Vì sao Mubarak bị lật đổ

Thứ Hai, 14/03/2011, 09:41
Ông Hosni Mubarak vừa buộc phải từ bỏ chiếc ghế tổng thống Ai Cập vào đêm 11 rạng sáng 12/2/2011, sau gần trọn 30 năm cầm quyền. Sự ra đi của ông này làm hả lòng hàng triệu người Ai Cập đã kiên quyết phản kháng liên tục 18 ngày đêm, chấp nhận cả đổ máu, để đòi ông phải từ chức; mặc dù trong tâm khảm của họ, cuộc đời Mubarak từng có những trang oanh liệt làm rạng danh đất nước Kim Tự Tháp. Đó thật là bi kịch của một vị tổng thống đang ở thế kỷ XXI mà vẫn muốn trị vì đất nước như một vị vua của thời Pharaon xa xưa!

Thế là một vị tổng thống - vua nữa của thế giới Arab bị buộc phải từ bỏ “ngai vàng” - dinh tổng thống. Đây là trường hợp thứ hai liên tiếp xảy ra tại thế giới Arab chỉ trong vòng gần một tháng. Trước đó, ngày 14/1, ông Ben Ali ở Tunisia đã phải chạy trốn sang Saudi Arabia, bỏ lại cái ghế tổng thống mà ông ấy đã ngồi lì suốt 24 năm!

Anh hùng một thuở

Ông Hosni Mubarak không thuộc lớp “công thần kiến tạo nền cộng hoà”, nhưng đã sớm thể hiện tài năng trên con đường binh nghiệp. Năm 1948, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng trai quê ở châu thổ hạ lưu sông Nil này đã đỗ cử nhân khoa học quân sự tại Ai Cập. Chỉ hai năm sau đó, Mubarak trở thành cử nhân khoa học hàng không tại Viện Không quân ở Cairo.

Năm 1964, khi chưa đầy 40 tuổi, ông đã được bổ nhiệm tư lệnh một căn cứ không quân quan trọng nằm sát Thủ đô Cairo, trở thành vị tư lệnh trẻ nhất của một căn cứ không quân ở Ai Cập. Cùng năm ấy, Mubarak được cử làm trưởng đoàn sĩ quan Ai Cập đi tu nghiệp tại học viện quân sự danh tiếng Frunze lớn nhất của Liên Xô. Trở về, tướng trẻ Mubarak thăng tiến vùn vụt trên con đường binh nghiệp. Đến năm 1972, ông đã được bổ nhiệm Tư lệnh Không quân và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ai Cập.

Nhưng thần tượng Mubarak nổi lên hoành tráng nhất là trong chiến tranh tháng 10/1973 mà (cố) Tổng thống Anwar Sadat phát động với mục tiêu giành lại bán đảo Sinai rộng lớn bị Israel chiếm đóng suốt từ sau chiến tranh năm 1967. Người Ai Cập từng tự hào cho rằng trong vài ngày đầu cuộc chiến tranh này, không quân của họ, do Hosni Mubarak làm tư lệnh, đã giáng những đòn chí mạng vào lực lượng không quân của Israel vốn đang thống lĩnh vùng trời Trung Đông hồi ấy. Với chiến tranh Tháng 10/1973, Mubarak là một người hùng trong lòng nhân dân Ai Cập.

Ông cũng là nhân vật góp phần quan trọng đem lại thành quả cho mục tiêu mà Sadat nhắm tới là tạo dựng vị thế danh dự cho Ai Cập trước khi ký hiệp định hoà bình với Israel và chuyển hướng chiến lược từ đồng minh của Liên Xô sang làm thân với Phương Tây mà đứng đầu là Mỹ. Chiến tranh Tháng 10/1973 đem lại vinh quang cho Tổng thống Sadat và vị thế Phó Tổng thống cho Đại tướng không quân Mubarak vào năm 1975. Nhưng dịp kỷ niệm hằng năm lần thứ tám “chiến thắng Tháng Mười” - năm 1981 lại là ngày định mệnh tạo bước ngoặt không ngờ đối với cả hai ông này. Sadat bị ám sát chết ngay tại cuộc duyệt binh ngày đại lễ, để rồi Mubarak đương nhiên lên thay như hiến pháp quy định.

Những năm đầu cuộc đời tổng thống, Hosni Mubarak không phụ lòng ngưỡng mộ của nhân dân Ai Cập. Ông đã khôi phục địa vị trung tâm của Ai Cập tại Liên đoàn Arab sau 10 năm bị thế giới Arab tẩy chay vì Sadat đã “một mình” ký hiệp định hoà bình với Israel. Mubarak đã lãnh đạo đất nước xứng đáng với vị thế của một quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu và tầm ảnh hưởng không thể thiếu được trong các vấn đề ở Trung Đông, châu Phi. Ai Cập và Mubarak luôn là một đồng minh chiến lược quan trọng bậc nhất của Mỹ trong khu vực; là đối tác không thể thiếu trong mọi vấn đề liên quan đến tiến trình hoà bình Trung Đông. Tầm mức ảnh hưởng của Mubarak lớn đến mức các chính quyền Mỹ, Tây Âu và cả Israel đều lo ngại nếu một ngày nào đó ông này không còn đứng đầu Ai Cập nữa.

