Kim sách, kim ấn triều Nguyễn hồi hương sau 70 năm

Thứ Tư, 10/08/2016, 10:28
Trong số hàng ngàn món bảo vật, cổ vật được chuyển ra Hà Nội khi triều đại nhà Nguyễn kết thúc vào năm 1945 thì đến nay, sau 70 năm, một số kim sách, kim ấn đúc bằng vàng, bạc mạ vàng từ thời các vua Nguyễn lần đầu tiên mới được trở lại Cố đô…

Năm 1802, sau khi lên ngôi lập nên triều Nguyễn, vua Gia Long đã bắt đầu cho đúc kim sách. Đây là một loại thư tịch cổ được làm bằng vàng, ghi lại những sự kiện trọng đại của triều đình, dành cho hoàng đế, hoặc hoàng hậu.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế cho biết, ngoài kim sách bằng vàng, triều Nguyễn còn cho đúc các loại sách bằng bạc, bạc mạ vàng, bằng đồng hoặc bằng lụa, dùng để ghi chép các sự kiện như lập thái tử, tấn tôn các phi tần trong hậu cung...

Lời sách do đích thân hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Việc chế tạo giao cho Hữu ty của Bộ Lễ thực hiện. Kim sách làm theo khổ hình chữ nhật đứng, bìa trước và bìa sau trang trí hình rồng 5 móng hoặc hình phượng, gáy đóng khuyên.

Kim ấn, kim sách được “hồi hương” trở về Cố đô thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và người dân.

Bên cạnh đó, trong suốt 143 năm tồn tại, các vua chúa nhà Nguyễn còn cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc (gọi là kim bảo), chưa kể số ấn tín quý khác dùng trong hoạt động hành chính của triều đình.

Đặc biệt từ thời vua Đồng Khánh trở về sau, triều Nguyễn cho đúc thêm nhiều ấn bằng vàng và bạc, ví như thời Thành Thái (1889-1907) đúc 10 chiếc; thời Khải Định (1916-1925) đúc 12 chiếc và 8 chiếc thời Bảo Đại (1925-1945). “Những kim ấn này được xem là biểu thị cho quyền lực tối cao của hoàng đế và cả của triều đại, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước dưới thời Nguyễn”, ông Hải nói.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, mặc dù kim ấn triều Nguyễn có rất nhiều, nhưng ngược lại chỉ có ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo (ấn hình vuông, có quai hình tượng lân vờn ngọc, cao 6,3cm, cạnh 10,84cm) đúc vào năm 1709 thời chúa Nguyễn Phúc Chu được truyền làm Quốc bảo của nhà Nguyễn. 

Ngày 30-8-1945, sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại tại Ngọ Môn Huế, chính quyền cách mạng đã trưng thu tất cả số kim ngọc, bảo tỷ, kim sách cùng nhiều bảo vật giá trị khác của triều Nguyễn để đưa ra Hà Nội.

Kim ấn Hoàng đế Tôn thân Chi bảo đúc vào năm Minh Mạng thứ 8.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế kể lại, vào năm 1945, khi phát động tuần lễ vàng, ông Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch Hội phát động báo với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Cần nấu chảy toàn bộ số vàng bạc tiếp quản từ triều Nguyễn để tăng ngân lượng phục vụ kháng chiến”, Bác điềm tĩnh bảo: “Nếu làm như thế thì một ngày nào đó thống nhất, chúng ta lấy bằng chứng gì để khẳng định đất nước ta có mấy ngàn năm văn hiến”. Chính nhờ ý kiến sáng suốt của Hồ Chủ tịch mà số bảo vật vô cùng quý giá này được còn lưu giữ độc bản đến tận hôm nay.

Sau sự việc ấn vàng Hoàng hậu chi bảo nặng 4,9kg của Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) quyên tặng trong Tuần lễ vàng bị mất trộm vào năm 1961, để đảm bảo an toàn nên số bảo vật kim ấn, kim sách được chuyển sang kho của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lưu giữ.

Năm 2007, Ngân hàng Nhà nước lại bàn giao toàn bộ số hiện vật quý giá triều Nguyễn cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) gìn giữ. Dù Cố đô Huế vốn là nơi xuất xứ của các kim ấn, kim sách triều Nguyễn nhưng nhiều năm qua, những bảo vật quý giá này lại không hiện hữu trong Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ 25 chiếc ấn vàng, 7 chiếc ấn bạc mạ vàng, 12 chiếc ấn bạc của các bậc Hoàng đế triều Nguyễn. Ngoài ra còn có 8 chiếc ấn vàng, 16 chiếc ấn bạc mạ vàng và 3 chiếc ấn bạc của các bậc vương hậu cùng 94 kim sách triều Nguyễn.

Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đồng ý cho Trung tâm BTDT Cố đô Huế “mượn” 1 kim ấn và 3 kim sách nhằm trưng bày giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước nhân dịp Festival Huế 2016. Các bảo vật gồm chiếc kim ấn Hoàng đế Tôn thân Chi bảo (đúc bằng vàng vào năm Minh Mạng thứ 8, ấn nặng 8.989gr).

Riêng kim sách có 2 cuốn bằng vàng niên đại Gia Long thứ 5 (1806), trọng lượng 1371gr và niên đại Minh Mạng thứ 21 (1840), trọng lượng 4529gr; cuốn thứ ba là bạc mạ vàng, có niên đại năm Minh Mạng thứ 11 (1830), trọng lượng 1349gr...

“Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nhiều bảo vật của triều Nguyễn đã trở thành sở hữu chung của quốc gia. Điều đáng nói là sau hơn 70 năm, một số bảo vật là kim ấn, kim sách triều Nguyễn được đưa trở lại Cố đô Huế để người dân, du khách chiêm ngưỡng là việc làm ý nghĩa. Vì thế tới đây đơn vị sẽ tiếp tục hợp tác với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để đưa các cổ vật về Huế giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng”, ông Hải khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.