Vụ giết người bí ẩn trong lâu đài cổ

Thứ Tư, 22/12/2010, 15:40
Marple nhìn sang Clotilde, và lần này, lại không thể không liên tưởng đến nhân vật Clytemnestre trong vở kịch cổ điển. Tuy nhiên, Clotilde không giết chồng, vì cô chưa bao giờ có chồng. Nhưng chả nhẽ cô lại đang tâm giết một cô gái mà cô từng gắn bó…

Marple đang ngồi trong chiếc ghế bành rộng cạnh lò sưởi trong nhà mình ở Saint Marie Meal. Một tuần trước, cô đã đọc cáo phó về cái chết của một con người không bình thường.

Némésis như có pháp thuật, tên đó tái hiện trước mặt cô một phong cảnh mê hồn ở đảo Saint Honoré. Cô đã chạy đi tìm người giúp cứu sống tính mạng một con người. Cô đã khẩn khoản yêu cầu sự giúp đỡ, và lúc đó cô đã thốt lên cái tên Némésis.

Bây giờ, đến lượt người ta lại yêu cầu cô giúp đỡ, vì một lý do bí ẩn nào đó, và về một vụ việc mà cô không hay biết tí gì.

Một số đoạn khác trong thư, cô nhớ lại: "Cô có thiên bẩm về công lý. Vì vậy tôi mong cô sẽ điều tra giúp một vụ án".

Thế này, thì khả năng mình gánh vác sao nổi? - Cô Marple trầm ngâm suy nghĩ.

Cô Jane Marple có thói quen đọc báo vào mỗi sáng, có hai tờ báo được đưa đến tận nhà. Vốn thuộc lớp người của thế hệ cũ nên mục cáo phó được cô chú ý hơn cả.

Cô đặt tờ báo xuống, vừa lơ đãng nhìn sang mục ô chữ, vừa cố nghĩ xem tại sao cái tên Rafiel có vẻ quen quen?

Phải rồi! Cái tên cô vừa đọc trên báo? Và ông Rafiel! Cô nhớ lại chuyến du lịch đi đảo Saint Honoré. Ông Rafiel với cô thư ký tên là Esther Walters, và anh hầu phòng nữa. Dần dà ký ức trở lại. Thế là ông Rafiel đã mất. Ông cũng đã nói với cô là ông không còn sống được bao lâu nữa - Vậy mà ông có vẻ trụ lại lâu hơn dự đoán của bác sĩ. Ông có một ý chí thép. Và một gia sản kếch sù.

Trước đây, cô đã đến yêu cầu ông giúp đỡ. Ông đã nhận lời và hành động ngay. Ôi dào! Có lẽ nên thôi không nghĩ đến nữa.

Một ngày cô Marple nhận được phong bì của Hãng công chứng Broadribb và Schuster, văn phòng đặt tại khu phố Bloomsbury, London. Họ là luật gia của ngài Rafiel đã quá cố, mà họ tin là cô có quen biết.

Đúng hẹn, cô có mặt tại văn phòng công chứng và ngồi vào chiếc ghế ông Broadribb đưa mời:

- Tôi chắc cô muốn biết ngay lý do của cuộc hội kiến này. Chắc cô đã nghe nói ông Rafiel đã mất?

- Vâng, tôi đọc báo.

- Như cô đã biết, ông ấy chết đi, để lại tài sản rất lớn. Và tôi được ủy thác thông báo để cô biết. Hiện chúng tôi giữ một số tiền, số tiền đó sẽ thuộc về cô một năm sau, với điều kiện cô chấp nhận đề nghị sắp nói sau đây.

Sau khi đọc đi, đọc lại vài lần, cô Marple ngước nhìn Broadribb và hỏi:

- Thư nói không rõ. Liệu có còn phụ lục nào khác nói cụ thể hơn?

- Phần tôi, tôi chỉ có trách nhiệm trao cô phong bì này và nói giá trị số tiền sẽ tặng là hai vạn livrơ.

- Đây là một số tiền lớn, và tôi thú thực rất lấy làm lạ.

