Vụ án bí ẩn và sát thủ si tình

Thứ Hai, 24/01/2011, 11:40
Vương quốc Tonga là một quần đảo độc lập ở phía Nam Thái Bình Dương. Cách Australia khoảng 2.000 dặm về phía Đông, Tonga được mệnh danh là "Quần đảo thân thiện" với người dân nồng hậu, khung cảnh yên bình và một nền văn hóa độc đáo. Vào ngày 14/10/1976, cuộc sống bình yên của người dân nơi đây có sự xáo trộn khi trong vùng xảy ra vụ án mạng, nạn nhân là một nữ tình nguyện viên của Tập đoàn Peace Corps.

Án mạng lúc nửa đêm

Deborah Gardner, một cô gái  trẻ hoạt động tình nguyện trong tổ chức Peace Corps vào giữa những năm 1970 tại hòn đảo Tonga, nước Mỹ. Gardner rất ham học hỏi và luôn luôn hướng tới những điều mới mẻ. Cô được bổ nhiệm làm giáo viên dạy môn khoa học và kinh tế hộ gia đình trong trường trung học phổ thông ở thành phố Nuku'alofa.

Gardner có thói quen sau giờ lên lớp thường đi xe đạp một mình lang thang rồi mới về nhà. Hôm đó, Gardner cũng đạp xe đi dọc bờ biển. Trên đường đi cô có gặp một người bạn cũng làm tình nguyện và họ đứng nói chuyện một lúc rồi Gardner về nhà. Hôm đó, Gardner đi ngủ từ khá sớm. Nhưng một lúc sau, không gian im lìm của buổi tối đã bị phá vỡ bởi một tiếng khóc thét. Một người hàng xóm cạnh nhà của Gardner đã giật mình khi nghe tiếng khóc kinh hoàng phát ra từ phía nhà của Gardner. Đó là lúc 9 giờ 30 phút tối.

Nghe tiếng kêu của người hàng xóm này, một số thanh niên trong vùng đã chạy tới căn hộ của Gardner. Khi tới gần, qua cửa sổ, họ đã thấy một người đàn ông đang dùng dao đâm cô gái trẻ. Thấy có tiếng động, kẻ lạ mặt này đã buông Gardner ra rồi bỏ chạy. Lúc đó, khắp người Gardner nhuốm máu. Không kịp đuổi theo kẻ lạ mặt, những thanh niên này đã kêu gọi sự giúp đỡ và đưa cô tới bệnh viện khẩn cấp. Thế nhưng, tất cả đã quá muộn, 22 vết dao đâm đã khiến cho Gardner tử vong và trước khi ra đi, cô gái trẻ chỉ kịp nói tiếng: "Dennis".

Deborah Gardner sống cùng cha mẹ và người anh trai Craig ở Steilacoom, phía Tây Nam của Tacoma. Bố cô, ông Wayne Gardner là một người rất thích tham gia vào những hoạt động ngoài trời. Ông thường có những chuyến đi tới tận vùng Alaska và một số vùng xa xôi khác. Cả tuổi thơ của Gardner là những tháng ngày vui vẻ ngoại trừ một kỉ niệm buồn, đó là việc bố mẹ li dị khi cô 16 tuổi. Chính vì lẽ ấy mà cô thường xuyên đi ra ngoài tham gia những hoạt động cộng đồng để góp phần gây dựng một thế giới tốt hơn cũng là để vơi bớt nỗi buồn.

Ngay từ hồi học phổ thông, Gardner đã tham gia vào hoạt động tình nguyện ở Bệnh viện Tacoma. Cho đến sau này, khi vào học trường cao đẳng ở Washington, Gardner đã chính thức tham gia vào tổ chức Peace Corps do Tổng thống Kenedy phát động.

