Tết Việt vùng Kinh Bắc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Thứ Bảy, 14/01/2023, 17:40

Ngày 14/1, nhiều hoạt động trình diễn như dựng cây nêu, gói bánh chưng, in tranh Đông Hồ, hát quan họ, trình diễn chạy ró, kéo dây lấy lửa, viết thư pháp, các trò chơi dân gian... gắn với Tết Việt vùng Kinh Bắc đã diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội, thu hút đông đảo người dân và du khách.

Đây là sự kiện do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tổ chức nhằm mang tới du khách Thủ đô những trải nghiệm thú vị về di sản văn hóa vùng Kinh Bắc, đồng thời chuẩn bị cho chương trình “Vui Xuân Quý Mão: Sắc thái văn hóa Bắc Ninh” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào ngày 28-29/1 (mùng 7 và mùng 8 Tết).

Trải nghiệm Tết Việt vùng Kinh Bắc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam -0
Nghệ nhân huyện Yên Phong tái hiện tục kéo dây lấy lửa.

Tại chương trình, công chúng có cơ hội tìm hiểu tục kéo dây lấy lửa trong lễ hội của làng Yên Vỹ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một tục lệ độc đáo, thường tổ chức vào mồng 3 Tết và gắn với tín ngưỡng cầu mùa của cư dân nông nghiệp vùng đất Kinh Bắc. Người dân ở làng Guột, huyện Quế Võ trình diễn trò chơi chạy ró giới thiệu các thành phần trong xã hội xưa dưới góc nhìn hài hước, tạo không khí vui tươi, sáng khoái trong ngày đầu năm mới.

Trải nghiệm Tết Việt vùng Kinh Bắc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam -0
Tái dựng nghi thức dựng cây Nêu và giải thích phong tục dựng cây Nêu ngày Tết.

Những người yêu thích dòng tranh dân gian gắn với dịp Tết có cơ hội trải nghiệm in tranh Đông Hồ, tìm hiểu về ý nghĩa từng bức tranh. Các em nhỏ được thưởng thức những tích trò rối vui nhộn qua hoạt động biểu diễn múa rối nước của các nghệ nhân phường rối Đồng Ngư ở huyện Thuận Thành. Du khách mê hội họa và sáng tạo có dịp sáng tác, trang trí con mèo và bộ phỗng bằng đất sét cùng các nghệ nhân.

 Đặc biệt, chương trình còn có trưng bày chuyên đề “Tinh hoa văn hoá Quan họ Bắc Ninh” và trình diễn Quan họ (hát canh, hát hội), các hoạt đông như mặc thử trang phục Quan họ, têm trầu cánh phượng, lắng nghe các nghệ nhân, anh hai, chị hai chia sẻ những câu chuyện trong “lối chơi Quan họ”. Tết cổ truyền còn được giới thiệu rộng rãi đến du khách qua các hoạt động viết thư pháp, làm hoa giấy, nặn tò he, nặn mâm ngủ quả, các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống, đặc biệt là ẩm thực của dân tộc Mường…

N.Hoa
.
.
.