Viagra giả những hệ lụy khôn lường

Thứ Tư, 20/07/2011, 10:44
Mỗi ngày, Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức phải khám, chữa bệnh cho khoảng 90 bệnh nhân mắc bệnh "đàn ông", trong đó, chiếm tới 70% người bị rối loạn cương dương (RLCD) phải sử dụng thuốc Viagra, tức là mỗi tháng, có khoảng gần 2.000 bệnh nhân phải lệ thuộc vào thuốc chống nhược dương, đủ thấy được sự "tàn phá" của căn bệnh này với đấng mày râu như thế nào.

Đó là chưa kể đến số người vào các cơ sở nam học khác như Phòng khám Tâm Anh (30A Lý Nam Đế), Khoa Nam học Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, hay Bệnh viện Bình dân (TP Hồ Chí Minh) vv...

1. Viagra không phải là thần dược tình yêu mà thuốc điều trị chứng nhược dương

Dĩ nhiên, với người đàn ông, dù có địa vị xã hội và nhiều tiền đến đâu, mà "bản lĩnh phòng the" lại bị "thua chị kém em" thì cũng không dám coi mình là đàn ông đích thực. Bởi thế, nếu ai "dính" phải bệnh "khó nói" này là tự dằn vặt, đau khổ như chưa tìm thấy bản thân trong dòng đời cuồn cuộn chảy. Không chỉ thấy mình không khẳng định được vai trò phái mạnh trong đời sống tình dục, nhiều người còn luôn luôn nơm nớp hạnh phúc với vợ hay người tình sẽ tan vỡ.

Con số hơn 20% số vụ chia tay của các cặp đôi trên thế giới có nguồn gốc từ việc người đàn ông "trên bảo dưới không nghe" là một thực tế. Nhiều người bị stress nặng chỉ vì căn bệnh "ỉu xìu".

Ths. Trịnh Hoàng Giang tư vấn cho bệnh nhân sử dụng phải Viagra giả tại Trung tâm Nam học -Bệnh viện Việt Đức.

Có bệnh nhân to cao, khỏe mạnh đã tìm đến khóc với GS-TS Trần Quán Anh, Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam, khi ông còn là Giám đốc Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức, chỉ vì vợ chồng anh đã nhiều lần chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để "lâm trận", nào là chế độ ăn, nào là không gian phòng ngủ, nhưng chả hiểu vì lý do gì anh vẫn "lực bất tòng tâm". Khổ nỗi, 2 vợ chồng càng cố gắng lại càng thất bại, đến mức, bà vợ đạp phắt anh chồng đang nước mắt ngắn dài xuống khỏi giường. Anh chỉ còn nơi duy nhất để bấu víu là GS. Trần Quán Anh, mà nếu không có giải pháp, anh chả còn thiết sống nữa.

Chính vì tầm ảnh hưởng quan trọng cả về tâm lý trong đời sống của căn bệnh RLCD, mà nhiều người quyết phải "sống chết" để cân bằng được "khả năng và mong muốn". Ths. Trịnh Hoàng Giang, Trung tâm Nam học -Bệnh viện Việt Đức cho biết: Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng rất lớn, Viagra lại thành công trong việc quảng cáo, nhất là sau khi hai nhà hóa học nghiên cứu thành công Viagra nhận giải Nobel Y học năm 1998, Viagra càng nổi tiếng, được nhiều người đàn ông coi như "thần dược tình yêu". Mà không chỉ các quí ông lớn tuổi mới phải chịu cảnh lệ thuộc vào thuốc, gần đây, nhiều người ở độ tuổi thanh niên cũng tìm đến Viagra.

Bên cạnh đó, sự quảng cáo quá mức về loại thuốc này khiến một số người thiếu hiểu biết nhầm tưởng Viagra là "thần dược tình yêu", nên dù không bị bệnh cũng muốn sử dụng thuốc để gia tăng "hương vị cuộc sống", "cải thiện" sức khỏe tình dục, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đây cũng chính là lý do để loại thuốc này được làm giả nhiều nhất, dù có 2 loại thuốc khác chữa bệnh RLCD  cũng hiệu quả không kém là Cialis và Levitra.