Cũng vì việc tham gia vào tổ chức này mà cô đã được chuyển tới hòn đảo Tonga năm 1967 để hoạt động tình nguyện. Mục đích của cô khi tới vùng này đó là giúp đỡ và hướng dẫn những người phụ nữ ở đây cách để vượt ra khỏi công việc đồng áng. Hoạt động tới năm 1975 thì cô cùng gần 30 người bạn khác được cấp nhà mới ở ngay tại Tonga để tiện làm việc... Trong suốt thời gian cô ở đây, cuộc sống ở Tonga vẫn không có mấy đổi thay. Cô dạy học tại một ngôi trường cấp 3 ở ngay trung tâm thành phố Tonga nhưng Gardner lại chọn sống ở một vùng ngoại ô cùng với những người dân nghèo. Mặc dù ở một mình nhưng Gardner luôn vui vẻ vì có những người hàng xóm tốt bụng, cô còn làm quen được với nhiều người làm trong đội tình nguyện. Tất cả mọi người cũng rất yêu quý Deborah Gardner.

Những người quen biết Gardner cho biết, cô là một nữ tình nguyện viên thông minh, quyến rũ và luôn có một tinh thần thoải mái. Một số người bạn thân với Gardner thì nói rằng cô đã yêu một anh bạn trước khi tham gia vào đội tình nguyện nhưng họ cũng đã chia tay. Dường như cuộc sống của cô chỉ có những công việc tình nguyện chứ cô chưa bao giờ Gardner có biểu hiện bất thường nào.

Dạy ở trường trong trung tâm thành phố được một năm thì không hiểu lý do vì sao mà Gardner đã quyết định sang dạy ở trường cấp 3 Lifuka, một ngôi trường nằm trên hòn đảo nhỏ kế bên. Tại thời điểm ấy người ta cũng không hiểu vì sao cô lại chuyển trường, có lẽ vì Gardner muốn kiếm tìm một hành trình phiêu lưu mới, cũng có thể vì cô thấy chán nơi này và xa xôi hơn có lẽ vì anh bạn trai Dennis.

Người bạn trai phiền toái

Dennis Priven, chàng thanh niên 24 tuổi, là cựu thành viên của tổ chức Peace Corps, Mỹ. Năm 1976, anh ta đã bị trục xuất khỏi tổ chức vì có những hành vi sai trái. Dennis luôn mang theo một con dao để sẵn sàng tranh chấp một cách táo bạo khi có mâu thuẫn. Những người quen biết Priven thì nói rằng anh ta là một người khá thông minh, nhiệt tình và hay giúp đỡ người khác. Trong thực tế thì có vẻ như Dennis nổi trội hơn tất cả mọi người. Mặc dù sinh ra ở New York nhưng gia đình Dennis lại theo đạo nên ngay từ nhỏ anh ta đã phải học ở một trường dành riêng cho con em theo đạo. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Dennis đã được tuyển vào trường đại học Brooklyn. Đây cũng là nơi cho phép Dennis được trải nghiệm cảm giác tự do đầu tiên.

Cũng vào thời gian mà Dennis tới Tonga tham gia vào tổ chức tình nguyện thì bố mẹ của Dennis đã ly thân mà không rõ lý do. Tới hòn đảo này, Dennis cũng tham gia vào công tác giảng dạy và gặp Gardner. Lần đầu tiên 2 người gặp nhau là cuộc gặp mặt giữa nhóm tình nguyện cũ của Dennis và những thành viên mới, trong đó có Gardner vào tháng 11-1975. Đây cũng là ngày đánh dấu một mối quan hệ mới và cũng là một bi kịch mới.

Mặc dù Dennis tham gia vào công tác giảng dạy trước Gardner 1 năm, nhưng qua những buổi sinh hoạt chéo khóa cùng nhau mà 2 người đã quen nhau. Dennis nhanh chóng có tình cảm với cô nàng xinh đẹp này và gia nhập hàng ngũ những người mến mộ, theo đuổi Gardner.

