Việc xây đập thủy điện không khoa học - Một thảm họa sinh thái cho hàng chục triệu người

Thứ Tư, 04/05/2011, 14:47
Cuộc họp Ủy hội sông Mêkông với sự tham gia của Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam ngày 19/4 tại Viengtian (Lào) đã kết luận dự án Xayaburi sẽ tạm hoãn và quyết định cuối cùng sẽ đưa ra bàn luận ở hội nghị cấp Bộ trưởng bốn nước sắp tới. Sau đây là bức tranh toàn cảnh của dự án này.

Việc đập thuỷ điện Xayaburi trên dòng chính sông Mêkông, thuộc lãnh thổ Lào, con sông chung giữa nhiều quốc gia trong khu vực, nguồn nước, thuỷ sản, phù sa chính làm nên và quyết định sự sống của ĐBSCL địa bàn cư trú của 20 triệu người Việt Nam đã được chuẩn bị xây dựng đang là vấn đề nóng trong dư luận nhiều ngày nay.

Xây đập Xayaburi, mở đầu cho việc xây dựng 12 đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mêkông sẽ tạo ra một thảm họa sinh thái cho vùng hạ lưu của sông, đe dọa đời sống của 60 triệu người trong đó có gần 30 triệu người sống gần hai bên bờ. Không chỉ đe dọa đời sống của chính họ, việc thay đổi hệ sinh thái sẽ giảm diện tích ngập nước, diện tích đầm lầy và đất nông nghiệp, nơi sản xuất 70% lương thực của lưu vực, đe dọa an ninh lương thực trong toàn khu vực.

Theo các thông tin được biết, tất cả 12 bậc thang thuỷ điện được xây dựng trên dòng chính chỉ phục vụ cho việc phát điện, không có chức năng điều hoà nguồn nước, giảm lưu lượng mùa lũ và tăng lưu lượng mùa khô (các hồ thuỷ điện có  khả năng tích từ 220 triệu đến 2 tỷ m3 nước, nhưng không có tác dụng điều tiết nước theo mùa). Hệ thống 12 đập nước này còn biến dòng chính sông Mêkông thành các hồ chứa suốt một nửa chiều dài của nó, lưu tốc dòng chảy sẽ chậm lại, phù sa bị bồi lắng dọc đường đi của dòng chảy, cắt khúc và thay đổi tập tính sống khiến cho 41 loài tôm cá nước ngọt bị huỷ diệt, chưa kể các thực vật thuỷ sinh khác.

Nếu con đập Xayaburi và 11 con đập còn lại được xây dựng đúng như dự kiến, hệ sinh thái nhiều vùng của Hạ Lào, Campuchia và Việt Nam sẽ bị đe dọa. Đối với Việt Nam, sẽ gần như không còn lượng phù sa từng bồi đắp mũi Cà Mau và miền Tây Nam Bộ, không còn mùa nước nổi, một đặc điểm sinh thái đặc biệt, nhờ có nó có thể ngăn mặn xâm nhập đất liền, rửa chua thau mặn, vệ sinh đồng ruộng, cung cấp thuỷ sản và nhiều động vật đặc sản, cung cấp nước cho các rừng tràm, đước, cỏ năn, thức ăn chính của sếu đầu đỏ… và nhiều nguồn lợi sinh thái khác.

Tóm lại, việc xây đập sẽ mang những hậu quả tiêu cực khôn lường cho một vùng sinh thái hàng triệu héc ta đất màu mỡ và hàng chục triệu người sống dựa vào nguồn lợi của sông ở cuối dòng chảy của nó.

Chính vì điều đó, trên thế giới và ngay tại Thái Lan, nơi một doanh nghiệp trúng thầu xây dựng, cũng là nước mua tới 95% điện sản xuất từ Xayaburi, đã có nhiều tiếng nói phản đối. Ngay từ khi chủ đầu tư triển khai các phần việc chuẩn bị cho khởi công, đã có nhiều cuộc biểu tình thu hút hàng ngàn người phản đối khiến chính phủ Thái Lan bị giằng co trước hai luồng dư luận trái chiều, một phía là những công ty được hưởng lợi từ dự án và phía ngược lại, các nhà hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Tại Băngkok, hơn 100 người đã gửi thỉnh nguyện thư có chữ ký của 10.000 người gửi Chính phủ Thái Lan và Lãnh sự quán Lào. Một thỉnh nguyện thư khác của 2.300 người trên thế giới cũng đã kêu gọi ngừng xây dựng đập. Trước đó, thỉnh nguyện thư có chữ ký của 23.110 người đã được gửi tới Thủ tướng các nước trong Uỷ hội sông Mêkông và tình nguyện thư của  223 tổ chức tài nguyên, môi trường đã được gửi đến những địa chỉ đó để bày tỏ sự phản đối của mình với chương trình ngăn dòng sông Mêkông, một con sông quốc tế có tầm quan trọng trong khu vực.

Với Việt Nam, đã có nhiều tiếng nói thiện chí của nhiều tầng lớp nhân dân, giới khoa học nói chung, nhiều nhà bảo vệ môi trường phân tích và kiến nghị nên hoãn lại để nghiên cứu kỹ hơn việc xây đập vì lợi ích chung của cộng đồng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nói: "Là một nước nằm ven sông Mêkông, Việt Nam mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể những tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính của sông Mêkông trước khi đưa ra quyết định triển khai việc xây dựng công trình này".

Ngày 18/4, trước ngày Uỷ hội sông Mêkông họp một ngày, Liên hiệp các Hội khoa học-kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức cuộc tọa đàm  về đập Xayaburi và nguồn nước sông Mê Kông. Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối quyết liệt việc triển khai xây đập Xayaburi và các con đập khác trên sông.

