Điều quan trọng là băng đã tan, đường đã mở

Thứ Ba, 06/09/2016, 09:07
Đối với người Việt Nam, cứ mùa thu đến là những cảm xúc về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo lại ùa về. Cách mạng Tháng Tám mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền và quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được tôn trọng, thực thi. Đây là những giá trị cao cả của nền văn minh nhân loại.

Thế nhưng vì những lý do khác nhau, trước những vấn đề kinh tế - xã hội còn khó khăn, một số người trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám đã post bài viết lên mạng những quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ chế độ. Chẳng hạn lặp lại điệp khúc “Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là sự ăn may”;  cho rằng dân tộc ta đã để “vuột cơ hội” khi vào năm 1945 đã không liên minh với chính phủ Trần Trọng Kim (tay sai của phát xít Nhật) để “đi theo quỹ đạo mới”! Gần đây có người ta thán, Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đưa đất nước vào chiến tranh triền miên, rằng khẩu hiệu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” không biết người dân Việt đã được hưởng bao phần?

 Vậy sự thật lịch sử như thế nào?

 Trước hết, Cách mạng Tháng Tám là thành quả cuộc vận động cách mạng theo Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, hoàn toàn không có chuyện ăn may, không có chuyện để “vuột cơ hội” như một số luận điệu. Chính cương vắn tắt ngày 3-2-1930 viết: Đảng “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Như vậy, mục tiêu cơ bản trước mắt của Đảng là làm “tư sản dân quyền cách mạng”. Điều này có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời giải phóng xã hội, thoát khỏi chế độ thực dân, phong kiến. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, trực tiếp cai trị Việt Nam.

 Chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên làm công cụ cai trị Việt Nam. Trước tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, Việt Nam có ba phương án: thứ nhất, chờ quân Đồng Minh vào giải giáp phát xít Nhật, sau đó “giao lại” chính quyền cho người Việt Nam (?); thứ hai, quân Đồng Minh sẽ giao Việt Nam cho quân đội Anh, Pháp hoặc có thể cả Mỹ thực hiện cái gọi là chế độ “ủy trị”; thứ ba, đứng lên giành chính quyền, không chờ Đồng Minh vào giải giáp phát xít Nhật. Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã lựa chọn phương án ba, tiến hành cuộc cách mạng, giành độc lập dân tộc. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Thứ hai, Cách mạng Tháng Tám đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy của nền văn minh nhân loại. Khác với các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong lịch sử - là những cuộc khởi nghĩa, đánh đuổi ngoại xâm giành lại độc lập cho dân tộc còn người dân vẫn phải sống trong chế độ phong kiến, cuộc Cách mạng Tháng Tám đồng thời đánh đuổi ngoại xâm là xóa bỏ chế độ phong kiến. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát cuộc Cách mạng Tháng Tám: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị, dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo Chủ nghĩa Mác - Lênin song cuộc Cách mạng Tháng Tám không rập khuôn mô hình nhà nước Xôviết, chuyên chính công - nông - binh mà sáng tạo mô hình nhà nước dân chủ cộng hòa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phù hợp với trào lưu chung của nền văn minh nhân loại. Như vậy không phải “nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam rập khuôn máy móc theo mô hình Xôviết” như nhiều luận điệu. Thực tế lịch sử cho thấy, sau ngày giành độc lập, Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946, là dấu mốc lịch sử khẳng định về mặt pháp lý: Lần đầu tiên nhân dân ta có chế độ dân chủ cộng hòa với nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ đây, dân tộc ta có quyền công dân và hầu hết các quyền con người, trong đó có cả quyền của công dân nước ngoài ở Việt Nam.

Không thể nói Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa đất nước vào chiến tranh triền miên như một số luận điệu. Các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược (1946-1954; 1954-1975) và các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc là các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Ngay sau khi nhân dân ta giành được độc lập, thực dân Pháp câu kết với bè lũ tay sai đã mưu toan tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược mới. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nguyên nhân của cuộc chiến tranh là: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Nói rằng Đảng, Nhà nước ta gây ra các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX là hành vi xuyên tạc lịch sử, chạy tội cho giặc, là có tội với sự hy sinh của đồng bào và chiến sỹ ta.

Thứ ba, công cuộc đổi mới ngày nay cho dù vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhân dân Việt Nam đã có hệ thống chính trị vững chắc do Đảng lãnh đạo, chế độ chính trị xã hội ổn định, kinh tế đang trên đà phát triển, vị thế của dân tộc được nâng cao… Đặc biệt, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, các biểu hiện “lợi ích nhóm”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và cơ quan Nhà nước đã được Đảng xác định là một nguy cơ của chế độ và đang được khắc phục (như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ).

Có thể nói, nhiều vấn đề bức xúc về cơ chế, về dân chủ, về tính minh bạch của Nhà nước đang từng bước được Đảng, Nhà nước ta khẩn trương thực hiện. Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân đã được Hiến pháp 2013 ghi rõ và bảo đảm trên thực tế. Theo tinh thần đó, những vụ án oan, sai trong thời gian qua đã được cơ quan chức năng làm rõ, xin lỗi công khai và bồi thường theo quy định pháp luật, đồng thời xử lý cán bộ làm trái quy định.

Lênin từng nói về Cách mạng Tháng Mười: “Bao giờ và trong thời hạn nào sẽ hoàn thành sự nghiệp ấy, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng, chính là băng đã tan, đường đã mở, lối đã vạch ra rồi” - V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 44, tr. 178. Câu nói ấy hẳn cũng đúng với thực tiễn ở Việt Nam, với Cách mạng Tháng Tám và con đường quá độ đi lên CNXH hiện nay. n

TS. Cao Đức Thái
.
.
.