Số người yêu mến cô tình nguyện viên này cũng không đơn giản chỉ là đếm trên đầu ngón tay. Gardner được nhiều người theo đuổi nhưng cũng chưa thực sự có tình cảm với bất cứ ai. Chính vì lý do đó mà Dennis quyết định theo đuổi cô. Trong những ngày tiếp theo, Dennis thường xuyên tới gần lớp của Gardner đợi cô sau khi làm xong việc ở Tupou. Anh ta có thể kiên nhẫn đợi cho tới khi nào Gardner tan học để hộ tống cô về nhà.

Thời gian đầu, Gardner tỏ ra rất khó chịu vì tự nhiên có người đợi chờ và quan tâm mình thái quá. Cô thường xuyên ở lớp thật muộn hoặc ngồi ở cửa lớp để tránh mặt Dennis. Thế nhưng anh ta vẫn cứ đợi cho bằng được. Đã có lần thầy hiệu trưởng phải mời anh ta ra khỏi trường vì sợ những điều xảy ra ngoài ý muốn.

Không chỉ làm phiền bằng cách tới đón Gardner, Dennis còn tự nguyện ngồi lại văn phòng làm việc ở Nuku'alofa, nơi mà các thành viên trong đội tình nguyện qua nhận thư để hi vọng rằng Gardner sẽ đi ngang qua. Cũng có lần anh ta gặp được Gardner nhưng cô chỉ cho phép đứng nói chuyện cùng với những người bạn khác chứ không có thời gian riêng tư dành cho Dennis. Trong những cuộc tán gẫu đó, Gardner đã có gắng giấu cảm xúc của mình nhưng Dennis thì cứ cố gắng biểu lộ ra tình cảm của mình cho Gardner và những người bạn biết.

Cuối cùng, sau một thời gian theo đuổi, Gardner đã đồng ý đi ăn tối cùng Dennis. Dennis nhớ mãi hôm đó là một ngày đẹp trời tháng 9-1976. Họ đã có một bữa tối vui vẻ bên ánh nến và những thức ăn ngon. Kể từ đó Gardner đã trở thành người phụ nữ của riêng Dennis. Bất cứ ai tới làm quen hoặc nói chuyện hay đi cùng với Gardner đều sẽ khiến cho anh ta như điên như dại. Trong đầu của Dennis dường như chỉ có Gardner. Anh ta có thể bỏ đi mọi thứ để "sở hữu" cô. Những người bạn và những người làm trong ban điều hành tổ chức tình nguyện này đã tỏ ra lo lắng về thái độ của Dennis. Chính Gardner sau một thời gian chấp thuận qua lại với Dennis cũng đang tìm cách để trốn thoát khỏi vòng tay của anh ta.

Buổi tiệc cuối cùng

Ngày 9/10/1976, tổ chức tình nguyện này đã đứng ra tổ chức một đêm dạ hội để chào mừng những thành viên mới tới với Tonga. Tối hôm đó, Gardner đã uống khá nhiều và cô đã bị ngã trên sàn nhảy. Vào lúc 10h đêm, Gardner rời buổi tiệc cùng với Emile Hons, một người bạn của Dennis. Hai người đã đi cùng nhau trên 2 chiếc xe đạp và đó cũng là lúc mà Dennis đi theo sau mà Gardner không hề hay biết. Dennis âm thầm theo sau và chứng kiến 2 người cười nói với nhau.

Vài ngày sau, Dennis đã gặp Hons và đánh anh ta vì cho rằng Hons đã lợi dụng lúc Gardner rượu say để làm trò. Sau đó Dennis đã đi thẳng tới nhà Gardner đợi cô đi dạy về. Thật lạ là lần này anh ta mang theo một con dao, một ống tuýp và một chai Xyanua. Không ai biết ý định của Dennis là gì và anh ta đột nhập hay được mời vào trong nhà Gardner. Chỉ biết rằng đồ đạc trong nhà của Gardner bị làm tung lên. Máu của Gardner vương vãi ra khắp 4 góc nhà. Tên giết người đã sát hại cô gái tội nghiệp này rồi đốt con dao gây án cùng quần áo.

