Vị Đại tá và tên tướng cướp đặc biệt

Thứ Hai, 26/10/2009, 16:39
Sau bao công sức, sau cả những lúc đương đầu với nguy hiểm, họ đã bắt được một tên cướp với vũ khí đầy mình. Nhưng họ đã cho tên cướp nguy hiểm này về nhà thăm gia đình chỉ với một lời hứa của hắn. Tên cướp không trở lại đúng hẹn như lời hứa. Nhưng có một cán bộ Công an vẫn tin phần con người còn lại của hắn...

Bây giờ vấn đề người có hành vi phạm tội, người phạm tội bỏ trốn đang bị truy nã ra đầu thú đã có hẳn một vị trí trong khoản 1, Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Không ít người phạm tội đã và đang chọn con đường đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng từ chính sách nhân đạo này. Nhưng ít ai biết rằng, phong trào vận động người phạm tội ra đầu thú được khởi nguồn từ Phòng CSHS Công an tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) và "tác giả" chính là Đại tá Trần Sỹ Mỵ, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tây (cũ). Và cũng chính vì phong trào này mà suýt nữa Đại tá Trần Sỹ Mỵ phải "ăn" án kỷ luật nặng.

Cuối tháng 12/1986. Lúc bấy giờ Đại tá Trần Sỹ Mỵ với cương vị là Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Hà Sơn Bình nhận thấy rằng, lực lượng CSHS cần phải có tư duy mới trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Trong công tác phòng ngừa, bức xúc nhất là công tác truy bắt đối tượng truy nã. Có không ít trường hợp đối tượng khi bị bắt giữ, nếu xét theo tội trạng cũng chỉ đáng xử lý hành chính. Nhưng sau khi gây ra chuyện, người ta cứ trốn. Trong công tác truy nã, không chỉ vất vả, tốn kém mà CBCS còn phải đối mặt với nguy hiểm, thậm chí đổ máu khi đối tượng cùng đường, chống trả.

Làm thế nào để công tác truy bắt đối tượng truy nã đỡ tốn hao sức lực, tiền của và xương máu của anh em; đồng thời mở con đường cho người phạm tội trở về hoàn lương không phải trốn chui trốn lủi? Câu hỏi ấy khiến Đại tá Trần Sỹ Mỵ trăn trở. Sao không tuyên truyền, kêu gọi người ta về đầu thú, tự thú? Ông đưa vấn đề ra bàn bạc trong chỉ huy Phòng CSHS rồi giao cho Đội phòng ngừa xây dựng kế hoạch kêu gọi đối tượng truy nã ra đầu thú.

Chuyện tưởng đơn giản nhưng hoá ra phức tạp, bởi thời điểm ấy, hệ thống luật của ta chưa hoàn chỉnh như bây giờ. Một câu hỏi đặt ra là, dựa vào đâu để vận động người ta về đầu thú ? Nếu về đầu thú mà người ta không được hưởng cái gì thì có lẽ chẳng ai muốn về ? Cũng phải mất một thời gian trao đổi, bàn bạc rồi tổ chức tìm tòi trong các văn bản pháp luật, cuối cùng Đại tá Trần Sỹ Mỵ cùng các đồng sự cũng tìm ra được một giải pháp.

Hồi ấy đang rộ lên phong trào xây dựng gia đình "5 tốt". Vậy là bản kế hoạch với cái tên đầy đủ là "Kế hoạch cảm hoá, giáo dục đối tượng có tiền án, tiền sự tại gia đình và vận động người phạm tội trốn tránh pháp luật ra tự thú" hình thành. Ngày 14/10/1987, Đại tá Trần Sỹ Mỵ hạ bút ký vào bản kế hoạch mang số 124/PC14 chỉ vỏn vẹn có 2 trang đánh máy này. Cũng không ngờ Kế hoạch 124 đã phát triển thành phong trào toàn quốc và đây cũng là một trong các sự kiện làm nên thành tích để Phòng CSHS Công an tỉnh Hà Tây (cũ) được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng LLVTND".

Sau này không ít người lầm tưởng, phong trào vận động đối tượng phạm tội ra đầu thú ở Hà Sơn Bình là xuất phát từ vụ án Bình "bò" nhưng sự thực không phải như thế. Hơn 10 tháng sau khi Kế hoạch 124 ra đời, vào đêm 4/8/1988, trên đê Lưu Hoàng (Ứng Hoà) mới xảy ra vụ Bình "bò" cùng 2 tên đồng bọn đi trên một chiếc xe máy chặn đường, sử dụng vũ khí bắn Thiếu uý Đỗ Văn Quảng, Đội trưởng Đội CSHS Công an Thanh Oai bị thương, cướp đi chiếc Honda Cub 72 của anh.