Thái độ không đồng tình  trên đã được phản ánh trong hội nghị Ủy hội sông Mêkông nhóm họp vào ngày 19/4 tại Lào. Tại hội nghị, các nước Campuchia, Việt Nam và cả Thái Lan đã đưa ra nhiều ý kiến có căn cứ về việc quá trình tham vấn trước chưa kết thúc, cần một khoảng thời gian nữa, theo Việt Nam, ít nhất là 10 năm để hoàn tất các kiến thức về kỹ thuật, tác động môi trường, tác động xã hội, biến đổi khí hậu và nhiều biến động khác, trước khi xây dựng đập.

Cuối cùng, các nước tham dự họp đã thống nhất vấn đề triển khai xây dựng đập Xayaburi sẽ tạm đình hoãn để trình lên Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước lưu vực sông Mêkông quyết định, thời gian của hội nghị này sẽ được hoạch định sau.

Kết luận của Hội nghị đặc biệt Ủy hội sông Mêkông ngay lập tức nhận được sự đồng tình của nhiều nước và tổ chức trên thế giới. Các báo ở thủ đô nhiều nước đã đồng loạt đăng tin và có bài bình luận hoan nghênh kết luận này, coi đó là "quyết định sáng suốt, có ý nghĩa khi vấn đề chia sẻ lợi ích của nước và các dòng sông đang có xu hướng ngày càng căng thẳng".

Các tổ chức môi trường đều đồng tình với việc tạm hoãn để nghiên cứu thêm của Uỷ hội và hi vọng Hội nghị cấp Bộ trưởng của các nước có liên quan sẽ có một quyết định phù hợp với thực tế và lợi ích của cả cộng đồng. Nếu việc xây dựng nhà máy thuỷ điện Xayaburi được quyết định thoả đáng, phù hợp với lợi ích của các bên thì đây sẽ là một tiền lệ tốt trong quan hệ quốc tế liên quan đến tài nguyên nước.

Được biết, phía các nhà thầu Thái Lan, bất chấp dư luận trên thế giới và trong khu vực, vẫn xúc tiến việc xây dựng các công trình phụ trợ, chuẩn bị cho việc khởi công nhà máy thuỷ điện Xayaburi. Sau khi đã có kết luận của Hội nghị đặc biệt Ủy hội sông Mêkông vừa nhóm họp và chờ đợi ý kiến của Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước, những việc làm đó rất cần được suy nghĩ lại.

Ngay ông Prasarn Marukpitak, nguyên Chủ tịch tiểu ban phát triển sông Mêkông của Thượng viện Thái Lan cũng đã phát biểu: "Thái Lan đang phát triển nhanh chóng các nguồn điện năng thay thế và chúng ta có thừa các nguồn năng lượng dự trữ. Tôi hi vọng chính phủ Thái Lan sẽ xem xét lai  quyết định mua điện từ đập Xayaburi".

Càng ngày, vấn đề tài nguyên nước, nhất là tài nguyên nước và các tài nguyên khác đi kèm trên các dòng sông quốc tế càng trở nên phức tạp. Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác, sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên như tài nguyên nước sông Mêkông mới góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn thể các quốc gia trong lưu vực.

Đề nghị của tọa đàm VUSTA:

1- Hiện đã có nhiều giải pháp năng lượng thay thế có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và năng lượng trong hạ lưu vực sông Mêkông thay vì phát triển thuỷ điện.

Chính phủ Việt Nam có thể kêu gọi các đối tác phát triển quốc tế  cùng giúp Lào thực hiện các chương trình này.

2- Lào có nhiều tiềm năng thuỷ điện trên các chi lưu sông Mêkông ít gây tác động ngoài biên giới.  Việt Nam hiện đang và sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc giúp Lào xây dựng các nhà máy thủy điện trên các chi lưu này.

3- Việc kiên quyết trì hoãn việc xây dựng đập Xayaburi để có thể tiến hành các nghên cứu bổ sung theo khuyến nghị của Uỷ hội sông Mêkông là điều kiện tiên quyết để tránh hậu quả lớn lao sau này.

4- Việt Nam nên nghiên cứu  đánh giá tác động toàn diện của hệ thống 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông phục vụ việc nhập khẩu điện từ các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mêkông.

5- Đề nghị phổ biến rộng rãi và nâng cao nhận thức của công chúng, vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ trong vấn đề này.

TS. Đào Trọng Tứ (Ủy viên thường trực mạng lưới cộng tác vì nước của VN): Xây dựng đập Xayaburi và 11 công trình khác trên dòng chính hạ lưu vực sông Mêkông sẽ gây tác động không thể bù đắp với kinh tế, xã hội và môi trường của Việt Nam và khu vực.

TS. Nguỵ Thị Khanh (Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước): Đánh đổi sự bền vững trong tương lai với tiềm năng to lớn của các dân tộc trong khu vực lấy nguồn thuỷ điện có thể sản xuất từ các công nghệ hiện đại khác là thiếu khôn ngoan.

Bà Anne Trandem (Đại diện tổ chức sông ngòi thế giới): Việc xây đập Xayaburi hiện nay chưa phải là một nhu cầu cấp thiết. Chúng tôi thúc giục các chính phủ trong lưu vực sông Mêkông hãy nói không với dự án. Kế hoạch xây đập Xayaburi không phản ánh lợi ích khoa học và lợi ích của cộng đồng".

Huy Văn - CSTC tuần số 55
.
.
.