Vụ việc được chính quyền phát hiện và họ cho biết rằng anh ta đã có ý định mang xác của Gardner tới một địa điểm khác rồi chính anh ta cũng tự tử bằng chất độc Xyanua để chết cùng Gardner. Tuy nhiên, vụ việc chưa được thực hiện thì đã bị phát hiện. Ngay trong buổi sáng hôm sau, Dennis Priven đã tới cơ quan cảnh sát để đầu thú và bị bắt giữ với tội danh giết người. Và nếu không có gì thay đổi thì y sẽ phải lĩnh án treo cổ.

Những tình tiết lập lờ, bị cáo được tuyên vô tội

Trước khi sự việc được ngã ngũ, vụ án mạng đã khiến đội tình nguyện bàng hoàng, đồng thời khiến uy tín của tổ chức Peace Corps bị ảnh hưởng. Ban quản trị tổ chức này đã làm mọi việc có thể để xóa đi vết nhơ này, thế nhưng sức ép là quá lớn và họ chỉ có thể giảm nhẹ sự ảnh hưởng của nó đi mà thôi chứ không thể xóa bỏ được.

Sau cái chết đầu tiên của một thành viên trong đội tình nguyện, chủ tịch hội ở Tonga, Mary Geogre đã gửi điện tín về cho gia đình cô ở Washington. Mặc dù cô biết rằng một trong số những thành viên tình nguyện phải chịu trách nhiệm về cái chết này nhưng tạm thời Mary đã bỏ qua những nghi ngờ này và thay vào đó là đổ lỗi cho một người hàng xóm nào đó của Gardner.

Cô hé lộ rằng: Những tình tiết cũng như nghi can của vụ án đã và đang được điều tra bởi cảnh sát. Những người hàng xóm chính là những nhân chứng cho vụ án này. Bản thân Mary Geogre là người sùng đạo và cô tin rằng vụ án này có liên quan một chút tới Chúa. Sau khi vụ án mạng xảy ra thì Chúa đã tới gõ cửa nhà Gardner để mang cô đi. Chính vì những tình tiết này mà Mary yêu cầu phải có một số thủ tục nghi lễ cầu siêu và tạm thời Dennis vô tội.

Thế nhưng điều đáng nói là những chứng cứ có tại hiện trường lại nói tên của Dennis. Chiếc kính mắt và một chiếc dép của Dennis đã được tìm thấy ở hiện trường vụ án. Và chính những cậu bé hàng xóm đã nhìn thấy tận mắt cảnh Dennis ôm xác của Gardner. Về phần đội tình nguyện, Mary và những người trong tổ chức phần lớn đã có thái độ thiên vị với vụ này. Họ muốn lôi câu chuyện này ra công chúng, đồng thời tẩy chay luôn Dennis ra khỏi đội tình nguyện. Và họ đã thành công.

Sau vụ việc này thì vụ án đã bị tạm hoãn trong vòng hơn 2 tuần để chính quyền tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11/1976. Sự kiện này có thể khiến cho vụ án không còn được để ý tới nữa. Thế nhưng sau đó, vụ án này tiếp tục được hâm nóng lại. Phía chính quyền đã thuê luật sư Clive Edwards, một người nổi tiếng ở Tonga, làm luật sư đại diện bào chữa cho Dennis trước tòa. Một ban bồi thẩm cũng nhanh chóng được thành lập, Edwards đã sử dụng tình tiết thân chủ có vấn đề về thần kinh cho phiên xử đầu tiên.