Cuộc đọ súng xảy ra và một trong 3 tên cướp cũng bị anh Quảng bắn bị thương. Với vụ án nghiêm trọng này, Đại tá Trần Sỹ Mỵ trực tiếp dẫn quân xuống hiện trường tổ chức khám nghiệm và điều tra, truy tìm bọn cướp. Khai thác thông tin được biết, Phạm Văn Bình, biệt danh Bình "bò" (SN 1955), trú ở ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên (Hà Nội) từ năm 10 tuổi là trẻ em hư đã phải đưa vào Trường Phổ thông Công Nghiệp. Sau đó Bình ra trường lại gây án và tiếp tục bị đưa đi tập trung cải tạo 4 năm ở trại Thanh Cẩm (Thanh Hoá). Khi sắp hết hạn, Bình gây án ngay trong trại và bị kéo dài thời hạn cải tạo thêm 4 năm nữa. Chưa hết hạn cải tạo, Bình đột nhập vào kho của Trại lấy trộm 2 khẩu K54, 1 khẩu K59, 4 quả lựu đạn và 1 lê AK rồi bỏ trốn. Bình là tên tội phạm nguy hiểm, liều lĩnh và đang bị truy nã.

Trong khi đó nhóm trinh sát phụ trách tuyến đường 1A phát hiện, một đối tượng  có tên là Tuấn "vận tải hàng hoá" khá nghi vấn thường qua lại nhà cô Đoàn Thị Huyền, trú ở thị trấn Phú Xuyên. Nghe nói Tuấn là người yêu của cô Huyền. Anh ta thường đến nhà cô Huyền với chiếc mũ kéo sụp xuống che gần kín mặt, đầy bí ẩn. Kẻ nghi vấn ấy nhanh chóng được các trinh sát xác định, đó là Bình "bò".

Với một kẻ như Bình "bò", khi vây bắt nếu chống trả, tiêu diệt là chuyện không phải bàn. Thế nhưng với Bình "bò", Đại tá Trần Sỹ Mỵ hiểu rằng, trong tay anh ta có tới 3 khẩu súng ngắn và 4 quả lựu đạn, bị vây bắt cùng đường, chuyện thương vong đối với CBCS xảy ra là điều khó tránh khỏi. Vậy là ông quyết định kêu gọi Bình "bò" ra đầu thú. Trinh sát Nguyễn Văn Hậu, quê ở Phú Xuyên, vốn là bạn học với cậu em con chú cô Huyền được chọn để tìm cách đưa cô tham gia vụ án này.

Sau vài ngày, Hậu cùng đồng đội vận động, thuyết phục được cô Huyền dẫn Bình lên trụ sở Phòng CSHS đầu thú. Anh ta còn mang lên nộp 1 khẩu súng K59 và 4 quả lựu đạn. Đến đây coi như vụ án khép lại. Đại tá Trần Sỹ Mỵ chỉ đạo các ĐTV tập trung xét hỏi Bình "bò" về các sự việc gây ra trong trại trước đây làm rõ hành vi trộm cắp vũ khí, trốn trại. Còn việc sử dụng súng gây án trên đường đê Lưu Hoàng thì hãy từ từ chờ kết quả giám định từ khẩu K59.

Bình "bò" trong chương trình "Người xây tổ ấm" khi đã hoàn lương.

Sau khi ra đầu thú được 3 ngày, bất ngờ Bình "bò" lên gặp Đại tá Trần Sỹ Mỵ xin được về 3 ngày ăn rằm để chia tay, tạm biệt cô Huyền cùng gia đình người yêu. Đại tá Trần Sỹ Mỵ đứng trước tình huống khó xử. Nếu không cho về chứng tỏ anh vẫn chưa tin Bình. Thế nhưng cho về mà Bình "bò" bỏ trốn thì sao ? Có tin "chú Mỵ" cùng các anh Phòng CSHS thì Bình mới ra đầu thú, không những thế anh ta còn mang nộp vũ khí, phương tiện gây án chứng tỏ quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi.

Mặt khác trong khi tiếp xúc với Bình "bò", nghe chuyện của anh ta, bằng linh cảm Đại tá Trần Sỹ Mỵ đặt niềm tin vào con người này, tuy Bình là tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm nhưng trong anh ta không phải đã mất hết nhân cách. Việc một thanh niên Hà Nội về nhà người yêu ở nông thôn đi tập cày, tập bừa, nhổ mạ, tát nước, gánh phân... chứng tỏ quyết tâm hướng thiện làm lại cuộc đời của anh ta. Không cho Bình về ăn rằm, chứng tỏ anh là kẻ hẹp hòi. Đại tá Trần Sỹ Mỵ đồng ý cho phép Bình về thăm nhà.

Hết 3 ngày, không thấy Bình "bò" quay lại. Qua cô Huyền, anh ta gửi cho Đại tá Trần Sỹ Mỵ một bức thư viết trên giấy học trò với vài dòng chữ ngắn ngủi :"Cháu xin lỗi chú. Cháu có việc phải đi xa ít ngày... Cháu sẽ về chịu tội". Đúng thời điểm ấy, khẩu súng K59 mà Bình mang nộp được cơ quan kỹ thuật hình sự giám định với kết luận, đây chính là khẩu súng mà nhóm cướp sử dụng bắn Thiếu uý Quảng. Vậy là Bình không chỉ trốn trại, trộm cắp vũ khí mà còn phạm một số tội danh khác như giết người, cướp của, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép...