Tham quyền cố vị

Nhưng thanh danh vị anh hùng trận mạc Mubarak, theo thời gian từ thập kỷ này sang thập kỷ khác, đã dần lu mờ trong tâm tưởng của người Ai Cập như đã thấy. Ông này đã tìm mọi cách “hợp hiến” nhất để duy trì vị thế tổng thống của mình như một ông vua. Ba cuộc “trưng cầu dân ý” với chỉ Mubarak làm ứng viên đã được tổ chức liên tiếp vào các năm 1987, 1993 và 1999 để khẳng định lòng dân “tín nhiệm” ông làm nguyên thủ quốc gia.

Đến năm 2005, khi buộc phải chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử theo thể thức “hơn một ứng viên” để bầu tổng thống, Mubarak vẫn trúng cử để tiếp tục ngồi lại sau 24 năm cầm quyền; nhưng dư luận trong và ngoài nước đã không tin tỷ lệ 88,5% số phiếu mà Mubarak thu được thể hiện tính công bằng và chân chính của cuộc tổng tuyển cử này.

Để đảm bảo vững chắc cho chiếc ghế tổng thống của mình, Mubarak đã tìm mọi cách duy trì một hiến pháp không còn phù hợp với đòi hỏi phát triển dân chủ trong nước. Ông cũng mượn cớ “chống khủng bố” để kéo dài đến tận hôm nay hiệu lực của luật về tình trạng khẩn cấp được ban bố ngay sau vụ Sadat bị ám sát chết năm 1981.

Tuy theo chế độ đa đảng, nhưng trên thực tế, đảng Quốc gia Dân chủ do Mubarak đứng đầu luôn có cách để giành thế độc tôn tuyệt đối trong cả nghị viện (gồm Quốc hội và Hội đồng Shura), chính phủ, lực lượng vũ trang và guồng máy tư pháp từ trung ương đến địa phương. Cũng năm 2005, chịu áp lực của chính quyền Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, Mubarak phải chấp nhận tổ chức tổng tuyển cử đa đảng bầu Quốc hội, với kết quả là một số lượng đáng kể ứng viên đối lập trúng cử. Riêng người của phong trào Anh em Hồi giáo (AEHG) - một tổ chức Hồi giáo cực đoan, tuy bị cấm hoạt động, nhưng trúng tới 70 ghế trong Quốc hội.

Đến cuộc bầu Quốc hội hồi cuối tháng 11 năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Barak Obama không gây áp lực mạnh mẽ nữa, thì Mubarak đã lật ngược thế cờ. Đảng cầm quyền của tổng thống đoạt 420 trên tổng số 510 ghế, chiếm tới 82% số ghế Quốc hội mới, trong khi nhiệm kỳ trước đó chỉ có 70%. Các ứng viên độc lập mà phần lớn là “quần chúng của đảng Quốc gia Dân chủ” được 70 ghế. Chỉ còn 14 ghế cho các tổ chức đối lập, trong đó AEHG mất sạch 70 ghế vốn có! Rất nhiều khiếu nại, tố cáo cuộc tổng tuyển cử này là “gian lận trắng trợn và tràn lan”. Các đảng đối lập tuyên bố Quốc hội mới này “không có hiệu lực”; thậm chí họ còn thành lập ra một “quốc hội song hành” với 70 nghị sĩ mà họ cho là đã trúng cử thực tế nhưng bị đảng cầm quyền gạt ra!

Tham vọng “cha truyền con nối”

“Thành công” trong việc sắp đặt cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm ngoái khiến ông Mubarak thêm tự tin vào tính bền vững của địa vị độc quyền lãnh đạo đất nước. Từ nhiều năm trước, ông này đã chuẩn bị cho việc “truyền ngôi tổng thống” cho con trai. Ban đầu, Mubarak có ý định bồi dưỡng để con trai lớn - Alaa Mubarak trở thành tổng thống. Nhưng Alaa vốn chỉ ham kinh doanh, không thích hợp với đường công danh chính trị, nên Mubarak chuyển hướng sang người em là Gamal Mubarak.

Trước cuộc bầu tổng thống năm 2009, người ta đã thấy có dấu hiệu tung tin Gamal có thể ra ứng cử. Nhưng Mubarak cha chưa yên lòng về chàng trai “còn trẻ người, non dạ” và chưa có vị thế để tạo uy tín trong đảng cầm quyền. Bởi thế, Mubarak tiếp tục tranh cử để làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, đồng thời vận dụng con đường tổ chức để đưa Gamal vào địa vị uỷ viên Bộ Chính trị của đảng Quốc gia Dân chủ và làm Trưởng ban Đường lối chính sách của đảng này.