- Cô đoán không sai. Tôi đã nói là với văn bản này, cô sẽ khó hiểu được ý đồ của ông. Song, dù sao cô không nhất thiết phải trả lời ngay.

- Thôi, tôi xin mang thư này về để suy nghĩ.

- Xin lỗi, trước đây cô đã tham gia điều tra hình sự bao giờ chưa?

- Đúng ra thì chưa. Chỉ có thể nói rằng, trong thời gian ở Antilles, ông Rafiel và tôi bỗng dưng dính dáng vào một vụ án mạng. Một vụ án khó tin, đầy bí ẩn.

- Và hai người đã giải được vụ án?

- Không hẳn thế. Ông Rafiel, nhờ tính cách mạnh mẽ, và tôi, nhờ ráp nối một số việc có liên quan, đã ngăn được vụ án mạng thứ hai đúng lúc nó sắp xảy ra.

- Cô Marple, tôi xin được hỏi một câu: "Cái tên Némésis với cô ý nghĩa thế nào?"

- Némésis,- cô nhắc lại với một nụ cười thoáng nở trên môi - Phải, tôi đã nói ra tên đó trước mặt ông Rafiel, và ông rất thú vị nhận xét rằng tôi là hiện thân của Némésis (Nữ thần báo oán).

Cô đã ra đến cửa, bỗng quay trở lại:

- Ông ấy có một bà thư ký, Esther Walters. Nếu không có gì bí mật, xin hỏi bà ấy có được hưởng năm vạn livrơ của ông ấy không?

- Các món quà tặng ông Rafiel để lại sẽ được công bố công khai. Do đó xin trả lời cô là có. Hơn nữa, bà Walters đã tái giá; giờ đây bà ấy là bà Anderson.

Về nhà, Marple rút thư ra đọc lại mà vẫn chưa biết là phải điều tra cái gì, nhưng cô vẫn quyết định nhận nhiệm vụ như trong thư mà ông Rafiel để lại.

Người mà Marple luôn nghĩ tới là Walters Esther, thư ký của ông Rafiel. Sau cuộc tiếp xúc với Esther, cô khẳng định Esther không có liên quan gì. Ba ngày hôm sau, Marple nhận được một thông điệp quan trọng. Một thư đánh máy ký tên J.B. RAFIEL. Nội dung bức thư là một chuyến du lịch mang tên "Lâu đài và Vườn cảnh nổi tiếng Anh quốc", đã được ông Rafiel đặt chỗ cho cô trước khi ông chết.

Hai hôm sau, cô Marple ngồi trên một chiếc xe sang trọng, xem kỹ danh sách 14 hành khách trong cùng chuyến đi.

Trong tất cả số người trên, phải có ít nhất một người có liên quan đến việc của cô. Buổi tối, trong lúc trao đổi, chuyện trò, cô cố tình nói ra tên ông Rafiel, nhưng không thấy ai có phản ứng gì. Chỉ có cô Cooke và cô Barrow. Chắc chắn cô đã gặp một trong hai người này. Nhưng ở đâu? Hình như hai người này cố tránh gặp cô.

Hôm sau, trong lúc ngồi nghỉ trước bữa tối, cô Marple lại đắm mình vào suy nghĩ. Thế là cô Cooke công nhận mình đã ở Saint - Marie - Mead. Nhưng đó có phải sự tình cờ? Nhằm mục đích gì? Tuy nhiên, cô Marple có cảm giác rằng cô Cooke lúc đó đã định chối là chưa từng ở Saint - Marie - Mead. Cô ấy đã quay sang nhìn bạn, như muốn hỏi nên trả lời thế nào.

Hôm sau, cô vừa từ trên phòng của khách sạn Lợn Lòi Vàng đi xuống, thì một phụ nữ khoác măng tô đến gặp và tự giới thiệu là Glynne, bạn lâu năm của ông Rafiel. Bà Glynne mời cô Marple về nhà mình theo yêu cầu của ông Rafiel trước khi chết.

Cô Marple do dự một lát. Và không hiểu sao, cô thấy bồn chồn trong lòng. Cô ngước mắt nhìn bà Glynne đang lo lắng chờ đợi.