Phiên xử vụ án này có thể coi là dài nhất trong lịch sử của Tonga vì nó kéo dài 9 ngày. Sở dĩ đây là một trường hợp được mọi người chú ý đặc biệt là vì vùng này hiếm khi xảy ra những trường hợp giết người như thế này. Vụ án mạng này có thể nói là vụ án mạng đầu tiên ở Tonga trong những năm 1970.

Để dám chắc hành vi này của Dennis là bị ảnh hưởng bởi căn bệnh thần kinh, ông Edwards đã đề nghị một bác sĩ trẻ chuyên điều trị tâm thần ở Hawaii thăm khám cho anh ta. Mặc dù Dennis đã chống đối việc này, thế nhưng bác sĩ tâm thần Kosta Stojanovich đã thành công trong việc kiểm tra Dennis.

Những bằng chứng đầu tiên cho thấy Dennis đã vẽ một hình sọ đầu lâu ngay trước cửa nhà mình. Bác sĩ này cho rằng Dennis quả thực đã bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn thần kinh trong thời gian vụ án xảy ra. Cuối cùng, mặc dù số lượng vượt trội nhưng ban bồi thẩm cũng không giúp gì được và đành chấp nhận cho Dennis vô tội. Vị luật sư bào chữa chỉ mất có 26 phút để trình bày và chứng minh Dennis là vô tội.

Chính quyền và mọi người ở Tonga đã mong đợi Dennis sẽ bị tạm giam ở chính nơi mà anh ta gây tội ác. Tuy nhiên phía chính quyền cấp cao lại có ý tưởng khác. Họ muốn Dennis phải được thả về nhà theo kiểu án treo. Trong thời gian tạm giam thì việc đảm bảo không mất dấu Dennis  vẫn phải được duy trì. Nhưng sau những lần đàm phán tới lui thì tổ chức Peace Corps đã thuyết phục được chính quyền cấp cao tạm giam Dennis theo như dân chúng mong đợi. Việc tạm giam Dennis được giải thích như nhau: Thứ nhất, dù gì thì Dennis cũng là kẻ đã ra tay sát bạn gái cho dù không cố ý. Thứ hai, anh ta được cho là có dấu hiệu của căn bệnh thần kinh. Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, tạm giam Dennis để anh ta không gây nguy hiểm cho bất cứ ai khác nữa.

Cũng kể từ sự kiện này, người ta đã quên dần cái tên Dennis Priven.

Vụ án bí ẩn và sát thủ si tình

Đã 25 năm trôi qua, không còn ai theo dấu hung thủ sát hại Deborah Gardner và tất cả những tình tiết liên quan tới bạn bè, gia đình… Thế nhưng một cây viết mang tên Philip Weiss đã bắt đầu mở lại câu chuyện kỳ thú của mình.

Đầu tiên, ông nghe thấy vụ án sát hại Gardner năm 1978 trong suốt chuyến đi tới Samoa và chỉ ngay sau đó ông đã tìm hiểu về những tài liệu mà phía tổ chức Peace Corps có được. Nghiên cứu sâu hơn, ông phát hiện ra một điều rằng tổ chức này dường như đã âm thầm gán ghép cho Dennies tội danh giết người.

Chính từ đây ông đã có một phát hiện mới: Dennis Priven đã chỉ ở 2 ngày trong bệnh viện tâm thần chứ không phải ở trong bệnh viện này quá lâu để điều trị bệnh thần kinh. Khi được về nhà, có lẽ anh ta đã nhận ra rằng hóa ra ở đây cũng không có bất cứ một phép ép buộc nào để thi hành lời cam kết không được chuyển chỗ ở hay đi đâu ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Anh ta đơn thuần chỉ muốn tới New York ở và chính phủ cũng đã đồng ý.

Trong cuốn sách viết về vụ án này, Weiss đã đưa ra một giả thuyết rằng Dennis gây án là vì bị phía cơ quan cấp cao xúi giục.