2. Viagra thật giá không rẻ

Ban đầu, thuốc Viagra được dùng để điều trị những cơn đau thắt ngực do bệnh tim. Trong quá trình điều trị, một phản ứng phụ là gây cương gần như bình thường ở những người mắc bệnh nhược dương đã được tình cờ phát hiện, để rồi sau đó, với sự bổ sung của các chuyên gia, Viagra đã trở thành thần dược với những người RLCD. Song, nhiều người đã nhầm Viagra là một loại thuốc kích dục, tăng thêm sự ham muốn, kéo dài khả năng của quí ông để có thể "bách chiến bách thắng".

Thực chất, thuốc này chỉ trợ giúp khả năng đàn ông gần như bình thường với các điều kiện khá khe khắt là khi bệnh nhân đang hưng phấn và trước giờ "lâm trận" một tiếng, nhưng cũng chỉ được dùng mỗi ngày một lần, chứ không thể lạm dụng. Hơn nữa, tỉ lệ người bị các tác dụng phụ của thuốc là khá cao, chừng 10%. Đấy là thuốc thật, còn với thuốc giả, dĩ nhiên, tình hình tệ hại hơn nhiều.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, Viagra giả cũng có cơ hội tung hoành với nhiều loại thuốc điều trị của các nhãn hiệu nổi tiếng và có uy tín nhưng lại không có xuất xứ, khiến không ít bệnh nhân "tiền mất, tật nặng hơn". Nhưng vì đây là câu chuyện cực kỳ "tế nhị", được cánh mày râu coi như liên quan đến "phẩm cách đàn ông" nên hầu như đều ngại đến bệnh viện để được bác sĩ khám và tư vấn, mà chỉ nghe bạn bè rỉ tai nhau rồi tự đi mua, không cần chỉ định của thầy thuốc. Đó là lý do để nhiều người, cũng vì sự mò mẫm trong bí mật, mà tiếp tục dẫm vào "vết xe đổ", giúp cho những kẻ sản xuất và buôn bán thuốc giả hưởng lợi.

Một ca xử lý tại Khoa Nam học.

Từ năm 2005, Bộ Y tế chính thức cho kinh doanh thuốc điều trị RLCD tại các cơ sở kinh doanh thuốc hợp pháp. Dĩ nhiên, thuốc Viagra do Hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer ở New York, Mỹ sản xuất không hề rẻ, với giá bán lẻ từ 10 USD đến 15 USD/viên. Hơn nữa, việc chào bán thuốc Viagra giả đang len lách đến từng nhà qua mạng Internet. Vì thế, nhiều người đã chọn giải pháp mua thuốc trôi nổi trên thị trường với giá rẻ hơn nhiều lần giá hãng: 40 -50.000đ/, thậm chí, 10.000đ/viên.

Chính Ths. Trịnh Hoàng Giang cũng thường xuyên nhận được những email mời chào bán thuốc Viagra chỉ với 2USD/viên. Trong khi đó, Hãng Pfizer có chính sách giá xuyên suốt và không thay đổi trên toàn cầu nên không thể có Viagra chính hãng bán với giá rẻ hơn hàng công ty, dù nhiều người giải thích đó là hàng xách tay. Ths.Trịnh Hoàng Giang cho rằng: trên 90% thuốc trôi nổi là giả.

3. Dùng Viagra giả - có thể liệt dương vĩnh viễn

Khi tôi đến Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức, một bệnh nhân từ tỉnh xa đang ngồi để được Ths. Trịnh Hoàng Giang điều trị. Anh cho biết, lần trước, sau khi được bác sĩ khám và cho đơn, anh đã mua thuốc Viagra ở một hiệu thuốc gần nhà, nhưng sử dụng xong không thấy "hiệu quả" gì, dù đã tăng cả liều dùng lên gấp đôi.

Là người có hơn 10 năm hoạt động ở lĩnh vực nam học, Ths. Trịnh Hoàng Giang rất có kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi nhìn những viên thuốc Viagra mà bệnh nhân mang đến, Ths. Trịnh Hoàng Giang vẫn hết sức ngạc nhiên vì từ màu sắc vỏ bao đến hình dáng, biểu tượng dập trên viên thuốc đều không có dấu hiệu gì là giả. Thậm chí, ở viên thuốc giả cũng có tem dán y như thuốc thật. Chỉ đến khi Ths. Trịnh Hoàng Giang đề nghị đại diện của Hãng Pfizer đến và làm kiểm nghiệm, mới xác định được đó là Viagra giả.