- Xin cảm ơn bà, tôi vui lòng nhận lời mời.

Cô cảm giác giờ đây sắp hiểu rõ hơn công việc mà ông giao phó. Có thể ba chị em bà Glynne có liên quan đến cuộc điều tra. Ba chị em là đồng minh của cô, hay thù địch? Đó là điều đầu tiên cần làm rõ. Trong ngôi nhà cổ này có một không khí đượm màu u hoài, buồn bã đã thấm sâu, khó mà xua đuổi. Buổi sáng ngày hôm sau, khi Marple còn chưa ra khỏi giường thì bà vú Janet đã mang một khay đồ điểm tâm vào. Qua bà vú Janet, Marple được biết về cái chết của một cô gái đã từng sống tại lâu đài cổ này. Câu chuyện này bà đã được Elizabett Temple, một người trong đoàn du lịch với bà vừa kể trước khi đến ngôi biệt thự cổ. 

- Nhất thiết cần phải có những thông tin khác nữa từ Elizabett Temple. Bà đã kể về một cô gái từng đính hôn với Micheal Rafiel. Thế mà mấy chị em bà Glynne có vẻ như không biết chuyện này. Rõ ràng là ba chị em phải biết một điều gì trong đó?

- Đúng là trên đời không có việc gì đơn giản - cô Marple nhận xét.

Một cô gái bị ám sát. Song vụ việc cô quan tâm xảy ra đã 12 năm, liệu cô có thể làm sáng tỏ?

Sáng hôm sau, bà vú Janet mang trà lên cho Marple lúc 7h30’, để cô có thì giờ sắp xếp, chuẩn bị hành lý. Cô vừa đóng chiếc va li nhỏ thì có tiếng gõ cửa. Clotilde bước vào, vẻ bối rối: - Cô Marple ơi, dưới nhà có một thanh niên muốn gặp cô. Tên là Emlyn Price. Nghe đâu đã xảy ra tai nạn.

- Trời! Người bị thương là ai?

- Một bà tên là Temple, bị đá lở rơi vào!

Cô quay lại để chào từ biệt Clotilde và cả bà Glynne vừa mới đến.

- Rất cảm ơn mọi người. Tôi rất vui được ở hai ngày tại đây. Nghỉ ngơi rất tốt. Thế mà lại xảy ra cái tai nạn này!

- Nếu cô muốn ở lại một đêm nữa,- bà Glynne nói - chắc là... Bà đưa mắt nhìn Clotilde. Nhưng cô Marple có cảm tưởng cô này vừa khẽ lắc đầu và trừng mắt với bà Glynne, tỏ vẻ không đồng tình. Bà Glynne liền nói chữa:

- Nhưng, chắc là cô muốn trở về với các bạn đồng hành hơn.

Trở lại khách sạn, cô Marple gặp Giáo sư Wanstead, một người trong đoàn và có một cuộc nói chuyện đầy bất ngờ và thú vị với ông.

Giáo sư mở đầu:

- Nếu tôi không lầm, cô là cô Marple?

- Vâng, chính tôi.

- Ông Rafiel đã kể với tôi về cô. Giáo sư hạ giọng.

- Ồ! Ông Rafiel?

- Cô lạ lắm sao?

- Hơi lạ... Tôi không ngờ...

Giáo sư im lặng một lúc lâu, rồi mới nói:

- Ông ấy đã thu xếp để cô tham gia chuyến du lịch này.

- Thú thật, tôi rất ngạc nhiên, khi biết ông đã giữ một chỗ trong đoàn cho tôi. Thế mà bây giờ chuyến đi lại gặp trục trặc.

 - Ông Rafiel đã nói khá nhiều về cô. Ông ấy gợi ý tôi cũng nên đi chuyến này và để bảo vệ cô. Ông ấy muốn là không có chuyện gì phiền toái xảy đến với cô.

- Nhưng cái gì có thể xảy ra, ông nói được không?

- Có thể giống như cái đã xảy ra với cô Temple.

Chắc ông phải là bạn thân của ông Rafiel?

