ Châu Phà đã thật sự dao động, hoang mang. Theo tìm hiểu của mình, già Pao biết, đã có rất nhiều người muốn từ giã vũ khí, quay về sống đời lương thiện, yên ổn làm ăn. Thế nhưng, khi ấy, họ vẫn sợ, khi buông súng sẽ bị những người theo cách mạng và nhân dân trả thù, đòi nợ máu. Vậy là, sau vài đêm suy tính, già Pao đã quyết định chọn Lỳ Vả Chinh, người ủng hộ Già Xay Xua tích cực nhất để làm nhân vật điển hình cho hành trình cảm hoá, vận động của mình.

Lỳ Vả Chinh là chồng của Vừ Y Lầu, khi ấy là Hội trưởng Hội phụ nữ xã Mường Lống, chị họ của già Pao. Tìm gặp Y Lầu, già Pao bảo: "Y Lầu à, Y Lầu phải gọi chồng về thôi! Chồng Y Lầu cứ trốn ở trong rừng mãi, khổ chẳng khác gì con thú đói mồi đâu à. Không gọi chồng về, nếu bắn nhau, một là Y Lầu mất chồng, hai là Y Lầu mất cậu! Gọi chồng về thôi, đừng theo phỉ nữa! Cách mạng sẽ không bắt tù, cũng không làm hại Vả Chinh đâu. Có giàng, tôi thề với Y Lầu đấy!".

Những điều mà già nói, thực ra cũng đúng là ý của Y Lầu. Mấy năm Vả Chinh cầm súng theo Châu Phà, trái tim đã bị xé đôi, có chồng mà cũng như không. Tuy nhiên, sợ khi quay về, người ta thù ghét, làm hại thì còn kinh hãi hơn nhiều. Thế nhưng, được câu nói của già Pao, Y Lầu tin và thấy yên cái bụng lắm! Y Lầu đồng ý là sẽ vào rừng để gọi Vả Chinh về.

Phải mất mấy bận vào rừng, mong muốn của Y Lầu mới thành sự thực. Vả Chinh đã lũn cũn theo về, người nhẳng như kẻ bị bỏ đói lâu ngày. Gặp già Pao, Vả Chinh bảo: "Chông Pao à, tôi biết sai rồi! Theo Châu Phà khổ lắm, nhục lắm!". Sau khi trình diện với chính quyền cách mạng, ngay lập tức Vả Chinh được thả tự do. Thấy Vả Chinh được vui vầy với vợ con, đồng thời, vẫn đi nương, vào rẫy bình thường như chẳng có chuyện gì thì nhiều người theo Châu Phà đã thực sự tin vào sự khoan dung của cách mạng. Và cũng từ ấy, họ đã lũ lượt kéo về nộp vũ khí mỗi lúc một đông. Đội quân thiện chiến gần 100 tay súng của Châu Phà tự dưng tan rã mà chính quyền cách mạng chẳng cần tốn một mũi tên, hòn đạn.

Bây giờ, tuổi đã 80, nhưng trên cương vị là Phó Chủ tịch danh dự MTTQ tỉnh Nghệ An, già Pao vẫn rất nhiệt thành với công việc của mình. Ở bất cứ đâu, Đảng và Nhà nước cần là già Pao có mặt. Già bảo, với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước, quê hương thì già sẽ tận tâm cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, hoá mình vào rừng, vào núi

Đào Tuệ Linh – số 49
.
.
.