Không chỉ các cửa hàng thuốc ở vỉa hè mới bán thuốc giả, nhiều nhà thuốc vì lợi nhuận cũng nhập hàng trôi nổi để bán. Nhiều người ham rẻ, hoặc thiếu hiểu biết, đã khiến cho thuốc giả vẫn được tiêu thụ khá nhiều. Ths. Trịnh Hoàng Giang  còn cho hay: Một nguồn thuốc Viagra giả nữa khá phổ biến là "quà tặng" của cánh đàn ông với nhau. Nhiều người không được tư vấn, không mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mà được bạn bè tặng rồi "truyền miệng" cách sử dụng. Thấy uống thuốc 1 tiếng chưa ổn là tự ý tăng liều, mà "mèo vẫn hoàn mèo".

Nhiều lần sử dụng một cách "tự phát" dẫn đến những tác hại xấu cho sức khỏe tình dục. Do đó, bệnh nhân nói trên không phải là nạn nhân hiếm hoi của Viagra giả, mà đã có rất nhiều người phải quay trở lại Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức vì thuốc giả. Theo Ths. Trịnh Hoàng Giang, có tới 40% bệnh nhân phải quay lại điều trị vì đã sử dụng thuốc Viagra giả. Đó là số người còn tìm gặp bác sĩ, chứ những người không quay lại vì ngại, hoặc số người không được khám và tư vấn, chỉ sử dụng theo "truyền miệng" thì chắc chắn lớn hơn rất nhiều.

Không chỉ là "vô hiệu", mà những hậu quả để lại do sử dụng Viagra giả là khôn lường. Với độ tinh chất không cao của thuốc giả sẽ làm giảm hiệu lực, đồng thời, còn gây độc cho gan, thận và tăng huyết áp cho bệnh nhân. Sử dụng thuốc giả, người bệnh bị suy giảm khả năng hơn cả bình thường, nguyện vọng điều trị của người bệnh càng tồi tệ thêm với nguy cơ rối loạn tiền liệt tuyến dẫn đến "tê liệt" khả năng đàn ông có thể xảy ra.

Đó là chưa kể đến những tổn thương về tâm lý mà Viagra giả gây ra. Theo TS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) thì thuốc giả không chứa dược chất, hoặc dược chất không đủ hàm lượng, người dùng sẽ không có hiệu quả, khiến bệnh nặng thêm. Có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, dễ gây tai biến, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh.

Đại diện Công ty Pfizer Việt Nam cũng cho biết: kết quả kiểm nghiệm Viagra giả cho thấy thuốc giả không có hoạt chất, hoạt chất không giống hoặc hàm lượng quá cao, tới hơn 400% hàm lượng chuẩn và có các độc tố: kim loại nặng, arsen, acid boric, bột talc, bụi... Con số 43% thuốc giả không có hoặc thiếu hoạt tính, hoặc có hoạt tính quá mức độ; chứa những chất gây nguy hiểm, thậm chí gây ung thư, là những cảnh báo đáng phải lưu tâm.

Vì thế, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, GS.TS. Trần Quán Anh khuyên những người bị RLCD cần đến bác sĩ để tư vấn và kê đơn, cũng như mua thuốc ở các nhà thuốc bệnh viện vì nguồn thuốc đã được kiểm soát, tuyệt đối không mua thuốc không rõ xuất xứ. Hiện thuốc Viagra bán tại các nhà thuốc bán lẻ bên ngoài bệnh viện đều không phải thuốc của Hãng Pfizer đã đăng ký với Bộ Y tế.

RLCD đang là một vấn đề sức khoẻ được quan tâm trên toàn cầu. Hiện thế giới có khoảng 150 triệu người bị RLCD. Người càng lớn tuổi thì nguy cơ bị bệnh cũng tăng theo. Những người bị đái tháo đường chiếm tỷ lệ cao. Ở tuổi trên 70, tỷ lệ bị bệnh chiếm 70%. Riêng ở Việt Nam, số người mắc bệnh này cũng khá cao: 10,8% ở độ tuổi 18 - 32, 44% ở độ tuổi 41 - 50 và 57% đàn ông hơn 60 tuổi. 82,3% người bị RLCD ở Việt Nam là doanh nhân, người lao động trí óc. Viagra đang là "cứu tinh" của hơn 30 triệu đàn ông mắc bệnh RLCD ở 120 nước với 1,3 tỉ viên được sử dụng.

Dạ Miên – CSTC tuần số 67
.
.
.