- Không hẳn. Tôi chỉ gặp ông hai lần, một lần trong hội đồng quản trị của một bệnh viện, lần nữa trong một cuộc họp nào đó

- Tôi đoán ông theo ngành y?

- Không. Tôi có bằng thầy thuốc, song lại chuyên về bệnh lý tâm thần. Để tôi kể cho cô nghe một câu chuyện: Đôi khi tôi giữ vai trò cố vấn trong một số việc của Bộ Nội vụ, nên có tiếp xúc với nhiều cơ quan, trong đó có những nơi giam giữ một số loại tội phạm. Trong số đó có một tên tội phạm... gọi hắn là gì cũng được, không thiếu từ tồi tệ, khinh miệt. Là tội phạm, điều ấy thì rõ, hắn đã tham gia băng đảng, ăn cắp, biển thủ, lừa đảo, làm giấy tờ giả. Tóm lại, ai là cha một đứa như thế thì vô cùng thất vọng.

- Có phải ông định nói con trai ông Rafiel?

- Ông Rafiel cũng mấy lần cứu con khỏi bị truy tố. Nhưng cuối cùng, anh ta đã bị bắt và bị kết án tù vì tội cưỡng hiếp. Sau đó, một vụ thứ hai nữa, nghiêm trọng hơn, anh ta lại ra tòa.

- Tôi nghe nói anh ta đã giết một cô gái.

- Anh ta bắt cóc một cô gái, và một thời gian sau, người ta mới tìm thấy xác. Bị bóp cổ, rồi bị đập nát mặt, để không ai nhận ra.

Nhưng, trong trường hợp đặc biệt này, ông giám đốc nhà tù - một người có kinh nghiệm - lại đi đến kết luận: hắn không phải kẻ giết người, đồng thời, ông cho rằng bản án dành cho hắn là rất sai lầm. Ông không tin hắn đã giết cô gái, và đã xem kỹ lại các báo cáo của cảnh sát. Tôi đã gặp đối tượng và nói chuyện.

- Và kết luận ra sao?

- Theo tôi, ông giám đốc nhà tù đúng. Tôi nghĩ Michael Rafiel không giết người.

Hai người im lặng một lúc lâu, rồi giáo sư Wanstead cất tiếng:

- Tai nạn xảy ra với cô Temple cũng rất đáng ngờ. Trong khi đi đường, cô đã chuyện trò gì chưa?

- Rồi. Và tôi định gặp khi cô ấy khá hơn. Hy vọng cô sẽ cung cấp nhiều chi tiết khác về cô gái bị giết, vì cô này đã từng là học trò của cô Temple.

Như đã biết, cô Temple bị một tảng đá rơi từ trên đường dốc lao xuống đường mòn phía dưới. Đành rằng việc này thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Tuy nhiên, có người đã nói với tôi rằng trong tai nạn này có một điểm lạ lùng.

- Ai nói?

- Joanna Crawford và Emlyn Price. Cô gái chắc chắn rằng có một người nào đó trên mỏm đá cao.

- Joanna không thể xác định bóng người đó là đàn ông hay đàn bà?

- Không. Cô ta chỉ khẳng định người đó mặc chiếc áo thun kẻ ô vuông đỏ và đen. Hơn nữa, người này đã quay lại ngay và biến mất trong rừng đá. Cô ta nghĩ có thể là đàn ông.

 - Cô đặt giả thuyết gì không?

- Không. Nhưng tôi hiểu ý kiến của ông rồi. Theo ông, cô Temple có thể là người biết một bí mật gì nguy hại cho người thứ ba...

Tảng đá, nếu đúng là bị cố tình bẩy ra, đã lao xuống rất chính xác, phải là đàn ông mới làm được.

Chúng ta đã dừng chân nhiều nơi, nhưng ông Rafiel muốn ta gặp nhau ở đây, và để cô qua hai ngày ở lâu đài cổ. Điều ấy có lý do gì cụ thể? - Về những vụ án mạng từng xảy ra ở đây những năm qua?