Thực ra, không phải chỉ Tổng thống Mubarak của Ai Cập mới có cái mộng “cha truyền con nối”. Đây có lẽ là một bệnh dịch trong các chế độ cộng hoà hình thức ở thế giới Arab. Không ít các lãnh tụ Arab đứng đầu các chính thể cộng hoà nhưng cầm quyền suốt đời. Trong thời gian cầm quyền ấy, vị lãnh tụ đã chuẩn bị mọi mặt vững chắc để con của ông ta sẽ lên cầm quyền khi cha băng hà.

Khởi đầu là ở Syria, khi năm 2000, ông Bashar al-Assad “kế vị” cha là Hafay al-Assad mới qua đời. Saddam Hussein ở Iraq lúc đương thời đã không che giấu kế hoạch để con trai thứ hai - Qusay Saddam lên làm tổng thống, nếu chế độ của ông này không bị Mỹ dùng chiến tranh lật đổ năm 2003. Tại Lybia, vị lãnh tụ cách mạng Muamar Qadafi tại vị đến nay đã 42 năm, cũng có nhiều tin đồn sẽ đưa con trai là Seif Islam lên kế vị. Rồi đến nước cộng hoà nghèo nàn nhất thế giới Arab là Yemen, cũng có vị tổng thống - Ali Saleh cầm quyền từ năm 1978 đến nay, bị dư luận nước này phản kháng vì cho là đang chuẩn bị “truyền ngôi” cho con trai.

Xa rời dân chúng đến mức mù quáng

Với thời gian hơn ba thập kỷ cầm quyền, ông Mubarak đã thiết lập được một bộ máy nhà nước hoàn chỉnh, với đội ngũ cán bộ cao cấp được thử thách lòng trung thành cũng như hệ thống tham mưu chính trị “đảm bảo tin cậy”. Nhưng cũng chính bộ máy cầm quyền này đã trở thành quan liêu, hành chính, tham nhũng và xa rời thực tế đến mức không nắm bắt được biến động tâm lý bất mãn trong xã hội. N

hững người thân cận nhất của Mubarak, trong đó có “hoàng thái tử” Gamal, đã khiến ông tổng thống tin là phong trào phản kháng bùng nổ ngày 25/1/2011 chỉ là một bộ phận nhỏ không đại diện cho 82 triệu dân Ai Cập. Đến ngày cuối cùng (10/2/2011), trước khi buộc phải lên máy bay chạy khỏi Cairo, Mubarak vẫn còn bị Gamal làm cho ảo tưởng rằng có thể tiếp tục hoãn binh để lật ngược tình thế. Điều này thể hiện ở bài diễn văn Mubarak đọc đêm 10/2 vừa qua, trong đó tuyên bố không từ chức, mà chỉ trao cho Phó Tổng thống Omar Suleiman thêm một số quyền hành.

Thực ra, đã có một băng ghi hình trước đó, với nội dung Mubarak chấp nhận từ chức, trao toàn bộ quyền hành dân sự cho Phó Tổng thống; và trao quyền an ninh - quốc phòng cho quân đội. Gamal và một vài người khác đã tác động để Mubarak thay đổi vào phút chót, khiến băng ghi hình có sẵn bị huỷ bỏ, để vội vã làm lại một băng ghi hình mới như đã được phát đi trên truyền hình Ai Cập đêm 10-2 vừa qua, khiến cả thế giới ngỡ ngàng, phong trào phản kháng sục sôi và quân đội buộc phải ra tay để tránh cho đất nước khỏi rơi vào hỗn loạn không thể kiểm soát nổi!

Bộ máy nhà nước Ai Cập suy thoái triền miên, tham nhũng nghiêm trọng khiến cho nền kinh tế của đất nước đông dân nhất trong thế giới Arab này trở nên trì trệ, trong khi dân số không ngừng tăng cao. Rất đông thanh niên có học không thể kiếm được việc làm. 90% người thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Ai Cập được tính là hơn 2.000 USD/người/ năm, thì thực tế có tới 40% dân số sống trong nghèo khó (thu nhập dưới 2USD/ngày). Đây là bằng chứng rõ nhất về sự mất bình đẳng trong hưởng thụ thành quả của phát triển kinh tế trong nước.

Trong thời gian bất ổn vừa qua tại Ai Cập, còn có tin do báo Guardian của Anh đưa ra là tài sản của Mubarak và gia đình lên đến 70 tỷ USD! Con số này có nhiều khả năng bị phóng đại quá mức, nhưng nó như đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất bình của hàng triệu người phản kháng đang giận dữ biểu tình tại quảng trường Tahreer giữa lòng Thủ đô Cairo. Có điều chắc chắn là Mubarak và gia đình ông đã thu vén những khoản tiền khổng lồ một cách bất chính trong thời gian dài tham quyền cố vị.

Tình trạng nghèo khó tràn lan và bất công xã hội kéo dài là một trong những nguyên nhân căn bản, trực tiếp dẫn đến bất bình và phản kháng từ đông đảo dân chúng như đã diễn ra tại Ai Cập từ ngày 25/1 đến nay. Người hùng một thuở Hosni Mubarak đã  buộc phải cuốn gói ra đi vào đêm 11/2 vừa qua, chấm dứt tham vọng cầm quyền lâu hơn nữa!

Trần Thanh
.
.
.