Lúc này những ý kiến trái chiều với việc kêu gọi đối tượng ra đầu thú lại được dịp nổi lên. Không ít điều ra, tiếng vào, nào là chẳng khác nào "thả hổ về rừng", nào là "bốc đồng", vô kỷ luật, quá hữu khuynh... Một tuần rồi mười ngày trôi qua, Bình vẫn lặn mất tăm. Không khí trong đơn vị căng như dây đàn. Tuy nhiên Đại tá Trần Sỹ Mỵ vẫn tin Bình không bỏ trốn.

Đúng 15 ngày, Bình quay trở lại thật. Quyết tâm hướng thiện của Bình còn mãnh liệt hơn điều mà Đại tá Trần Sỹ Mỵ nghĩ. Trước khi bị bắt vào trại, Bình có vợ và cậu con trai nhỏ. Trong những lần đi thăm nuôi chồng thì cô ta phải lòng T. trú ở Giảng Võ (Hà Nội), một bạn tù của Bình. Khi Bình phải ở lại trại thêm 4 năm nữa thì T. trở về cuỗm luôn vợ Bình để lại đứa bé bơ vơ. Quá uất, Bình mới trộm súng, trốn trại về Hà Nội định tính sổ với tình địch.

Tuy nhiên, sau đó nghĩ lại Bình thấy trong chuyện này một phần cũng có lỗi của mình. Nếu như Bình không gây án trong trại phải kéo dài thời gian cải tạo thì hạnh phúc gia đình không tan vỡ. Vậy là Bình không đi tìm T. nữa. Bình lang thang rồi nhập bọn với mấy tay giang hồ đất Hải Phòng, Nam Định... là Hùng "Cát Bi", Bình "trán ngắn"... thành nhóm cướp. Trong số vũ khí lấy trộm được, Bình chỉ giữ lại 1 khẩu K59 và 4 quả lựu đạn. Còn 2 khẩu K54, Bình cho 2 đối tượng ở Lâm Đồng và Hải Phòng. Bình nghĩ tội mình nặng lắm, "dựa cột" là cái chắc, vậy mà còn được "chú Mỵ" và các anh CSHS cho ra đầu thú thì chắc là sống rồi.

Trong ba ngày ngồi ở Phòng CSHS, trong lòng Bình không yên về 2 khẩu súng mà Bình đã mang cho. Hai khẩu súng ấy nếu mang đi gây án thì Bình cũng phải chịu một phần tội lỗi và việc anh ra đầu thú chưa thật mỹ mãn. Vậy là Bình quyết định phải đi tìm, lấy lại 2 khẩu súng. Nếu nói thật, chắc "chú Mỵ" không cho đi nên Bình buộc phải nói dối, xin về ăn rằm. Xuống Hải Phòng rồi lại lần mò vào tận trong Lâm Đồng nhưng Bình không tìm được 2 khẩu súng ấy. Ngồi trên tàu, anh thất vọng đã nghĩ đến chuyện chạy trốn nhưng rồi hình ảnh, tình cảm của Huyền, gia đình cô cùng với lòng tin, tình cảm của "chú Mỵ" cùng các anh ở Phòng CSHS khiến Bình từ bỏ ý định ấy. Lòng tin của Đại tá Trần Sỹ Mỵ đã không đặt nhầm chỗ.

Chỉ sau khi vụ án Bình "bò" kết thúc, phong trào vận động đối tượng bỏ trốn ra đầu thú ở tỉnh Hà  Sơn Bình gây được tiếng vang lớn. Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) phát động phong trào trong toàn quốc và tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm ở TP Hồ Chí Minh.

Thời điểm ấy, Thiếu tá Trần Sỹ Mỵ được bổ nhiệm Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Sơn Bình và được mời đi báo cáo điển hình. Vào năm 1996, 1997, ông còn chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tây (cũ) "nâng cấp" phong trào với sáng kiến viết "Lá thư kêu gọi đầu thú". Trong mỗi lá thư này có chữ ký của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cùng các vị Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND tỉnh, tạo niềm tin vững chắc cho những người lầm lỡ phạm tội lẩn trốn tìm đường về đầu thú.

Với Bình "bò", nhờ tình tiết giảm nhẹ, anh chỉ phải chịu án phạt 12 năm tù giam. Sau 3 lần lập công trong trại, năm 1995, anh được đặc xá. Bây giờ Bình là một ông chủ  doanh nghiệp làm ăn khá phát đạt trên đất Phú Xuyên (Hà Nội). Anh đã có cháu gọi bằng ông nội. Hàng năm, vợ chồng Bình vẫn lên thăm vợ chồng "chú Mỵ". Vị Đại tá Công an và tên tướng cướp đặc biệt nguy hiểm năm xưa giờ như những người thân

Hà Phương - CSTC số 6
.
.
.