Cô Marple đi theo Giáo sư Wanstead tới bệnh viện nơi bà Hiệu trưởng Temple đang nằm hôn mê. Sau nửa tiếng. Đột nhiên giọng cô Temple thốt lên, khe khẽ và hơi khàn, nhưng rõ: Cô Marple?

Elizabeth Temple mở mắt, nhìn người ngồi đầu giường lại nhắm nghiền mắt đến hai, ba phút, rồi lại mở.

- Cần phải biết. Cô hiểu tôi định nói ai?

- Tôi đoán. Một cô gái bị giết. Nora Broad?

Cô Temple khẽ chau mày:

- Không, cô khác kia. Verity Hunt.

- Tảng đá to, cô lẩm bẩm. Tảng đá của thần chết ...

- Ai đẩy xuống?

- Không biết. Không quan trọng .... Chỉ cần Verity…

Thân hình người bệnh doãi dần ra:

- Vĩnh biệt. Nhờ cô cố gắng ...

Giáo sư Wanstead hỏi cô Marple :

- Cô có định tiếp tục cuộc hành trình nữa không?

- Không. Sau chuyện vừa rồi, tôi muốn ở lại đây ít lâu.

- Ở khách sạn hay ở lâu đài cổ ?

- Không biết họ có mời tôi quay về không, tôi không thể ép. Vả lại, ở khách sạn có lẽ tốt hơn. À mà tôi đã nói với ông chưa, rằng cô Temple đã kể với tôi là không đi du lịch, mà đi hành hương.

- Hay nhỉ. Cô ấy có nói là hành hương vì cái gì không ?

- Không. Nếu còn sống thêm chút nữa, chắc cô ấy sẽ nói. Tiếc thay!

Nhưng tôi có cảm giác ai đó đã muốn ngăn cản cô không đi tới đích?

Tôi sẽ cố để tìm hiểu nhiều hơn về một cô gái tên Nora Broad.

- Đó là cô gái đã mất tích cùng một lúc với Verity Hunt.

Cô rút trong túi xách một mảnh giấy có ghi hai địa chỉ. Địa chỉ đầu tiên là một bà tên Blackett, ở một ngôi nhà xinh xắn ngay đầu làng. Bà Blackett cho hay Nora Broad là cháu họ của bà và được dân làng rất yêu quý, nhất là những người trong lâu đài cổ. Hồi đó, bà Glynne chưa về đây ở, nhưng cô Clotilde rất tốt với cháu. Bà Blackett tin rằng dù Nora Broad có bỏ đi theo trai nhưng mà như thế còn hơn là bị giết như cô Hunt…

Cuộc viếng thăm thứ hai dành cho một cô gái đang trồng rau trong vườn nhà. Nhưng tại đây Marple cũng chẳng thu thêm được gì. Khi Marple bước vào sảnh của khách sạn thì Phó Giám mục Brabazon đã chờ cô ở đây. Thấy cô vào, ông nói luôn:

 - Elizabett Temple với tôi là chỗ bạn lâu năm. Tôi ở Fillminter, nơi đoàn du lịch sẽ tới vào ngày kia.

- Tôi xin phép hỏi một câu?

- Cô cứ nói.

- Cô Temple nói với tôi đi chuyến này không phải để thăm thú lâu đài và vườn tược, mà là đi hành hương.

- Ông có cho mục đích cuộc "hành hương" ấy chính là để gặp ông?

- Cũng có thể.

- Chúng tôi đã nói chuyện về một cô gái tên là Verity Hunt.

- À, Verity Hunt. Cô gái chết cách đây mười mấy năm. Cô biết ư?

- Có, tôi biết. Cô Temple cho biết cô ta định đính hôn với con trai một ông tên là Rafiel.

- Đó cũng là lý do cô Temple đến gặp tôi. Cô ấy muốn biết thêm một số sự việc.

- Muốn biết tại sao Verity lại bãi hôn với Michael Rafiel?

- Verity không bãi hôn, phó giám mục đáp. Tôi biết chắc.

