Những "hạt sạn" ở Festival Huế 2016

Thứ Năm, 05/05/2016, 07:32
Sau 6 ngày đêm tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, Festival Huế đã chính thức bế mạc vào tối 4-5 với chương trình “Huế mãi trọn tình”.

Với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế; Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”,  Festival Huế 2016 đã khép lại sau 53 hoạt động văn hóa nghệ thuật kéo dài từ ngày 29-4 đến 4-5 cùng sự tham gia của 1.200 nghệ sĩ, diễn viên; trong đó 271 nghệ sĩ quốc tế đến từ 23 đoàn nghệ thuật của 18 quốc gia như: Pháp, Anh, Bỉ, Ba Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ... 

Festival Huế bế mạc sau 6 ngày đêm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội.

Qua 9 kì tổ chức Festival thì Festival Huế năm nay được tổ chức gói gọn nhất khi chỉ với 6 ngày, đêm; trong khi đó những kì Festival trước được tổ chức kéo dài từ 12 ngày hoặc 9 ngày. 

Có thể nói, các chương trình như Đêm hoàng cung, lễ hội áo dài, Huế dịu dàng- Về miền Hương ngự, lễ hội đường phố Đông Á- Mỹ La Tinh... tại Festival Huế năm nay đều thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đêm Hoàng cung_một trong những chương trình "đinh" tại Festival Huế khi du khách vừa được xem trình diễn nghệ thuật truyền thống, vừa thưởng thức các món ăn cung đình.

Thậm chí, có nhiều chương trình thành công ngoài sự mong đợi như đêm nhạc tưởng nhớ 15 ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được tổ chức tại công viên Trịnh Công Sơn vào tối 1-5 hay chương trình “Huế dịu dàng- Về miền Hương ngự” lần đầu tiên tham gia vào lễ hội Festival đã để lại nhiều ấn tượng khó phai mờ đối với du khách lẫn người dân địa phương.

"Huế dịu dàng- Về miền Hương ngự" được đánh giá thành công dù chương trình lần đầu tiên có mặt tại Festival Huế 2016.

Phát biểu tại buổi lễ bế mạc, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2016 khẳng định: “Sau 6 ngày đêm diễn ra, Festival Huế lần thứ IX đã thành công tốt đẹp, thương hiệu Festival Huế tiếp tục được khẳng định!”. 

Ngoài những chương trình ấn tượng, Festival Huế 2016 có nhiều lễ hội được du khách đánh giá chưa xứng tầm quy mô quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều du khách đến tham dự lễ hội Festival Huế thẳng thắn nhìn nhận rằng, Festival Huế vẫn còn nhiều “sạn”. Ví như chương trình triển lãm “Dấu ấn văn hóa kinh đô Huế và Đồng bằng sông Hồng qua các sản phẩm thủ công truyền thống” được tổ chức từ ngày 29-4 đến 4-5 tại Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên- Huế. 

Trước khi diễn ra triển lãm, Ban tổ chức Festival Huế khẳng định đây là hoạt động tham quan không phải mua vé vào cổng. Tuy nhiên từ thời điểm khai mạc, với cách thức phân lô để tổ chức chương trình ca nhạc trong khu vực triển lãm, Ban tổ chức đã buộc người dân và du khách mua vé khi tham quan vào buổi tối với giá 30.000 đồng/vé người lớn và 10.000 đồng/vé trẻ em. 

Để vào cổng xem triển lãm “Dấu ấn văn hóa kinh đô Huế và Đồng bằng sông Hồng qua các sản phẩm thủ công truyền thống”, du khách phải mua vé dù là chương trình miễn phí.

Điều đáng nói, trên những tấm vé này không in ngày tháng, không có con dấu, chỉ in mức giá và hình ảnh ca sĩ. Tại khu vực trình diễn ca nhạc, khách muốn có chỗ ngồi phải thuê ghế với giá 10.000 đồng/chiếc; dịch vụ giải khát cũng chém giá “cắt cổ” với mức 30.000 đồng/ly nước mía và 50.000 đồng/trái dừa.

Trong khi đó, nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật trong lễ hội được nhiều du khách nhận xét là chưa xứng tầm với một Festival tầm cỡ quốc tế và có kịch bản quá nghèo nàn. Như chương trình nghệ thuật đêm khai mạc vào tối 29-4 tại sân khấu trước Ngọ Môn- Đại Nội Huế được đánh giá chưa làm nổi bật nét văn hóa đặc sắc của Huế, thậm chí người xem còn phát hiện có tiết mục được diễn nhiều lần qua các kỳ festival. 

Bên cạnh đó, dù sân khấu được thiết kế quá hoành tráng nhưng nhiều tiết mục chỉ có 7 đến 10 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, không tạo ra được sự hấp dẫn, cuốn hút.

Nhiều chương trình nghệ thuật tại lễ hội Festival Huế được đánh giá chưa làm nổi bật văn hóa Huế.

Ngoài ra, do lễ hội Festival diễn ra vào dịp lễ 30-4 và 1-5 nên có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở Huế đã cố tình tăng giá phòng lên gấp 100 đến 200% so với mức giá ngày thường khiến nhiều du khách bất bình.

Qua 9 kì tổ chức lễ hội Festival Huế, đến nay lễ hội này đã trở thành một thương hiệu của Huế nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, phải làm sao để lễ hội Festival không bị nhàm chán, du khách không bị chặt chém, các chương trình văn hóa nghệ thuật diễn ra không bị trùng lặp thì Huế cần phải nỗ lực hơn nữa...

Anh Khoa
.
.
.