Bảo tồn di tích Châu Hương Viên - phát huy di sản phi vật thể quốc gia

Thứ Tư, 14/07/2021, 07:53
Trên cơ sở các yếu tố nguyên gốc hiện còn, các ý kiến đề xuất trùng tu, bảo tồn di tích Châu Hương viên theo hướng thích nghi với công năng mới; cụ thể ngoài việc thờ tự cụ Ưng Bình tại di tích này, thì sử dụng một phần không gian di tích làm sân khấu cho các hoạt động biểu diễn Ca Huế, tuồng Huế.

Ý kiến bảo tồn nói trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Ưng Bình tại Châu Hương Viên” vào chiều 5/7 và được các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu, các cơ quan nhà nước liên quan đồng tình…

Di tích Châu Hương Viên gắn liền với danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị, hiện thuộc phường Phú Thượng, TP Huế, là công trình kiến trúc độc đáo, gắn với ý nghĩa, giá trị lịch sử trong hoạt động văn hóa của danh nhân xứ kinh kỳ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961). Ông là nhà thơ nổi tiếng thời kỳ cận đại và đã để lại gần 2.000 bài thơ chữ Việt và Hán cùng nhiều vở tuồng nổi tiếng; còn được xem là người có công lớn trong việc hình thành và phát triển Ca Huế thính phòng, đưa Ca Huế từ diễn xướng trong Cung đình ra dân gian, và đã sáng tác nhiều lời cho các bài bản Ca Huế. Di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên được công nhận di tích cấp tỉnh vào năm 2019.

Các nghệ sĩ biểu diễn tại Châu Hương Viên nhân ngày giỗ lần thứ 50 của cụ Ưng Bình.

Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình, cuối năm 2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông qua chủ trương đầu tư tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ triển khai trong năm nay.

 Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong đợt khảo sát di tích Châu Hương Viên vào tháng 6/2021, ông Phan Ngọc Thọ khi đang còn tại nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần mở rộng quy mô diện tích của di tích để giữ gìn và phát huy không gian văn hóa này. Tuy nhiên thực tế, xung quanh di tích này đã bị nhiều hộ dân xâm lấn làm nhà, mở đường đi lại, nếu mở rộng quy mô cho dự án thì phải giải tỏa một số hộ dân, mất thời gian khá lâu trong khi công trình chính có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào. Chính vì thế, trước mắt, ngành Văn hóa mong muốn thực hiện giai đoạn 1 của dự án để bảo vệ di tích khẩn cấp, đó là tập trung vào trùng tu, bảo tồn công trình chính với 300m2.

Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên- Huế, khi thực hiện giai đoạn 1 này, ngành Văn hóa cũng cần tính toán, giải pháp, kế hoạch cho giai đoạn 2; tránh tình trạng các hộ dân xung quanh xây dựng nhà kiên cố hơn. Và cũng cần nhìn nhận bảo tồn di tích Châu Hương Viên chính là bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hơn là di sản vật thể.

“Châu Hương Viên là nơi cụ Ưng Bình và có cả nhiều danh nhân, thi sĩ khác cùng đến sáng tác. Xung quanh khu vực Vỹ Dạ cũng có nhiều người tên tuổi viết lời ca Huế, thơ phú. Do đó, phát huy giá trị di tích ở đây không chỉ là không gian sân khấu biểu diễn các tác phẩm của cụ Ưng Bình, mà nên mở rộng với những tác phẩm của các nhà thơ khác”, ông Thu đề xuất.

Bảo tồn di tích Châu Hương Viên được thực hiện là một dấu ấn quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể, gắn với danh nhân có công lớn trong phát triển thơ văn, tuồng, Ca Huế; trong công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của Cố đô Huế nói chung và di sản Ca Huế nói riêng. Trên cơ sở đó, nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng chia sẻ, việc Châu Hương Viên được bảo tồn, trùng tu là niềm mong đợi của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân và những người yêu Ca Huế lâu nay.

Tại Châu Hương Viên, mỗi dịp đến ngày giỗ của cụ Ưng Bình, nhiều nghệ sĩ Ca Huế “gạo cội” lại đến dâng hương tri ân và biểu diễn những bài bản do chính cụ Ưng Bình đã sáng tác. Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Châu Hương Viên cũng chính là phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế- di sản phi vật thể của quốc gia.

Hải Lan
.
.
.