- Vậy, tại sao hôn nhân không thành? Ông đừng nghĩ tôi hỏi vì tò mò. Tôi không đi hành hương, mà thi hành những ý muốn cuối cùng của cha Michael Rafiel.

Theo vị phó giám mục: “Verity là một cô bé có đạo đức rất tốt. Khổ một nỗi là chưa đến tuổi trưởng thành thì bố mẹ mất, nên phải về ở với cô Clotilde Bradbury - Scott là bạn của mẹ. Cô hết lòng với cháu, cố gắng để cháu có cuộc sống vui vẻ, và cháu rất quý cô. Từ khi cháu thôi học, tôi không gặp, cho đến một hôm cháu đến thăm tôi tại nhà, cùng với cậu Michael Rafiel. Họ đã yêu nhau và muốn bí mật lấy nhau. Tôi chờ, nhưng không thấy họ đến làm lễ. Vấn đề không phải là họ đến hay không, mà là họ không để lại một thông tin gì. Không hiểu Elizabett Temple trước khi mất, có giải thích gì với cô không. Có thể Verity không nói gì với Clotilde, nhưng tâm sự với Temple thì được”.

Sau bữa trưa, Marple lên sân thượng dùng cà phê. Cô nhấm nháp đến tách thứ hai thì Anthea Bradbury - Scott xuất hiện và mời bằng được cô Marple về nghỉ ngơi vài ngày tại lâu đài cổ.

Marple đi theo họ về nhà ba chị em.

Như thường lệ, bà Glynne có thái độ trầm tĩnh và vẻ mặt vô cảm. Cô Marple nhìn sang Clotilde, và lần này, lại không thể không liên tưởng đến nhân vật Clytemnestre trong vở kịch cổ điển. Tuy nhiên, Clotilde không giết chồng, vì cô chưa bao giờ có chồng. Nhưng chả nhẽ cô lại đang tâm giết một cô gái mà cô từng gắn bó. Gắn bó rõ rệt, cô Marple đã nhận thấy điều ấy khi nhìn những giọt nước mắt chân thật của Clotilde khi có ai nhắc đến cái chết của Verity. Còn Anthea? Cô này đã đem gói hàng ra bưu điện gửi. Một phụ nữ thực sự lạ lùng, với đôi mắt lo âu, luôn đảo nhanh như nhìn thấy những gì mà người khác không thấy. "Cô ta sợ, Marple nghĩ bụng. Sợ cái gì? Cô ta bị rối loạn thần kinh chăng? Hay cô ta sợ lại bị gửi trở lại một cơ sở chuyên trị là nơi cô ta có thể đã sống một phần cuộc đời?". Vừa uống trà, Marple vừa nghĩ xem cô Cooke và Barrow đến lâu đài cổ làm gì? Ở hai người này cũng có gì là lạ. Chuyện cô Cooke trước đây đã đến Saint - Marie - Meal cũng phải làm cô suy nghĩ.

Đột nhiên bà Glynne nói :

- Trong nhà này có một bầu không khí nặng nề. Một cái gì đè nặng từ khi… Verity chết. Nhiều năm đã qua, nhưng cứ như cái bóng của nó vẫn lởn vởn quanh đây. Cô Marple, cô có cảm thấy thế không?

- Tôi hiểu, cứ phải sống mãi với những ký ức về quá khứ, đôi khi rất mệt.

Clotilde rót cà phê mời mọi người. Cô Cooke ghé tai Marple, nói:

- Xin lỗi, nếu là cô, tôi sẽ không uống cà phê vào giờ này, sẽ khó ngủ.

- Ồ, thế ư? Tôi lại rất quen uống cà phê vào buổi tối.

- Nhưng cà phê hôm nay rất đặc, tôi thực sự khuyên cô không nên uống.

Marple ngẩng lên, nhận thấy vẻ mặt cô Cooke hết sức nghiêm nghị. Mái tóc bạc màu xõa xuống mặt, che một bên mắt, mắt kia nháy nháy như ra hiệu.

Clotilde nói nếu sợ cà phê làm mất ngủ, cô dùng một chút sữa nóng vậy.

- Cảm ơn cô. Vâng, uống sữa nóng trước khi đi ngủ thì tốt.