Weiss phát hiện ra rằng Dennis đã quay trở lại nhà của anh ta ở Brooklyn và đã từng làm cho chính phủ như một chuyên viên tư vấn về máy tính và các chức năng phụ. Mức lương mà anh ta nhận được khoảng 80.000 đô la một năm. Năm 2003, Dennis đã được chính Weiss mời cộng tác nhưng bản thân anh ta cũng từ chối và chính điều này buộc vị thám tử kia thấy tò mò và muốn khám phá sự thật.

Lật lại hồ sơ

Bố mẹ của Deborah Gardner đã đứng ra điều tra về Dennis và biết rằng hung thủ đã từng có thời gian dài làm việc trong một cơ quan nào đó, không phải là ở tổ chức Peace Corps hay một tổ chức chính phủ mà ở đó anh ta không gặp phải những hạn chế trong công việc. Ông bà này cho rằng họ chưa từng nghe về tổ chức tình nguyện này, đặc biệt là những hoạt động của tổ chức. Họ cho rằng những gì thành viên tình nguyện làm là những điều gian dối và lừa lọc.

Phát biểu trước những ý kiến này, luật sư khởi tố Tevita Tupou đã gặp ông Weiss để đưa ra ý kiến về lời chỉ trích này. Ông nói rằng: "Từ đầu vụ án tới khi vụ án được xác nhận, tôi đã thấy được những cố gắng hết mình của những thành viên trong tổ tình nguyện ở Tonga. Trường hợp phạm tội của Dennis là một trường hợp đáng tiếc xảy ra trong đội tình nguyện".

Emile Hons, một thành viên tình nguyện từ California, người đưa Gardner về nhà sau bữa tiệc đã nói rằng anh ta thực sự bất ngờ khi biết tin về vụ án này. Anh ta không ngờ rằng chính sự ghen tuông mù quáng đã khiến Dennis giết chết người anh ta yêu. Anh này nói rằng: "Câu chuyện đau thương này cần phải được mọi người biết rộng rãi. Theo quan điểm của tôi, vụ án này cần phải được xét xử nghiêm minh hơn. Nếu Dennis không bị trừng trị đích đáng thì anh ta còn có thể ra tay với bất cứ ai khác".

Năm 2005, một hạ nghị sĩ của Mỹ đã tổ chức một cuộc họp báo với chính quyền liên bang để mở lại một cuộc điều tra về Dennis và cả tổ chức Peace Corps. Người cha của nạn nhân rất hi vọng về điều này. Ông Wayne Gardner nói với báo chí rằng: "Tôi sẽ cố gắng và hi vọng kẻ thủ ác sẽ bị trừng trị lại với mức án cao nhất".

Tuy nhiên, sau khi điều tra lại vụ việc này, các vị luật sư khởi tố và chính quyền liên bang đã kết luận rằng vụ án này không thể được xử lý như mong đợi khi chiếu theo luật pháp của Mỹ. Và kết quả là Dennis vẫn được tự do ở nhà.

Ngày 1/1/2006, một thành viên trẻ của tổ chức Peace Corps ở Tonga đã tử vong vì bị cá mập tấn công. Nạn nhân là Tessa Horan, khi đó mới 24 tuổi và cô vừa mới đến Tonga được 2 tuần. Cũng giống như Deborah Gardner, cô này cũng dạy học ở quần đảo nhỏ này. Hôm đó, cô và 2 người bạn trẻ mới quen đã đi bơi ở vùng biển lạnh và đã bị cá mập tấn công. Cái chết này mặc dù cũng xảy ra tại Tonga nhưng so với vụ án mạng 30 năm trước của Gardner thì vụ án mạng của tình nguyện viên Gardner còn ầm ĩ hơn nhiều. Cho tới giờ vụ án của Gardner vẫn được coi là một bi kịch không chỉ của riêng gia đình cô mà còn của cả tổ chức tình nguyện Peace Corps

Mai Quỳnh
.
.
.