Sau ít lâu, cô Cooke và Barrow đứng lên xin cáo từ, nhưng họ lại quay trở lại ngay để lấy chiếc khăn và cái ví tay để quên.

Clotilde đứng dậy, đi vào bếp lấy sữa nóng. Sau đó, cô đưa  Marple về phòng, đặt cốc sữa lên bàn, cô hỏi:

- Cô còn cần gì nữa không ạ?

- Không, cảm ơn cô. Mọi thứ đủ cả. các cô chu đáo quá, lại cho tôi có dịp qua một đêm nữa ở lâu đài.

Đồng hồ điểm ba giờ, có tiếng chân khẽ, Marple bật đèn sáng.

- Ồ! Cô Clotilde. Có chuyện gì vậy?

Clotilde đứng im như tượng ở chân giường.

Clotilde, tôi còn có một tên nữa là Némésis.

- Cô định ám chỉ gì?

- Một cô gái xinh đẹp mà cô đã giết.

- Mà tôi giết! Thế là nghĩa lý gì ?

- Tôi nói về Verity.

- Tại sao tôi giết nó?

- Vì cô yêu nó.

- Cô có vẻ hiểu rõ mọi chuyện. Điều cô vừa nói là sự thật, tôi không chối để làm gì.

- Cái cô gái mà cô đi "nhận diện" không phải là Verity. Vì Verity ở ngay tại đây, có phải không? Cô ấy nằm trong vườn nhà. Và tôi không nghĩ là cô bóp cổ, mà chỉ cho cô ta uống cà phê hoặc sữa có pha liều thuốc mạnh. Verity chết, cô mang xác vào vườn, bới đống gạch đổ nát của nhà kính làm thành ngôi mộ. Rồi cô trồng cây Polygonum, cây lớn lên trùm kín tất cả. Verity vẫn ở tại đây, cô không để nó đi… Ít khi người ta dừng lại ở vụ án đầu tiên. Điều này tôi đã có kinh nghiệm. Cô đã giết hai người con gái: một người cô rất yêu, và một người khác nữa.

- Đúng, tôi đã giết Nora Broad. Một con đĩ ranh. Làm sao cô biết?

Vì cô muốn đổ tội giết Verity cho chàng trai định cướp Verity từ tay cô. Nên cô đã giết cô gái nọ, lấy quần áo Verity mặc cho cô ấy, đeo thêm vòng cổ và vòng tay cũng của Verity, đập nát mặt, rồi đem giấu xác ở một nơi ít lâu sau thiên hạ mới tìm thấy. Cuối cùng, tuần trước đây, cô lại nhúng tay vào một vụ án mạng nữa: giết cô Elizabett Temple. Cô giết vì sợ cô ấy gặp Phó Giám mục Brabazon thì có thể phần nào đoán ra sự thật. Cái tảng đá ấy lay hơi khó đấy, nhưng cô có sức khoẻ, cô làm được.

Clotilde phá lên cười:

- Nhưng ai cấm được ta thủ tiêu mi ngay lúc này?

- Ta có thần hộ mệnh.

- Ha! Ha! Thần hộ mệnh ? - Clotilde lại cười to.

- Có khi ta có tới hai thần hộ mệnh - Marple vẫn bình thản. Xưa nay ông Rafiel vẫn thu xếp tốt mọi việc.

Cô Marple luồn tay xuống dưới gối, rút ra một chiếc còi, đưa lên miệng. Tiếng còi lanh lảnh vang lên. Lập tức cửa phòng mở. Clotilde quay phắt người, và đối diện với Barrow. Rồi cửa tủ áo cũng mở mạnh, cô Cooke xuất hiện. Hai người phụ nữ lúc này có dáng vẻ kiên quyết, chuyên nghiệp, khác hẳn với thái độ thường ngày.

- Hai vị thần hộ mệnh của tôi, - cô Marple giới thiệu- Quả là ông Rafiel đã quá nhọc công vì tôi

Lam My (Theo truyện trinh thám của Agatha Christie) - Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu số 34
.
.
.